Cứ đến ngày 8 Tháng Ba hàng năm, tôi lại thấy mạng xã hội, đặc biệt ở Việt Nam, lại nhốn nháo tặng hoa cho giới nữ.
Đây là ngày lịch sử, là một ngày hành động chính trị nhắc nhớ phụ nữ bỏ biết bao mồ hôi, nước mắt và ngay cả thân mạng để giành được quyền bỏ phiếu, được đối xử công bằng trong công việc và đạt được các thành tựu quan trọng khác, chứ không phải là ngày để khen ngợi phụ nữ về việc “làm vợ” của họ. Nếu hiểu lịch sử về ngày này cũng như nhìn lại tình trạng nữ quyền ngày hôm nay, sau hơn 100 năm, tôi nghĩ phụ nữ không có lý do để nhận hoa hay nhận quà mà trái lại, họ sẽ thể hiện sự quyết tâm hơn để đòi những quyền lợi chưa đạt được cho nữ giới nói chung.
Năm 1910, bà Clara Zetkin, người tranh đấu nữ quyền Đức, đề nghị trước Đại hội Quốc tế Xã hội lần thứ II ở Copenhagen lập nên một ngày “Quốc tế Phụ nữ” hằng năm. Bà đòi hỏi cho phụ nữ: “Không cần đặc quyền, mà nhân quyền”. Và 8 Tháng Ba 1911, ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên, các cuộc biểu tình với gần một triệu người tham dự đã nổ ra trên các đường phố Đức, Áo, Hungary, Đan Mạch, Thụy Sỹ…, đòi hỏi quyền bỏ phiếu cho phụ nữ, qua đó tạo nên điều kiện để phụ nữ có quyền tham gia hoạt động chính trị. Tại thời điểm đó, chỉ duy nhất phụ nữ Phần Lan được tham gia bầu cử. Phụ nữ Đức được trao quyền bầu cử vào năm 1918 và Thụy Sỹ thì mãi đến năm 1971 phụ nữ mới được phép bỏ phiếu.
Theo thời gian, từ đòi hỏi quyền được bầu phiếu, đòi hỏi của phụ nữ thế giới trở nên đa dạng hơn. Từ phản đối chiến tranh (Đệ nhất Thế chiến) đến những đòi hỏi khác như luật lao động, lương bình đẳng, lương tối thiểu, luật bảo vệ bà mẹ và trẻ em, và hợp pháp hoá phá thai.
Tuy nhiên, sau một trăm năm, ở các nước phương Tây, nơi sự bình đẳng ngày càng được tôn trọng, nhưng với phong trào phụ nữ, cuộc đấu tranh bình đẳng giới vẫn còn xa mới hoàn tất. Phụ nữ kiếm được ít tiền hơn nam giới với một công việc tương tự. Ở các vị trí lãnh đạo trong kinh doanh, chính trị, điều hành, phụ nữ vẫn là thiểu số. Lạm dụng tình dục vẫn thường xuyên xảy ra…
Những chủ đề khác về quyền phụ nữ cũng khiến cho phong trào tranh đấu phụ nữ còn phải bận tâm, đặc biệt cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại sự áp bức và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ở nhiều quốc gia, trẻ gái vẫn chưa được hưởng quyền giáo dục, và giới nữ vẫn bị từ chối quyền nói “không” để tự quyết định phản đối khi không muốn tình dục. Một khi phong trào phản đối lạm dụng tình dục #MeToo hoặc tương tự vẫn còn xảy ra thì có lẽ phụ nữ không có lý do gì để hãnh diện về những đóa hoa trong ngày Quốc tế Phụ nữ.
Với sự thỏa mãn kỳ lạ của một số phụ nữ khi được tặng hoa và quà vào Ngày Quốc tế, người ta tự hỏi liệu một ngày được xem là ngày hành động vì phụ nữ có thực sự cần thiết nữa hay không. Nếu giá trị Ngày Quốc tế Phụ nữ chỉ là một bữa tiệc, một món quà cộng thêm một vài lời yêu thương, chấp nhận lời chúc mừng từ phái nam, thì ngày này hoàn toàn không còn cần thiết. Bà Alice Schwarzer, người tranh đấu nữ quyền tại Đức, đã không sai khi từng tuyên bố chống lại Ngày Quốc tế Phụ nữ rằng “Chúng ta hãy xóa bỏ ngày 8 Tháng Ba, ngày hạ thấp phụ nữ! Và hãy tạo ra 365 ngày phụ nữ mỗi năm cho mọi người”.
Vào ngày 8 Tháng Ba, phụ nữ đừng nên chờ đợi được đối xử đặc biệt hơn thường ngày mà hãy vì quyền lợi chung, phải có cái nhìn sâu sắc hơn, dùng tiếng nói mình để thu hút sự chú ý nhiều hơn đến các bộ luật phá thai lỗi thời, hướng đến những nơi phụ nữ không có quyền như họ đáng lý phải được hưởng. Chờ đợi được tặng hoa, được ca ngợi, được dành cho một sự đối xử đặc biệt vào ngày 8 Tháng Ba, phụ nữ đã bỏ lỡ điều mà Clara Zetkin từng đấu tranh “Không cần quyền đặc biệt, mà là quyền con người”.
Điều cần thiết chính đáng là giải phóng phụ nữ. Đó là về quyền bình đẳng – trong cuộc sống gia đình, tại nơi làm việc, trong xã hội, trước pháp luật theo tinh thần Liên Hiệp Quốc đề ra cho ngày Quốc Tế Phụ nữ: “Bình đẳng giới và trang bị sức mạnh cho trẻ em gái và phụ nữ là công việc còn dang dở của thời đại chúng ta. Đó là nhiệm vụ lớn nhất trong lĩnh vực quyền con người trong thế giới hiện nay”, như lời Tổng Thư ký LHQ António Guterres trong thông điệp vào ngày Quốc tế Phụ nữ 2018.