Hiếu Chân
Hơn hai tháng sau ngày quân đội Myanmar làm cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự và tiến hành cuộc đàn áp tàn bạo những đám đông biểu tình phản đối đảo chính, nền kinh tế nước này đang dần dần sụp đổ, những thành tích phát triển của một thập niên mở cửa, cải cách dân chủ đang dần dần bị xóa sạch.
Khắp nước Myanmar, các chi nhánh ngân hàng đều đóng cửa, nhân viên chính phủ và các công ty không đi làm việc, công nhân các nhà máy bỏ việc về quê, các công ty nước ngoài rút chuyên gia về nước, còn mạng viễn thông internet gần như đã bị cắt.
Từ khi quân đội làm đảo chính ngày 06-01-2021, các đường phố ở Myanmar ngày nào cũng xảy ra biểu tình phản đối, đòi tái lập nền dân chủ và đều bị quân đội đàn áp dã man. Đến hôm nay, thứ Bảy 10-04, đã có hơn 618 người biểu tình bị giết, trong đó có nhiều trẻ em bị bắn chết khi đang ở trong nhà, trong sân, theo số liệu của tổ chức Hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).
Tình hình mất an ninh ở các khu vực đô thị làm cho công việc kinh doanh trở nên hết sức rủi ro, chỉ trừ một số dịch vụ thiết yếu, phần lớn các cửa tiệm, công sở, nhà máy đều đã đóng cửa, các hoạt động sản xuất kinh doanh gần như đều ngưng trệ.
Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) và các chuyên gia kinh tế dự đoán năm 2021 kinh tế Myanmar sẽ bị “co lại” ít nhất 10%, thành quả về xóa đói giảm nghèo bị xóa sạch, các nhà đầu tư nước ngoài cùng với du khách quốc tế – động lực phát triển kinh tế của Myanmar trong thập niên qua – sẽ sợ hãi mà tránh xa đất nước này. Trước đảo chính, World Bank đã dự đoán kinh tế Myanmar trong năm tài chính kết thúc vào tháng Chín 2021 sẽ tăng trưởng khoảng 2%, chậm hơn năm ngoái một chút do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trước đảo chính, Myanmar đã là quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á, với sáu triệu người dân sống trong cảnh khốn cùng có thu nhập chưa tới 3,2 USD mỗi ngày – ngưỡng nghèo đói áp dụng cho những nước thu nhập trung bình thấp như Myanmar; một phần tư số trẻ em Myanmar bị thiếu cân và thấp lùn do suy dinh dưỡng kinh niên.
Nguyên nhân của tình trạng đói nghèo là do nhiều thập niên, đất nước nằm dưới sự cai trị của các tướng lãnh quân sự với những chính sách kinh tế sai lầm và thảm họa. Khi tập đoàn quân phiệt bắt đầu nhường bớt quyền cai trị cho một chính phủ dân sự, thực hiện cải cách, thì nhiều hoạt động kinh tế được “cởi trói”, dòng vốn đầu tư nước ngoài và du khách quốc tế đổ vào, thúc đẩy sự tăng trưởng. Theo dữ liệu của World Bank, tỷ lệ người nghèo đói trong dân số Myanmar đã giảm từ mức 42,2% năm 2010 (năm trước cải cách) xuống còn 24,8% năm 2017. Nhưng do tình hình trì trệ sau đảo chính, con số này có thể tăng trở lại mức 30% trong năm 2021, sẽ có thêm 1,8 triệu người rơi trở lại cảnh đói nghèo.
Công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Solutions còn bi quan hơn khi dự báo kinh tế Myanmar sẽ giảm sút khoảng 20%, căn cứ vào các dữ kiện như sức mua của người dân giảm sút, nhà nước thất thu thuế nên sẽ giảm chi tiêu và đầu tư.
Sự đình đốn được thể hiện rõ nhất trong ngành dệt may – ngành sử dụng nhiều lao động nhất và đóng góp một phần tư doanh thu xuất cảng của Myanmar, một phần nhờ chính sách miễn thuế khi nhập cảng vào thị trường Liên minh châu Âu. Sau vụ đảo chính, các hãng thời trang quốc tế lớn như Hennes & Mauritz AB của Thụy Điển, Benetton của Ý đã ngừng đặt hàng các công ty dệt may Myanmar, buộc nhiều nhà máy may phải đóng cửa. Các vụ biểu tình và đàn áp của quân đội diễn ra ở các khu công nghiệp làm cho người lao động sở hãi, nhiều người bỏ thành phố trở về làng quê, làm cho tình trạng thiếu lao động trở nên trầm trọng ở những nhà máy còn có đơn hàng để hoạt động.
Các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông đình trệ vì mạng internet bị cắt trên diện rộng. Ngành du lịch, một thế mạnh của Myanmar nhờ di tích lịch sử và văn hóa Phật giáo phong phú, từng tăng trưởng gấp năm lần trong thập niên vừa qua, nay đang ngắc ngoải, một phần vì đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa biên giới để phòng dịch, một phần vì tình trạng hỗn loạn trên đường phố, du khách không cảm thấy an toàn khi đi du lịch Myanmar. Hàng loạt khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc, chưa biết đến bao giờ mới hoạt động trở lại được.
Tình trạng đình trệ các hoạt động kinh tế Myanmar còn do chủ ý của những lực lượng đối lập với quân đội; họ vận động người dân thực hiện một phong trào “bất tuân dân sự”, bãi công, bãi khóa, bãi thị trong nỗ lực làm cho tập đoàn quân phiệt cầm quyền không điều khiển được đất nước. Mục tiêu của họ là “từng bước, từng bước làm cho guồng máy của quân đội chao đảo và ngừng hoạt động,” một nhà giải phẫu học lãnh đạo phong trào bất tuân dân sự viết trên Facebook và cho biết những người ủng hộ phong trào, kể cả những người giàu có ở nước ngoài, đã gửi tiền đóng góp vào quỹ hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn về đời sống khi tham gia bãi công, bãi thị.
Hôm thứ Tư, tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội và cầm đầu vụ đảo chính, được báo chí nhà nước trích lời, gọi phong trào bất tuân dân sự “đang tàn phá đất nước” nhưng ông không cho biết tập đoàn quân sự cầm quyền sẽ có biện pháp gì để ổn định các hoạt động kinh tế của đất nước.