Tiễn biệt Đức Giáo Hoàng Francis

Người Việt livestream tang lễ Đức Giáo Hoàng Francis
Đức Giáo Hoàng Francis. (Hình: Facebook “Vatican News”)

Tang lễ Đức Giáo Hoàng Francis đã diễn ra vào lúc 1 giờ sáng (giờ California) Thứ Bảy, 26 Tháng Tư.

Vào cuối Thánh lễ an táng, trong Nghi thức Phó dâng và Từ biệt, các Giáo hội Roma và nghi lễ Đông phương đã cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Francis, và sau đó linh cữu ngài được đưa đến Đền thờ Đức Bà Cả để an táng, theo Vatican News.

Đông đảo người dân từ các nơi đ0ến dự lễ tang Đức Giáo Hoàng Francis. (Hình chụp qua video YouTuve “Vatican News”)

Linh cữu Đức Giáo Hoàng Francis được đưa vào trong Đền thờ Thánh Peter và sau đó tại Quảng trường Nhà Thánh Marta, linh cữu được đưa lên chiếc xe mui trần papamobile quen thuộc của Đức Giáo Hoàng, để đi đến Đền thờ Đức Bà Cả. Trên chiếc xe này, Đức Giáo Hoàng Francis thường dùng để gặp gỡ dân chúng trong các buổi tiếp kiến chung và trong các Thánh lễ hay cả trong những chuyến tông du. Và đây là lần cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Francis chào đông đảo dân chúng đứng hai bên đường, vĩnh biệt ngài.

Sau khi đi qua các lộ trình dài khoảng 4 km, linh cữu Đức Giáo Hoàng Francis được đưa đến Đền thờ Đức Bà Cả. Chào đón Đức Giáo Hoàng Francis tại đây cũng có đông đảo dân chúng, đặc biệt là các thanh thiếu niên. 40 người, gồm có các tù nhân, người nghèo, người di dân,… và những người con ngài rất yêu mến, được có mặt để từ biệt ngài.

Linh cữu Đức Giáo Hoàng Francis được rước vào Đền thờ, nơi có bức ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân thành Roma mà ngài hết sức quý mến. Ngài đã đến viếng và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ 126 lần trong 12 năm Giáo hoàng, trước và sau mỗi chuyến tông du nước ngoài, những khi trở về sau mỗi lần nhập viện và lần gần nhất là trước Tuần Thánh năm nay. Khi đến nhà nguyện Paolina, nơi có ảnh Đức Mẹ, 4 em nhỏ cầm 4 giỏ hoa hồng vào đặt dưới chân bàn thờ Đức Mẹ như thay Đức Giáo Hoàng Francis dâng lên Đức Mẹ, trong khi linh cữu của ngài cũng dừng lại trước nhà nguyện.

Nhà nguyện Paolina, nơi có ảnh Đức Mẹ. (Hình chụp qua video YouTuve “Vatican News”)

Sau đó linh cữu Đức Giáo Hoàng Francis được đưa đến nơi chôn cất và sau lời nguyện của Đức Hồng y Nhiếp chính, di hài ngài được đặt vào trong huyệt mộ giữa tiếng hát Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, để nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng Francis sẽ được Đấng Phục Sinh cho sống lại và hưởng hạnh phúc cùng Đức Mẹ và các Thánh.

Mộ của ngài làm từ đá cẩm thạch của vùng Liguria ở Ý, quê hương ông cố ngài trước khi di dân đến Argentina. Ngôi mộ vô cùng đơn giản, gồm dòng chữ khắc tên “Franciscus” và hình ảnh thánh giá đeo ngực. Mộ nằm gần Bàn thờ Thánh Francis, trong một hốc ở gian giữa Nhà Nguyện Pauline Chapel và Nhà Nguyện Sforza. Trước khi được ngài chọn đặt phần mộ của mình, cái hốc là nơi đặt giá chân nến.

Phó giám quản Vương cung thánh đường Đức Bà Cả là Hồng y Rolandas Makrickas công bố ý nguyện của Đức Giáo Hoàng Francis là được chôn trong ngôi mộ làm bằng “đá của Liguria, vùng đất quê hương của ông bà ngài.”

Mộ được khắc đẽo dưới dạng một phiến đá cẩm thạch từ một thị trấn nhỏ của vùng Liguria là Cogorno. Đây là thị trấn quê hương của ông cố Vincenzo Sivori của giáo hoàng. Ông Sivori rời Ý đến Argentina vào thập niên 1800. Tại đây, ông gầy dựng gia đình và có cháu gái là bà Regina Maria Sivori: mẹ của Đức Giáo Hoàng Francis.

Đức Giáo Hoàng Francis thường không công khai mối liên hệ với Liguria. Vì thế, Thị trưởng Enrica Sommariva của thị trấn Cogorno vô cùng ngạc nhiên khi nghe tin giáo hoàng yêu cầu một phiến đá từ quê hương của ông bà cho phần mộ của bản thân, theo Vatican News.

Bà Angela Sivori, vẫn còn sống ở Cogorno, đã nhớ lại thời điểm phát hiện mình là em họ của giáo hoàng. Bà cho hay đã nhận được một cuộc gọi từ Buenos Aires (Argentina) kèm theo cây phả hệ qua thư điện tử. Bà Sivori và con gái Cristina cho biết việc Đức Giáo Hoàng Francis gửi thư đề nghị đá làm mộ cho mình là “một món quà tuyệt vời, một bất ngờ sau cuối” cho gia đình, dù đó không phải dạng “đá quý” mà là “đá bình dân”  nhưng tỏa hơi ấm theo như ý nguyện của Đức Giáo Hoàng Francis.

Đức Giáo Hoàng Francis tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17 Tháng Mười Hai, 1936 tại Argentina, và là người đầu tiên của một quốc gia Nam Mỹ và của Dòng Tên được bầu làm giáo hoàng ngày 13 Tháng Ba, 2013, thay thế Đức Giáo Hoàng Benedict XVI từ chức. Ngài là giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo, nổi tiếng là một người khiêm tốn, luôn cổ vũ và đấu tranh cho người nghèo, di dân, và bảo vệ môi trường.

(tổng hợp)

Người Việt livestream tang lễ Đức Giáo Hoàng Francis

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo