Khi nào chiến tranh Ukraine kết thúc?

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Getty Images)

Để trả lời câu hỏi này, tờ Wall Street Journal đã tìm đến một số chuyên gia về các vấn đề quốc tế. Sau đây là cảm nghĩ của họ.

Rafael Arbex-Murut, Khoa khoa học dữ liệu và thông tin Đại học California, Berkeley: Vladimir Putin cần phải ra đi

Cuộc chiến ở Ukraine là một phần trong kế hoạch chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Là một cựu điệp viên KGB, ông Putin được thúc đẩy bởi viễn cảnh khôi phục nước Nga như những gì ông tin là vinh quang của Liên Xô trước đây. Điều này giải thích cho việc ông sáp nhập Crimea năm 2014 và phát động cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 mà ông gọi là “chiến dịch đặc biệt”.

Putin muốn khiêu khích phương Tây bằng cách mở rộng lãnh thổ và củng cố quyền lực của nước Nga, tất cả đều dưới chiêu bài “phi quân sự hóa” Ukraine, chống tân phát xít. Cuộc chiến ở Ukraine chỉ kết thúc khi Putin mất quyền lực. Sau khi ông ta ra đi, có thể Nga sẽ trở thành một quốc gia dân chủ nếu các biện pháp trừng phạt và phản đối chiến tranh phát huy tác dụng. Hoặc có thể một nhà chuyên quyền tham nhũng không kém sẽ thay thế ông Putin và giữ nguyên hệ thống chính trị hiện nay.

Nếu Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo của Tập đoàn quân tư nhân Wagner thành công trong cuộc nổi loạn của mình, thì chúng ta có thể đã thấy chiến tranh kết thúc nhưng chế độ độc tài chính trị vẫn tiếp tục. Bất chấp điều đó, cơ sở ủng hộ Putin bắt đầu rạn nứt khi các công dân Nga và các nhân vật chính trị tuyên bố phản đối chế độ. Phương Tây cần tận dụng cơ hội bằng cách tiếp tục hỗ trợ Ukraine trên chiến trường và đấu trường quốc tế.

William Rampe, Khoa hành chính công Đại học Hamilton: Tùy thuộc vào Ukraine

Việc Ukraine bảo vệ lãnh thổ của mình là chính đáng. Người dân Ukraine xứng đáng được tôn vinh vì lòng dũng cảm và tình yêu đất nước. Nhưng nhận thức đó không làm cho chiến thắng của Ukraine và thất bại của Nga trở thành mối quan tâm sống còn của Hoa Kỳ. Mỹ cần xem xét lại các chính sách liên quan đến Ukraine, đặc biệt là cam kết viện trợ và mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) vừa công bố báo cáo tổng viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine đã vượt quá $76 tỷ, nhiều hơn gấp đôi so với những gì Liên minh Châu Âu (EU) đã cung cấp cho Ukraine cho cùng lý do tương tự và nhiều hơn năm lần tổng số tiền Hoa Kỳ đã chi trong những năm gần đây cho sáu nước nhận viện trợ xếp sau Ukraine. Dù vẫn còn thấp so với những gì cần thiết, nhưng chi tiêu ở quy mô này sẽ không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Hoa Kỳ mãi mãi.

Tổng thống Biden đã thể hiện sự mập mờ về địa chính trị khi gần đây ông cam kết chỉ chào đón Ukraine gia nhập NATO trong tương lai vì ngại khiêu khích Nga. Nhưng Nga có động cơ để kéo dài cuộc xung đột vô thời hạn cho đến khi chiến thắng. Tại sao cuộc chiến lại kết thúc khi Mỹ đã cam kết giữ Ukraine nằm ngoài NATO và phía bên kia vẫn tấn công? Một nước Nga suy yếu sẽ dẫn đến một thế giới an toàn hơn, nhưng mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh tay và tăng cường sản xuất vũ khí để Ukraine có những thứ mà họ sử dụng khi cần.

Thông qua viện trợ quân sự nước ngoài, Hoa Kỳ có thể cung cấp cho Ukraine các khoản vay để mua vũ khí và sau đó sẽ thanh toán bằng các tài sản của Nga bị Hoa Kỳ và EU đóng băng. Chỉ Ukraine mới có thể quyết định xem họ muốn kết thúc chiến tranh bằng hòa giải hay chiến thắng. Việc chiếm lại Crimea chắc chắn là một khả năng, nhưng Ukraine sẽ cần quyết định xem làm như vậy có xứng đáng với cái giá phải trả hay không.

Một cuộc biểu tình lên án Putin tại Brussels, Bỉ (ảnh: Thierry Monasse/Getty Images)

Stephen Tahbaz, Khoa chính trị, triết học và kinh tế Đại học Pennsylvania: Nghĩ về hình ảnh nước Mỹ

Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Nga với Ukraine. Trên mặt đất, sự an toàn mà người dân Ukraine có được là nhờ viện trợ của Hoa Kỳ. Các hệ thống phòng thủ trên không và mặt đất tiên tiến của chúng ta đã bảo vệ vô số phụ nữ và trẻ em để họ không sẽ bị pháo binh Nga bắn phá tàn nhẫn.

Ở cấp độ địa chính trị, bất kỳ dàn xếp nào không trả Crimea về cho Ukraine đều có vẻ không tốt như cuộc rút quân thảm khốc ở Afghanistan của Biden, trong đó vô số đồng minh bị bỏ lại phía sau, khiến Hoa Kỳ tỏ ra yếu thế trên trường quốc tế. Các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, hiện nhìn về Ukraine như một phép thử đối với sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài. Hãy để họ thấy một quốc gia quyết tâm thực hiện sứ mệnh bảo vệ tự do và bảo vệ các đồng minh của mình.

Eli Kravinsky, Khoa khoa học chính trị Đại học Haverford: Vấn đề thời gian

Những thất bại trong chiến dịch của Nga đã biến quân đội Nga thành một mớ hỗn độn không thể hòa giải với đội quân tư nhân và mở ra những rạn nứt giữa các chỉ huy Nga ngoài tiền tuyến và các lãnh đạo chính trị của họ. Cuộc đảo chính thất bại của Wagner vào tháng trước chỉ là ví dụ gần nhất về sự thoái hóa này nhưng sẽ không phải là cuối cùng. Ông Putin trước đây dựa vào sự lừa dối, chiến tranh kinh tế và áp dụng hạn chế lực lượng quân sự để đạt được mục tiêu của mình ở nước ngoài, nhưng chiến lược này không còn hiệu nghiệm vì đã đạt đến giới hạn.

NATO không có dấu hiệu giảm hỗ trợ cho Ukraine và châu Âu gần như đã hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga để chuyển sang nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng không phải của Nga. Nga về cơ bản đã trở thành một quốc gia bị bỏ rơi, như đã thấy gần đây trong bản cáo trạng của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court) đối với Putin. Ngay cả khi Ukraine phải đối mặt với những thất bại trong cuộc phản công, thời gian vẫn đứng về phía họ. Dù không thể đạt được một bước đột phá ấn tượng như mong muốn nhưng Ukraine cũng có thể giành chiến thắng bằng cách từ từ đẩy các lực lượng đang suy yếu và mất tinh thần của Nga quay trở lại đường biên giới thực sự của nước này vào năm 1991.

Sam Walhout, Khoa kinh tế Đại học Brown: Cuộc chiến bất tận

Cuộc chiến ở Ukraine sẽ không bao giờ kết thúc. Cuộc chiến có thể chấm dứt, các giải pháp ngoại giao có thể đạt được, nhưng chiến tranh kinh tế sẽ tiếp diễn. Máy bay không người lái, vệ tinh, hạn chế thương mại và trừng phạt kinh tế là những vũ khí cân não của chiến tranh hiện đại. Nga có thể tạm ngưng huy động xe tăng, nhưng tình trạng chiến tranh ở Đông Âu vẫn tiếp diễn chừng nào họ còn tranh giành quyền bá chủ tài chính thông qua các biện pháp thù địch.

Hoa Kỳ không tham chiến tích cực ở Ukraine, nhưng thông qua việc cho vay và cho thuê vật tư chiến tranh, nước Mỹ cũng đang chiến đấu. Viện trợ nước ngoài sẽ luôn sẵn sàng cho Ukraine, ngay cả khi chiến tranh kết thúc. Cuộc đấu tranh cho tự do và công lý sẽ không bao giờ có hồi kết. Và sẽ thật ngu ngốc nếu tin như thế.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo