Như tin đã đưa, hàng ngàn người di cư từ Trung Đông, Afghanistan và châu Phi tụ tập trên biên giới Belarus giáp với Ba Lan, tìm cách vào Ba Lan và từ đó đi đến các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU), làm nổ ra một cuộc xung đột giữa hai quốc gia Đông Âu có nguy cơ gia tăng thành điểm nóng và lôi kéo cả sự can dự của Nga và khối NATO.
EU hôm Thứ Tư cáo buộc Belarus thực hiện một “cuộc tấn công hỗn hợp” bằng cách đẩy người di cư qua biên giới vào Ba Lan. Các quan chức EU nói rằng Tổng thống Aleksandr G. Lukashenko của Belarus, tức giận bởi các lệnh trừng phạt của EU vì hành vi đàn áp chính trị của ông ta ở trong nước, đang trả đũa bằng cách cho phép những người xin tị nạn bay đến Belarus và sau đó đưa họ đến Ba Lan, Lithuania và Latvia – các nước thành viên EU. Các nhà quan sát gọi thủ đoạn sử dụng người tị nạn để gây sức ép về chính trị là “ngoại giao người tị nạn” (refugee diplomacy) – một hiện tượng thường xảy ra ở châu Âu và Mỹ.
Số lượng người di cư đã tăng từ vài chục người lên hàng nghìn người trong những ngày gần đây. Warsaw cho biết, người di cư đã nhiều lần cố gắng tìm cách vào Ba Lan trong đêm qua, buộc Ba Lan phải tăng cường các lực lượng bảo vệ bổ sung trên biên giới. Hàng nghìn người bị mắc kẹt ở biên giới khi mùa Đông khắc nghiệt bắt đầu. Tám người đã chết ở biên giới cho đến nay, theo các nhà chức trách Ba Lan.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng mới, các nhà lãnh đạo EU đã tạm gác các tranh chấp của riêng họ với chính phủ Ba Lan, cam kết đoàn kết trong nỗ lực ngăn chặn người di cư. Đồng thời, EU đang tính ban hành các lệnh trừng phạt mở rộng đối với Minsk. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel cho biết các lệnh trừng phạt mới có thể ban hành vào Thứ Hai tuần tới, áp đặt các biện pháp cấm vận đối với khoảng 30 quan chức chính phủ và hãng hàng không quốc gia Belarus, liên quan đến việc vận chuyển người di cư từ các nước Trung Đông đến Minsk, thủ đô của Belarus. EU cũng sẽ xem xét khả năng cấp vốn xây dựng một bức tường ở biên giới Ba Lan, cũng là biên giới phía Đông của khối EU.
Về phần mình, Ba Lan đã điều khoảng 17,000 quân đến canh gác biên giới và cáo buộc chính phủ Nga chỉ đạo nỗ lực này. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu trước Quốc hội Ba Lan hôm qua Thứ Ba: “Lukashenko là kẻ thực hiện vụ tấn công mới nhất, nhưng vụ tấn công có một nhà bảo trợ ở Moscow, và nhà bảo trợ đó là Tổng thống Putin.”
Đáp lại, bà Maria V. Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, gọi những cáo buộc của Ba Lan rằng Nga đứng sau cuộc khủng hoảng là sai sự thật “vượt quá mọi giới hạn và chuẩn mực”.
Moscow cho biết việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus vì cuộc khủng hoảng là không thể chấp nhận được. Đồng thời, Nga đã thực hiện bước đi hiếm hoi là điều hai máy bay ném bom chiến lược đến tuần tra không phận Belarus, thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh thân cận của mình. Theo Reuters, máy bay ném bom Tupolev Tu-22M3 mà Nga cử tới Belarus có khả năng mang tên lửa hạt nhân, bao gồm cả tên lửa siêu thanh được thiết kế để né tránh hệ thống phòng không tinh vi của phương Tây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói ông hy vọng những người châu Âu có trách nhiệm sẽ “không cho phép mình bị cuốn vào một vòng xoáy khá nguy hiểm”.
Chính phủ Ba Lan đã thông báo tình hình cho các đồng minh NATO tại một cuộc họp kín và được khối này cam kết ủng hộ.
***
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet kêu gọi các quốc gia giảm căng thẳng và giải quyết cuộc khủng hoảng.
Từ Washington, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden: “Vào đầu tuần tới, sẽ có một đợt nới rộng các biện pháp trừng phạt đối với Belarus. Chúng tôi sẽ xem xét khả năng xử phạt những hãng hàng không tạo điều kiện cho nạn buôn người hướng tới Minsk và sau đó là biên giới EU-Belarus.”
Tổng thống Biden và bà von der Leyen đã đề cập đến tình hình nhân đạo ở biên giới của Liên minh châu Âu với Belarus và bày tỏ “quan ngại sâu sắc về các dòng di cư bất thường”, theo thông tin từ Tòa Bạch Ốc. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Washington sẽ tiếp tục gây áp lực lên Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko “chừng nào chế độ này từ chối tôn trọng các nghĩa vụ hoặc cam kết quốc tế của mình, chừng nào nó còn phá hoại hòa bình và an ninh ở châu Âu và tiếp tục đàn áp và ngược đãi người dân…”
Tổng thống Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đổ lỗi cho EU đã cố gắng “bóp nghẹt” Belarus bằng kế hoạch đóng cửa một phần biên giới. Belarus cũng đã điều quân tới biên giới, đối mặt với quân đội Ba Lan trong một không khí căng thẳng bất ngờ.
***
Đây không phải là lần đầu tiên EU phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Vào năm 2015, khối này đã bị lung lay mạnh bởi hơn một triệu người chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Afghanistan, gây áp lực lên biên giới phía Nam của EU ở các nước Ý và Tây Ban Nha. Ứng xử như thế nào đối với dòng người di cư này là chuyện đã dẫn đến rạn nứt sâu sắc giữa các quốc gia thành viên EU, gây căng thẳng cho hệ thống an sinh xã hội và giúp cho các đảng cực hữu chủ trương chống di dân giành được sự ủng hộ của cử tri.
EU lần này có vẻ đoàn kết hơn nhưng so với năm 2015, cuộc khủng hoảng hiện tại có thêm một khía cạnh địa chính trị khi nó đang mở ra ranh giới phân chia giữa NATO phía Tây và Belarus – đồng minh của Nga – phía Đông, gây căng thẳng cho quan hệ giữa Nga và NATO.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với các phóng viên rằng bà đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, thúc giục ông Putin sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Tổng thống Lukashenko để ngăn chặn dòng người tị nạn “bởi vì người di cư đang bị lợi dụng, có thể nói, họ đã trở thành nạn nhân của một chính sách vô nhân đạo – và cần phải làm gì đó”. Điện Kremlin cho biết ông Putin nói với bà Merkel rằng EU nên nói chuyện trực tiếp với Belarus.