Sai lầm nào lớn nhất mà Putin phải trả giá bằng máu?

365 ngày Ukraine sống dưới đạn bom
Ảnh: STR/NurPhoto via Getty Images

Ba tháng trước khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022, Giám đốc CIA William Burns và Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga John Sullivan đã gặp Nikolai Patrushev tại Moscow, một cố vấn nổi tiếng diều hâu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Burns và Sullivan thông báo cho Patrushev rằng Mỹ đã biết tỏng kế hoạch xâm lược của Nga; và phương Tây sẽ đáp trả một cách đích đáng không khoan nhượng. Phản ứng, Patrushev khinh khỉnh nhìn thẳng vào mắt người Mỹ với “thông điệp không lời”: Quân đội Nga có thể đạt tất cả những gì họ muốn!

Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images

Vào thời bình

Trong rất nhiều sai lầm của Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine, từ phác họa kịch bản chiến tranh, chiến thuật quân sự đến hàng loạt sai lầm tác chiến trên thực địa chiến trường, thì việc không hiểu, hoặc hiểu sai, về bộ máy nhà nước của chế độ đương nhiệm Ukraine có thể được xem là sai lầm tồi tệ nhất, dẫn đến việc Nga sa lầy một cách thảm hại.

Cuộc thăm dò bí mật trước chiến tranh của các cơ quan tình báo Nga cho thấy chỉ 48% người dân Ukraine “sẵn sàng bảo vệ” đất nước họ. Tỉ lệ hài lòng của người dân đối với Tổng thống Volodymyr Zelensky dưới 30% vào đêm trước chiến tranh (24 Tháng Hai 2022). Khảo sát của tình báo Nga không hoàn toàn sai. Tháng Bảy 2021, bảy tháng trước khi Nga xâm lược Ukraine, một nhóm nghiên cứu Ukraine đã hoàn thành một khảo sát qui mô về cách người Ukraine nhìn nhận những sự kiện quan trọng trong lịch sử đương đại đất nước. Kết quả cho thấy một chi tiết quan trọng: Các thể chế chính trị Ukraine thường bị coi thường. Người dân luôn thiếu tin tưởng giới nhà lãnh đạo, bất kể họ thuộc đảng phái nào.

Ảnh: Boris Roessler/picture alliance via Getty Images

Trong thực tế, trong nhiều thế kỷ, người Ukraine có xu hướng ủng hộ các phong trào chính trị cấp địa phương hoặc những cá nhân anh hùng – chẳng hạn nhà thơ thế kỷ 19 Taras Shevchenko, hoặc nhà bất đồng chính kiến chống Liên Xô Vasyl Stus – hơn là các thể chế nhà nước. Ngay cả sau cuộc nổi dậy Maidan năm 2014, khi Ukraine cuối cùng trở thành một nền dân chủ tự do, các mối quan hệ giữa xã hội dân sự và nhà nước vẫn đối nghịch như Mặt trăng với Mặt trời.

Trước cuộc xâm lược của Nga, Ukraine thường xuyên chứng kiến cảnh đối kháng giữa chính phủ với người dân, giữa bộ máy cai trị với giới báo chí và các tổ chức xã hội dân sự. Năm 2000, Georgi Gongadze, một trong những phóng viên chính trị nổi tiếng nhất Ukraine, đã bị giết bởi một quan chức hàng đầu của Bộ Nội vụ.

Trong cuộc nổi dậy Maidan 2013-2014, cảnh sát chống bạo động đã đánh không nương tay và xả súng vào những người biểu tình ôn hòa. Bất chấp một số cải cách trong bộ máy tư pháp, người ta vẫn không thể điều tra vụ nổ bom xe giết chết nhà báo Pavel Sheremet vào năm 2016, hay vụ giết Kateryna Handziuk, một nhà hoạt động chống tham nhũng nổi tiếng ở Kherson. Sau khi Volodymyr Zelensky đắc cử năm 2019, chính phủ của ông vẫn thường xuyên bị chỉ trích vì việc cản trở cải cách tư pháp.

Trong thời chiến

Tuy nhiên, như đã thấy, khả năng thích ứng bối cảnh thời chiến trong khu vực công của bộ máy điều hành quốc gia Ukraine có thể nói là đáng kinh ngạc.

Thử lấy cơ sở hạ tầng giao thông làm ví dụ. Kể từ ngày 24 Tháng Hai 2022, khi không phận Ukraine bị đóng cửa, các cảng biển bị phong tỏa và giao thông trên bộ bị hạn chế, tuyến đường sắt quốc gia – trước chiến tranh bị chê bai là chậm chạp và lỗi thời – lập tức chuyển mình để trở thành tuyến giao thông cực kỳ quan trọng, gánh vác từ tiếp vận cho quân đội, vận chuyển viện trợ nhân đạo đến việc đưa người tị nạn ra khỏi vùng nguy hiểm. Bất chấp nguy cơ bị tấn công luôn hiện hữu, rất hiếm khi xảy ra tình trạng chậm trễ tàu hỏa; và khi một hoặc vài tuyến đường bị quân Nga tấn công, các tuyến đường khác lại nhanh chóng xuất hiện thay thế.

Ảnh: Vladimir Zivojinovic/Getty Images

Khi được yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, người Ukraine xuất trình “hồ sơ cá nhân” trên ứng dụng Diia dành cho thiết bị di động, một dịch vụ nhà nước lưu giữ bản sao điện tử lý lịch cá nhân. Diia được phát triển vào năm 2020 nhưng trở nên đặc biệt có giá trị trong chiến tranh. Nhờ hệ thống này, người dân có thể dễ dàng tái đăng ký ở các vùng khác nhau khi họ đi tản cư. Ứng dụng tương tự có thể được sử dụng để nộp thuế, đóng phạt giao thông, và nộp đơn xin trợ cấp xã hội.

Ảnh: Kirsty O’Connor/PA Images via Getty Images

Nhiều người Ukraine hơn có thể đã bị giết nếu không có Air Alert, một ứng dụng di động thông báo các cuộc không kích được tạo ra chỉ trong vòng một tuần sau cuộc xâm lược của Nga. Và kể từ khi Nga tấn công lưới điện quốc gia vào Tháng Mười 2022, nhiều người Ukraine đã sử dụng dịch vụ trực tuyến Bright giúp cung cấp lịch trình mất điện trước cho mọi địa chỉ ở các thành phố lớn bị ảnh hưởng.

Khi mùa Đông đến, nhiều người Ukraine ở những khu vực không có điện cũng có thể sinh hoạt gần như bình thường nhờ cái gọi là điểm “Không thể phá vỡ” (“Unbreakable” points). Đó là các trung tâm được lắp trong những tòa nhà công cộng và trong lều ở công viên, nơi mọi người có thể đến sạc thiết bị và sử dụng kết nối internet tốc độ cao.

Ảnh: Boris Roessler/picture alliance via Getty Images

Không nơi nào mà vai trò của nhà nước trong cuộc sống người dân Ukraine có thể dễ dàng nhìn thấy như ở thủ đô Kyiv. Việc khoảng ba triệu người vẫn ở lại thủ đô bất chấp tình trạng mất điện liên tục là kết quả từ nỗ lực chung sức của chính phủ, chính quyền thành phố, doanh nghiệp và người dân. Phần lớn cư dân đã quay trở lại sau khi cuộc bao vây Kyiv kết thúc vào Tháng Tư 2022 và kể từ đó, họ bắt tay cùng nhà nước duy trì sinh hoạt thường nhật.

Chính quyền thành phố vẫn cung cấp phương tiện giao thông công cộng. Công nhân thành phố vẫn giữ đường phố sạch sẽ. Hệ thống ngân hàng nhà nước và tư nhân, nhà khai thác di động, nhà bán lẻ thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng tạp hóa và nhà hàng vẫn mở cửa. Tất cả diễn ra trong bầu không khí mà còi báo động không kích vang lên hàng ngày trên điện thoại của mọi người.

Bóng dáng nhà nước có mặt mọi nơi. Cảnh sát nhanh chóng đóng các con đường sau một cuộc không kích, thực thi lệnh giới nghiêm để bảo vệ các khu vực dân sự, giúp sơ tán người dân khỏi những khu vực bị pháo kích và thậm chí gom thi thể nạn nhân thiệt mạng. Cá nhân người dân cũng nhận thức rõ rằng nhà nước đang quá tải và họ phải tự tổ chức một số việc. Cuối Tháng Mười Hai, một nhiếp ảnh gia đã giao áo chống đạn được mua bằng tiền quyên góp của chính phủ cho các công nhân ở thành phố Bakhmut đang bị bao vây để họ có thể đưa thi thể người thiệt mạng đến nhà xác địa phương. Thời điểm đó, Bakhmut có lẽ là nơi nguy hiểm nhất Ukraine.

Ảnh: John Moore/Getty Images

Tháng Mười Hai 2022, một cuộc khảo sát ý kiến của Viện Nghiên cứu Xã hội Kharkiv cho thấy không chỉ mức độ đoàn kết cao mà còn có sự thống nhất chính trị ngày càng tăng giữa các thành phần dân cư khác nhau. Đáng chú ý, dường như ít người lường trước được sự chia rẽ chính trị hoặc xã hội lớn sẽ nổ ra sau chiến tranh. Đáng chú ý hơn nữa là cách người Ukraine đang nhìn nhận thể chế nhà nước của họ.

Những quan điểm tích cực có thể xoay chuyển theo hướng khác nếu chính quyền không thể giúp đất nước thoát khỏi sự suy yếu nghiêm trọng hoặc nếu sự mệt mỏi vì chiến tranh bắt đầu tô màu cho nhận thức của giới lãnh đạo. Hiện tại, giới xã hội dân sự Ukraine và các phương tiện truyền thông độc lập bắt đầu bày tỏ lo ngại về sự nổi tiếng như cồn của Tổng thống Zelensky, điều mà họ cho rằng có thể cản trở nền dân chủ và mở đường cho sự tập trung quyền lực mới sau chiến tranh. Sau nhiều tháng lảng tránh các vấn đề gây tranh cãi, người dân Ukraine lại bắt đầu chỉ trích chính phủ. Giới báo chí cầm bút xoáy vào những vấn đề liên quan tham nhũng.

Ảnh: Ian Forsyth/Getty Images

Bất luận thế nào, nếu Ukraine trở nên mạnh mẽ hơn với tư cách là một quốc gia, thì họ đã làm được điều đó với cái giá phi thường. Hiện gần một nửa dân số có người thân trực tiếp phục vụ trong quân đội hoặc cơ quan thực thi pháp luật, và gần như mọi người đều biết ai đó đã chết trong chiến tranh. Việc chấp nhận sống dưới làn mưa bom của Nga tự nó là một hình thức phản kháng. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng điều này luôn đòi hỏi sức mạnh và sự gan góc, vốn có giới hạn.

Không thể nói liệu sự thống nhất và đoàn kết một lòng và sự gắn bó ngày càng tăng giữa người dân và nhà nước có thể được duy trì lâu dài hay không. Nhưng có một điều rõ rệt: Việc bộ máy tuyên truyền Nga nói về cái gọi là rạn nứt trong xã hội Ukraine và sự kém hiệu quả của nhà nước Ukraine như một cái cớ cho cuộc xâm lược để “giải phóng” đất nước Ukraine chính là sai lầm tồi tệ nhất của Kremlin. Ukraine đã không sụp đổ. Công dân của họ thậm chí đang nghĩ đến những việc cần làm để tái thiết đất nước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: