Phương Tây tiếp tục “siết cổ” Putin bằng đòn kinh tế

Sự ỉu xìu của kinh tế quốc gia đang được người dân Nga cảm nhận rõ rệt từng ngày (ảnh: Ulf Mauder/picture alliance via Getty Images)

Cuộc chiến chống xâm lược Nga ở Ukraine vẫn được tiến hành trên cả chiến trường lẫn nền kinh tế. Mặt trận tài chính-thương mại có thể hiệu quả hơn vũ khí. Chính ở mặt trận này (nơi các lệnh trừng phạt của phương Tây đã được triển khai), nỗ lực nhằm lật đổ nền kinh tế Nga cuối cùng có thể giúp kết thúc chiến tranh sớm hơn bất kỳ hệ thống vũ khí mới hoặc bước đột phá nào của quân đội Ukraine dọc theo các chiến tuyến chính, đặc biệt là khi chiến sự bước vào mùa đông rất khó khăn cho bên tìm cách lấy lại lãnh thổ.

Những tác động tích cực của cấm vận

Cùng với những hy vọng cuộc phản công mùa hè của Ukraine sẽ đập tan từng bước hàng phòng thủ của Nga, những dự đoán Điện Kremlin sẽ sớm phải khuất phục trước các lệnh trừng phạt trên diện rộng của phương Tây có vẻ quá lạc quan. Cho đến nay, quân đội Nga tập trung vào phòng thủ để bảo vệ những thành quả đạt được bằng bãi mìn dày đặc.

Phần lớn nền kinh tế Nga sống sót nhờ được hỗ trợ bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào thu được lượng ngoại tệ khổng lồ mà không cần sản xuất những thứ phải dựa vào các linh kiện của phương Tây. Tuy nhiên, trên cả chiến trường và nền kinh tế, những vết nứt đang xuất hiện, đưa Nga vào thế khó khăn. Trong số những khó khăn, có những điểm quan trọng mà Mỹ và châu Âu có thể khai thác để gây áp lực nhiều hơn nữa.

Ví dụ, lĩnh vực năng lượng với doanh thu chiếm phần lớn thu nhập từ xuất khẩu của Điện Kremlin hiện chiếm một phần khá lớn trong “quỹ chiến tranh” và GDP. Trong những tháng sau khi Tổng thống Vladimir Putin xua quân vào Ukraine, giá dầu thô cao được xem là tấm lưới bảo vệ an toàn cho nền kinh tế Nga.

Nhưng năm nay, khi đòn trừng phạt bắt đầu thấm, doanh thu từ dầu khí ước tính đã giảm gần một nửa, khoảng $150 tỷ. Cùng với tình trạng thoái vốn của các công ty nước ngoài, việc mất doanh thu từ dầu khí đã khiến đồng rúp giảm giá liên tục trong năm 2022, mất hơn 1/3 giá trị so với đồng đôla. Ngân hàng trung ương Nga phản ứng bằng cách tăng mạnh lãi suất để ổn định tiền tệ khiến những người dân Nga bình thường, thành phần dân số mà Điện Kremlin ưu tiên huy động sự ủng hộ bằng cách không để họ phải gánh chịu những hậu quả trực tiếp từ cuộc chiến, bắt đầu cảm thấy tác động xấu của chiến tranh.

Trong khi đó, Washington và các đồng minh châu Âu áp đặt mức trần giá dầu thô của Nga để giảm dòng tiền nuôi cỗ máy chiến tranh. Khi mức trần giá dầu có hiệu lực từ Tháng Mười Hai, ai mua vẫn muốn mua dầu thô của Nga không được trả quá $60/thùng nếu sử dụng các công ty khai thác dầu và các công ty bảo hiểm có trụ sở tại Liên minh Châu Âu (EU) hoặc các quốc gia áp dụng lệnh trừng phạt Nga. Mức giá đó thấp hơn khoảng 1/3 so với giá dầu thô Brent, chuẩn dầu thế giới. Nga đã cố gắng bán dầu cao hơn giá trần áp đặt và thành công phần nào. Tính trung bình, giá dầu Nga gần đây đã tăng trên $60 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá chuẩn Brent. Vấn đề phương Tây cần phải quan tâm vào lúc này là không được để cho Nga khôi phục một phần đáng kể doanh thu từ dầu khí để mở rộng quỹ chiến tranh đẫm máu của mình.

Nhưng cần thêm những đòn đau hơn nữa

Một hội nghị nhóm chuyên gia do Đại học Stanford tổ chức gồm các nhà kinh tế và chuyên gia năng lượng đã đề xuất một kế hoạch chi tiết khả thi để thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt năng lượng. Trong các đề xuất của nhóm có các biện pháp kỹ thuật để không cho phép Nga vận chuyển dầu thô bằng đường biển.

Chính hạm đội tàu “chui” không bị kiểm soát này đã vận chuyển khoảng 1/3 lượng dầu bằng đường biển của Nga. Nhưng biện pháp hiệu quả nhất để kiềm chế Nga là tiếp tục giảm mức trần giá dầu, thậm chí chỉ còn $30/thùng. Khuyến nghị này đã được đưa ra nhiều tháng nhưng bị một số chính phủ phương Tây phản đối, lấy cớ là Nga có thể trả đũa bằng cách cắt giảm lượng dầu xuất khẩu hoặc ngưng hoàn toàn xuất khẩu dầu, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Nhưng theo nhiều nhà quan sát, đây là “nỗi sợ hãi bị thổi phồng quá mức” giống như vụ khí đốt Nga trước đây. Hầu hết các nhà kinh tế học đều cho rằng chi phí sản xuất dầu thô của Nga chỉ bằng một phần nhỏ so với mức trần giá $60/thùng bị phương Tây áp đặt. Có lẽ chỉ $15/thùng hoặc ít hơn. Tức là Điện Kremlin vẫn đảm bảo lợi nhuận từ dầu khí ở mức giá trần trên $15/thùng. Điều đó có nghĩa, khoản doanh thu từ dầu khí khó có thể bị mất cho dù Nga gặp hàng loạt thách thức kinh tế, hệ quả của cấm vận.

Một câu hỏi đặt ra là Nga sẽ trả đũa mức trần giá dầu thấp bằng cách cắt giảm sâu lượng dầu xuất khẩu. Nhưng nếu Nga làm thế, ảnh hưởng lớn nhất sẽ thuộc về các quốc gia ở Nam bán cầu, nơi Nga đang cố tìm đồng minh cho cuộc chiến tranh có nguy cơ kéo dài. Khi Moscow cắt giảm sâu lượng dầu xuất khẩu, giá năng lượng sẽ bị đẩy lên cao ở chính những quốc gia mà Nga đang ra sức ve vãn. Hơn nữa, Moscow sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn nếu cắt giảm xuất khẩu dầu hỏa, giống như đã từng xảy ra với cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu trong những tháng ngay sau cuộc xâm lược.

Đòn trả đũa này của Nga không hề làm suy yếu lập trường kiên quyết chống xâm lược của các quốc gia EU. Dĩ nhiên, không có đòn trừng phạt nào là hoàn hảo. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Nga chắc chắn vẫn là trò chơi “mèo vờn chuột”; một bên cố thực thi nghiêm túc, một bên tìm kẽ hở.

Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa, nền kinh tế Nga hiện đã suy giảm và đang ở trong tình trạng mong manh hơn nhiều so với lúc chưa có các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Phương Tây càng kiên trì thực thi và tăng cường các biện pháp trừng phạt thì càng gây đau đớn hơn cho nền kinh tế Nga và những người dân Nga bình thường, thành phần dân số đông đảo mà sự ủng hộ yếu ớt cuộc xâm lược sẽ biến mất nếu phải hy sinh quá nhiều. Sự quay đầu của thành phần này chắc chắn sẽ buộc Putin phải đánh giá lại ảo tưởng của mình về sự hồi sinh đế quốc. Lúc đó, thương lượng hoà bình mới có thể diễn ra và chiến tranh mới có thể kết thúc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: