Nam Hàn xoay trục: Tân tổng thống, tân chính sách

Tân tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol đang đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm. Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images.
Saigon Nhỏ - Podcast
Saigon Nhỏ – Podcast
Nam Hàn xoay trục: Tân tổng thống, tân chính sách
/

Trong diễn văn nhậm chức tổng thống ngày hôm qua Thứ Năm 10 Tháng Năm 2022, tân Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol đã cam kết hàn gắn những chia rẽ chính trị và kinh tế trong nước, đấu tranh cho các chuẩn mực quốc tế như tự do và nhân quyền trên thế giới và hứa hẹn ưu đãi kinh tế lớn cho Bắc Hàn để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Những cam kết này khác xa chính sách của Tổng thống tiền nhiệm Moon Jae-In, đánh dấu một bước “xoay trục” của Nam Hàn sau cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo.

Tân Tổng thống Yoon Suk-Yeon, 61 tuổi, là người của đảng Quyền Lực Nhân Dân (People Power Party) có khuynh hướng bảo thủ, đối lập với cựu Tổng thống vừa mãn nhiệm Moon Jae-In của đảng Dân Chủ có quan điểm cấp tiến. Ông Yoon giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử ngày 9 Tháng Ba vừa qua sau nhiều tháng tranh cử quyết liệt mà người dân Nam Hàn ví von là Trò Chơi Con Mực (Squid Game – một bộ phim nổi đình nổi đám của Netflix) vì tính chất tranh đua một mất một còn.

Ông Yoon nhậm chức vào thời điểm mà thế giới đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng lớn như chiến tranh Nga-Ukraine, sự thụt lùi của chế độ dân chủ trên thế giới. Ông cũng phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân leo thang của Bắc Hàn và xung đột ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc liên quan mật thiết tới các lợi ích an ninh và kinh tế của Nam Hàn.

Ông Yoon thề sẽ đáp ứng những thách thức đó bằng cách đấu tranh cho các giá trị phổ quát như “tự do”, “nhân quyền” và thể chế “dân chủ tự do”. “Chúng ta, với tư cách là những công dân toàn cầu, phải chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm tước đoạt tự do của chúng ta, lạm dụng nhân quyền hoặc phá hủy hòa bình,” ông nói trong diễn văn nhậm chức, được tổ chức tại bãi cỏ trước tòa nhà Quốc Hội Nam Hàn.

Gần Mỹ hơn, cứng rắn với Trung Quốc hơn

Trong quan hệ liên Triều, nhóm chính sách đối ngoại của ông Yoon nhấn mạnh việc thực thi các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn, trái ngược với đường lối ưu tiên cải thiện quan hệ với Pyongyang (Bình Nhưỡng) của Tổng thống mãn nhiệm Moon Jae-in.

Tổng thống mãn nhiệm của Nam Hàn Moom Jae-in (bên trái)  bắt tay người kế vị, tân Tổng thống Yoon Sul-yeol trước buổi lễ nhậm chức của ông Yoon ngày Thứ Ba 10 Tháng Năm 2022, đánh dấu một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình ở Nam Hàn. Ảnh Kim Hong-Ji – Pool/Getty Images.

Ông Yoon cho biết chính phủ của ông đã sẵn sàng “trình bày một kế hoạch táo bạo để củng cố đáng kể nền kinh tế của Bắc Hàn, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân” nhưng nói thêm rằng một chính sách như vậy sẽ chỉ có thể thực hiện được “nếu Bắc Hàn thực sự bắt tay vào tiến trình hoàn tất phi hạt nhân hóa”, nghĩa là phá hủy kho vũ khí hạt nhân và bãi bỏ chương trình phát triển loại vũ khí này. “Cánh cửa đối thoại sẽ vẫn mở để chúng ta có thể giải quyết mối đe dọa này một cách hòa bình”, ông Yoon nói.

Trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, cựu Tổng thống Moon chủ trương “đu dây”, không đứng về phía nào, lợi dụng sự bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ – đồng minh quân sự duy nhất của Nam Hàn – đồng thời thân thiện với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất. Nhưng hôm qua, ông Yoon thề sẽ gắn bó mật thiết hơn với Washington, hàn gắn rạn nứt với Nhật Bản và sẵn sàng chấp nhận đương đầu với Bắc Kinh.

Chính phủ bảo thủ của cựu Tổng thống Park Geun-hye trước đây đã từng bất chấp sự phản đối của Trung Quốc để cho phép thiết lập gần Seoul một căn cứ phòng thủ hỏa tiễn của Mỹ, gọi là THAAD vào năm 2017, dẫn tới việc tập đoàn Lotte và một số công ty Nam Hàn bị trừng phạt kinh tế ở thị trường Trung Quốc. Vậy nhưng trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông Yoon hứa sẽ triển khai một hệ thống THAAD khác nữa dù ông biết có nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa.

Trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, lúc đầu phản ứng của Nam Hàn khá dè dặt so với Hoa Kỳ và các đồng minh thân cận. Chính phủ của ông Moon lên án cuộc xâm lược của Nga, tán thành các biện pháp cấm vận kinh tế chống Nga nhưng không ban hành chính sách cấm vận riêng của mình như Nhật Bản và Úc. Về sau, khi các tội ác dã man đối với thường dân Ukraine của quân Nga bị phát hiện ở Bucha và nhiều nơi khác, Nam Hàn thay đổi thái độ, quyết định cấm xuất cảng sang Nga và Belarus những hàng hóa công nghệ thiết yếu như vi mạch bán dẫn, cấm giao dịch với một số ngân hàng Nga.

Nga chỉ là bạn hàng thứ 12 trong quan hệ thương mại với Nam Hàn nhưng các biện pháp cấm vận này không phải không có ý nghĩa; và vì cấm vận, Nam Hàn bị Nga đưa vào danh sách “các quốc gia không thân thiện”. Nam Hàn cũng bỏ phiếu thuận lên án cuộc xâm lược của Nga, đề nghị loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và đã viện trợ nhân đạo $40 triệu cho cuộc kháng chiến của quân dân Ukraine.

Chính phủ mới của ông Yoon có khả năng sẽ có lập trường chống Nga và ủng hộ Ukraine mạnh mẽ hơn nữa; coi đây là cơ hội để thể hiện cam kết “chính sách ngoại giao có nguyên tắc” của chính phủ Nam Hàn là “thúc đẩy tự do, hòa bình và thịnh vượng”, bảo vệ trật tự quốc tế dân chủ tự do như ông Yoon đã nhiều lần tuyên bố. Được biết Nam Hàn là một trong bốn quốc gia châu Á được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào Tháng Sáu tới tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, để thống nhất các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, theo thông tin từ Viện Brookings của Mỹ. 

Khó nhất vẫn là bài toán Bắc Hàn

Về đối nội, tân chính phủ Nam Hàn của ông Yoon phải đối mặt với nhiều vấn đề: Quốc Hội vẫn do phe đối lập kiểm soát, sự phân cực về chính trị của đất nước và nỗi bất bình của cử tri về tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng sâu sắc, chi phí sinh hoạt tăng nhanh và giá nhà đất cao ngất ngưởng. Ông Yoon thắng cử tổng thống với số phiếu sít sao trước đối thủ Lee Jae-myung của đảng Dân Chủ và chỉ có 42% cử tri Nam Hàn đánh giá ông đã làm tốt vai trò của một tổng thống đắc cử – rất thấp so với tỷ lệ 70% của những người tiền nhiệm- theo khảo sát của tổ chức Gallup Korea.

Trong lễ nhậm chức hôm qua, ông Yoon thừa nhận “xung đột và bất hòa nội bộ” trong xã hội Hàn Quốc, nhưng ông cho biết giải pháp là “khoa học, công nghệ và đổi mới.” “Tăng trưởng nhanh chóng sẽ mở ra những cơ hội mới, sẽ cải thiện tính di động xã hội, do đó giúp chúng ta thoát khỏi những trở ngại căn bản đang làm trầm trọng sự chia rẽ và xung đột xã hội”, ông Yoon nói.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ông Yoon là vấn đề Bắc Hàn.

Tân Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol (bên phải) tiếp Phó Chủ tịch Trung Quốc Wang Qishan (Vương Kỳ Sơn) tới Seoul dự lễ đăng quang của ông ngày Thứ Ba 10 Tháng Năm 2022. Ông Yoon được cho là sẽ cứng rắn với Trung Quốc hơn người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Moon Jae-in. Ảnh Chung Sung-Jun/Getty Images.

Cả Hoa Kỳ và các quan chức Nam Hàn đều cảnh báo Bắc Hàn sẽ nối lại các vụ thử vũ khí hạt nhân ngay trong tháng này, có thể là vào khoảng thời gian Tổng thống Joe Biden dự kiến ​​gặp Tổng thống Yoon tại Seoul vào ngày 21 Tháng Năm trong chuyến công du Đông Á sắp tới của tổng thống Hoa Kỳ.

Trong quá khứ, Bắc Hàn thường có các hành động khiêu khích lớn nhằm thách thức một nhà lãnh đạo mới ở Seoul. Pyongyang đã thử vũ khí hạt nhân dưới lòng đất lần thứ ba trong hai tuần trước khi Tổng thống Park Geun-hye nhậm chức vào Tháng Hai2013; đã tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên chưa đầy hai tháng sau khi Tổng thống Moon nhậm chức vào Tháng Năm 2017. Trong vài tuần trước khi Tổng thống Yoon nhậm chức hôm qua, Bắc Hàn đã thực hiện một số cuộc thử nghiệm vũ khí, bao gồm vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 24 Tháng Ba, chấm dứt lệnh cấm thử nghiệm ICBM kéo dài bốn năm.

Hồi cuối tuần qua, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Park Jie-won, nói với truyền thông địa phương rằng Bắc Hàn đang chuẩn bị một vụ thử vũ khí hạt nhân bất chấp phản đối của các đồng minh Trung Quốc và Nga. Vụ thử là rất quan trọng đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, vì nó cho phép nước này thử nghiệm một đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn và nhẹ hơn để có thể gắn trên các tên lửa tầm ngắn nhằm vào các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Trước đây các cựu tổng thống Moon và Donald Trump coi trọng chính sách ngoại giao trực tiếp với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un. Ông Moon và ông Trump mỗi người đều có ba cuộc gặp gỡ, đàm luận với Kim. Nhưng nay Tổng thống Joe Biden tỏ ra không mấy mặn mà với nhà độc tài ở Pyongyang. Tổng thống Yoon cũng có lập trường cứng rắn như vậy; ông kêu gọi tăng cường các cuộc tập trận chung hàng năm với Hoa Kỳ và đe dọa “đánh phủ đầu” nếu Bắc Hàn chuẩn bị một cuộc tấn công vào miền Nam.

 

Chính sách của ông Yoon đề nghị ưu đãi kinh tế đổi lấy việc Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân cũng không có hiệu quả. Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Bắc Hàn tại Viện Sejong của Nam Hàn nhận định: “Không đời nào Bắc Hàn chấp nhận” đề nghị của ông Yoon. “Dưới thời chính phủ mới, chúng ta rất có thể sẽ thấy vấn đề hạt nhân của Triều Tiên xấu đi nhanh chóng”.

Các chính phủ bảo thủ nắm quyền ở Seoul trước đây – từ 2008 đến 2017 – đã đưa ra đề nghị tương tự như những ưu đãi mà ông Yoon đưa ra hôm Thứ Ba chỉ để thấy Bắc Hàn đáp trả bằng một số hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng nhất kể từ sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc: Bốn mươi sáu thủy thủ Nam Hàn đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu ​​hải quân mà Hàn Quốc đổ lỗi cho một cuộc tấn công bằng ngư lôi từ tàu ngầm Bắc Hàn. Pyongyang cũng bắn phá một hòn đảo của Nam Hàn bằng rocket và phi pháo, khiến bốn người thiệt mạng. Những vụ khiêu khích này dẫn tới việc Seoul đóng cửa khu công nghiệp Kaesong trên đất Bắc Hàn gần biên giới – nơi các nhà máy Nam Hàn sử dụng lao động Bắc Hàn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu – làm đổ vỡ luôn mối quan hệ kinh tế giữa hai miền Triều Tiên.

Nhìn chung, Tổng thống Yoon Suk-yeon lên nhậm chức trong một môi trường quốc tế không thuận lợi và phải tiếp tục đối diện với những thách thức lớn kéo dài qua nhiều đời tổng thống như căng thẳng với Bắc Hàn và xác định vị thế của Nam Hàn trong cuộc cạnh tranh cường quốc Mỹ-Trung Quốc. Nhưng không giống những người tiền nhiệm, Tổng thống Yoon cho thấy ông sẽ đi theo con đường khác, gần gũi hơn với các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền và cứng rắn hơn với các thể chế độc tài, dù đó là độc tài Bắc Kinh hay độc tài Bình Nhưỡng.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: