Quân đội Miến Điện tàn sát người dân, nhiều tư lệnh nước ngoài phản ứng

H.C.

Các tư lệnh quân đội hàng chục nước hôm nay thứ Bảy 27-03 ra tuyên bố lên án việc các lực lượng an ninh Miến Điện sử dụng vũ khí sát thương để đàn áp người dân sau khi có thông tin hơn 100 người đã bị giết trong đêm thứ Bảy, ngay trước lễ kỷ niệm Ngày Quân lực của nước này.

Thứ Bảy 27-03 được coi là ngày đẫm máu nhất trong chiến dịch đàn áp người biểu tình phản đối vụ đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của Miến Điện. Truyền thông và nhân chứng cho biết đã có tới 114 người bị giết chết, trong đó có nhiều trẻ em và người nhỏ nhất chỉ mới năm tuổi. Tính đến nay số dân thường được báo cáo thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính đã lên hơn 440 người.

Tuyên bố chung của các tư lệnh quân đội cực lực lên án vụ tàn sát và nói rằng quân đội Miến Điện đã đánh mất lòng tin của dân chúng. 

“Với tư cách là bộ trưởng quốc phòng, chúng tôi lên án việc sử dụng vũ lực sát thương chống lại những người không có vũ khí của lực lượng vũ trang Miến Điện và các cơ quan an ninh liên quan,” bản dự thảo tuyên bố mà hãng tin Reuters có được, cho biết.

Đây là một tuyên bố hiếm hoi của các chỉ huy quân sự cao nhất từ nhiều quốc gia trên thế giới, cả ở châu Á và châu Âu, bao gồm các bộ trưởng quốc phòng Úc, Canada, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Hòa Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Tuyên bố yêu cầu quân đội Miến Điện phải “chấm dứt bạo lực và làm việc để khôi phục sự tôn trọng và tín nhiệm của người dân Miến Điện mà họ đã đánh mất thông qua các hành động của mình.”

Tuy không lên án rõ ràng cuộc đảo chính quân sự ngày 01-02-2021, lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi, tuyên bố khẳng định một quân nhân chuyên nghiệp phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về ứng xử “và có trách nhiệm bảo vệ – không làm tổn hại – những người dân mà họ phục vụ.”

Các nhà ngoại giao từ các quốc gia này cũng đã lên án cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội Miến Điện.

Nhưng cho đến nay quân đội Miến Điện vẫn phớt lờ những lời chỉ trích của quốc tế về cuộc đàn áp bạo lực nhằm vào những người bất đồng chính kiến.

Các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ và châu Âu trong tuần này đã làm gia tăng áp lực lên tập đoàn quân phiệt cầm quyền ở Miến Điện. Nhưng các tướng lĩnh Miến Điện được hưởng một “sự bảo kê” của Nga và Trung Quốc – hai thành viên có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có thể ngăn chặn mọi hành động trừng phạt hoặc lên án của Liên hợp quốc.

Quân đội Miến Điện nói họ làm đảo chính để nắm quyền vì cuộc bầu cử tháng 11-2020 trong đó đảng Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành được thắng lợi áp đảo, là cuộc bầu cử gian lận, một lời tố cáo đã bị ủy ban bầu cử của đất nước bác bỏ. Bà Suu Kyi và nhiều nhân vật khác trong đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà hiện bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ.

Ngày đẫm máu 27-03-2021 cũng là ngày kỷ niệm năm thứ 66 cuộc nổi dậy của quân dân Miến Điện năm 1945 chống lại sự chiếm đóng và cai trị của Nhật Bản, dưới sự chỉ huy của người anh hùng dân tộc Aung San – thân phụ của bà Aung San Suu Kyi. Sau khi giành được độc lập năm 1947, Miến Điện lấy ngày nổi dậy này làm ngày lễ lớn hằng năm, gọi là Ngày Quân lực.

Quân đội Miến Điện đã tổ chức một cuộc diễu binh lớn ở thủ đô Naypyidaw nhằm phô trương sức mạnh và đe dọa để người dân không dám phản kháng.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin đã tham dự một cuộc duyệt binh ở thủ đô Naypyidaw và gặp gỡ các nhà lãnh đạo quân đội cấp cao một ngày trước đó.

Các nhà ngoại giao cho biết có tám quốc gia – Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam, Lào và Thái Lan – đã cử đại diện tham dự cuộc diễu hành Ngày Quân lực Miến Điện, nhưng Nga là nước duy nhất cử một quan chức cấp thứ trưởng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: