Làn sóng lo sợ TikTok: Từ Mỹ đến nhiều nước thế giới

(ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Ngày 13 Tháng Ba 2024, với tỉ lệ 352 phiếu thuận (và 65 chống), Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật với sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, dẫn đến khả năng chủ sở hữu của TikTok phải bán ứng dụng video cực kỳ phổ biến này, nếu không, TikTok sẽ không được hoạt động ở Mỹ.

Vụ việc làm leo thang cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington về việc kiểm soát một loạt công nghệ có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, quyền tự do ngôn luận và truyền thông xã hội. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng thông qua dự luật tại Hạ viện với số phiếu 352/65.

Dự luật đang đối mặt chặng đường khó khăn để được thông qua tại Thượng viện, nơi Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân chủ) và là lãnh đạo phe đa số, đã không cam kết về việc đưa nó ra sàn để bỏ phiếu. Một số nhà lập pháp cũng tuyên bố chống lại dự luật. Và ngay cả khi được Thượng viện thông qua và trở thành luật, nó vẫn có thể phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý.

Dự luật yêu cầu công ty mẹ ByteDance bán TikTok cho các chủ sở hữu không phải người Trung Quốc trong vòng sáu tháng. Nếu việc mua bán không được thực hiện, ứng dụng TikTok sẽ bị cấm tại Mỹ. Dân biểu Mike Gallagher, đảng viên Cộng hòa Wisconsin, một trong những nhà lập pháp dẫn đầu dự luật, đã phát biểu trước cuộc bỏ phiếu rằng điều đó “buộc TikTok phải chia tay với Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Với 170 triệu người dùng ở Mỹ, TikTok cho biết họ luôn nỗ lực bảo vệ dữ liệu người dùng, rằng không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh sử dụng TikTok để lấy dữ liệu người dùng Hoa Kỳ hoặc để gây ảnh hưởng đến quan điểm cũng như quyền tự do ngôn luận của người Mỹ. TikTok đã chi hơn $1 tỷ cho một kế hoạch mở rộng có tên Project Texas nhằm xử lý dữ liệu nhạy cảm của người dùng Hoa Kỳ một cách tách biệt với các hoạt động còn lại của công ty. Kế hoạch đó đã được xem xét trong vài năm bởi một hội đồng được gọi là Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS).

Vụ việc liên quan TikTok chưa  nhận được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị Mỹ. Rất bất thường khi một dự luật nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng nhưng đồng thời lại chia rẽ cả hai đảng. Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ ký thành luật, nhưng các lãnh đạo hàng đầu của Hạ viện, trong đó có dân biểu Katherine Clark của Massachusetts, nhân vật Dân chủ số hai tại Hạ viện, đã bỏ phiếu chống lại dự luật. Từng cấm TikTok lúc còn ngồi ghế tổng thống, giờ đây Donald Trump cũng phản đối dự luật (trong khi những đồng minh mạnh nhất của Trump tại Hạ viện, trong đó có dân biểu Elise Stefanik, đã bỏ phiếu tán thành).

ByteDance được thành lập năm 2012 tại Bắc Kinh. Người sáng lập công ty, Trương Nhất Minh (Zhang Yiming), khi đó là một kỹ sư phần mềm 29 tuổi, trở thành gương mặt doanh nhân nổi tiếng nhất nhì Trung Quốc. Một trong những sản phẩm sớm nhất và phổ biến nhất của ByteDance là công cụ tổng hợp tin tức được hỗ trợ bởi AI Jinri Toutiao, phần lớn được sử dụng ở Trung Quốc.

Năm 2016, công ty ra mắt ứng dụng video ngắn Douyin (Đẩu Âm), nhanh chóng trở thành ứng dụng cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc. Năm 2017, công ty ra mắt phiên bản quốc tế của Đẩu Âm, gọi là TikTok, trở thành ứng dụng đầu tiên của Trung Quốc vươn ra toàn cầu. ByteDance, trị giá $268 tỷ USD vào Tháng Mười Hai 2023, là một trong những công ty internet thành công nhất Trung Quốc. Một thông cáo vào Tháng Năm 2023 của TikTok cho biết khoảng 60% ByteDance “thuộc sở hữu các nhà đầu tư toàn cầu như Carlyle Group, General Atlantic và Susquehanna International Group,” với khoảng 20% thuộc sở hữu “nhân viên ByteDance trên toàn thế giới” và phần còn lại thuộc sở hữu của người sáng lập.

ByteDance từng nhiều lần nói rằng họ chưa bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ với chính quyền Trung Quốc, nhưng các nhà lập pháp Hoa Kỳ chỉ ra rằng chẳng có công ty hoặc doanh nghiệp nào của Trung Quốc lại có thể dám cãi lại những đòi hỏi của Bắc Kinh, đặc biệt lĩnh vực an ninh và tình báo. Trong phiên điều trần vào Tháng Ba 2023 trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện, Giám đốc điều hành TikTok Chu Thự Tư (Shou Zi Chew, 周受资) nhấn mạnh rằng, TikTok “với tư cách là một công ty Hoa Kỳ được thành lập tại Hoa Kỳ, phải tuân theo luật pháp Hoa Kỳ”.

Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên làm khó TikTok. Một số nước đã thực hiện các bước để cấm hoặc hạn chế ứng dụng phổ biến này.

TikTok đã bị cấm ở Ấn Độ vào năm 2020 trước những lo ngại về an ninh, sau khi xảy ra cuộc đụng độ quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới Hy Mã Lạp Sơn. Lệnh cấm vĩnh viễn được ban hành vào Tháng Giêng 2021. Ấn Độ cấm hơn 50 ứng dụng Trung Quốc, trong đó có TikTok và ứng dụng nhắn tin WeChat.

Nepal công bố lệnh cấm TikTok vào cuối năm 2023. Bộ trưởng truyền thông và công nghệ thông tin nước này nói rằng TikTok đã “được sử dụng liên tục để chia sẻ nội dung làm xáo trộn sự hòa hợp xã hội”. Tại Liên minh châu Âu (EU), năm 2023, các cơ quan trọng yếu chịu trách nhiệm hoạch định chính sách – Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Hội đồng Châu Âu – đã cấm nhân viên sử dụng/cài đặt ứng dụng TikTok trên điện thoại. Ủy ban Châu Âu nói rằng biện pháp này giúp bảo vệ “trước các mối đe dọa an ninh mạng và những hành động có thể bị lợi dụng để tấn công mạng”. Nhân viên chính phủ ở một số nước trong 27 thành viên của khối EU, trong đó có Bỉ, Đan Mạch và Hà Lan, cũng được yêu cầu không sử dụng TikTok trên thiết bị điện thoại dùng làm việc.

Tháng Hai 2023, Canada đã cấm cài đặt TikTok trên tất cả điện thoại do chính phủ cấp, sau các bước tương tự được thực hiện ở Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. Chính phủ Canada cho biết quyết định của họ xuất phát từ việc xem xét ứng dụng “có mức độ rủi ro không thể chấp nhận được đối với quyền riêng tư và bảo mật”.

Năm 2023, Anh đã công bố lệnh cấm cài đặt/sử dụng TikTok trên thiết bị của các bộ trưởng và công chức chính phủ. Quốc hội Anh ngay sau đó cũng đưa ra lệnh cấm TikTok đối với các thiết bị kết nối với mạng của Quốc hội. Tại Úc, nước này đã cấm TikTok trên tất cả thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ liên bang vào năm 2023. Tháng Tư 2023, sắc lệnh chính phủ Úc nói rằng giới chức trách đã xác định “việc cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị chính phủ gây ra rủi ro bảo mật đáng kể”. Đài Loan đã cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ vào năm 2022. Tháng Ba 2023, các nhà lập pháp New Zealand đã đồng ý cấm TikTok trên các thiết bị di động có quyền truy cập vào mạng nghị viện của New Zealand.

_____________

Trung Quốc muốn dùng TikTok để tuyên truyền ra quốc tế

TikTok vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó lường

Thuật toán của TikTok đưa video tình dục đến với trẻ em như thế nào?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: