Các nhà ngoại giao Nga và phương Tây đã xung đột gay gắt về cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine trong một cuộc họp căng thẳng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm thứ Năm 22 Tháng Chín, theo tường thuật của The Washington Post.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói sau khi Nga rút khỏi các thành phố Izyum và Bucha của Ukraine đã lộ ra việc tra tấn dã man và giết hại thường dân Ukraine mà không thể nói đó là hành động của một vài kẻ xấu. “Bất cứ nơi nào quân Nga rút đi, chúng tôi đều khám phá ra nỗi kinh hoàng họ để lại. Chúng tôi không thể, chúng tôi sẽ không cho phép Tổng thống Putin phủi tay vô can,” ông Blinken nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bác bỏ cáo buộc của Mỹ và cáo buộc ngược lại rằng các lực lượng Ukraine giết hại dân thường ở khu vực Donbass miền Đông Ukraine mà “không bị trừng phạt”. Ông Lavrov đổ lỗi cho Mỹ, Pháp và Đức đã không truy cứu trách nhiệm của Ukraine về những hành vi tàn bạo ở khu vực này. “Chế độ Kyiv có được sự tùy tiện nhờ các nhà tài trợ phương Tây”, ông Lavrov nói.
Từ nhận xét của Ngoại trưởng Lavrov, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói lời bình luận đó khiến ông ta trở thành đồng phạm với những tội ác xảy ra ở Ukraine. “Các nhà ngoại giao Nga là đồng lõa trực tiếp vì những lời nói dối của họ đã kích động những tội ác này và che đậy chúng”, ông Kuleba nói.
Đứng về phía Ngoại trưởng Mỹ có các nhà ngoại giao hàng đầu từ các nước Pháp, Anh, Na Uy, Albania và Ireland và Tổng thư ký LHQ António Guterres. Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna nói rằng Nga đã phạm phải “những tội ác không thể nói bằng lời” và các quan chức Nga đã thực hiện, ra lệnh hoặc lên kế hoạch cho những hành vi tội ác đó phải chịu trách nhiệm.
Tổng thư ký LHQ Guterres gọi kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý của Moscow về việc Nga thâu tóm các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine là “vi phạm hiến chương LHQ, luật lệ và tiền lệ quốc tế”. Nhà ngoại giao hàng đầu thế giới cũng lên án các cuộc bắn phá của Nga vào các khu đô thị đang khiến hàng nghìn dân thường Ukraine thiệt mạng, trong đó có hàng trăm trẻ em. “Hầu hết trẻ em ở Ukraine đều bị tổn thương bởi cơn ác mộng chiến tranh,” ông Guterres nói.
Đứng về phía Ngoại trưởng Nga có Belarus; Ấn Độ và Trung Quốc vẫn cố giữ lập trường nước đôi, không ngả về phía nào.
Belarus, một đồng minh thân cận của Nga, nhắc lại các tuyên bố của Kremlin trước cuộc xâm lược, rằng lập trường của phương Tây về khả năng kết nạp Ukraine vào NATO và nỗ lực của Kyiv nhằm liên kết chặt chẽ hơn với phương Tây đã gây ra mối đe dọa đối với cán cân an ninh của khu vực.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi cả hai bên kiềm chế và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc LHQ giữ lập trường vô tư, không thiên vị trong cuộc xung đột.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar, cũng tránh đổ lỗi cho Nga hoặc Ukraine, và chỉ tán thành các cuộc điều tra về tội ác chiến tranh.
Ngoài các nhà ngoại giao, cuộc họp còn có sự tham dự của Công tố viên trưởng Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC), Karim Khan. Ông Khan cho biết ICC sẽ cử điều tra viên đến Ukraine trong những ngày tới để điều tra các cáo buộc lực lượng Nga đã tra tấn, bắt cóc và cưỡng hiếp cư dân trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở miền đông đất nước.
Tuy không đổ lỗi rõ ràng cho Nga nhưng ông Khan nói rõ những hành động tàn bạo mà ông đã chứng kiến trong các chuyến thăm các khu vực bị chiến tranh tàn phá của Ukraine bao gồm ngoại ô Bucha của thủ đô Kyiv và thành phố Kharkiv phía Đông Bắc là có thật và gây sốc. “Những thi thể tôi nhìn thấy không phải là giả,” ông nói.
Đây là cuộc gặp thứ hai giữa Blinken và Lavrov kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai. Ông Lavrov bước vào phòng họp của Hội đồng Bảo an ngay trước thời điểm phát biểu của ông và sau khi lên án sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine, ông ta lập tức rời khỏi phòng họp.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an diễn ra song song với hội nghị thường niên của Đại hội đồng LHQ ở New York, quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới. Một chủ đề mà nhiều nhà lãnh đạo, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, nêu ra trong các bài phát biểu trước hội nghị là mong muốn duy trì sự đoàn kết giữa các quốc gia đang thực hiện các bước phi thường để hỗ trợ Ukraine, cung cấp vũ khí, áp đặt các lệnh trừng phạt và giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Âu, đang ở tuyến đầu của cuộc xung đột giữa Nga và NATO, lặp lại niềm hy vọng của Hoa Kỳ rằng liên minh thân Ukraine sẽ vẫn sẽ thống nhất hành động bất chấp những căng thẳng mà họ dự kiến sẽ đối mặt trong những tháng tới, khi giá năng lượng và các hàng hóa khác tăng cao, gây thiệt hại lớn hơn đối với người dân của họ.
Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova cho biết đất nước của bà, có biên giới chung với Ukraine, sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Kyiv, có thể bao gồm cả các chiến đấu cơ MiG sau khi Ba Lan và Cộng hòa Czech đồng ý canh gác bầu trời Slovakia. Nhưng bà thừa nhận rằng một số người Slovakia chỉ muốn chấm dứt xung đột, bất kể ai là người chiến thắng. “Chúng tôi là tiếp tục kiên nhẫn giải thích cho người dân rằng hỗ trợ Ukraine không chỉ là một hình thức từ thiện nào đó. Giúp Ukraine tự vệ và giành chiến thắng trong cuộc chiến này cũng là lợi ích của chúng tôi,” bà tổng thống nói qua phiên dịch.
Đọc thêm: