Ở Gaza, không ai dám tin vào mắt mình

Israel pháo kích vào Gaza, ngày 11 Tháng Mười 2023 (ảnh: Ilia yefimovich/picture alliance via Getty Images)

Mosab Abu Toha là một nhà thơ, nhà văn viết truyện ngắn và nhà tiểu luận người Palestine sống ở thành phố Beit Lahia ở phía Bắc Gaza, chỉ cách biên giới với Israel khỏang hai dặm. Đây là những gì ông chứng kiến vào sáng Thứ Bảy 7 Tháng Mười 2023, khi cuộc sống bình thường bất ngờ biến thành… địa ngục bởi cuộc đột kích quy mô chưa từng thấy của lực lượng Hamas vào lãnh thổ Israel. Toha kể lại với tờ The Washington Post.

“Trong ‘nhà tù’ Gaza này, khi chúng tôi nghe thấy tiếng bom rơi, chúng tôi tự hỏi: Lần này có đến lượt mình không? Lúc nổ ra xung đột, tôi đang chờ xe đón đến ngôi trường nơi tôi dạy học. Con gái 7 tuổi Yaffa của tôi cũng chuẩn bị ra ngoài đợi xe buýt thì đột nhiên, một tia lửa bắn ngang bầu trời. Vợ tôi trấn an: Chỉ là một cuộc thử nghiệm thôi, họ đang bắn về phía biển. Vợ tôi nói đúng vì điều đó thỉnh thỏang vẫn xảy ra trong thời bình.

Nhưng rồi một tia lửa khác, lần này tôi chắc chắn nó hướng về phía Israel. Sau đó, nhiều hỏa tiễn nữa bay từ mọi hướng. Điều chúng tôi không bao giờ ngờ là hàng chục chiến binh từ Gaza đã xâm nhập vào các thị trấn của Israel gần biên giới. Chỉ khoảng hai giờ sau, chúng tôi bắt đầu được xem hàng loạt hình ảnh và video quay cảnh các chiến binh Gaza giết binh lính, dân thường và bắt tù nhân Israel. Kinh hoàng và không ai có thể tin vào mắt mình!

Một địa điểm bị Israel oanh kích ở Gaza (ảnh: Ali Jadallah/Anadolu via Getty Images)

Anh rể tôi, Mohammed, lái xe ngang qua, hỏi: Có ai muốn đi chợ không? Khi gặp một tình huống như thế, suy nghĩ đầu tiên của chúng tôi là nghĩ ngay đến những nguồn cung cấp thiết yếu để duy trì cuộc sống. Bánh mì đứng đầu danh sách (dù có sẵn bột mì nhưng khi điện cắt nhiều giờ việc nướng bánh ở nhà hầu như không thể). Tôi đến ngay một trung tâm mua sắm và mua được một ít thịt gà, dưa chuột và bơ. Nhưng tại cửa hàng bánh mì, hàng chục người chen lấn và đánh nhau. Người chủ phải đóng cửa.

Chúng tôi quyết định thử đến một nơi khác. Trên đường đi, tôi thấy một đám đông diễu hành trên đường phố, giương cờ Palestine và vinh danh các chiến binh. Khi chúng tôi đến gần Trại tị nạn Jabalia, một trong những khu vực đông dân nhất thế giới, các tiệm bánh và cửa hàng đều đông nghẹt người. Đột nhiên, tôi thấy một chiếc xe jeep quân sự của Israel lao nhanh trên đường. Đó là chiếc xe bị tịch thu. Nhiều thanh niên tranh nhau leo lên chiếc xe có lốp trước bên trái bị nổ để mừng chiến thắng.

Không mua được bánh mì nên tôi chỉ mang thịt gà, quả bơ và dưa chuột về nhà. Hình ảnh hàng chục người Israel thương vong và tù nhân trên truyền hình ám ảnh tôi. Làm cách nào các tay súng Hamas vượt qua được một biên giới bị giám sát rất chặt chẽ? Làm sao họ có thể giết những người lính này và bắt nhiều người khác mang về Dải Gaza làm tù binh? Người ta thường nghĩ chỉ quân đội Israel mới có thể giết được hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thường dân Palestine như thế. Nhưng gió đã đổi chiều. Hamas cũng làm được những điều tương tự.

Nghĩ đến những hệ quả trả thù tàn khốc, tôi chưa bao giờ thấy mình sợ hãi đến thế. Rồi chúng tôi nghe Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khuyến cáo người dân Gaza hãy di tản ngay bây giờ. Nhưng tôi tự hỏi: Chúng tôi biết đi đâu bây giờ? Chẳng phải tổ tiên chúng tôi đã từng phải bỏ quê hương vào năm 1948 hay sao?”. Chúng tôi không có nơi trú ẩn chỉ định, không có hệ thống cảnh báo không kích, không có một quân đội đúng nghĩa.

Khu Al-Karama ở Gaza sau một cuộc oanh kích của Israel ngày 11 Tháng Mười 2023 (ảnh: Ashraf Amra/Anadolu via Getty Images)

Bây giờ đã là ngày thứ tư của cuộc chiến và ít nhất 900 người ở Gaza đã thiệt mạng, khoảng một nửa trong số đó là trẻ em và phụ nữ. Đó không phải là điều khủng khiếp chúng tôi mới gặp lần đầu. Ngày hôm qua, Thứ Hai (9 Tháng Mười), dì tôi gọi điện thông báo tin buồn, người chị họ Doaa 33 tuổi đang mang thai của tôi đã chết khi Israel không kích vào một nhà thờ Hồi giáo kế bên nhà. Cha chị cũng bị Israel giết năm 2004, khi chị 14 tuổi.

Trong 90 giờ qua, chúng tôi chỉ có điện được bảy tiếng và có nước trong sáu tiếng. Tôi sợ phải ra khỏi nhà để mua thức ăn cho gia đình; thậm chí sợ cả lên mái nhà để kiểm tra xem còn bao nhiêu nước trong thùng chứa. Chúng có thể hết bất cứ lúc nào. ‘Chỉ xả bồn cầu sau khi có năm người sử dụng – cha tôi liên tục nhắc nhở – Hãy dùng khăn ướt lau tay, cố gắng không tắm và tiết kiệm tối đa nước rửa chén đĩa”.

Ngay cả việc mua bánh mì cũng là cả trò mạo hiểm. Ngày Thứ Hai, tôi đã dành hơn một tiếng đồng hồ để xếp hàng ở tiệm bánh. Một người bạn có mặt ở đó nói trung tâm mua sắm ở Trại Jabalia vừa bị trúng bom khu đối diện. Tôi định đến đó để mua thức ăn và đổi tiền nhưng đành quay về nhà. Nửa tiếng sau thì nhận được tin hơn 50 người bị thiệt mạng trong cuộc biểu tình mừng chiến thắng.

Trên truyền hình, những thi thể không chân tay và mặt không nhận dạng được. Chúng ta có nên gọi đó là thi thể nữa không? Tôi cũng thấy những quả bơ vấy đầy máu trên mặt đất cạnh một chiếc xe đẩy nằm phơi mình giữa đống đổ nát và xác người. Chúng ta có nên gọi chúng là quả bơ nữa không? Liệu tôi có dám ăn bơ lần nữa? Trong những ngày tới, tôi biết chúng tôi sẽ còn nghe thấy nhiều quả bom rơi hơn nữa và tiếp tục chờ đợi trong sợ hãi với ý nghĩ: Lần này có đến lượt mình? Mỗi khi bạn nhìn thấy ánh chớp của vụ nổ, bạn biết mình vừa thoát chết, vì nếu bị bắn trúng, bạn không thể thấy gì cả ngoài… tử thần. Nhưng những người khác đã chết thay bạn. Những người còn sống chỉ biết tiếc thương bằng tiếng khóc”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: