Nghề báo không an toàn

Các phóng viên đang tác nghiệp. (minh họa: Michael Ho Wai Lee/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Mỹ xếp hạng 45 trong số 180 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới hàng năm của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders-RWB), tụt lại phía sau một số quốc gia châu Âu, Nam Phi và Namibia vì thiếu các cơ quan báo chí địa phương và sự quan tâm ngày càng tăng đối với các phương tiện truyền thông đảng phái.

Chỉ số của RWB xếp hạng 180 quốc gia với năm tiêu chí được đưa ra hàng năm: Bối cảnh chính trị, khung pháp lý, bối cảnh kinh tế, bối cảnh văn hóa xã hội và an toàn.

Hầu hết các quốc gia Trung Đông và một số quốc gia Đông Á có thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng: Bắc hàn được xếp ở vị trí 180, là quốc gia tồi tệ nhất về tự do báo chí, trong khi Trung Quốc được xếp hạng 179 và Việt Nam: 178.

RWB mô tả Bắc Hàn là “một trong những chế độ độc đoán nhất thế giới, kiểm soát chặt chẽ thông tin và nghiêm cấm báo chí độc lập”.

‘Cơ quan ngôn luận của Đảng’

Về Trung Quốc, RWB lưu ý: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) là nhà tù lớn nhất thế giới dành cho các nhà báo, và chế độ của nước này tiến hành một chiến dịch đàn áp báo chí và quyền được thông tin trên toàn thế giới”.

Theo RWB, các tập đoàn truyền thông lớn của Trung Quốc, như Tân Hoa Xã, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR), và các tờ báo China Daily, People’s Daily và Global Times, đều thuộc sở hữu nhà nước và được chính quyền kiểm soát trực tiếp.

“Trong con mắt của chế độ, chức năng của báo chí là cơ quan ngôn luận của đảng và truyền đạt tuyên truyền của nhà nước. Các nhà báo và blogger độc lập dám báo cáo thông tin ‘nhạy cảm’ thường bị theo dõi, sách nhiễu, giam giữ và trong một số trường hợp còn bị tra tấn,” RWB cáo buộc.

Một nhà báo Palestine bị thương nằm trên giường bệnh sau khi bị lính Israel bắn trong một cuộc đột kích vào trại Jenin. (minh họa: Nasser Ishtayeh/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Nhà báo bị bỏ tù

Trung Quốc tụt bốn bậc so với thứ hạng của mình trong chỉ số năm ngoái. Sau khi bảng xếp hạng được công bố vào ngày 3 Tháng Năm – Ngày Tự do Báo chí Thế giới, các chủ tịch của Ủy ban Điều hành Quốc hội-Lưỡng viện về Trung Quốc, Dân biểu Christopher Smith (New Jersey, Đảng Cộng Hòa) và Thượng nghị sĩ Jeff Merkley, (Oregon, đảng Dân Chủ) đã đưa ra một bảng xếp hạng tuyên bố kêu gọi chính quyền Biden lãnh đạo nỗ lực toàn cầu nhằm trả tự do cho một số nhà báo Trung Quốc hiện đang bị nhốt trong tù.

“Chúng tôi tôn vinh lòng dũng cảm và sự hy sinh mãnh liệt của những người ở Trung Quốc đã dũng cảm tìm cách thông báo, vạch trần và giáo dục bất chấp sự đe dọa, kiểm duyệt và bắt bớ tùy tiện,” các dân biểu viết.

Na Uy chiếm vị trí hàng đầu về tự do báo chí, Ireland ở vị trí thứ hai. Ở Na Uy, thị trường truyền thông rất sôi động, có đài truyền hình dịch vụ công cộng mạnh mẽ và khu vực tư nhân đa dạng với các công ty xuất bản bảo đảm sự độc lập về biên tập.

Nhà hoạt động bảo vệ môi trường Hoàng Thị Minh Hồng đã bị bắt. (ảnh: Đất Việt)

Mỹ tụt hạng

Theo báo cáo của RWB, Mỹ bị tụt ba bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái, họ viết: “Sau khi tăng mạnh vào năm 2020, các vi phạm về quyền tự do báo chí đã giảm đáng kể ở Hoa Kỳ, nhưng các rào cản cơ cấu lớn đối với tự do báo chí vẫn tồn tại ở quốc gia từng được coi là hình mẫu về tự do báo chí này.”

Báo cáo cho biết các nền tảng kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội đã góp phần làm suy yếu nền báo chí và nền dân chủ của Hoa Kỳ. Tổ chức này lưu ý rằng phần lớn các phương tiện truyền thông ở Mỹ thuộc sở hữu của một số ít cá nhân giàu có, không cho phép có nhiều ý kiến ​​và tiếng nói khác nhau.

Sự an toàn của phóng viên

Báo cáo cũng bày tỏ lo ngại về sự an toàn của các nhà báo đang làm việc tại Mỹ. Điển hình là vụ phóng viên Jeff German của Tạp chí Las Vegas Review-Journal bị đâm chết vào Tháng Chín 2022, mà thủ phạm được xác định là Robert Telles, Quản trị viên Công cộng của Hạt Clark, Nevada. German từng viết một loạt bài điều tra về hành vi sai trái của Telles khi còn đương chức. Trước khi bị sát hại, nhà báo này còn viết câu chuyện tiếp theo.

Tại sự kiện công bố báo cáo vào ngày 3 Tháng Năm, ngoại trưởng Antony Blinken, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng đấu tranh để giúp đỡ các nhà báo trên toàn thế giới, bằng cách này hay cách khác, họ đang phải đối mặt với sự đe dọa, ép buộc, bắt bớ, truy tố và giám sát.”

Cảnh sát trưởng Hạt Clark Joe Lombardo phát biểu tại một cuộc họp báo vào năm 2022 ở trụ về vụ bắt giữ Robert Telles, Quản trị viên Công cộng của Hạt Clark, với tội danh giết phóng viên điều tra Jeff German của Vegas Review-Journal. (ảnh: Ethan Miller/Getty Images)

Blinken cũng kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho phóng viên Wall Street Journal, người đã bị bắt vào Tháng Ba vừa qua tại Nga và hiện vẫn đang bị giam giữ với cáo buộc làm gián điệp. Blinken cũng cho biết chính phủ đang làm việc để bảo đảm việc thả Austen Tice, một nhà báo tự do bị bắt cóc vào năm 2012 khi đang đưa tin ở Syria.

Báo cáo của RWB cũng phân tích tác động của “ngành công nghiệp nội dung giả mạo kỹ thuật số”. Ở 118 quốc gia, hầu hết những người được hỏi đều nói rằng các chủ thể chính trị ở quốc gia của họ thường xuyên hoặc có hệ thống tham gia vào các chiến dịch tuyên truyền hoặc thông tin sai lệch quy mô lớn.

“Sự khác biệt đang bị lu mờ giữa đúng và sai, thật và giả, sự thật và giả tạo, gây nguy hiểm cho quyền được thông tin. Khả năng giả mạo nội dung chưa từng có đang được sử dụng để làm suy yếu những người đại diện báo chí chân chính và làm suy yếu chính hệ thống báo chí ở các quốc gia này,” RWB cho biết.

(theo EMS, Trang Nguyên lược dịch)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: