Mỹ, Anh, Úc liên minh quân sự chống mối đe dọa Trung Quốc

Một tàu ngầm tấn công lớp Trafalgar của Hải quân Hoàng gia Anh, HMS Triumph – con tàu được đóng theo thỏa thuận chia sẻ công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử giữa Anh và Hoa Kỳ. Ảnh Royal Navy.

Một liên minh quân sự mới ra đời với tên gọi tắt là AUKUS – gồm ba nước Anh, Úc và Mỹ – nhằm chống lại mối đe dọa tiềm tàng nhưng rất thực tế từ Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden đã công bố hiệp ước liên minh quân sự mới vào chiều Thứ Tư 15 Tháng Chín trong một tuyên bố chung với Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson. 

Kế hoạch AUKUS giữa ba nước nói tiếng Anh và cùng có gốc Anglo-Saxon đã được hình thành trong bí mật kể từ khi ông Biden nhậm chức, nhưng việc công bố hôm nay phù hợp với mục đích của ông Biden là cho thế giới thấy Hoa Kỳ vẫn là một đồng minh quân sự mạnh mẽ, bất chấp cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan cuối tháng trước.

Ông Biden, đứng giữa hai màn hình video chiếu hình ảnh của hai thủ tướng Anh và Úc, cho biết mục tiêu của liên minh là tăng cường “sự ổn định chiến lược” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. “Tất cả chúng tôi nhận ra rằng, điều bắt buộc là bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong dài hạn. Chúng tôi cần có khả năng xử lý cả môi trường chiến lược hiện hành trong khu vực lẫn xu thế phát triển của nó bởi vì tương lai của mỗi nước chúng ta, của cả thế giới, phụ thuộc vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kiên trì và phát triển trong nhiều thập niên sắp đến,” ông Biden nói từ Tòa Bạch Ốc.

Ông không đề cập đến Trung Quốc, dù ai cũng biết mối đe dọa quân sự của Bắc Kinh đã kích thích nỗ lực hợp tác và chia sẻ công nghệ quân sự nhạy cảm của Mỹ với hai đồng minh quan trọng.

Mục tiêu ngắn hạn của liên minh AUKUS là hỗ trợ công nghệ trong vòng 18 tháng tới để giúp Úc đóng tàu ngầm tấn công hạt nhân – một loại bệ phóng vũ khí tàng hình, hoạt động dưới đáy biển vào thời điểm các tàu chiến nổi trên mặt nước ngày càng dễ bị Trung Quốc tấn công bằng hỏa tiễn chống hạm. Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết Úc có thể xây dựng tới một chục tàu ngầm như vậy trong vòng hai thập niên tới.

Ngoài dự án tàu ngầm nguyên tử, ba nước sẽ hợp tác trên một loạt các công nghệ quân sự mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, hỏa tiễn siêu thanh, vũ khí mạng và các hệ thống ngầm dưới biển mới. 

Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đòi hỏi những công nghệ phức tạp mà Hoa Kỳ chỉ chia sẻ với Anh theo một thỏa thuận năm 1958. 

Liên minh mới nhằm hỗ trợ các đồng minh ở châu Á, bắt đầu là Úc rồi đến các nước khác. Úc đang phải đối mặt với sức ép dữ dội từ một nước Trung Quốc đang tìm kiếm sự thống trị trong khu vực. Khi Úc chống lại mưu toan đó, Bắc Kinh đã phản ứng bằng các đòn trả đũa kinh tế sắc bén và can thiệp vào chính trị Úc. Ngay sau lễ nhậm chức của Biden, Úc đã thúc giục chính phủ Mỹ: “Đừng để chúng tôi một mình trên sân đấu”. Sau khi tham khảo ý kiến ​​của lãnh đạo Anh quốc Boris Johnson – người đang thúc đẩy chiến lược nước Anh vươn ra toàn cầu (Global Britain) –  ông Biden đã nhanh chóng đề xướng liên minh quân sự AUKUS. 

Ngoài liên minh AUKUS, chính quyền Biden cũng có kế hoạch làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác chiến lược trong “Bộ Tứ” (Quad), bao gồm Ấn Độ và Nhật Bản bên cạnh Úc và Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo của bốn nước Quad sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh vào tuần tới do Tổng thống Biden chủ trì.

Chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc có hai mặt, giống như lập trường của Trung Quốc đối với phương Tây. Về mặt hòa giải, ông Biden đã gọi điện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào Thứ Năm tuần trước để truyền đạt mong muốn của Hoa Kỳ hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực mà lợi ích của hai bên hội tụ với nhau, chẳng hạn như vấn đề biến đổi khí hậu và ngừng phổ biến vũ khí hạt nhân. Còn về mặt cạnh tranh, ông Biden công bố một liên minh quân sự mới nhằm ngăn chặn sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

***

Chính quyền Biden hy vọng, liên minh quân sự mới sẽ thúc đẩy ngành công nghệ và công nghiệp quốc phòng đang bị coi là chậm chạp và không thay đổi kịp thời của Hoa Kỳ.

Theo các chuyên gia quân sự, đôi khi người Mỹ có vẻ nghiện các hệ thống vũ khí cũ, chẳng hạn như các hàng không mẫu hạm và chiến đấu cơ các loại. Những loại vũ khí này ngày càng giảm hiệu năng khi đương đầu với quân đội công nghệ cao của Trung Quốc. Tuần trước, tướng John Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã phàn nàn trong một cuộc họp tại Viện Brookings rằng Ngũ Giác Đài đã “chậm đến mức khó tin” trong việc hiện đại hóa quân đội.

Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng sự chậm chạp này xuất phát từ mong muốn của các nhà chỉ huy quân đội, các nhà thầu quốc phòng và các thành viên Quốc Hội muốn bảo vệ các hệ thống hiện có và các công ăn việc làm do chúng tạo ra. Trong khi đó, Trung Quốc đang chạy đua “hiện đại hóa vũ khí chưa từng có”, liên tục cho ra những hệ thống vũ khí trên không, trên bộ, trên biển và cả trên vũ trụ.

Kế hoạch phát triển vũ khí chung của liên minh AUKUS được ông Christian Brose, cựu Giám đốc tham mưu của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, hoan nghênh. “Chúng ta cần coi sáng kiến ​​này như một cơ sở quốc phòng-công nghiệp-công nghệ chung… Cách duy nhất của chúng ta trong trò chơi này là tiến nhanh hơn, phối hợp với các đồng minh của chúng ta,” ông Brose nói.

Không giống như một số chính sách của ông Biden, kế hoạch liên minh AUKUS và hiện đại hóa vũ khí có khả năng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng trong Quốc hội. Ông Matt Pottinger, người từng là Phó Cố vấn An ninh quốc gia cho Tổng thống Donald Trump, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Đây là những tín hiệu mạnh mẽ giúp làm rõ ràng hơn cam kết của chính quyền Biden về việc tăng cường khả năng răn đe của chúng ta ở Tây Thái Bình Dương sau thảm họa rút quân từ Afghanistan.”

Ông Biden đã nhiều lần nói Trung Quốc mới là đối thủ đáng gờm của Hoa Kỳ, và việc rút quân khỏi Afghanistan và các nơi khác còn nhắm tới mục tiêu tập trung lực lượng vào vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, ứng phó với sức mạnh đang tăng nhanh của Trung Quốc. Cuộc rút lui lộn xộn từ Kabul làm cho chính quyền của ông Biden mất uy tín rất nhiều trong mắt các đồng minh nhưng sự ra đời của liên minh quân sự mới chứng tỏ đường lối của Biden là khá mạch lạc và nhất quán.

(theo Washington Post)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: