H.C.
Cảnh sát ở thành phố Yangon lớn nhất Myanmar hôm nay thứ Hai 01-03-2021 đã bắn hơi cay vào những đám đông biểu tình trên đường phố phản đối cuộc đảo chính vào tháng trước, bất chấp lực lượng an ninh đã bắn chết ít nhất 18 người ngày hôm qua.
Bà Aung San Suu Kyi bị buộc tội
Cuộc đảo chính đã đảo ngược nhiều năm tiến triển chậm chạp đối với nền dân chủ ở Myanmar sau năm thập kỷ cầm quyền của quân đội. Vào ngày 1-2-2021, ngày mà một quốc hội mới được bầu ra sẽ nhậm chức và đảng Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi sẽ lãnh đạo chính phủ đó, quân đội Myanmar đã làm cuộc đảo chính, bà Suu Kyi bị bắt giam cùng với Tổng thống Win Myint và các quan chức dân sự cấp cao khác.
Quân đội đã đưa ra một số cáo buộc chống lại bà Suu Kyi, biện minh cho việc giam giữ bà và có thể ngăn cản bà tham gia cuộc bầu cử mà chính quyền đã hứa sẽ tổ chức trong một năm nữa. Luật sư Khin Maung Zaw của bà Suu Kyi nói với các phóng viên rằng hôm nay thứ Hai, bà Suu Kyi sẽ ra hầu tòa thông qua truyền hình và bị buộc tội thêm hai tội danh nữa.
Bà bị buộc tội kích động tình trạng bất ổn theo một đạo luật có từ thời Myanmar còn là thuộc địa của Anh và đạo luật đó từ lâu đã bị chỉ trích là hợp pháp hóa việc bắt tất mọi người theo một tội danh mơ hồ nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận. Tội danh đó có mức án tối đa là hai năm tù. Các cáo buộc khác có bản án một năm.
Sau khi bị bắt vào ngày diễn ra cuộc đảo chính, bà Suu Kyi, 75 tuổi, ban đầu bị giam giữ tại tư dinh của bà ở thủ đô Naypyidaw, nhưng các thành viên của đảng NLD nói hiện họ không biết bà ở đâu.
Hàng chục người biểu tình đã bị giết
Kể từ khi đảo chính, một phong trào phản đối ở các thành phố trên khắp đất nước đã ngày càng lan rộng – và phản ứng của chính quyền ngày càng trở nên tàn bạo.
Liên Hiệp Quốc cho biết họ có “thông tin đáng tin cậy” rằng ít nhất 18 người đã thiệt mạng và 30 người bị thương trên khắp Myanmar vào hôm qua Chủ nhật. Số liệu từ các nguồn khác, chẳng hạn như mạng truyền hình và tin tức trực tuyến độc lập Tiếng nói Dân chủ của Miến Điện (Democratic Voice of Burma), đưa số người chết là hơn 20 người.
Dù theo báo cáo nào, đây cũng là con số tử vong trong một ngày cao nhất kể từ khi quân đội giành quyền. Cũng đã có các vụ bắt giữ hàng loạt, và Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị độc lập báo cáo có tới 1.000 người đã bị bắt giữ vào hôm qua Chủ nhật. Một số nhà báo nằm trong số những người bị giam giữ, trong đó có một phóng viên của hãng tin Associated Press (AP).
Có ít nhất năm người được cho là đã thiệt mạng hôm Chủ nhật ở Yangon khi cảnh sát bắn vào những người biểu tình bất bạo động bất chấp sự khiêu khích từ lực lượng an ninh và những người biểu tình ủng hộ quân đội.
Người dân đã dựng những miếu thờ tạm bợ trên vỉa hè tại nơi một số nạn nhân bị bắn và cũng bày tỏ lòng kính trọng bằng cách đứng bên ngoài bệnh viện, nơi các thi thể được đưa về cho gia đình.
Tại Dawei, một thành phố nhỏ ở đông nam Myanmar, nơi có năm người được cho là đã thiệt mạng hôm Chủ nhật, số lượng người biểu tình xuống đường hôm nay thứ Hai ít hơn thường lệ, nhưng họ đã diễu hành trước sự vỗ tay của những người xung quanh.
Việc xác nhận cái chết của những người biểu tình gặp nhiều khó khăn ở các khu vực bên ngoài Yangon, Mandalay và Naypyidaw. Nhưng trong nhiều trường hợp, có những bằng chứng được đăng tải trên mạng như video về các vụ xả súng, ảnh chụp đống vỏ đạn được thu thập sau đó và những bức ảnh ghê rợn về thi thể người bị bắn.
Trong một tuyên bố đăng trên tờ Global New Light of Myanmar sáng nay thứ Hai, Bộ Ngoại giao Myanmar nói chính quyền “đang kiềm chế tối đa để tránh sử dụng vũ lực trong việc xử lý các cuộc biểu tình bạo lực có hệ thống, phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế tại để giữ cho thương vong ở mức tối thiểu.”
Thế giới phải hành động
Nhưng Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres gọi việc sử dụng vũ lực sát thương chống lại những người biểu tình ôn hòa và bắt giữ tùy tiện là “không thể chấp nhận được”, người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết.
“Những lời lẽ lên án là cần thiết và đáng hoan nghênh nhưng chưa đủ. Thế giới phải hành động. Tất cả chúng ta phải hành động,” chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Myanmar, Tom Andrews, cho biết trong một tuyên bố riêng.
Ông Andrews đề xuất các nước nên tiến hành một lệnh cấm vận toàn cầu đối với việc bán vũ khí cho Myanmar và “các biện pháp trừng phạt cứng rắn, có mục tiêu và phối hợp” chống lại những kẻ chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính, đàn áp và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.
Các bài đăng trên mạng xã hội từ Myanmar ngày càng thúc giục cộng đồng quốc tế can thiệp trực tiếp, viện dẫn học thuyết về “trách nhiệm bảo vệ” để kiềm chế các hành vi đàn áp tàn bạo của chính quyền quân quản Myanmar.
Tuy nhiên, bất kỳ hành động phối hợp nào tại Liên hiệp quốc đều sẽ khó khăn vì hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Trung Quốc và Nga, gần như chắc chắn sẽ phủ quyết.
Thay vào đó, một số quốc gia đã áp đặt hoặc đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng họ. Tại Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch ốc Jake Sullivan đưa ra một tuyên bố cho biết Hoa Kỳ “báo động” trước tình trạng bạo lực và luôn đoàn kết với người dân Myanmar. Washington nằm trong số những nước đã áp dụng các biện pháp trừng phạt và Sullivan cho biết họ sẽ “buộc những người chịu trách nhiệm phải trả giá”, chi tiết về sự trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ được công bố “trong những ngày tới”.
Đảng NLD lập ủy ban lâm thời
Các thành viên trong đảng NLD của bà Suu Kyi cũng đã thành lập một ủy ban mà họ đang yêu cầu các quốc gia khác công nhận là chính phủ lâm thời, là người đại diện thực sự của nhân dân Myanmar.
Ủy ban này đã bổ nhiệm một bác sĩ và nhà từ thiện người dân tộc thiểu số Chin làm đặc phái viên Myanmar tại Liên Hiệp Quốc thay cho đại sứ Myanmar đã bị phe quân đội cách chức vì ủng hộ người biểu tình, phản đối đảo chính.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tối Chủ nhật với hãng tin AP, đặc phái viên, ông Sasa (người chỉ sử dụng tên), cho biết ông sẽ thảo luận với chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Andrews về các hành động pháp lý chống lại các tướng lĩnh Myanmar thông qua các tòa án quốc tế.
“Chúng tôi đang xem xét khả năng khởi kiện lên các tòa án hình sự quốc tế và các cơ chế khác của Liên hợp quốc. Sẽ có một chút khó khăn do cản trở từ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhưng chúng tôi đang xem xét những gì có thể làm được” để buộc các tướng lĩnh phải chịu trách nhiệm, ông Sasa nói từ một địa điểm bí mật do lo ngại cho sự an toàn của ông.
Nhiều người cho rằng quân đội Myanmar rất cứng đầu, sẽ không nhượng bộ, nhưng ông Sasa nói ông tin chính quyền quân sự đã bắt đầu thấy khó khăn của việc điều hành một chính phủ. “Tôi hy vọng họ ngồi vào bàn đàm phán, và chúng tôi có thể nói chuyện cùng nhau,” ông Sasa nói.
Nhà báo cũng bị bắt
Trong số các vụ bắt giữ hôm Chủ nhật, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị độc lập đã xác định được danh tính khoảng 270 người, nâng tổng số người mà nhóm này xác nhận đã bị bắt giữ, buộc tội hoặc kết án kể từ cuộc đảo chính là 1.132 người.
Thein Zaw, một nhà báo của AP, đã bị cảnh sát bắt vào sáng thứ Bảy khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình. Anh ta vẫn bị cảnh sát giam giữ. Hãng tin AP kêu gọi thả anh ta ngay lập tức.
“Các nhà báo độc lập phải được phép tự do và an toàn đưa tin mà không sợ bị trả thù. AP chỉ trích mạnh mẽ việc giam giữ tùy tiện Thein Zaw,” Ian Phillips, phó chủ tịch AP về tin tức quốc tế cho biết.
Theo thông tin do Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị thu thập và các báo cáo truyền thông địa phương, ít nhất bảy nhà báo khác đã bị bắt giữ vào cuối tuần – tất cả đều làm việc cho truyền thông địa phương. Ít nhất 13 người khác đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính.
(theo AP)