Phương Tây phản đối Nga trưng cầu dân ý tại Ukraine

Binh lính Ukraine tiến vào thành phố Izium mới giải phóng trong vùng Kharkiv. Thành phố bị quân Nga chiếm vào ngày 1 Tháng Tư 2022. Thất bại trên chiến trường đã khiến ông Putin lặp lại kịch bản “trưng cầu dân ý” trong các vùng tạm chiếm để thâu tóm lãnh thổ Ukraine. Ảnh Oleksii Chumachenko/SOPA Images/LightRocket via Getty Images.

Các chính quyền bù nhìn do Nga dựng lên tại các vùng lãnh thổ của Ukraine bị Nga chiếm đóng có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Liên bang Nga trong những ngày tới, đặt ra một thách thức mới với Ukraine và Phương Tây, đồng thời có nguy cơ làm chiến tranh lan rộng lôi kéo cả Hoa Kỳ và NATO.

Trong một kế hoạch phối hợp và có sự điều khiển từ Kremlin, các chính quyền tay sai của Nga tại bốn khu vực chiếm đóng ở miền Đông và Đông Nam Ukraine – gồm hai tỉnh Donetsk, Lugansk hợp thành vùng Donbass, thành phố Kherson và tỉnh Zaporizhzhia –  sẽ tổ chức “trưng cầu dân ý” trong năm ngày, bắt đầu từ Thứ Sáu tuần này kéo dài đến Thứ Ba tuần sau. Mục đích của cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu này là để hợp thức hóa việc Nga thâu tóm một phần đất mà họ chiếm được của Ukraine, bằng khoảng 15% lãnh thổ Ukraine, tương đương diện tích nước Hungary.  

Các nhân vật ủng hộ cuộc chiến tranh của Putin coi tổ chức trưng cầu dân ý là một tối hậu thư cho phương Tây: Hoặc phương Tây chấp nhận việc chiếm đất của Nga hoặc đối mặt với một cuộc chiến toàn diện với một kẻ thù được trang bị vũ khí hạt nhân. Sau khi thâu tóm các vùng lãnh thổ này, Moscow sẽ tuyên bố những cuộc tấn công vào đó là tấn công nước Nga, sẽ tổng động viên dân Nga hoặc có một hành động trả đũa nguy hiểm nào đó như sử dụng vũ khí hạt nhân chẳng hạn.

Dmitry Medvedev, người từng là tổng thống, thủ tướng và bây giờ là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga dưới quyền Putin, nói việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào Liên bang Nga sẽ cho phép Moscow sử dụng mọi phương tiện để bảo vệ lãnh thổ và sẽ “thay đổi hoàn toàn” tương lai của nước Nga. “Sau trưng cầu dân ý và các lãnh thổ mới được nhập vào Liên bang Nga, sự chuyển dịch về địa chính trị của thế giới sẽ trở nên không thể đảo ngược được. Một sự xâm phạm lãnh thổ Nga sẽ là hành động mà chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp để tự vệ,” ông Medvedev nói.  

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm nay 20 Tháng Chín 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói những vụ trưng cầu dân ý này “rõ ràng, rất rõ ràng là giả tạo và không chấp nhận được”. Ảnh Michael Kappeler/picture alliance via Getty Images

Nga từng dùng thủ đoạn “trưng cầu dân ý” để thâu tóm bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 mà phương Tây không có phản ứng đáng kể. Lần này, thủ đoạn của Nga lập tức gặp phải sự chống đối mạnh mẽ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói:“Nga đã và đang tiếp tục là kẻ xâm lược chiếm đóng bất hợp pháp đất đai của chúng tôi. Ukraine có quyền giải phóng các vùng lãnh thổ của mình và đang phản công tái chiếm chúng bất chấp Nga nói gì”. Trong một tweet, ông nói thêm: “Ukraine có quyền giải phóng các vùng lãnh thổ của mình và đang phản công tái chiếm chúng bất chấp Nga nói gì”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết Washington dứt khoát từ chối bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào như vậy và không bao giờ thừa nhận chủ quyền của Nga trên các vùng đất chiếm được từ Ukraine.

Nga đã coi hai tỉnh Lugansk và Donetsk mà Moscow chiếm đóng một phần vào năm 2014, là các quốc gia độc lập. Ukraine và phương Tây coi tất cả các khu vực của Ukraine do lực lượng Nga nắm giữ đều bị chiếm đóng bất hợp pháp.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết EU và các nước thành viên không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và sẽ xem xét các biện pháp tiếp theo chống lại Nga nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tham dự hội nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York nói với các phóng viên rằng thủ đoạn trưng cầu dân ý chỉ là một trò hề.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, phát biểu trước Đại hội đồng hôm Thứ Ba 20 Tháng Chín, lên án cuộc xâm lược của Nga là gây bất ổn cho trật tự quốc tế. “Việc Nga xâm lược Ukraine là một hành vi chà đạp triết lý và nguyên tắc của hiến chương Liên Hiệp Quốc… Nó không bao giờ được dung thứ”, ông Kishida nói.

Ngay đến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, người đang làm trung gian giữa ông Nga và Ukraine cũng phản đối. Trả lời phỏng vấn đài PBS tại New York, ông Erdogan nói để có hòa bình ở Ukraine, điều rất quan trọng là Nga phải trả lại những vùng đất đã xâm chiếm. Ông cũng nhắc lại lập trường từ trước đến nay của Thổ Nhĩ Kỳ là bán đảo Crimea bị Nga thâu tóm năm 2014 phải được trả lại cho Ukraine. “Từ năm 2014 chúng tôi đã nói với ông bạn thân Putin như vậy và đó là điều mà hiện chúng tôi vẫn yêu cầu ông ta thực hiện”, ông Erdogan nói.

Sự phản đối của phương Tây chắc chắn không làm ông Putin thay đổi kế hoạch thâu tóm các vùng lãnh thổ chiếm được của Ukraine. Putin vốn không đếm xỉa gì tới công luận bên ngoài và sẵn sàng chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế nên chắc chắn ông ta vẫn sẽ hành động bất chấp hậu quả. 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: