Tòa án Pháp bác bỏ yêu cầu bồi thường do ‘chất độc da cam’ 

Máy bay trực trăng Huey rải chất diệt cỏ Da Cam trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh Public Domain.

Một tòa án Pháp hôm nay thứ Hai 10-5 đã bác bỏ đơn kiện của một phụ nữ Pháp gốc Việt chống lại 14 công ty đa quốc gia đã sản xuất và bán một loại chất diệt cỏ độc hại có tên “Chất độc da cam” (Agent Orange), được quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam.

Tòa án ở Evry, ngoại ô thủ đô Paris, Pháp phán quyết rằng họ không có thẩm quyền xét xử một vụ việc liên quan đến các hành động thời chiến của chính phủ Hoa Kỳ trong lúc các hãng hóa chất bị đơn nói họ sản xuất theo hợp đồng của chính phủ Hoa Kỳ, hãng tin Pháp Agence France Presse đưa tin. 

Vụ kiện được bắt đầu vào năm 2014, trong đó bà Trần Tố Nga, 79 tuổi tuyên bố bà là nạn nhân của chất độc da cam, chống lại 14 công ty hóa chất, bao gồm các công ty Dow Chemical của Mỹ và Monsanto – hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Bayer của Đức.

Bà Trần Tố Nga nói với hãng tin Reuters rằng vụ kiện đã được hủy bỏ nhưng bà sẽ kháng cáo. Bà nói bà đã chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất nhưng phán quyết của tòa cũng làm cho bà ngạc nhiên. “Nói thực, tôi đã chiến đấu hơn 10 năm và phải mất sáu năm vụ xử mới được tổ chức. Tại sao trong suốt sáu năm đó, họ [tòa án] không hề bảo rằng đơn kiện của tôi ngoài thẩm quyền xét xử của họ?” bà Nga nói với hãng tin AP

Bà Nga, từng là phóng viên và hoạt động tại Việt Nam ở độ tuổi 20, cho biết bà đang bị ảnh hưởng của chất độc da cam, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2 và chứng dị ứng insulin hiếm gặp. Trong một cuốn sách, bà Nga đã tả lại việc bà hít phải chất độc da cam năm 1966, lúc bà còn là lính Việt Cộng chiến đấu chống lại Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Bà nộp đơn kiện tại Pháp năm 2014 đòi bồi thường cho những vấn đề sức khỏe của bà và con cái bà.

Bà Nga được sự hậu thuẫn của chính phủ Việt Nam và một số tổ chức phi chính phủ, muốn gây chú ý vào thiệt hại chiến tranh của thường dân và tác hại của hóa chất diệt cỏ đối với môi trường. 

Các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ đã thả khoảng 18 triệu gallon (68 triệu lít) chất độc da cam – được gọi tên như vậy vì nó được chứa trong các thùng phuy có dải màu da cam – từ đầu những năm 1960 đến đầu những năm 1970 để làm rụng lá rừng và phá hoại nơi ẩn nấp của Việt Cộng. 

Các công ty đa quốc gia lập luận rằng họ không chịu trách nhiệm về việc quân đội Hoa Kỳ sử dụng sản phẩm của họ.

Một trong những luật sư của bà Nga, ông William Bourdon, tuyên bố trên Twitter rằng tòa án đang áp dụng một định nghĩa lỗi thời về nguyên tắc quyền miễn trừ tài phán, mâu thuẫn với các nguyên tắc hiện đại của luật pháp quốc tế và quốc gia.

Ông cho biết thật “đáng kinh ngạc” khi tòa án đã ủng hộ quan điểm của các công ty hóa chất rằng họ hành động theo lệnh khi đấu thầu các hợp đồng của chính phủ Hoa Kỳ.

Trong một tuyên bố, hãng Bayer cho biết họ hoan nghênh quyết định của tòa án đồng thời nói rằng họ có “sự thông cảm lớn đối với bà Trần Tố Nga và tất cả những người đã phải chịu đựng trong chiến tranh Việt Nam”.

Nhưng hãng cho biết “tòa án đã xác định rõ trong nhiều năm rằng các nhà thầu thời chiến như chín nhà sản xuất chất độc da cam hoạt động theo lệnh của chính phủ Hoa Kỳ, không chịu trách nhiệm về các khiếu nại về thiệt hại bị cho là liên quan đến việc chính phủ sử dụng sản phẩm đó trong thời chiến”.

Cho đến nay, chỉ có các cựu binh Mỹ và các quốc gia khác tham gia chiến tranh mới được bồi thường những tác hại do chất độc da cam. Năm 2008, một tòa phúc thẩm liên bang của Hoa Kỳ đã bác bỏ vụ kiện dân sự chống lại các công ty hóa chất lớn của Hoa Kỳ do các nguyên đơn Việt Nam đưa ra.

Sau khi được rải xuống, chất dioxin (da cam) tồn tại rất lâu trong đất, trong trầm tích của những con sông và hồ nước qua nhiều thế hệ. Nó có thể thẩm thấu vào thực phẩm của con người qua cá và các động vật khác.

Chính phủ Việt Nam nói có khoảng 4 triệu thường dân bị nhiễm chất da cam, ba triệu người bị những chứng bệnh và tật nguyền, kể cả con cái những người bị nhiễm. Trong khi đó, Hoa Kỳ khẳng định rằng không có mối liên hệ nào được chứng minh một cách khoa học giữa việc rải chất độc trong thời chiến và những tuyên bố về sự nhiễm độc dioxin của nhiều người Việt Nam. Tuy nhiên chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ hàng trăm triệu đô la cho việc làm sạch chất dioxin ở các phi trường Đà Nẵng và Biên Hòa, là nơi tồn trữ các thùng dioxin trước khi đưa lên phi cơ đưa đi rải ở các vùng rừng núi Việt Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: