Thấy gì trong chiến thắng của hai lãnh đạo thân Putin?

EU nói chung vẫn là khối có quan điểm thống nhất trong chính sách cứng rắn dành cho Putin (ảnh: Thierry Monasse/Getty Images)

Việc các nhà lãnh đạo ủng hộ Putin giành chiến thắng trong hai cuộc bầu cử vừa qua ở châu Âu là lời cảnh giác: Điện Kremlin vẫn có những người bạn ở vị trí cao. Sau nhiều tuần gây chia rẽ châu Âu thất bại liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine, Vladimir Putin đã có được hai chiến thắng ngoại giao nhỏ nhưng rất cần đối với lãnh đạo Nga vào thời điểm này.

Ở cả Hungary và Serbia, việc các đảng công khai thân Nga giành chiến thắng khá dễ dàng trong cuộc bầu cử Quốc hội nên được xem như lời nhắc nhở: Dù cộng đồng quốc tế có phản ứng kiên định và thống nhất trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Tổng thống Nga vẫn có một số bạn bè chí cốt ở ngay trong “lòng địch”: Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).

Chiến thắng quan trọng nhất thuộc về Thủ tướng Hungary Viktor Orban khi đảng Fidesz theo chủ nghĩa dân tộc của ông giành chiến thắng lớn. Điểu đáng nói hơn nữa, Hungary là thành viên của cả Liên minh châu Âu (EU) và NATO, có nghĩa là Putin có thể hãnh diện tuyên bố có một người bạn là thành viên của cả hai thể chế mà ông ta đang thù ghét nhất! Vào đêm Chủ Nhật, trong bài phát biểu chiến thắng, Orban không chỉ nói “khoé” EU mà còn “móc lò” cả Ukraine: “Chúng tôi có một chiến thắng rất rõ ràng, có thể nhìn thấy từ… Mặt trăng, nhưng chắc chắn nó đã được nhìn thấy từ Brussels (nơi đặt bản doanh NATO và EU)”.

Chiến thắng của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là có ảnh hưởng chính trị đủ mạnh để tạo ra đòn thế giúp Putin trong nội bộ EU (ảnh: Janos Kummer/Getty Images)

Ông nói thêm: “Fidesz sẽ ghi nhớ chiến thắng này cho đến cuối cuộc đời bởi vì chúng tôi đã phải chiến đấu chống lại rất nhiều đối thủ”. Nằm trong danh sách bị Orban “chiếu tướng” là các quan chức NATO ở Brussels, truyền thông quốc tế và cụ thể là Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky. Zelensky đã trực tiếp chỉ trích Orban vì không ủng hộ Ukraine nhiệt tình như nhiều đồng cấp châu Âu từ khi Nga đưa quân vào Ukraine.

Dĩ nhiên, Putin nhanh chóng chúc mừng chiến thắng của Orban. Nhưng ít người tin rằng nó sẽ có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là một chiến thắng mang tính biểu tượng và không có ảnh hưởng gì đến quyết tâm của EU đứng về phía Ukraine. Ngay trước ngày bầu cử, EU vẫn tin rằng Orban sẽ giành chiến thắng và EU đã quen với thực tế này trong ba nhiệm kỳ cầm quyền của Orban. Ngoài ra, dù hơi chậm nhưng Orban đã tuân theo gần như tất cả các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, giống như các thành viên EU khác.

Lực cản chính của Hungary trong việc hỗ trợ Ukraine là Orban miễn cưỡng cho phép vũ khí viện trợ quá cảnh đất nước mình để đến tay quân đội Ukraine. Hungary cũng là lực cản chủ chốt trong các cuộc đàm phán của EU về việc cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Cuối tuần qua, Đức cho biết EU cần thảo luận về lệnh cấm khí đốt của Nga sau các báo cáo về tội ác chiến tranh đối với dân thường ở Ukraine, một động thái mà Orban đã nhiều lần bác bỏ.

Sự cố chấp của Hungary đã khiến đồng minh quan trọng nhất của họ trong EU và NATO là Ba Lan phải bực mình. Ba Lan, một “kẻ vi phạm pháp quyền” lớn khác của EU, đã từng sử dụng quyền phủ quyết nhiều lần để bảo vệ Orban khỏi bị EU trừng phạt trong những năm gần đây. Liệu Ba Lan có tiếp tục làm như thế sau khi chiến tranh kết thúc? Câu trả lời là: Chưa rõ ràng! Hungary được xem là đã đạp lên các giá trị của EU về pháp quyền và nhân quyền, kìm hãm các thể chế văn hóa và đàn áp tự do báo chí. Nhưng hầu như tất cả các nỗ lực trừng phạt Hungary ở cấp độ toàn khối đều thất bại, đặc biệt là những nghị quyết đòi phải có bỏ phiếu đồng thuận của tất cả các nước thành viên EU. Một nước phủ quyết là thất bại.

Gần đây, Ba Lan và Hungary còn  ký một hiệp ước cam kết hai nước sẽ sử dụng quyền phủ quyết một cách hiệu quả để bảo vệ lẫn nhau. Tuy nhiên, Ba Lan, được cho là “con diều hâu chống Nga lớn nhất” trong EU nên không rõ trục Ba Lan-Hungary còn vững vàng sau chiến tranh! Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, các quan chức EU đã lặng lẽ thảo luận kế hoạch cung cấp “cà rốt” cho Ba Lan để kéo nước này gần hơn với phần còn lại của khối, thay vì đánh đồng Ba Lan và Hungary là “hai kẻ vi phạm luật chơi”.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić (ảnh: Pierre Crom/Getty Images)

Tình hình rất khác ở Serbia vì Serbia không phải thành viên của EU hay NATO mà chỉ đang trải qua quá trình gia nhập EU, với các cuộc đàm phán dự kiến ​​kết thúc trong vài năm tới. Tổng thống Serbia, Aleksandar Vučić (một người yêu mến đặc biệt Putin) đã bị đặt vào tình thế khó khăn trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Trong nhiều năm, ông ta cố gắng cân bằng giữa việc duy trì mối quan hệ ngoại giao, kinh tế mạnh mẽ với Nga và sự bao bọc của phương Tây với tư cách thành viên EU đầy đủ. Trong chiến dịch tranh cử, Vučić đã không đi chệch khỏi sự cân bằng này và tranh cử trên nền tảng “hòa bình và ổn định trong khu vực”. Serbia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga, và quân đội nước này vẫn duy trì quan hệ với quân đội Nga. Dù Serbia ủng hộ hai nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine, nhưng lại từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.

Kremlin cũng ủng hộ Belgrade phản đối nền độc lập của Kosovo bằng cách phủ quyết tư cách thành viên Liên Hợp Quốc của lãnh thổ này. Không ai nghi ngờ kết quả bầu cử cuối tuần qua, đặc biệt là ở Hungary, đã làm ông Putin mỉm cười mãn nguyện và khiến ban lãnh đạo NATO và EU phải… nhức đầu. Tuy nhiên, đối với EU, Orban sẽ không dám vượt quá làn ranh đỏ. Ông ta có thể mang lại cho Putin một số chiến thắng về mặt tuyên truyền và có thể làm kềm hãm một số kế hoạch của EU trong tương lai, nhưng EU đã biết cách đối phó “vấn đề Orban” trong nhiều năm và biết rất rõ rằng: Khi sắp vượt qua làn ranh đỏ, ông ta sẽ chọn ở lại khối để gây rắc rối hơn là chia tay.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: