LHQ ra nghị quyết đòi Nga rút quân, VN lại bỏ phiếu trắng!

Diễn giả cuối cùng trước khi ĐHĐ bỏ phiếu hôm 23 tháng Hai 2023, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói: “Ngày nay, mỗi chúng ta phải đưa ra lựa chọn: hoặc bị cô lập cùng với kẻ áp bức, hoặc sát cánh cùng nhau vì hòa bình. Nếu Nga ngừng chiến đấu, cuộc chiến này sẽ kết thúc. Nếu Ukraine ngừng chiến đấu, đó sẽ là dấu chấm hết cho dân tộc Ukraine.” Ảnh Michael M. Santiago/Getty Images

Trong một thông điệp mạnh mẽ vào đêm trước ngày kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm 23 tháng Hai 2023 đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi Nga chấm dứt hành động thù địch ở Ukraine, rút quân và chấm dứt hành động gây hấn của Moscow.

Nghị quyết do Ukraine soạn thảo với sự tham vấn của các đồng minh đã được Đại hội đồng (ĐHĐ) thông qua với tỷ lệ 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 32 phiếu trắng. Cùng với Nga, các nước Belarus, Bắc Hàn, Eritrea, Mali, Nicaragua và Syria – những quốc gia có quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga – bỏ phiếu chống; Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam cùng một số nước nhỏ khác bỏ phiếu trắng. 

Đại hội đồng đã trở thành cơ quan quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc đối phó với cuộc xung đột Nga-Ukraine bởi vì Hội đồng Bảo an, cơ quan chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, bị tê liệt bởi quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc. Các nghị quyết của Đại hội đồng không ràng buộc về mặt pháp lý, không giống như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nhưng đóng vai trò như một thước đo dư luận thế giới.

Kết quả bỏ phiếu tại ĐHĐ LHQ hôm 23 tháng Hai 2023: thuận (xanh), chống (đỏ) phiếu trắng (vàng)

Liên hiệp quốc (LHQ) có 193 quốc gia thành viên và đã năm lần bỏ phiếu thông qua các nghị quyết lên án Nga kể từ khi Moscow đưa binh lính và xe tăng qua biên giới sang nước láng giềng nhỏ hơn đúng một năm về trước, vào ngày 24 tháng Hai năm 2022.

Mười ngày sau khi chiến tranh nổ ra, ngày 2 tháng Ba, 2022, ĐHĐ LHQ đã bỏ phiếu yêu cầu Nga ngừng bắn ngay lập tức, rút ​​toàn bộ lực lượng và bảo vệ tất cả dân thường. Nghị quyết đầu tiên này có 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Việt Nam bỏ phiếu trắng, không phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.

Ngày 24 tháng Ba, ĐHĐ đã bỏ phiếu một nghị quyết đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, kêu gọi ngừng bắn và bảo vệ ngay lập tức cho hàng triệu thường dân và nhà cửa, trường học và bệnh viện quan trọng đối với sự sống còn của họ. Nghị quyết này có 140 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 38 phiếu trắng. Việt Nam bỏ phiếu trắng.

Sang ngày 7 tháng Tư 2022, ĐHĐ đã bỏ phiếu cho một nghị quyết đình chỉ tư cách của Nga trong Hội đồng Nhân quyền LHQ có trụ sở tại Geneva, vì cáo buộc binh sĩ Nga ở Ukraine vi phạm tội ác chiến tranh. Số phiếu bầu là 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam là một trong 24 phiếu chống.

Ngày 12 tháng Mười 2022, ĐHĐ thông qua nghị quyết lên án “âm mưu sáp nhập bất hợp pháp” của Nga đối với bốn khu vực lãnh thổ của Ukraine và yêu cầu Moscow ngay lập tức đảo ngược hành động của mình. Kết quả bỏ phiếu có 143 nước bỏ phiếu thuận, lên án hành động của Nga, bốn quốc gia bỏ phiếu chống cùng với Nga và 35 phiếu trắng. Một lần nữa Việt Nam lại bỏ phiếu trắng, đi ngược xu thế chung của thế giới.

Sang ngày 14 tháng Mười Một 2022, ĐHĐ LHQ bỏ phiếu về một nghị quyết do 50 quốc gia thành viên bảo trợ lên án cuộc xâm lăng của Nga và đề ra các bước đi tiến tới việc buộc Moscow bồi thường cho sự tàn phá mà quân Nga gây ra ở Ukraine. Nghị quyết được thông qua với 94 phiếu thuận, 73 phiếu trắng và 13 phiếu chống; Việt Nam một lần nữa lại bỏ phiếu trắng.

Phái đoàn thường trực Nga tại LHQ do Đại sứ Vasily Nebenzya dẫn đầu, không ngẩng mặt lên khi Cao ủy về Đối ngoại của EU Josep Borrell phát biểu lên án hành vi xâm lược của Nga trước phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ ngày 23 tháng Hai 2023. Ảnh Michael M. Santiago/Getty Images

Trong cuộc bỏ phiếu lần thứ sáu hôm nay thứ Năm 23 tháng Hai 2023, có 75 bộ trưởng ngoại giao và nhà ngoại giao đã phát biểu trước hội nghị trong hai ngày tranh luận; nhiều người kêu gọi ủng hộ nghị quyết duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, một nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ mà tất cả các quốc gia thành viên phải tuân thủ.

Cuộc chiến đã giết chết hàng chục nghìn người ở cả hai bên và biến toàn bộ các thành phố của Ukraine thành đống đổ nát và tác động của nó đã được cảm nhận trên toàn thế giới về chi phí lương thực và nhiên liệu cao hơn cũng như lạm phát gia tăng.

Trong khi các nước bỏ phiếu thuận tập trung lên án hành vi chà đạp Hiến chương Liên Hiệp Quốc của Nga thì các nước bỏ phiếu trắng cổ vũ cho một lập trường “trung lập”. Phó đại sứ Trung Quốc tại LHQ, Dai Bing phát biểu: “Chúng tôi ủng hộ Nga và Ukraine tiến về phía nhau… Cộng đồng quốc tế nên nỗ lực chung để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình.” Trung Quốc nói rằng họ trung lập trong cuộc xung đột và ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng không chỉ trích cuộc xâm lược hay mô tả nó là một cuộc chiến tranh. Đáp lại quan điểm của Bắc Kinh, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell, nói rằng kẻ gây hấn và nạn nhân không thể được đặt ngang hàng với nhau. 

Trung Quốc và các nước bỏ phiếu trắng thực tế đã không trung lập mà liên tục lên án Mỹ và các đồng minh của Ukraine về các lệnh trừng phạt đối với Moscow và hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Trung Quốc và Nga ngày càng thống nhất các chính sách đối ngoại của họ để chống lại trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tái khẳng định sức mạnh của những mối quan hệ đó khi ông gặp nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Moscow tuần này.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: