Bản báo cáo nhân quyền của Nam Hàn công bố hôm thứ Năm ngày 27 tháng Sáu vừa qua cho biết một nam thanh niên 22 tuổi ở Bắc Hàn bị giết công khai trước sự chứng kiến của nhiều người dân vì đã nghe và truyền bá âm nhạc, điện ảnh của miền Nam. Theo Đài Truyền Hình CNEWS tại Pháp, phát hôm 28 Tháng Sáu. (*)
Nhằm cắt đứt mọi sự ảnh hưởng ngoại lai, chính quyền Bắc Hàn sẵn sàng áp dụng mọi chính sách tàn khốc nhất. Bản báo cáo của Séoul do Bộ Thống Nhất thực hiện đã tập hợp được 649 nhân chứng là những người Bắc đào thoát vào Nam, trong đó có một nhân chứng nói về vụ hành quyết nam thanh niên ở tỉnh Hwanghae.
Theo The Guardian, nạn nhân bị kết án vì đã vi phạm một điều cấm trong bộ luật do Bắc Hàn ban hành năm 2020 nhằm đối phó với ‘tư tưởng và văn hóa độc hại.’ Nạn nhân bị kết tội là đã nghe 70 bài hát và xem 3 (ba) bộ phim của miền Nam, sau đó còn tuồn cho nhiều người khác.
Việc cấm nghe nhạc vàng (K-pop) của miền Nam đã bắt đầu từ thời Kim Jong-il và ngày càng siết chặt hơn dưới thời Kim Jong-un (con trai của Kim Jong-il. ND). Sự cấm đoán này nằm trong chính sách tổng thể của chính quyền nhằm bảo vệ người dân Bắc Triều tránh bị tiêm nhiễm « nọc độc » của văn hóa phương Tây.
Bình Nhưỡng (ND xuýt viết nhầm là ‘Hà Nội’) đòi hỏi dân chúng phải tuyệt đối trung thành với triều đại nhà Kim và coi việc thâm nhập văn hóa miền Nam là một đe dọa cho quyền lực – chế độ đã thống trị Bắc Triều từ năm 1948 đến nay.
Tuy nhiên, có vẻ như sự hà khắc của chính quyền chẳng cấm được gì ở lĩnh vực này : Trong một cuộc họp báo ở Séoul, một phụ nữ mới đào thoát khỏi miền Bắc đã khẳng định: « văn hóa miền Nam có sức hút rất mạnh ở miền Bắc.» Nhân chứng còn cho biết, «thanh niên miền Bắc luôn để ý và học hỏi cách sống ở miền Nam, họ thực sự say mê tất cả mọi thứ từ miền Nam.»
«Tại sao chúng ta cứ phải sống như thế? »
Nhân chứng vừa nói là một cô gái ở độ tuổi 20 đã trốn được vào Nam bằng một chiếc thuyền gỗ trong tháng Mười 2023. Cô gái đã mô tả nhiều nỗi thống khổ của người miền Bắc đang gánh chịu rồi ngậm ngùi phân trần « Sau những thảm cảnh như thế, nhiều thanh niên chúng tôi đã tự hỏi mình rằng:‘ Tại sao chúng ta cứ phải sống mãi như thế?’ »
Cô gái nhớ lại đã từng nghĩ đến chuyện quyên sinh, «ở miền Bắc, chết có lẽ tốt hơn sống.» Cô cũng không giấu những cảm nghĩ cá nhân về chế độ Bắc Hàn: « Dĩ nhiên chúng tôi không thể công khai nói thực những điều ghê tởm của Kim Jong-un, nhưng đây là chủ đề không cần phải e dè giữa những người thân, bạn bè.»
Bên cạnh việc nghe nhạc, nhiều hành vi khác cũng bị coi là «phản động» cũng bị trừng phạt nghiêm khắc. Váy trắng, kính đen, uống rượu trong các ly có chân dài bị coi là các hành vi chạy theo miền Nam.
Báo cáo của Bộ Thống Nhất miền Nam còn khẳng định các điện thoại di động của người miền Bắc luôn bị kiểm tra để loại trừ các tiếp xúc, cách viết tên, các ngôn từ, hay cách nói không đúng ý chính quyền. Cho dù hai miền đều cùng dùng chung một ngôn ngữ nhưng nhiều khác biệt tinh tế đã hình thành giữa hai miền kể từ sau cuộc chiến dẫn đến chia đôi bán đảo Triều Tiên năm 1953.
**
(*) « Corée du Nord : un homme exécuté publiquement pour avoir écouté de la K-pop. » Bản tiếng Việt của P.H.S. – người sinh ra tại miền Bắc thời Việt Nam vẫn chia đôi như Bắc Hàn hiện nay)