Putin trảm tướng, tin đồn và sự thực

Tướng Sergei Surovikin (ảnh: Russian Defense Ministry/Handout/Anadolu Agency via Getty Images)

Nga đã bắt giữ một số sĩ quan quân đội cấp cao sau cuộc binh biến Wagner. Tướng Sergei Surovikin bị giữ và thẩm vấn tại Moscow; những người khác bị giam giữ, bị đình chỉ nhiệm vụ hoặc sa thải…

Sự thật sau những tin đồn

Vài giờ sau khi nhà lãnh đạo lực lượng bán quân sự Nga Yevgeny Prigozhin mở cuộc tuần hành ngắn ngủi tiến về Moscow, cơ quan an ninh nội địa Nga đã bắt giữ một số sĩ quan quân đội cấp cao, gồm cả Tướng Sergei Surovikin, người đứng đầu lực lượng hàng không vũ trụ, những nguồn tin quen thuộc với cuộc thanh trừng cho biết – dẫn lại từ Wall Street Journal.

Surovikin, nổi tiếng với biệt danh “Tướng Armageddon” vì các chiến dịch ném bom tàn bạo do ông ta chủ xướng ở Syria, bị giam giữ và thẩm vấn ở Moscow. Ông ta không bị buộc tội. Một nguồn tin nói Surovikin biết về kế hoạch nổi dậy nhưng không tham gia vào cuộc binh biến ngày 24 Tháng Sáu. Theo các nguồn tin này, nỗ lực của Điện Kremlin nhằm loại bỏ các quan chức bị nghi ngờ không trung thành diễn ra trên qui mô lớn hơn là những gì đã công khai. Ít nhất 13 quan chức cấp cao bị tạm giữ để thẩm vấn, một số được trả tự do và khoảng 15 người bị đình chỉ nhiệm vụ hoặc bị sa thải.

Tuần này, Andrei Kartapolov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Viện Duma (Quốc hội) Nga nói úp mở trong một video lan truyền trên mạng xã hội Nga: “Surovikin đang nghỉ ngơi và… không rảnh”. Việc bắt giữ Surovikin đã được tờ Financial Times đưa tin đầu tiên. Một dấu hiệu khác cho thấy sự rạn nứt trong quân đội Nga là Thiếu tướng Ivan Popov, một chỉ huy Nga cấp cao ở miền Nam Ukraine, đã cáo buộc các lãnh đạo quân sự có cách hành xử “thấp hèn và phản bội” binh lính.

Popov đưa ra cáo buộc sau khi bị sa thải vì những chỉ trích trước đó. Trong một tin nhắn ghi âm gửi cho binh lính, Popov khẳng định ông bị cách chức chỉ huy vì dám nói lên sự thật với cấp trên. “Các lãnh đạo quân sự đang làm hại quân đội trong thời điểm khó khăn nhất” – ông nhấn mạnh. Những lời lẽ gay gắt đó thể hiện sự bất mãn sâu sắc trong lực lượng vũ trang Nga sau hơn một năm chiến đấu cam go và tổn thất nặng nề ở Ukraine, đồng thời cho thấy cuộc nổi loạn của Wagner thực sự đang khuyến khích những sĩ quan khác chỉ trích giới lãnh đạo quan đội.

Cấp phó của Surovikin, Đại tá Andrey Yudin, và Trung tướng Vladimir Alexeyev, Phó Cục trưởng tình báo quân đội, cũng bị bắt giữ nhưng được thả không lâu sau đó. Một nguồn tin cho biết hai người bị đình chỉ nhiệm vụ, bị hạn chế đi lại và bị theo dõi. Alexeyev – có mối liên hệ lâu năm với Wagner – đã đăng một đoạn video trong giai đoạn đầu của cuộc nổi dậy, kêu gọi các chiến binh ngưng cuộc binh biến.

Trong số nhân vật bị bắt giữ còn có cựu Đại tá Mikhail Mizintsev, người trước đây từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng nhưng bị cách chức. Vài tháng trước cuộc binh biến, ông ta xuất hiện trên mạng xã hội Nga trong bộ đồng phục Wagner sau khi gia nhập Wagner Group vào cuối Tháng Tư. Mizintsev có biệt danh “Đồ tể Mariupol” khi ông ta tổ chức các cuộc ném bom dữ dội vào các khu dân cư để buộc thành phố phải đầu hàng.

Surovikin vẫn là nhân vật trung tâm

Surovikin được nhìn thấy lần cuối trong một video ngày 23 Tháng Sáu, trong dáng vẻ đau khổ và tay phải nắm chặt khẩu súng khi cầu xin Prigozhin và các chiến binh của ông ta ngừng kế hoạch nổi dậy. Dù liên tục cáo buộc các nhà lãnh đạo quân sự của Moscow từ chối cung cấp đạn dược mà những người lính Wagner đang chiến đấu trên tiền tuyến ở Bakhmut, Prigozhin luôn ủng hộ Surovikin, người được bổ nhiệm làm chỉ huy lực lượng Nga ở Ukraine vào Tháng Mười năm ngoái.

Surovikin chính là cha đẻ của một chiến thuật nhằm làm tiêu hao mạng lưới điện và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Ukraine bằng các cuộc tấn công hoả tiễn. Đến Tháng Một, ông ta được thay thế bởi Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội, một trong những người mà Prigozhin muốn Putin phải cách chức. Surovikin không bị giam trong trung tâm giam giữ, nhưng bị thẩm vấn nhiều lần về vai trò của ông ta, nếu có, trong cuộc nổi dậy. Một nguồn tin cho rằng Surovikin chỉ được trả tự do khi Putin quyết định tìm cách khác để ngăn chặn cuộc binh biến.

Kể từ cuộc nổi dậy vào cuối Tháng Sáu, Điện Kremlin đã bắt đầu làm suy yếu Wagner, một mũi chiến đấu quan trọng của Nga ở Ukraine và là lực lượng uỷ nhiệm đáng gờm của Putin ở Trung Đông và châu Phi. Ngày 12 Tháng Bảy, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã thu giữ hàng trăm xe tăng, bệ phóng hoả tiễn và pháo của Wagner cùng 20,000 súng trường tấn công, các loại vũ khí nhỏ khác và 2,500 tấn đạn dược.

Nếu đúng như thế, bất kỳ đơn vị Wagner nào còn lại ở Nga hoặc Ukraine đều không còn vũ khí. Cuộc binh biến của Prigozhin, dù chết yểu nhưng được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với Putin trong 23 năm cầm quyền và khiến giới tinh hoa cũng như các tướng lãnh Nga bất an. Những yêu cầu của trùm Wagner gồm cả việc cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tướng Valery Gerasimov. Nhưng cả hai người vẫn đang tại vị và xuất hiện đôi lần trong các video do Bộ Quốc phòng Nga công bố kể từ sau cuộc binh biến.

Một số nhà phân tích quân sự Nga xem việc giữ lại Shoigu và Gerasimov là cách mà Kremlin thể hiện sự đoàn kết trong quân đội. “Sự kiện 24 Tháng Sáu càng khiến Putin không thể loại bỏ Shoigu và Gerasimov trong tương lai gần” – Mikhail Barabanov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (Center for Analysis of Strategies and Technologies), một cơ quan nghiên cứu quốc phòng có trụ sở tại Moscow, nhận định.

Tuy nhiên, Kremlin đang cấp tập điều chỉnh cách ứng phó khi có những dấu hiệu cho thấy Prigozhin vẫn còn ở Nga. Tuần trước, Kremlin cho biết trong thời gian binh biến, Putin đã gặp Prigozhin và các chỉ huy Wagner trong khoảng ba giờ, trong một cuộc giải trình mà phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov gọi là để thể hiện lòng trung thành với Putin.

Cuối tháng trước, khi được hỏi liệu Putin có còn tin tưởng Surovikin không, Peskov nói lảng “chỉ huy tối cao đang làm việc với bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng”. Vào thời điểm đó, con gái của Surovikin khẳng định với truyền thông địa phương rằng cha cô không bị bắt và vẫn làm việc như bình thường. Tuy nhiên, không lâu sau đó người vợ lại nói ông ta không về nhà như thông lệ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: