Trong bài viết trên Foreign Affairs ngày 25 Tháng Mười 2023, Amaney A. Jamal và Michael Robbins (*) cho biết, Arab Barometer, một mạng lưới nghiên cứu khu vực, đã thực hiện cuộc khảo sát qui mô ở Gaza và Bờ Tây vài ngày trước khi chiến tranh Israel-Hamas nổ ra (7 Tháng Mười 2023).
Kết quả cho thấy đại đa số người dân Gaza đã thất vọng trước sự quản lý kém hiệu quả của Hamas khi họ phải chịu đựng những khó khăn kinh tế cùng cực. Hầu hết người dân Gaza cũng không theo hệ tư tưởng hiếu chiến của Hamas. Không như Hamas, với mục tiêu tiêu diệt Nhà nước Do Thái, phần lớn những người tham gia khảo sát đã bày tỏ ủng hộ giải pháp hai nhà nước, với Palestine và Israel cùng tồn tại.
Cuộc khảo sát Arab Barometer ở Bờ Tây và Gaza, được thực hiện với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Khảo sát và Chính sách Palestine (Palestinian Center for Policy and Survey Research), cùng sự hỗ trợ của Quỹ Dân chủ Quốc gia (National Endowment for Democracy), cung cấp một cái nhìn tổng quan về quan điểm của người dân Trung Đông nói chung. Là dự án lấy ý kiến công chúng toàn diện và lâu dài nhất trong khu vực, Arab Barometer thực hiện tám đợt khảo sát trên 16 quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi kể từ năm 2006.
Tất cả các cuộc khảo sát đều được tiến hành từ các cuộc phỏng vấn trực tiếp tại nơi cư trú của người trả lời. Cuộc phỏng vấn gần đây nhất được thực hiện từ ngày 28 Tháng Chín đến ngày 8 Tháng Mười, với cuộc khảo sát 790 người ở Bờ Tây và 399 người ở Gaza (các cuộc phỏng vấn ở Gaza được hoàn thành ngày 6 Tháng Mười).
Kết quả cho thấy người dân Gaza có rất ít niềm tin vào chính quyền do Hamas lãnh đạo. Khi được yêu cầu xác định mức độ tin tưởng của họ đối với chính quyền Hamas, đa số người được hỏi (44%) cho biết họ không hề tin tưởng chút nào; “không có nhiều sự tin tưởng” là câu trả lời phổ biến thứ hai, ở mức 23%. Chỉ 29% người dân Gaza bày tỏ sự tin tưởng “rất nhiều” vào chính quyền Hamas. Hơn nữa, 72% cho biết có tham nhũng ở mức độ lớn trong chính quyền Hamas cai quản Gaza.
Khi được hỏi họ sẽ bỏ phiếu như thế nào nếu cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức ở Gaza và lá phiếu có sự góp mặt của Ismail Haniyeh (lãnh đạo Hamas), Mahmoud Abbas (chủ tịch Nhà nước Palestine) và Marwan Barghouti (một thành viên đảng chính trị Fatah đang bị cầm tù), chỉ 24% cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho Ismail Haniyeh. Barghouti nhận được tỷ lệ ủng hộ lớn nhất với 32% và Abbas nhận được 12%.
Và 30% số người được hỏi cho biết họ sẽ không tham gia đi bầu. Ý kiến của người Gaza về PA (Palestine Authority – cơ quan quản lý Bờ Tây), cũng không khá hơn là bao. 52% tin rằng PA là gánh nặng đối với người dân Palestine và 67% muốn Mahmoud Abbas từ chức.
______________
Người dân Gaza không chỉ vỡ mộng với Hamas mà còn với toàn bộ giới lãnh đạo Palestine.
______________
Hầu hết người dân Gaza cho rằng tình trạng khốn đốn thiếu lương thực trầm trọng là do các vấn đề nội bộ hơn là bởi các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài. Israel và Ai Cập đã áp đặt lệnh phong tỏa Gaza từ năm 2005, hạn chế dòng người và hàng hóa ra vào lãnh thổ. Cường độ phong tỏa đã thay đổi nhưng sau đó ngày càng chặt chẽ hơn sau khi Hamas nắm quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007. Đa số người tham gia khảo sát (31%) xác định sự quản lý yếu kém của chính quyền (Hamas) là nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực ở Gaza và 26% đổ lỗi cho lạm phát. Chỉ có 16% đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt kinh tế từ bên ngoài.
Nhìn chung, các câu trả lời khảo sát cho thấy người dân Gaza mong muốn thay đổi chính trị. Trong mức giảm tám điểm kể từ năm 2021, chỉ 26% cho biết chính quyền Hamas đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi được hỏi đâu là cách hiệu quả nhất để người dân có thể gây ảnh hưởng đến chính quyền, đa số nói “không có gì hiệu quả cả”. Câu trả lời phổ biến tiếp theo là việc sử dụng các mối quan hệ cá nhân để tiếp cận một quan chức chính quyền. Hầu hết người dân Gaza không thấy có cách nào để công khai bày tỏ sự bất bình với chính quyền do Hamas lãnh đạo.
Và chỉ 40% nói rằng quyền tự do ngôn luận được bảo đảm ở mức độ lớn hoặc vừa phải, và 68% tin rằng quyền tham gia biểu tình ôn hòa không được bảo vệ hoặc chỉ được bảo vệ ở một mức độ hạn chế dưới sự cai trị của Hamas.
Phong cách lãnh đạo không phải là điều duy nhất người dân Gaza cảm thấy khó chịu về Hamas. Nhìn chung, người dân Gaza không có cùng mục tiêu với Hamas là loại bỏ Nhà nước Israel. Khi được đưa ra ba giải pháp khả thi cho cuộc xung đột Israel-Palestine (cũng như lựa chọn “khác”), phần lớn người trả lời (54%) ủng hộ giải pháp hai nhà nước được nêu trong Hiệp định Oslo năm 1993.
Trong kịch bản này, Nhà nước Palestine nằm cạnh Nhà nước Israel, và biên giới dựa trên ranh giới trên thực tế tồn tại trước Cuộc chiến Sáu ngày năm 1967. Mức độ ủng hộ nghị quyết này không thay đổi nhiều kể từ năm 2021; trong cuộc khảo sát đó, 58% người Gaza đã chọn giải pháp hai nhà nước.
Nhìn chung, 73% người dân Gaza ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Trước cuộc tấn công ngày 7 Tháng Mười của Hamas, chỉ 20% người dân Gaza ủng hộ giải pháp quân sự tiêu diệt Israel.
Trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel, quan điểm chính sách đối ngoại của người Gaza cho thấy họ vừa ủng hộ một số chính sách của Mỹ vừa tỏ ra ngờ vực Washington. 71% phản đối việc Nga xâm chiếm Ukraine. 37% bày tỏ mong muốn Gaza phát triển mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Mỹ – cao hơn tỷ lệ muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Iran hoặc Nga. Tuy nhiên, chỉ 15% người Gaza tin rằng các chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden là tốt hoặc rất tốt cho thế giới Ả Rập.
Một ghi nhận cuối cùng trong cuộc khảo sát: Sức mạnh của mối liên hệ giữa người dân với vùng đất nơi họ sống. Đại đa số người Gaza được khảo sát – 69% – cho biết họ chưa bao giờ cân nhắc việc rời bỏ quê hương. Đây là tỷ lệ cao hơn so với cư dân Iraq, Jordan, Lebanon, Maroc, Sudan và Tunisia khi được hỏi cùng một câu hỏi. Dù đối mặt vô vàn thách thức, từ cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ, sống với một chính quyền (Hamas) hoàn toàn bỏ lơ người dân, đến con đường dường như bất khả thi để trở thành một nhà nước độc lập, nhưng người Gaza vẫn kiên định với mong muốn ở lại trên mảnh đất quê hương họ.
________
(*) AMANEY A. JAMAL là đồng sáng lập và đồng điều tra viên chính của Arab Barometer, Trưởng khoa Quan hệ công chúng và quốc tế Princeton, đồng thời là giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế Edwards S. Sanford thuộc Đại học Princeton.
MICHAEL ROBBINS là Giám đốc và đồng điều tra viên chính của Arab Barometer.