Sự kiện nhà báo Nga Marina Ovsyannikova (Marina O) bất ngờ xuất hiện khi chương trình tin tức của kênh truyền hình nhà nước Channel One đang phát sóng và đứng sau lưng phát thanh viên với tấm biểu ngữ phản đối chiến tranh ghi “Đừng tin những lời tuyên truyền. Họ đang nói dối bạn” (xảy ra ngày 14 Tháng Ba 2022) đang được nghi là “dàn dựng”. Thực hư như thế nào?
Bất đồng chính kiến hay con cờ của Kremlin?
Sự kiện gây chấn động của Marina O lan rộng khắp thế giới. Như đã biết, ngay sau đó, Marina O bị đưa đến một đồn cảnh sát trong khu phức hợp trường quay truyền hình nhà nước Ostankino, trước khi bị dẫn đến một đồn an ninh bí mật nằm trong khu Triển lãm Thành tựu Kinh tế Quốc gia ở Moscow, nơi được biết đến với tên viết tắt VDNKh và bị giam 14 giờ trong một phòng bí mật. Kể lại với tờ Politico (Mỹ), Marina O cho biết: “Tôi không bị còng tay và không bị tra tấn. Tuy nhiên, những người thẩm vấn tôi rất căng thẳng. Họ không để tôi yên một giây nào. Nếu ai đó phải rời khỏi phòng, một người khác thay thế ngay. Chưa bao giờ bị thẩm vấn, nên tôi hỏi: Tại sao các ông phải canh giữ ngay cả khi tôi vào nhà vệ sinh?”.
Việc thẩm vấn Marina O được thực hiện với hai nam sĩ quan – một người chính, một người phụ. Cả hai ở độ tuổi ngoài 30. “Đây không phải là kiểu thẩm vấn tinh vi như tại Lubyanka (trụ sở Cơ quan An ninh Liên bang Nga), nơi có những người siêu ranh ma đến từ thế giới chính trị nham hiểm. Người điều tra tôi là một anh chàng bình thường” – cô nhớ lại. Trong khi những người thẩm cung làm việc với Marina O, điện thoại của họ liên tục đổ chuông. Cô có thể nghe cấp trên báo với họ là thế giới phản ứng như thế nào trước hành động phản chiến của cô và sự biến mất không để lại dấu vết của cô sau đó. Rồi họ tranh luận về loại tội danh nào chống lại cô.
“Tình hình liên tục thay đổi… Người thẩm vấn nói với tôi: Đây không phải vụ án hành chính mà là tội hình sự, chúng tôi sẽ tống cô vào tù. Có vẻ họ theo dõi phản ứng của tôi và của cộng đồng quốc tế trước khi đưa ra quyết định cuối cùng” – Marina O kể. Khoảnh khắc mang tính “bước ngoặt” đầu tiên diễn ra khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn Marina O, nhưng bước đột phá thực sự đến vào cuối buổi sáng hôm đó, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ lo ngại về số phận Marina O.
“Chúng tôi đang thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ cô ấy bằng qui chế tị nạn” – Tổng thống Macron nói. Không lâu sau phát biểu của Tổng thống Pháp, có ai đó gọi đến điện thoại của người thẩm vấn, với hướng dẫn lấy cung theo hướng vi phạm hành chính với mức án tối đa chỉ 10 ngày tù, chứ không phải tội hình sự có thể lãnh án tù 15 năm theo luật mới. “Tôi có thể nghe một phần cuộc trò chuyện. Tôi hiểu họ nhận được chỉ thị từ cấp cao hơn với một số câu hỏi bổ sung. Sau đó điều tra viên nói đùa với tôi: Ồ, Macron đã quan tâm đến cô nên sẽ có sự thay đổi…”.
Politico (ngày 1-5-2022) cho biết, đối với nhiều người Nga và những người theo dõi chế độ Putin, việc Marina O thoát tội một cách ngoạn mục gần như là không tưởng và không thể tin được. Người ta lập luận:
Một nhà tuyên truyền kỳ cựu xuất thân từ trung tâm đào tạo tuyên truyền viên “thượng hạng” cho nhà nước Nga đột nhiên “thấy cắn rứt lương tâm” và tự hủy hoại cuộc sống thoải mái của mình bằng cách lên tiếng chống lại một chế độ mà cô ta đã ủng hộ bền bỉ hai thập niên. Marina O không chỉ đột nhập khá dễ dàng vào trường quay chương trình tin tức buổi tối mà còn được phát sóng màn độc diễn vài giây trước khi bị can thiệp.
Ngoài ra, công tố quyết định chỉ xử phạt hành chính một video phản chiến cô đăng trên mạng xã hội, thay vì truy tố hình sự tội danh “biểu tình chống đối trên truyền hình”, và Marina O chỉ bị phạt nhẹ 30,000 rúp (khoảng $280), thay vì bị bỏ tù 15 năm. Quan trọng nhất, Marina O được trả tự do ngay lập tức và thoải mái tiếp xúc với truyền thông phương Tây. Một tháng sau vụ việc, cô còn được nhận vào làm việc cho tờ Die Welt của Đức (trực thuộc Axel Springer, công ty mẹ của POLITICO).
Tại sao Marina O thay đổi?
Marina O cho biết cô rất hiểu những người hoài nghi mình. Trả lời thắc mắc làm cách nào chỉ bị phạt nhẹ, cô nói: “Đây là trò tai quái của Kremlin để tạo sự ngờ vực và đánh vào uy tín tôi. Kremlin đã suy nghĩ kỹ để có một chiến lược rất tốt: Họ cố gắng bằng mọi cách có thể để hạ thấp hành động phản chiến của tôi, làm nhục tôi, gièm pha tôi, bôi bẩn tôi. Ở Nga, họ gọi tôi là ‘gián điệp Anh’ và ‘kẻ phản bội’. Để khiến người Ukraine nghi ngờ tôi, họ phao tôi là đặc vụ FSB (Cơ quan An ninh Liên bang Nga). Nói chung, họ biến tôi thành kẻ bị căm ghét khắp nơi. Chiến lược thông minh này có vẻ phát huy hiệu quả. Tôi có cảm tưởng Kremlin đang xoa tay mừng rỡ vì đã giải quyết tuyệt vời vụ việc”.
Thật ra, bộ máy tuyên truyền của Putin – y hệt bộ máy tuyên truyền Trung Quốc hoặc Việt Nam – rất thành thục trong việc tung hỏa mù và phát tán sự sợ hãi. Vì vậy khi Marina O vẫy biểu ngữ phản chiến, không ít người tin rằng cô có động cơ khác, là con tốt trong một trò chơi, làm theo lệnh của ai đó, hoặc tham gia ý đồ của Kremlin để thể hiện sự khoan hồng đối với những người chống chiến tranh vào thời điểm hàng ngàn người bị bỏ tù vì phản chiến.
Cho đến thời điểm này, khó có thể khẳng định bằng một kết luận cụ thể nhưng rõ ràng Marina O đang bị nghi ngờ. Nhiều nhà báo Nga từng liều mạng đưa tin về tham nhũng và các hành vi sai trái khác của Kremlin trong nhiều thập niên đã chú ý đến trường hợp đặc biệt của Marina O. Họ không hiểu sao cô bình an vô sự trong khi họ luôn sống trong nguy hiểm, bất an và nhiều người phải lưu vong nhưng chẳng có mấy ai chú ý.
Có lẽ cần phải xem lại những gì Marina O đã làm tại Channel One. Kể từ năm 2003, Marina O phụ trách theo dõi các nguồn tin và các cuộc họp báo phương Tây, lọc tìm những “tin xấu” của phương Tây và “tin đẹp” cho Nga. Cô là một trong số ít người ở Nga có quyền truy cập không hạn chế vào Reuters, BBC, Associated Press, The New York Times và POLITICO…
“Trong quá trình tìm kiếm thông tin và phân tích chúng, được xem các bức ảnh và những cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ủy ban Châu Âu…, tôi nhận ra khoảng cách đưa tin của phương Tây và truyền thông Nga ngày càng lớn”. Vốn là người hâm mộ Putin, Marina O sau đó bắt đầu tái nhận thức, khi chứng kiến hành động can đảm của những người bất đồng chính kiến như Zhanna Agalakova (người sau này trở thành đồng nghiệp của cô trong Channel One trước khi tự bỏ đài vì không đồng tình cuộc chiến của Putin ở Ukraine); Svetlana Sorokina (người đang dẫn chương trình trò chuyện hàng tuần trên kênh truyền hình độc lập TV Rain); và Alexander Nevzorov (người đang chờ ra tòa vì đưa tin Nga pháo kích bệnh viện phụ sản ở Mariupol).
“Tôi tiếp xúc với truyền thông nước ngoài, biết được phản ứng của bên kia, được thấy người ta nói gì. Tôi đã đọc các báo cáo, chẳng hạn như vụ bắn rơi chiếc máy bay MH17, thấy chính phủ chúng tôi đang nói dối như thế nào, và nói dối trở thành biểu tượng của Kremlin ra sao. Nó rõ hơn, tôi sống trong môi trường truyền thông quốc tế, chính trị quốc tế và dần dần căm ghét những gì mình đang cống hiến cho chế độ. Những năm qua, sự căm ghét đã dồn nén quá sức chịu đựng khiến tôi phải làm một điều gì đó”.
Việc khởi đầu cho quyết định thay đổi quan điểm của Marina O không phải từ các vụ ám sát những người chỉ trích Kremlin, hoặc đóng cửa truyền thông độc lập, mà bắt đầu manh nha từ Tháng Mười Hai 2012, khi Putin cấm người Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi, nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ, khiến hàng ngàn trẻ mồ côi không còn cơ hội thoát khỏi tình trạng tồi tệ tại các trại trẻ mồ côi ở Nga.
“Chúng tôi đã giễu cợt trên Channel One và tất cả các kênh nhà nước khác về vấn đề con nuôi tại Mỹ. Chúng tôi đã quá tàn nhẫn với những đứa trẻ tội nghiệp có thể đến Mỹ nay bị mắc kẹt” – Marina nhớ lại và thừa nhận vai trò của mình trong việc hỗ trợ bộ máy tuyên truyền của Putin – “Tôi ngày càng hiểu những bất công khủng khiếp xảy ra ở đất nước mình và tự vấn rằng tại sao tôi phải tiếp tục đồng lõa với sự bất công đó. Lời tuyên chiến của Putin đối với Ukraine chỉ thêm động lực cho tôi. Không chỉ vì cha tôi là người Ukraine, mà thời thơ ấu tôi đã từng trải qua những gì người tị nạn Ukraine đang sống”.
Sau ngày 24 Tháng Hai (thời điểm Nga mở cuộc xâm lược Ukraine), Channel One, RT và các kênh truyền hình nhà nước khác đều phải theo chỉ thị Kremlin. “Ngay sau khi cuộc chiến bắt đầu, chúng tôi phải ngừng chiếu bất kỳ đoạn phim nào từ các hãng thông tấn quốc tế, chúng tôi chỉ lấy phim từ Bộ Quốc phòng Nga hoặc từ các phóng viên chiến trường của chúng tôi từ Donetsk, Luhansk; ngoài ra, không có gì khác. Chúng tôi cũng bị cấm tiết lộ mức độ thảm họa nhân đạo của những người tị nạn tại Ba Lan”.
Marina O định xuống đường biểu tình nhưng con trai của cô ngăn lại và giấu chìa khóa xe. “Ý tưởng về cuộc biểu tình trong buổi phát sóng trực tiếp là tự phát. Tôi làm tấm áp phích, vòng cổ và quay một đoạn video ngắn vào ngày Chủ Nhật 13 Tháng Ba. Sự thôi thúc mạnh mẽ đến mức tôi quyết định phải thực hiện cho bằng được vào Thứ Hai. Tôi lén đưa tấm áp phích vào trường quay, cuộn trong tay áo khoác. Khi bắt đầu ca làm việc lúc 2 giờ chiều, tôi dùng thẻ an ninh để vào đài, sau đó chờ cơ hội”…
Người dẫn chương trình Vremya (Вре́мя, có nghĩa “Thời gian”), cô Yekaterina Andreyeva, được ngăn bằng kính và được bảo vệ bởi an ninh. Nhiều người nghi ngờ màn phản chiến của Marina O là dàn dựng vì chương trình tin tức không thể được truyền hình trực tiếp mà phải trễ ít nhất vài chục giây hoặc vài phút, đủ để loại bỏ đoạn xen vào. Marina O giải thích: “Có rất nhiều chương trình phát sóng tin tức khác nhau tại Channel One vào các thời điểm khác nhau trong ngày, trên 11 múi giờ nước Nga, nên việc kéo chậm thời gian là không thực tế”. Tuy nhiên, sau vụ việc, lần đầu tiên trong lịch sử 54 năm, chương trình Vremya bắt đầu bị phát trễ hơn một phút thay vì truyền trực tiếp.
Marina O tin rằng sự nổi tiếng hiện tại chính là tấm lưới an toàn của cô. Điều này có thể đúng và cũng có thể sai. Có rất nhiều người nổi tiếng ở Nga chống đối Putin đều bị giết thảm, chẳng hạn nhà báo Anna Politkovskaya bị bắn gục trong thang máy chung cư vào Tháng Mười 2006. Với Kremlin, chẳng có gì có thể khiến bàn tay vốn vấy đầy máu của Putin ngần ngại không làm.
___________________
Cú tát đẹp của cô gái đẹp Marina Ovsyannikova
Làm thế nào để đảo chính Putin?
Làm sao có thể “nói chuyện phải quấy” với một tay trùm dối trá?