Tin từ Bộ Thống Nhất Nam Hàn (Ministry of Unification) cho biết chính quyền nước này đón nhận 38 người đào tẩu Bắc Hàn trong quý đầu tiên của năm nay, giảm nhẹ so với con số 43 người của cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tổng số người đào tẩu từ Bắc Hàn xuống Nam Hàn lên đến 34,352 người, điều đáng quan tâm là trong số đó hầu hết là nữ giới, tất cả đều là những người trẻ tuổi. Hơn một nửa số người đến Nam Hàn trong quý đầu tiên ở độ tuổi 20 hoặc 30, tiếp tục xu hướng những người trẻ tuổi đi tìm kiếm cuộc sống mà ở đó họ không phải hành động, yêu, thích, tôn thờ theo lệnh.
Đây là điều mà các nhà nghiên cứu ở Nam Hàn hết sức quan tâm. Bởi thanh thiếu niên ở đất độc tài Bắc Hàn luôn được dùng như mặt trận tiền phong của dư luận thuộc chế độ trong mọi tình huống, và được coi là rất trung thành, nên việc lớp trẻ bí mật đào tỵ sang Nam Hàn ngày càng nhiều, cho thấy có một sự thay đổi âm thầm trong tư duy: vẫn ở hàng đầu làm theo lệnh, nhưng vẫn là lớp đầu tìm con đường đến tự do, khi có cơ hội.
Từ đầu năm đến nay, an ninh ở biên giới Bắc Hàn được siết chặt. Hầu hết những người đào tẩu từ vùng đất này thường đi qua các nước lân cận, và ẩn náu trong một thời gian dài – thậm chí đến 5 năm – trước khi đến xin tị nạn ở các cơ quan ngoại giao Nam Hàn, hoặc các nơi khác, do an ninh chìm của chính quyền Bình Nhưỡng cũng ngày càng rà soát nhiều hơn.
Nam Hàn cho biết số lượng người trốn từ Bắc Hàn vào nước này, dao động khoảng 1,000 người mỗi năm trong suốt những năm 2010. Tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh xuống còn 229 vào năm 2020, khi Bắc Hàn siết chặt biên giới vì đại dịch COVID-19. Tuy vậy, năm 2021 và 2022, vẫn có số người đào tỵ lần lượt là 63 và 67, và bắt đầu tăng nhanh, từ 196 người vào năm 2023.
Có lẽ chính quyền trung ương Bình Nhưỡng cũng nhận ra sự sụp đổ trong tư duy của một lớp trẻ luôn đóng vai cười, khóc theo chỉ thị, nên đang siết chặt các biện pháp trừng phạt – răn đe vào giới thanh thiếu niên.
Hồi năm 2024, các hình ảnh và video xử tội hai thiếu niên 16 tuổi ở Bình Nhưỡng lọt ra ngoài khiến mọi người đều kinh hãi. Lý do là hai em này đã lén cùng xem các bộ phim truyền hình giải trí Nam Hàn đang lưu hành bí mật trong Bắc Hàn. Những em này bị phán xét là bất tuân và vô ơn với chế độ – lãnh đạo.
Sợ hãi những hình ảnh thật ngoài đời, cũng như ý niệm về cuộc sống tự do đang bí mật tràn vào trong giới trẻ, Kim chủ tịch đã ban hành “Đạo luật văn hóa và tư tưởng chống phản động” (Anti-reactionary Ideology and Culture Act) vào năm 2020, đặt nặng các hình phạt như đối phó với một cuộc chiến văn hóa, ra lệnh người dân phải tránh xa tất cả mọi thứ của Nam Hàn, bao gồm thời trang, âm nhạc, kiểu tóc và thậm chí cả tiếng lóng đời thường.
Trong thập niên qua, Nam Hàn nổi lên như một thế lực văn hóa đáng gờm, với các sản phẩm từ trang điểm đến K-pop và K-drama tìm thấy được những người hâm mộ nhiệt tình trên khắp thế giới.
Còn Bắc Hàn, trong nhiều thập niên, gần như hoàn toàn bị đóng cửa với phần còn lại của thế giới, với sự kiểm soát chặt chẽ những thông tin được đưa vào hoặc đưa ra. Các tài liệu nước ngoài bao gồm phim và sách bị cấm, chỉ với một số ngoại lệ khắt khe được nhà nước phê duyệt; Do đó, việc nhìn thấy thế giới thật bên ngoài luôn là một khát khao thầm kín của giới trẻ Bắc Hàn.
Những người bị bắt với hàng lậu văn hóa phẩm nước ngoài thường phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc, những người đào tẩu cho biết. Riêng hai thiếu niên 16 tuổi nói trên bị đưa vào trại lao động khổ sai trong nhiều năm, và được theo dõi, khi nào nhìn thấy có “cải tạo” tốt, sẽ được cứu xét cho về.
Ước muốn được sống thật và quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình vẫn âm thầm phát triển trong hàng rào kẽm gai độc tài. Vào năm 2021, một nhà lập pháp Nam Hàn tham dự cuộc họp báo của cơ quan tình báo nước này cho biết Bình Nhưỡng thật sự khó chịu với việc không thể kiểm soát được tư tưởng con người, nên đặt thêm các quy tắc nghiêm ngặt cho giới trẻ tuổi về ăn mặc và trò chuyện. Chẳng hạn cấm sử dụng thuật ngữ ‘oppa’ cho người tình, người yêu. Thay vào đó, phụ nữ Bắc Hàn buộc phải gọi người yêu của họ là “đồng chí nam,” và phải tự hào về điều ấy.