Không nhà, hoà bình cũng không…

Một người dân Palestine giữa nơi trước đây từng là nhà của họ, nay trở thành đống hoang tàn sau cuộc không kích của Israel ngày 10 Tháng Mười, 2023. Ảnh: Ahmad Hasaballah/Getty Images

Hai lực lượng chính trị hiện đang nắm quyền kiểm soát Palestine là Hamas và Fatah. Tư tưởng hoạt động của Hamas là Hồi giáo, với chiến lược đối phó Israel bằng vũ trang. Từ năm 2007, sau cuộc nội chiến với Fatah, Hamas giành quyền kiểm soát Dải Gaza. Hamas từ chối công nhận nhà nước Israel và phản đối kịch liệt các hiệp định hòa bình do Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đàm phán vào giữa những năm 1990. Hamas bị Israel, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Canada, Ai Cập, và Nhật Bản liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. 

Ngược lại, phong trào Fatah được thành lập và lãnh đạo bởi cố lãnh tụ Yasser Arafat, chủ trương tách biệt chính trị khỏi tôn giáo, với chiến lược đối phó với Israel bằng đàm phán. Lãnh đạo hiện tại của Fatah là Mahmound Abbas, cũng là Tổng thống Palestine, nắm quyền cai trị Bờ Tây (West Bank). 

Một góc Gaza sau cuộc phản công của Israel ngày 10 Tháng Mười 2023 (ảnh: Ahmad Hasaballah/Getty Images)

Hai lực lượng Hamas và Fatah đã liên tục bị nhấn chìm trong các mâu thuẫn trong vài thập kỷ qua. Các thỏa thuận nhằm giải quyết xung đột đều thất bại. Chính quyền Abbas hoan nghênh kế hoạch tái thiết hòa bình của Saudi với Israel, trong đó Israel sẽ chuyển giao một phần đáng kể đất đai do Israel kiểm soát còn lại ở Bờ Tây cho chính quyền Abbas. Tuy nhiên, cuộc tấn công bất ngờ và tàn bạo của Hamas vào hôm thứ Bảy vừa qua đã hủy hoại kế hoạch hòa bình đó.

Sự tồn tại của Hamas ở Dải Gaza dường như có công lớn của Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu. Theo các chuyên gia, Netanyahu đã liên tục nhấn mạnh rằng Hamas không phải là một mối đe dọa thực sự đối với Israel và cần phải duy trì sự hiện diện của nó ở Dải Gaza để thuyết phục người dân Israel và cộng đồng quốc tế rằng Israel không có đối tác hòa bình. Tóm lại, đối với Netanyahu và toàn bộ phe cánh hữu của Israel, Hamas là một dạng “bảo hiểm” trước mọi áp lực quốc tế. 

Hoảng loạn và sợ hãi

Trong gần 17 năm, Dải Gaza gần như bị cắt đứt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Dưới sự cai trị của Hamas từ năm 2007, Gaza đang bị Ai Cập và Israel bao vây nghiêm ngặt, cũng như phong tỏa trên không và hải quân. Các tổ chức nhân quyền thế giới mô tả Dải Gaza là “nhà tù ngoài trời lớn nhất thế giới.”

Dải Gaza là một trong những khu vực đông dân nhất trên trái đất, với khoảng 2 triệu người sống trong khu vực lãnh thổ nhỏ bé: dài 41km và rộng 10km. Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, 2 triệu người Palestine sống ở đây đã có những cảm xúc lẫn lộn. Một số vui mừng, vì họ xem đây là một chiến thắng trước Israel. Tuy nhiên, những người còn lại hoảng sợ, và lo lắng về một sự trả thù chết người từ Israel.

Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Yoav Gallant, đã ra lệnh “bao vây toàn diện” Dải Gaza: “Không điện, không thức ăn, không nhiên liệu”, đồng thời cho biết nguồn nước cung cấp cho khu vực này cũng sẽ bị cắt. 

Theo Bộ Quốc phòng Israel, số lượng người Israel thiệt mạng từ các cuộc tấn công của Hamas là khoảng 1000 người. Bộ Y tế Palestine tại Gaza cho biết hôm thứ Hai ít nhất 750 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 2.900 người khác bị thương. 

Salim Hussein, 55 tuổi, vừa trở thành người vô gia cư, khi tòa nhà nơi ông ở đã trở thành mục tiêu trong một cuộc không kích của Israel. Hussein nói với CNN rằng chính quyền Israel đã thông báo với anh và gia đình chỉ vài phút trước khi tòa nhà bị tấn công, cho biết: “Chúng tôi rời (tòa nhà) chỉ với bộ quần áo đang mặc trên người,” và nói thêm rằng anh và gia đình giờ đây không còn gì và không còn nơi nào để đi.

Hani el-Bawab, 75 tuổi, cho biết ông và gia đình bốn người đã thức suốt đêm vì lo sợ các cuộc không kích. Ông nói, người Palestine ở Dải Gaza đang sống trong “hoảng loạn và sợ hãi.” 

Quân đội Israel cho biết đang tập trung vào việc giành quyền kiểm soát Dải Gaza và kêu gọi dân thường ở đó rời khỏi các khu dân cư gần biên giới ngay lập tức vì sự an toàn. Nhưng hầu hết người dân sinh sống ở Dải Gaza không có cách nào thoát khỏi vùng đất bị bao vây. Tất cả các cửa khẩu ra khỏi lãnh thổ đều bị đóng cửa.

Các nhóm nhân đạo đã kêu gọi tạo các con đường riêng để cung cấp thuốc và lương thực vào Dải Gaza. Tuy nhiên, Israel hiện đã ngừng vận chuyển thực phẩm, nhiên liệu, và thuốc men vào Dải Gaza.

Hoà bình ư? Chuyện thật xa vời với hàng triệu người Palestine. Ảnh: Amir Levy/Getty Images

Hòa bình là xa xỉ

Cuộc tấn công Israel đầy bất ngờ của Hamas được cho là đòn trả thù, vì điều kiện sống của người Palestine ngày càng tồi tệ dưới sự chiếm đóng của Israel ở Dải Gaza. Sự tuyệt vọng ngày càng gia tăng của đại đa số người Palestine, khi họ thấy không có gì để mất, dưới sự kiểm soát không ngừng của Israel, việc gia tăng các khu định cư ở Bờ Tây, lệnh phong tỏa kéo dài 16 năm ở Dải Gaza, và đặc biệt là sự thờ ơ của thế giới đối với số phận Palestine.

Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, trong một tuyên bố không nhắc đích danh Hamas, Bộ Ngoại giao chính quyền Palestine cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo về hậu quả của việc ngăn chặn chân trời chính trị và không cho phép người dân Palestine thực hiện quyền tự quyết hợp pháp của mình.

Chính quyền Palestine đổ lỗi cho Israel vì đã “phá hủy tiến trình hòa bình” và nói rằng “không có giải pháp nào cho tính chính đáng của người Palestine” cùng với “sự im lặng của cộng đồng quốc tế” trước những cáo buộc tội ác của Israel, và tiếp tục “sự bất công và áp bức mà người dân Palestine phải hứng chịu” là nguyên nhân chính của cuộc chiến hiện tại cũng như sự mất an ninh trong khu vực.

Theo một thăm dò mới nhất của tạp chí Arab News có trụ sở tại thủ đô London, phần lớn (63%) người Palestine trả lời rằng họ không xem Hamas, hay Fatah là đại diện của mình. Và 75% không tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của cả hai tổ chức này. Chỉ có 1 trong 4 người Palestine vẫn tin tưởng vào khả năng của giới lãnh đạo Palestine trong việc đàm phán một giải pháp hòa bình thực sự với Israel. 

Nhà báo và nhà phân tích người Mỹ gốc Palestine, Ramzy Baroud, cho biết:

Người Palestine đã mất niềm tin vào giới lãnh đạo của họ nhiều năm trước. Sự thiếu tin tưởng này phần lớn liên quan đến tình trạng tham nhũng trong chính quyền Palestine, nhưng cũng liên quan đến việc giới lãnh đạo hoàn toàn không đạt được chiến thắng chính trị. Chỉ có một tiến trình hòa bình mới sẽ có thể khơi dậy niềm tin của người Palestine.

Tuy nhiên, với cuộc chiến đẫm máu đang diễn ra giữa IsraelHamas, giấc mơ hòa bình của hàng triệu người Palestine dường như ngày càng viển vông. 

 


Đọc thêm chuyên mục:

LÒ LỬA TRUNG ĐÔNG

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: