Nam Hàn, sức sống của nền dân chủ

Biểu tình phản đối thiết quân luật ở Nam Hàn đêm 3 Tháng Mười Hai, 2024. (Hình: Hashflu/Wikipedia.org)

Nam Hàn đang trải qua một cơn địa chấn chính trị, ông Yoon Suk Yeol, tổng thống đương nhiệm, có thể phải từ chức và đối mặt với tù tội. Nhưng điều chắc chắn là nền dân chủ xứ kim chi sẽ tiếp tục đứng vững, không như ở một số quốc gia vẫn tự xưng là ngọn hải đăng của nền dân chủ thế giới.

Mầm mống khủng hoảng manh nha từ Tháng Tư khi đảng Quyền Lực Nhân Dân (People Power Party – PPP) cầm quyền của ông Yoon thua đậm trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Bị một Quốc Hội do đảng Dân Chủ đối lập kiểm soát, “trói tay trói chân,” hôm Thứ Ba, 3 Tháng Mười Hai, Tổng Thống Yoon Suk Yeol đột ngột ban bố thiết quân luật để rồi phải rút lại chỉ vài giờ sau đó. Lý do được đưa ra là để “bảo vệ đất nước Nam Hàn tự do trước các mối đe dọa từ Cộng Sản Bắc Hàn và loại bỏ các phần tử chống phá nhà nước.” Lệnh thiết quân luật cho phép tổng thống đình chỉ hiến pháp, cấm các hoạt động chính trị, cấm biểu tình đông người và đặt truyền thông dưới sự kiểm soát của quân đội.

Giới lập pháp và người dân Nam Hàn đã phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ. Ngay trong đêm tối, bất chấp thời tiết lạnh giá, hàng chục ngàn người dân Hán Thành (Seoul) tập trung về trụ sở Quốc Hội đối đầu với cảnh sát và quân đội; hơn 190 nghị sĩ trong số 300 thành viên Quốc Hội đến nhiệm sở, leo rào vào phòng họp và đồng loạt bỏ phiếu phủ quyết sắc lệnh của tổng thống, buộc ông Yoon phải rút lại tuyên bố.

Sau đó Quốc Hội Nam Hàn tổ chức luận tội tổng thống vào sáng Thứ Bảy, 7 Tháng Mười Hai, nhưng thất bại, vì chỉ có 195 nghị sĩ bỏ phiếu thuận, không đủ hai phần ba tổng số nghị sĩ. Tổng Thống Yoon sau đó lên truyền hình xin lỗi người dân, hứa không tuyên bố thiết quân luật lần nữa nhưng hỗn loạn chính trị đã bắt đầu và tiếp tục kéo dài đến nay.

Một cuộc luận tội tổng thống thứ hai được lên lịch, trong lúc công tố viện Nam Hàn mở cuộc điều tra hình sự chống lại ông và cấm ông ra khỏi nước. Cuộc luận tội lần thứ hai dự tính sẽ thành công sau khi một số nghị sĩ trong đảng PPP cho biết họ sẽ đứng cùng với đảng Dân Chủ để loại ông Yoon.

Tuy vậy, hôm Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai, ông Yoon vẫn lên truyền hình đọc một bài phát biểu nảy lửa, trong đó ông biện hộ cho hành động của mình và thề “sẽ chiến đấu đến cùng” bất chấp khả năng bị luận tội và truất phế. Nếu Quốc Hội luận tội thành công, ông Yoon sẽ bị đưa ra xem xét tại tòa Bảo Hiến và tòa án này có sáu tháng để quyết định có truất phế ông hay không.

***

Chính trường Nam Hàn từ lâu đã bị chia rẽ sâu sắc giữa phe bảo thủ do đảng PPP đứng đầu và phe cấp tiến do đảng Dân Chủ làm nòng cốt. Tháng Năm, 2022, ông Yoon Suk Yeol của đảng PPP – công tố viên trưởng trong chính quyền của Tổng Thống Moon Jae-in, nổi tiếng “độc lập” nhờ truy tố thành công nữ Tổng Thống Park Geun-hye và buộc bà Park vào tù vì tội tham nhũng – đã giành chiến thắng sít sao trước ứng cử viên đảng Dân Chủ Lee Jae-myung trong một cuộc bầu cử mà cử tri được cho là phải chọn lựa “người ít tệ hại hơn.” Chênh lệch số phiếu giữa hai ứng cử viên chưa tới 1%.

Là một xã hội dân chủ và tự do, Nam Hàn cũng thường xuyên căng thẳng do phải chống lại các âm mưu và thủ đoạn gây rối và thao túng của Cộng Sản Bắc Hàn thông qua các tổ chức chính trị nằm vùng.

Sau khi đắc cử, ông Yoon đã cầm quyền với não trạng của một viên chức thực thi pháp luật, sử dụng quyền lực tổng thống để tấn công các đối thủ chính trị và tránh né những cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực liên quan tới bản thân ông, vợ ông và các thân hữu. Ông lấp đầy các chức vụ đầu não trong quân đội và an ninh tình báo bằng những bạn bè của ông từ thời trung học và sử dụng các cơ quan này để thao túng chính trường. Dù không có bằng chứng khả tín nào, ông Yoon vẫn dựa vào thông tin tình báo để cáo buộc các lực lượng đối lập chính trị là phần tử “chống phá nhà nước,” tay sai của Cộng Sản Bắc Hàn.

Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Nam Hàn hồi Tháng Tư vừa qua, các đảng đối lập giành được 192/300 ghế đại biểu, đẩy đảng PPP của ông Yoon vào vị thế thiểu số và từ đó các đề nghị chính sách của tổng thống, nhất là những đề nghị về ngân sách, đều bị Quốc Hội ngăn chặn. Ông Yoon tố cáo cuộc bầu cử bị Cộng Sản Bắc Hàn thao túng và trong thời gian thiết quân luật ngắn ngủi, cảnh sát đã đột kích văn phòng cơ quan bầu cử quốc gia để tìm bằng chứng nhưng cho đến nay chưa có tài liệu nào chứng minh cuộc bầu cử bị thiên lệch có lợi cho đối lập. Khi sự ủng hộ của dân chúng rơi xuống mức thấp thê thảm, bị bế tắc trong công tác, thay vì tìm cách đối thoại và thoả hiệp với các chính đảng khác để vượt qua chia rẽ, ông Yoon và các cộng sự trung thành đã chọn giải pháp tuyệt vọng là ban bố thiết quân luật để thâu tóm quyền lực.

Sau hành động điên cuồng đó thời gian làm tổng thống của ông Yoon chỉ còn tính từng ngày. Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng PPP, nói ông Yoon đã bị gạt ra bên lề, hiện “Thủ Tướng Han Duck-soo tham vấn với đảng để quản lý việc nước.” Đảng PPP đang gây áp lực phải buộc ông Yoon từ chức nếu không muốn bị luận tội và bị truất phế một cách nhục nhã, kéo theo sự sụp đổ của chính đảng PPP.

Quang cảnh lối vào chính của Quốc Hội, bị lực lượng thiết quân luật, nhân viên quốc hội và các nhà báo chặn lại. (Hình: Voice of Seoul/Wikipedia.org)

Nền dân chủ Nam Hàn đến nay vẫn kiên cường, âm mưu “đảo chính” của Tổng Thống Yoon bị dập tắt, các cộng sự thân tín nhất của ông ta trong quân đội và an ninh đã bị tống giam và những thủ tục pháp lý đang gấp rút tiến hành để truy cứu tội lỗi của họ. Có nhiều yếu tố giúp nền dân chủ Nam Hàn đứng vững, nổi bật nhất là nhận thức chính trị của đông đảo dân chúng, thể chế tam quyền phân lập mạnh mẽ và bản chất phi chính trị của quân đội.

Sau khi Tổng Thống Park Chung-hee bị ám sát năm 1979, người dân Nam Hàn xuống đường đòi dân chủ trong sự kiện gọi là cuộc nổi dậy Gwangju năm 1980. Ông Chun Doo-hwan – một tướng lãnh – đã điều động quân đội phong tỏa Quốc Hội và vô hiệu hóa cơ quan lập pháp, thiết lập chế độ độc tài qua hai đời tổng thống (Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo), kéo dài đến năm 1990. Năm 1996 Tòa Án Tối Cao Hán Thành lật lại vụ thảm sát Gwangju, kết án ông Chun tội phản quốc và nổi loạn, nhưng ông may mắn được nhà lãnh đạo khi ấy là Kim Yong-sam ân xá, chỉ bị phạt $203 triệu mà ông đã biển thủ và tham nhũng trong thời gian cầm quyền.

Cái chết của hàng ngàn người biểu tình và thời kỳ đen tối của chế độ độc tài đến nay vẫn ám ảnh người dân Nam Hàn. Lệnh thiết quân luật của Tổng Thống Yoon gợi lại ký ức đau buồn đó và thúc đẩy sự phản kháng của người dân. Ngay sau khi lệnh thiết quân luật được loan báo, trong cái lạnh dưới không độ, hàng ngàn người dân Seoul đã biểu tình suốt đêm, phản đối thiết quân luật, đòi cách chức tổng thống bất chấp lệnh cấm. Từ đó đến nay, người dân vẫn tiếp tục biểu tình đòi luận tội và truất phế ông Yoon; họ quyết không cho phép chế độ độc tài quay trở lại.

Mặc dù Tổng Thống Yoon ban bố lệnh thiết quân luật lúc gần nửa đêm nhưng Quốc Hội Nam Hàn đã nhanh chóng triệu tập phiên họp bất thường để đối phó. Chỉ sau hai tiếng đồng hồ, 190 nghị sĩ đã leo qua hàng rào ngăn chặn của quân đội và có mặt suốt đêm tại tòa nhà lập pháp; ở đó tất cả họ đã bỏ phiếu phủ quyết lệnh thiết quân luật. Không chỉ đảng Dân Chủ đối lập mà nhiều nghị sĩ đảng PPP đương quyền đã đồng thuận chống lại quyết định “điên cuồng” và “vi hiến” của tổng thống, ngăn chặn một thảm họa.

Quân đội Nam Hàn lúc đầu tuân lệnh tổng thống đến ngăn chặn các nghị sĩ nhóm họp nhưng không dùng vũ lực để trấn áp dân chúng biểu tình bất bạo động. Ngay sau khi lệnh thiết quân luật bị Quốc Hội phủ quyết, quân đội đã lập tức rút lui trong trật tự. Ông Woo Won-shik, chủ tịch Quốc Hội Nam Hàn, đã khen ngợi quân đội làm đúng chức trách và đúng luật, chứng tỏ là lực lượng “trưởng thành cùng với nền dân chủ của đất nước.” Nam Hàn đã không có một quân đội “trung với đảng” nên tránh được nguy cơ chính trị gia độc tài sử dụng sức mạnh súng đạn để thủ tiêu ý chí tự do của người dân.

***

Tổng Thống Yoon Suk-yeol là người được bầu hợp pháp qua một cuộc tuyển cử tự do và công bằng. Nhưng ông đã thao túng các cơ quan quyền lực, coi thường thể chế tam quyền phân lập, thù địch và tấn công các lực lượng đối lập. Ông đã đi vào con đường của các nhà độc tài hiện đại: chuyên chế và bạo lực dưới lớp sơn dân chủ và ái quốc.

Tình trạng chia rẽ chính trị đang xuất hiện ở rất nhiều quốc gia; ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo, tuy được bầu lên một cách dân chủ, nhưng tìm mọi cách thâu tóm quyền lực và trở thành độc tài. Những sự kiện đang diễn ra ở Nam Hàn nhắc nhở rằng không nền dân chủ nào miễn nhiễm với mối đe dọa độc tài từ các chính trị gia mị dân. Nó cũng cho thấy sức sống của một nền dân chủ không chỉ dựa vào các định chế như báo chí tự do mà trước hết cần có sự tham dự tích cực của công dân và một hệ thống đảng chính trị có tổ chức, trung thành với Hiến Pháp và đặt quyền lợi của đất nước lên trên đảng phái.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: