Trở về Trung Quốc? Thà chết trong rừng còn hơn!

Làn sóng người Trung Quốc vượt biên sang Mỹ
Người nhập cư Trung Quốc tại khu vực biên giới Roma (Texas) sau khi vượt biên vào Mỹ từ ngả Rio Grande (ảnh: Brandon Bell/Getty Images)

Các bức tường của sảnh khách sạn ở trung tâm thành phố Quito, thủ đô của Ecuador, dán đầy thông báo bằng tiếng Quan Thoại (Mandarin). “Ngày mai tôi sẽ đến Colombia và tìm kiếm bạn bè, xem id WeChat bên dưới của tôi” – một tờ rơi viết tay nhắn. Một tấm áp phích quảng cáo “Trọn gói băng rừng ở Panama: $1,700”. Hàng chục người Trung Quốc (TQ) đứng xem: Trẻ có, già có, con nhỏ có. Một số đeo ba lô lớn hoặc kéo vali. Tất cả đều chuẩn bị tiến gần đến cuộc sống mới ở Mỹ.

“Tôi không bao giờ quay lại TQ cho dù phải… bò tới Mỹ hoặc chết trên đường đến đó!”

The Economist thuật: Xing Weisen, 35 tuổi, cho biết mình phải mất gần một tuần mới đến được Quito từ nhà ở thành phố Tây Trữ (Xining) thuộc tỉnh Thanh Hải phía Tây TQ. “Tôi chọn Ecuador vì đây là quốc gia gần biên giới nhất với Mỹ không cần thị thực của du khách TQ”. Xing có đủ lý do để rời TQ. Năm 2020, cả cha mẹ anh đều qua đời, mẹ bị ung thư, bố bị bệnh tim. Xing đã bán gần hết tài sản để trả tiền chữa bệnh cho họ. Sau đại dịch, số người TQ liều mình đến Nam Mỹ rồi lên Bắc Mỹ (tuyến đường được hầu hết người di cư chọn) đã tăng mạnh. Năm 2021, chính phủ Panama ghi nhận được 200 người di cư TQ băng qua dải rừng nhiệt đới nguy hiểm Darién Gap, nằm giữa Nam và Trung Mỹ; năm ngoái con số đó tăng gấp mười! Chỉ trong nửa đầu năm 2023, gần 9,000 người TQ vượt qua Darién Gap.

Lý do rời đất nước rất đa dạng: Một số sợ bị bỏ tù vì những gì họ phát tán trên mạng xã hội; số khác ra đi vì xã hội TQ không chấp nhận người đồng tính. Nhiều người, giống như Xing, gặp khó khăn trong mưu sinh. Hiện nay ở TQ, chi tiêu tiêu dùng đã chậm lại và hơn 20% thanh niên thành phố thất nghiệp, kể cả sinh viên tốt nghiệp đại học. Tan vỡ và vô vọng, Xing quyết định cần một khởi đầu mới.

“Đất nước tôi không phải là nơi dành cho những ai muốn sống một cuộc sống có phẩm giá. Nước Mỹ là ‘sự lựa chọn hiển nhiên’ đối với tôi và những người di cư khác. Từ thập niên 1990, khi quan hệ Mỹ-TQ thân thiện hơn, thế hệ Millennial của chúng tôi bắt đầu được tiếp xúc với văn hóa Mỹ trong quá trình trưởng thành” – Xing nói.

Người nhập cư lậu Trung Quốc xếp hàng nhận nhu yếu phẩm tại Monterey Park, California, ngày 25 Tháng Sáu 2023 (ảnh: Genaro Molina / Los Angeles Times via Getty Images)

Lần đầu tiên Xing tìm cách di cư sang Mỹ là vào năm 2022 nhưng đơn xin thị thực bị từ chối. Năm ngoái, Mỹ đã từ chối gần 1/3 đơn xin thị thực du lịch của công dân TQ so với 1/5 của năm 2019. Gác việc xin visa du lịch lại, Xing tham gia các nhóm trên ứng dụng WeChat và Telegram, nơi mọi người chia sẻ thông tin về cách đi từ TQ đến Mỹ mà chặng đầu tiên là đến Nam Mỹ. Mỗi nhóm có hàng chục ngàn thành viên.

Năm 2020, chính phủ TQ cấm người dân xuất cảnh trừ khi “cần thiết hoặc khẩn cấp”. Xing vẫn lo các quan chức nhập cư sẽ tìm ra lý do để ngăn anh bay đến Nam Mỹ: “Làm sao bạn biết chính phủ TQ sẽ không quay ngoắt 180 độ như họ vẫn thường làm?” Thay vào đó, Xing bắt tàu hỏa tới Hong Kong, đáp máy bay tới Thái Lan, rồi đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và cuối cùng là thủ đô Ecuador. Rời khách sạn, anh bắt xe buýt đến Tulcán, một thị trấn ở biên giới với Colombia.

Nhưng trước tiên anh có vài việc phải hoàn thành ở Quito. Xing đến phòng khám y tế chủng ngừa bệnh sốt vàng da, một căn bệnh do muỗi phổ biến ở rừng nhiệt đới. Sau đó, anh đến một cửa hàng tiện lợi để mua bao cao su, một phương tiện giấu tiền rất tốt! “Tôi sẽ không bao giờ quay lại TQ cho dù phải… bò tới Mỹ hoặc chết trên đường đến đó!”. Xing không nói với ai về kế hoạch ra đi. Tại khách sạn do một phụ nữ TQ làm chủ, Xing cuốn những tờ tiền tổng cộng $2,500 thành từng bó gọn gàng, nhét vào bao cao su và thắt chặt. Mở chai dầu gội đầu anh nhét bao cao su chứa tiền vào bên trong…

Đến miền đất hứa

Xing để lại vali trong kho khách sạn và đến bến xe buýt, nơi các công ty lữ hành săn khách TQ. Anh không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào vì anh đã liên hệ trước với một “đầu rắn” (snakehead) chuyên buôn lậu người TQ vào Mỹ. Hầu hết những công ty điều hành tour du lịch bất hợp pháp có trụ sở tại thị trấn Necocli, ngay bên ngoài Darién Gap. Họ thuê hướng dẫn viên địa phương đưa người di cư vượt biên với nhiều nguy hiểm, từ địa hình dốc đến lũ quét, lở đất và gặp bọn cướp có vũ trang.

Li Bai (Lý Bạch) là đầu rắn nổi tiếng nhất có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn khách hàng TQ. Theo Xing, ông ta “có lẽ là người Colombia”. Hầu hết di dân TQ đều giao dịch với các đệ tử người TQ của Lý Bạch. Gói đắt nhất của ông ta có giá $1,150 gồm vận chuyển bằng ngựa qua Darién Gap. Giá của Lý Bạch quá đắt đối với Xing nên anh trả vài trăm đôla cho đầu rắn khác và người này hứa sẽ đưa anh qua Darién Gap an toàn trong vòng ba ngày.

Xing nói: “Tôi đã nghiên cứu kỹ các loại đầu rắn trên WeChat, Telegram và muốn đảm bảo đầu rắn sẽ không bỏ rơi chúng tôi giữa rừng hoặc đòi thêm tiền giữa chuyến đi”. Phải mất ba chuyến xe buýt Xing mới đến được Necocli. Những người di cư bắt đầu bàn những chuyện cấm kỵ trong nước. Một người nói: “Tập Cận Bình bây giờ thực chất là một hoàng đế!” Người khác nhắc lại các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong năm 2019 và các cuộc biểu tình chống “zero-Covid” ở Thượng Hải vào năm 2022.

Xing giữ được tất cả số tiền mang theo trừ $20 giấu trong hộp thuốc lá bị một chốt chặn xét xe buýt tịch thu. Từ Necocli, Xing bắt phà tới Capurganá, một ngôi làng ven biển ở phía Bắc Colombia. Sau khi lên bờ, mỗi người di cư được phát một dây đeo cổ tay, màu sắc tương ứng với đường dây đưa họ đi (khách hàng của Lý Bạch có màu xanh). Xe tuk-tuk đưa những người di cư đến một bãi đất trống. Từ đây, Xing chuẩn bị chặng tiếp theo băng qua bốn quốc gia nữa bằng xe tải, xe tuk-tuk, taxi, xe máy, tàu cao tốc và tàu hỏa.

“Mối nguy hiểm lớn nhất sau Darién Gap là ngồi trên những chiếc xe thần chết. Để kiếm càng nhiều tiền càng tốt, đầu rắn nhét 14 người vào một chiếc xe bảy chỗ!” – Xing nói. Hai tuần sau, Xing đã đến Mexico an toàn. Xing cân nhắc các lựa chọn cho chặng cuối của cuộc hành trình. Anh muốn trả tiền cho một đầu rắn khác để vượt sông Rio Grande vào Texas hoặc có thể bám vào “Beast” (tàu chở hàng của Mexico được xem là phương sách cuối cùng rất dễ chết cho những người di cư). Theo lời khuyên, khi chuẩn bị rời Mexico City, Xing tạm đóng tài khoản Telegram và WeChat để tránh bị theo dõi. Hai tuần trôi qua, Xing đến được California!

Xing kể đoạn cuối của cuộc hành trình: Người bạn của Xing đã gửi cho anh 2,000 để anh ta có thể mua một chiếc thuyền vượt sông. “Nếu anh ấy không chuyển tiền cho tôi, có lẽ bây giờ tôi đã chết!” Xing nói. Khi Xing và những người di cư TQ khác đến bờ sông Rio Grande nhìn qua Texas, Xing đưa điện thoại cho đầu rắn để ông ta đánh dấu trên Google Maps: “Hãy đến nơi này và sẽ có nhân viên nhập cư ở đó”.

Khi thuyền cập bờ Texas, sự phấn khích lấn át nỗi lo lắng của Xing. “Chúng ta chỉ còn cách Mỹ vài mét thôi!” anh nhớ lại. Chưa đầy mười phút sau, Xing đã bước chân lên đất Mỹ và đi bộ hai dặm đến khu kiểm soát nhập cư. Xing kể: “Có một chút hỗn loạn, nhưng không ngờ cảnh sát lại rất tử tế với chúng tôi. Họ cho thức ăn, sau đó có xe tải đưa chúng tôi về trung tâm xử lý”.

Người di cư có thể bị giữ ở trung tâm nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trước khi được trả tự do hoặc bị trục xuất. Xing và 30 người được đưa vào một căn phòng đã có sẵn năm người TQ khác. Trong ánh đèn huỳnh quang và những bức tường trống trải, nó giống như một nhà tù. Người di cư rúc nằm trên sàn không có nệm và những chiếc chăn giấy bạc không ngăn nổi cái lạnh. Xing thấy một người đập đầu vào tường.

“Một số người đã phát điên vì ở căn phòng này quá lâu. Tôi sợ mình có thể bị mắc kẹt ở đó hàng tháng” – anh nhớ lại. Nhưng hai ngày sau, Xing đã được nhân viên nhập cư triệu tập. Ông ta đưa cho Xing một xấp giấy tờ, nói anh cần phải ký vào đó để được thả. Xing không biết tiếng Anh, không biết giấy tờ nói gì và quá sợ không dám hỏi (sau đó, anh nhờ Google Translate dịch và biết yêu cầu tị nạn của anh ta sẽ được thẩm phán quyết định vào cuối năm nay). Nhân viên nhập cư đưa cho Xing một chiếc điện thoại di động. Sau đó các tình nguyện viên giúp Xing mua vé xe buýt đến Houston, Texas và vé máy bay đến Los Angeles, nơi anh dự định ở lại cùng với một số người di cư TQ khác gặp trên đường đi…

Darién Gap, Colombia – con đường đầy nguy hiểm trước khi đến được miền đất tự do (ảnh: Jan Sochor/Getty Images)

__________

AP ngày 30 Tháng Mười 2023 cho biết thêm, Mỹ đang chứng kiến sự tăng vọt số người nhập cư Trung Quốc đến lậu từ tuyến đường xuyên qua rừng rậm Darién Gap của Panama. Theo cơ quan quản lý nhập cư Panama, người Trung Quốc là quốc tịch cao thứ tư, sau Venezuela, Ecuador và Haiti, vượt Darién Gap trong chín tháng đầu năm 2023. Tuyến đường này khả thi đối với người nhập cư Trung Quốc vì họ có thể bay vào Ecuador mà không cần thị thực. Từ Quito, họ băng qua Darién…

Số người di cư Trung Quốc qua Darién hàng tháng tăng dần, từ 913 người vào Tháng Giêng lên 2,588 vào Tháng Chín 2023. Tại biên giới Mỹ-Mexico, Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ đã thực hiện 22,187 vụ bắt giữ người Trung Quốc vượt biên trái phép từ Mexico từ Tháng Giêng đến Tháng Chín, gần gấp 13 lần cùng kỳ năm 2022. Số vụ bắt giữ đạt đỉnh điểm 4,010 vào Tháng Chín, tăng 70% so với Tháng Tám.

Làn sóng người Trung Quốc vượt biên bắt đầu tăng đáng kể vào năm 2018, khi Tập Cận Bình sửa đổi Hiến pháp để bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước. Bà Thái Hà (Cai Xia), tổng biên tập trang bình luận trực tuyến Yibao và là cựu giáo sư Trường Đảng Trung ương  ở Bắc Kinh, nói rằng “Làn sóng di cư phản ánh sự tuyệt vọng của người dân đối với đất nước”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: