Khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mời các quan chức Bộ Tứ (the Quad), gồm Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ gặp mặt tại thủ đô Manila của Philippines Tháng Mười Một 2017, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thấy có lý do gì để lo lắng. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) chế giễu lần tập hợp của Bộ Tứ chỉ là “một ý tưởng gây chú ý của truyền thông”. “Chúng giống như bọt biển ở Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương: Gây được một số sự chú ý nhưng sẽ sớm tan biến”, Vương nói.
Bắc Kinh có một số lý do để coi thường như vậy. Các nhà chiến lược Trung Quốc đánh giá các thành viên của Quad có quyền lợi quá khác biệt nhau nên khó tạo ra sự thống nhất thực sự. Dù thế nào thì nhóm Bộ Tứ đã được thử nghiệm hơn một thập niên trước mà có rất ít kết quả thực.
Tuy nhiên, chỉ trong vài năm kể từ cuộc họp Tháng Mười Một 2017 đó, Bắc Kinh đã bắt đầu suy nghĩ lại sự coi thường ban đầu của mình. Đến Tháng Ba năm nay, khi Bộ Tứ tổ chức hội nghị thượng đỉnh cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên và phát hành thông cáo chung cấp lãnh đạo đầu tiên, các quan chức Trung Quốc bắt đầu nhìn Bộ Tứ với mối quan tâm ngày càng tăng. Kể từ đó, Bắc Kinh kết luận rằng Bộ Tứ đại diện cho một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với tham vọng của Trung Quốc trong những năm tới.
Khi cuộc “cạnh tranh chiến lược” với Trung Quốc trở thành điểm hiếm hoi nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cảnh báo rằng đất nước của ông ta đang đối mặt với một “cuộc chiến đấu vì tương lai của trật tự quốc tế” với một Hoa Kỳ quyết tâm ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Tập tin rằng Bắc Kinh có cơ hội từ nay đến năm 2035 để biến Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế, công nghệ và thậm chí cả về quân sự hàng đầu thế giới. Một bộ phận hữu cơ của cuộc chuyển hóa này là thuyết phục các quốc gia ở châu Á và thế giới rằng sự thống trị của Trung Quốc là không thể tránh khỏi và do đó các nước không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm theo các yêu cầu của Trung Quốc. Điều đó sẽ cho phép Trung Quốc viết lại các luật lệ của trật tự quốc tế – và giành lấy vị trí lãnh đạo toàn cầu – mà không cần phải nổ súng.
Bộ Tứ là vấn đề thách thức độc đáo đối với chiến lược của Trung Quốc vì mục tiêu của Bộ Tứ là thống nhất một liên minh kháng cự đa phương có khả năng làm cứng xương sống của toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và có thể xa hơn nữa. Đối với ông Tập, câu hỏi quan trọng là liệu Bộ Tứ sẽ phát triển đủ lớn, đủ chặt chẽ và toàn diện để cân bằng thế lực chống lại Trung Quốc một cách hiệu quả; từ đó làm suy yếu mọi ý nghĩ rằng sự thống trị của Trung Quốc, ở châu Á hay toàn cầu, là không thể tránh khỏi. Cho đến nay, Bắc Kinh đã phải vật lộn để có được một phản ứng hiệu quả chống lại thách thức của Bộ Tứ. Liệu các quan chức Trung Quốc có tìm được một chiến lược thành công để phá hoại sự tiến bộ của Bộ Tứ hay không sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung — và số phận của tham vọng toàn cầu của Trung Quốc nói chung — trong cái đã trở thành một “thập niên sống nguy hiểm.”
Hãy đến cùng nhau
Nỗ lực đầu tiên của ông Abe để khởi động Bộ Tứ là sau vụ sóng thần năm 2004, khi Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ cùng hợp tác ứng phó với thảm họa. Ông Abe coi Bộ Tứ là một cách để xây dựng năng lực của bốn quốc gia trong việc cùng nhau đáp ứng các thách thức an ninh chung trong khu vực. Nhưng các thủ đô khác chỉ phản ứng hời hợt.
Tại Washington, Tổng thống George W. Bush lo rằng sự hợp tác như vậy sẽ khiến cho Trung Quốc xa lánh Hoa Kỳ một cách vô ích trong khi Mỹ cần có Bắc Kinh trong “cuộc chiến chống khủng bố”. Trong vòng vài năm, như các bức điện do WikiLeaks phát hành sau này cho thấy, chính quyền Bush trong chốn riêng tư đã bảo đảm với các chính phủ khu vực rằng Bộ Tứ sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. Tại New Delhi, Thủ tướng Manmohan Singh liên tục loại trừ mọi hợp tác an ninh thực sự với nhóm Bộ Tứ và coi mối quan hệ với Bắc Kinh là “sự cần thiết bắt buộc”. Còn tại Canberra, chính phủ bảo thủ của Thủ tướng John Howard lo lắng về sự xói mòn các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc đang rất có lợi, và cũng phản đối sự mở rộng mối hợp tác ba bên đang có với Hoa Kỳ và Nhật Bản bằng cách thêm Ấn Độ vào. Vào Tháng Bảy năm 2007, Úc chính thức rút lui khỏi Bộ Tứ và công bố quyết định tại Bắc Kinh ngay sau đó (do ông Kevin Rudd, tác giả của bài này, khi đó mới trúng cử thủ tướng Úc, công bố – ND). Khi ông Abe – động lực đằng sau việc thành lập Bộ Tứ – bất ngờ từ chức vào Tháng Chín năm 2007 (trước khi trở thành thủ tướng một lần nữa vào năm 2012), người kế nhiệm ông, Thủ tướng Yasuo Fukuda, chính thức ném Bộ Tứ vào thùng rác của lịch sử.
Khi ông Abe tập hợp Bộ Tứ trở lại một thập niên sau đó, hoàn cảnh chiến lược đã thay đổi đáng kể. Sau nhiều năm quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc ngày càng căng thẳng, hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và các cuộc đụng độ lặp đi lặp lại giữa các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ dọc theo biên giới còn tranh chấp trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, ở tất cả các thủ đô của Bộ Tứ, các tính toán chiến lược về Trung Quốc được phát triển hoặc điều chỉnh. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng họ không có lý do gì để lo lắng sau khi Bộ Tứ tái hợp vào Tháng Mười Một năm 2017: Đã có một cuộc họp của các nhà ngoại giao bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Manila. Cuộc họp không đưa ra được một thông cáo chung, không vạch ra được một mục đích chiến lược chung, thay vào đó chỉ phát hành các tuyên bố riêng lẻ không có sự phối hợp, chủ yếu để làm nổi bật sự khác biệt giữa các nước về các mối quan tâm chính. Bắc Kinh vẫn tỏ ra thờ ơ ngay cả sau cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng ngoại giao của Bộ Tứ vào Tháng Chín năm 2019 tại New York, và ngay cả sau khi các bộ trưởng đã đồng ý làm việc cùng nhau về điều sẽ trở thành câu thần chú của Bộ Tứ: “Thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
Thế rồi, vào Tháng Sáu năm 2020, các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ dọc theo biên giới chung của hai nước khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và làm cho New Delhi, trước đây là thành viên miễn cưỡng nhất của Bộ Tứ, phải đánh giá lại các ưu tiên chiến lược của mình và thể hiện quyết tâm mới nhằm cân bằng sức mạnh của Trung Quốc. Khi các bộ trưởng ngoại giao của Bộ Tứ họp lại vào Tháng Mười năm 2020 tại Tokyo, Bắc Kinh bắt đầu chú ý. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố thẳng thừng rằng mục tiêu của Washington là “thể chế hóa” Bộ Tứ, “xây dựng một khuôn khổ an ninh thực sự” và thậm chí sẽ mở rộng nhóm vào “thời điểm thích hợp” để “chống lại thách thức mà đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra cho tất cả chúng ta.” (Ông Pompeo trước đó đã mời New Zealand, Nam Hàn và Việt Nam tham gia cuộc đàm phán Bộ Tứ mở rộng (“Quad Plus”) bàn về thương mại, công nghệ và an ninh chuỗi cung ứng.)
Sau cuộc gặp tại Tokyo, Ấn Độ đã mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar hàng năm được tổ chức cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đây là điều rất đáng chú ý vì trước đó Ấn Độ đã từ chối cho phép Úc tham gia các cuộc tập trận vì sợ gây phản ứng của Bắc Kinh. Bây giờ, nhờ vào cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc vào Tháng Sáu năm 2020, Delhi đã không còn do dự nữa. Từ quan điểm của Bắc Kinh, bàn cờ địa chính trị đột nhiên có vẻ kém thuận lợi hơn hẳn.
Từ chia rẽ đến tấn công
Lúc đầu, các chiến lược gia Trung Quốc dường như nghĩ rằng có một giải pháp tương đối đơn giản cho thách thức mới từ Bộ Tứ: Sử dụng sự kết hợp củ cà rốt và cây gậy để chèn một cái nêm vào giữa lợi ích kinh tế và an ninh của các thành viên Bộ Tứ. Bằng cách nhấn mạnh sự phụ thuộc quá lớn của mỗi quốc gia vào thị trường Trung Quốc, Bắc Kinh hy vọng sẽ phá vỡ Bộ Tứ.
Sau cuộc họp các bộ trưởng Bộ Tứ vào Tháng Mười năm 2020 và các cuộc tập trận hải quân Malabar sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phải thay đổi giọng điệu một cách đáng chú ý, bắt đầu đả kích những nỗ lực xây dựng một “NATO khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương” và gọi chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Bộ Tứ là “một mối đe dọa an ninh tiềm tàng” đối với khu vực. Bắc Kinh cũng chọn một mục tiêu để tấn công. Truyền thống chiến lược của Trung Quốc dạy các chính trị gia “phải giết một để cảnh cáo một trăm”. Trong trường hợp này, ý tưởng của họ là giết một (Úc) để cảnh cáo hai (Ấn Độ và Nhật Bản).
Bắc Kinh trước đó dường như có ý định cải thiện quan hệ với Canberra. Nhưng không có lời giải thích cụ thể, Trung Quốc đột ngột áp đặt các hạn chế lên việc nhập cảng than đá của Úc – và sau đó là thịt bò, bông vải, len, lúa mạch, lúa mì, gỗ, đồng, đường, tôm hùm và rượu vang. Theo đánh giá của Bắc Kinh, với tư cách là nền kinh tế nhỏ nhất trong số bốn nền kinh tế của Bộ Tứ, Úc sẽ là nước dễ bị tổn thương nhất trước áp lực kinh tế của Trung Quốc (và do sự khác biệt quá lớn về quy mô và khoảng cách địa lý, Úc ít đe dọa đến lợi ích an ninh của Trung Quốc). Đồng thời, Trung Quốc cố gắng sửa chữa quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản. Sau nhiều năm nỗ lực cải thiện quan hệ với Tokyo, Bắc Kinh đã cố gắng hoàn tất chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập, gặp gỡ người kế nhiệm của ông Abe là Thủ tướng Yoshihide Suga (Cho đến nay chưa có cuộc gặp nào giữa Tập và Suga – ND). Và Bắc Kinh cũng tìm cách giảm căng thẳng với Ấn Độ bằng việc đàm phán một thỏa thuận rút quân khỏi khu vực đã xảy ra đụng độ và âm thầm vận động để Ấn Độ thả một lính đặc nhiệm Trung Quốc bị bắt nhằm tránh châm ngòi cho một cơn bão chủ nghĩa dân tộc trong nước.
Nhưng Bắc Kinh đã đánh giá thấp tác động của các hành động của họ đối với sự đoàn kết của Bộ Tứ và cả hai củ cà rốt đều không có tác dụng như dự tính. Tại Tokyo, tính chất trầm trọng của sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, cùng những lo ngại về nhân quyền và Hong Kong đã bắt đầu khiến mối quan hệ Bắc Kinh-Tokyo rơi vào tình trạng băng giá. Tại New Delhi, sự cảnh giác với Trung Quốc đã ăn rất sâu, bất kể sự bế tắc trước mắt đã được giải quyết. Như Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar giải thích, các cuộc đụng độ biên giới đã tạo cho Delhi một “mức độ thoải mái” hơn trong việc “gắn kết sâu hơn vào các vấn đề an ninh quốc gia” với Washington và các đối tác khác. Sự xuất hiện của một chính phủ mới ở Washington – một chính quyền quay lại tập trung vào sự gắn bó với các đồng minh, khu vực và đa phương, đồng thời nhanh chóng giải quyết các tranh chấp thương mại và quân sự thời Trump với các đồng minh châu Á, đã tạo thêm một trở ngại cho kế hoạch của Bắc Kinh.
Đầu năm nay, các quan chức Trung Quốc đã hiểu ra rằng không mưu toan nào trong việc phớt lờ hoặc chia rẽ Bộ Tứ có thể thành công. Vì vậy, Bắc Kinh chuyển sang lựa chọn thứ ba: Tấn công chính trị toàn diện.
Cuộc họp Tháng Ba 2021 giữa các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ đã xác nhận những lo ngại ngày càng tăng của Trung Quốc về tầm quan trọng của nhóm. Bằng cách lần đầu tiên triệu tập các nguyên thủ quốc gia và rất sớm ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã báo hiệu rằng Bộ Tứ sẽ là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của ông. Và lần đầu tiên, cuộc họp đã đưa ra một thông cáo chung thống nhất cam kết thúc đẩy “một trật tự tự do, cởi mở, dựa trên luật lệ, bắt nguồn từ luật pháp quốc tế” và bảo vệ “các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ”. Bộ Tứ cũng cam kết hợp tác sản xuất và phân phối một tỷ liều vaccine COVID-19 trong toàn khu vực. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói ra những gì có thể là nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của Bắc Kinh khi ông tuyên bố: “Cuộc họp thượng đỉnh hôm nay cho thấy Bộ Tứ đã đến tuổi [trưởng thành]. Bây giờ nó là một trụ cột quan trọng cho sự ổn định của khu vực.”
Kể từ đó, đã có một sự bùng nổ trong những lời lên án của Trung Quốc nhắm vào Bộ Tứ, chẳng hạn như gọi đây là một “nhóm nhỏ” các nước đang cố “bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Hồi Tháng Năm, Tập đã lên án những nỗ lực sử dụng “chủ nghĩa đa phương như một cái cớ để hình thành các nhóm nhỏ hoặc kích động sự đối đầu về ý thức hệ”. Trung Quốc đã bắt đầu thể hiện là người ủng hộ “chủ nghĩa đa phương chân chính” và là người bảo vệ hàng đầu của hệ thống Liên Hiệp Quốc. Ông Tập và các quan chức Trung Quốc khác đã bắt đầu nói thường xuyên hơn về “trách nhiệm của cường quốc” và vị thế của Trung Quốc với tư cách là “cường quốc có trách nhiệm”. Bắc Kinh cũng đang tăng gấp đôi nỗ lực phát triển các khuôn khổ thương mại thay thế bằng cách thúc đẩy tư cách thành viên của mình trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nỗ lực hoàn tất thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc và tán thành ý tưởng tham gia CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, phát triển từ các cuộc đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP – do Hoa Kỳ thúc đẩy trước đây). Hy vọng của Bắc Kinh là có thể cô lập và loại trừ Bộ Tứ bằng cách vươn xa hơn Bộ Tứ về mặt ngoại giao và thương mại trên trường toàn cầu.
Tuy nhiên, những lời lên án của Bắc Kinh cho đến nay hầu như không ngăn cản được tiến bộ của Bộ Tứ. Chuyến đi vào Tháng Sáu của ông Biden tới châu Âu — nơi Úc và Ấn Độ được mời tham gia nhóm G7, các cuộc thảo luận của Hoa Kỳ với EU và NATO, trong đó Trung Quốc là chủ đề chính — đã củng cố lo ngại của Bắc Kinh rằng Bộ Tứ có thể tự tích hợp vào một liên minh chống Trung Quốc rộng lớn hơn. Và các mối tương tác giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn, bao gồm cả chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in đến Washington hồi Tháng Năm, củng cố mối lo ngại rằng Bộ Tứ có thể kết nạp thêm Nam Hàn và trở thành “Bộ Ngũ”, dù Seoul thường miễn cưỡng đứng về phía Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc một cách rõ ràng. Thế nhưng tuyên bố chung của hai nước đã nhất trí rằng họ “công nhận tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương khu vực cởi mở, minh bạch và bao trùm, bao gồm cả Bộ Tứ”.
Lý do để lo lắng
Trung Quốc có lý do đáng kể để lo lắng về những diễn biến như vậy và ý nghĩa của chúng đối với triển vọng toàn cầu và khu vực của Trung Quốc. Ví dụ, trên mặt trận an ninh, Bộ Tứ làm thay đổi suy nghĩ của Bắc Kinh về các kịch bản khác nhau ở eo biển Đài Loan và Biển Đông và ở mức độ thấp hơn ở Biển Hoa Đông, khi Trung Quốc ngày càng ý thức được khả năng quân đội Úc, quân đội Ấn Độ hoặc quân đội Nhật Bản có thể can dự vào bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến Hoa Kỳ. Đặc biệt quan trọng sẽ là sự phối hợp của Bộ Tứ với Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (Pacific Deterrence Initiative) của Hoa Kỳ. Một mạng lưới phân tán các hỏa tiễn chống hạm đặt trên đất liền và các năng lực tấn công chính xác khác đặt tại các nước đồng minh trong khu vực có thể cản trở việc Bắc Kinh đe dọa Đài Loan bằng các cuộc xâm lược đổ bộ, bao vây phong tỏa hoặc sử dụng hỏa tiễn trên mặt đất — mặc dù còn lâu mới có được thỏa thuận chính trị về việc bố trí hỏa tiễn như vậy trong các quốc gia riêng lẻ của Bộ Tứ. Một mối quan tâm khác của Trung Quốc là Bộ Tứ sẽ tiến tới một thỏa thuận với đối tác tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn) để chia sẻ thông tin tình báo, cho phép thông tin nhạy cảm về chiến lược và hành vi của Trung Quốc được phổ biến rộng rãi hơn.
Nhưng tình huống xấu nhất theo quan điểm của Bắc Kinh là Bộ Tứ có thể đóng vai trò nền tảng cho một liên minh chống Trung Quốc toàn cầu rộng lớn. Nếu Bộ Tứ lôi kéo các quốc gia châu Á khác, EU và NATO vào nỗ lực đối đầu hoặc làm suy yếu tham vọng quốc tế của Trung Quốc, thì theo thời gian, nó có thể xoay chuyển cán cân quyền lực tập thể chống lại Trung Quốc một cách dứt khoát. Bộ Tứ cũng có thể đặt nền tảng cho một liên minh kinh tế, hải quan và tiêu chuẩn rộng lớn hơn, có thể định hình lại mọi thứ từ tài trợ cơ sở hạ tầng toàn cầu đến chuỗi cung ứng cho đến các tiêu chuẩn công nghệ. Ông Kurt Campbell, quan chức cấp cao về châu Á của chính quyền Biden, đã nói về sự cần thiết phải đưa ra “tầm nhìn kinh tế tích cực” cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; Bắc Kinh lo ngại rằng Bộ Tứ có thể trở thành điểm tựa cho một nỗ lực như vậy.
Một điểm sáng theo quan điểm của Bắc Kinh là Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có khả năng sẽ giữ một khoảng cách với Bộ Tứ, như là một phần trong quan điểm trung lập của ASEAN về căng thẳng Mỹ-Trung. Các quan chức Trung Quốc cũng cảm thấy an ủi khi tâm lý bảo hộ tiếp tục hiện diện ở cả Washington và Delhi, có nghĩa là cả hai nước này đều sẽ không sớm tham gia CPTPP (hoặc thậm chí RCEP). Thật vậy, lực hấp dẫn của nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn là công cụ lớn nhất để làm suy yếu Bộ Tứ và đảo ngược các nỗ lực chống Trung Quốc trên phạm vi rộng: Đối với Bắc Kinh, tăng trưởng kinh tế tiếp tục kéo dài của Trung Quốc và tỷ trọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu vẫn là những lợi thế chiến lược quan trọng nhất của họ, cũng như trong quá khứ.
Trung Quốc cũng sẽ tăng gấp đôi hợp tác chiến lược và quân sự với Nga. Moscow và Bắc Kinh đã cam kết mở rộng hợp tác năng lượng hạt nhân song phương, và trong cuộc điện đàm hồi Tháng Năm với ông Tập, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi mối quan hệ Trung – Nga là “tốt nhất trong lịch sử”. Từ quan điểm của Trung Quốc, Nga đóng vai trò là một đối tác quân sự hữu ích, còn liên quan tới Bộ Tứ, Nga sẽ cung cấp một con đường để mở rộng lĩnh vực lựa chọn chiến lược của Trung Quốc về mặt địa lý. Ví dụ, sự gần gũi của Nga với Nhật Bản và việc Nga tiếp tục chiếm đóng các Lãnh thổ phía Bắc của Nhật Bản có thể khiến Tokyo phải suy nghĩ kỹ trước khi tham gia với Hoa Kỳ trong bất kỳ kịch bản quân sự nào liên quan đến Trung Quốc trong tương lai.
Việc tiếp tục hợp nhất Bộ Tứ cũng sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự. Ngay cả khi một số nhà phân tích Trung Quốc nghi ngờ tác động thực tế của Bộ Tứ tới khả năng xảy ra chiến tranh, các quan chức quân sự vẫn lập luận rằng họ phải sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất liên quan đến Bộ Tứ. Các quan chức Trung Quốc đang lo sẽ lặp lại sai lầm của Liên Xô trong việc tăng cường quân sự quá mức gây thiệt hại cho nền kinh tế dân sự. Nhưng nếu họ nhận thấy tương quan lực lượng với Hoa Kỳ và các đồng minh đang chuyển theo hướng có hại cho Trung Quốc, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh sẽ tăng lên tương ứng, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang khu vực ở châu Á.
Cuối cùng, câu hỏi lớn nhất là tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với ông Tập, đặc biệt là trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào mùa Thu năm 2022, đại hội mà ông Tập hy vọng sẽ bảo đảm được sự thống trị chính trị lâu dài của mình. Có một số khả năng là sự tiến bộ của Bộ Tứ sẽ cung cấp cho những người gièm pha ông Tập thêm bằng chứng về xu hướng tiếp cận chiến lược quá đáng của ông ta. Tuy nhiên, nhiều khả năng là ông Tập cuối cùng sẽ củng cố bàn tay cai trị của mình bằng cách chỉ vào Bộ Tứ như là bằng chứng rằng các đối thủ của Trung Quốc đang bao vây tổ quốc của họ, qua đó củng cố hơn nữa việc nắm giữ quyền lực của ông.
(*) Kevin Rudd là cựu Thủ Tướng Úc; hiện là Chủ tịch Asia Society – một think-tank nổi tiếng ở New York.
Nguồn: The Foreign Affairs ngày 6 Tháng Tám 2021
Bài liên quan: