Trung Đông: Khi nào các kẻ thù ngưng giết nhau?

Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser tuyên bố quốc hữu hóa kênh đào Suez trước đám đông 250,000 người, dẫn đến cuộc xung đột dữ dội với Israel và Anh-Pháp (ảnh: Keystone-France/Gamma-Keystone via Getty Images)

Vào thập niên 1960, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser đã tìm cách tiêu diệt nhà nước Do Thái nhưng không lâu sau, chính ông lại tán thành một giải pháp thương lượng “hai nhà nước”. Liệu Hamas sau khi bị kiệt sức có thể làm điều tương tự?

Nhìn lại lịch sử

Với việc các lực lượng Israel và Palestine có khả năng đọ súng trở lại sau vài ngày tạm dừng để trao đổi con tin, triển vọng về một nền hòa bình lâu dài hơn ở Trung Đông vẫn còn mờ mịt. Trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thề sẽ đánh bại hoàn toàn Hamas (nhóm chiến binh Palestine cai trị dải đất Gaza ven biển và khiến cả thế giới choáng váng với vụ thảm sát ngày 7 Tháng Mười), ban lãnh đạo Hamas cho biết họ sẽ tái lập cuộc đột kích tương tự (và nhiều lần nữa nếu cần thiết) để đạt được mục tiêu, tiêu diệt hoàn toàn Israel.

Lập trường cứng rắn của hai bên khiến có thể kết luận: người Israel và người Palestine sẽ không bao giờ có thể đồng ý về một giải pháp chính trị chấm dứt hơn một thế kỷ xung đột. Tuy nhiên, lịch sử có rất nhiều ví dụ về những kẻ thù dường như không thể lay chuyển được, cuối cùng, mệt mỏi vì chiến tranh phải ngồi vào bàn đàm phán, kể cả xung đột giữa khối Ả-rập và Israel.

Cố lãnh đạo PLO Yasser Arafat từng bị Israel xem là “kẻ khủng bố” đã ký Hiệp định Oslo với Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin vào năm 1993 (cả hai nhận được giải Nobel Hòa bình). Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Vua Hussein của Jordan đều lãnh đạo đất nước của họ tiến hành chiến tranh “tiêu diệt” Israel trước khi cả ba ký kết các hiệp ước hòa bình đầy đủ và được duy trì cho đến ngày nay.

Trước tất cả họ, người đầu tiên đặt ra tiền lệ cho thương lượng hoà bình cũng như rất nhiều vấn đề khác trong nền chính trị Ả-rập là Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser. Giống như các nhà lãnh đạo của Hamas ngày nay, Nasser từng được xem là “mối đe dọa lớn nhất” đối với sự tồn tại của Israel. Thủ tướng đầu tiên của nhà nước Do Thái, David Ben-Gurion, so sánh Nasser với Hitler (giống như cách mà Netanyahu bây giờ gọi Hamas là “Phát xít quốc xã mới”).

Năm 1956, Ben-Gurion cùng với Anh và Pháp xâm lược Ai Cập khi Nasser đơn phương quốc hữu hóa Công ty Kênh đào Suez. Nhưng nỗ lực lật đổ Nasser bằng vũ lực đã không thành. Việc Nasser sống sót sau cuộc tấn công “tập thể” đó đã khiến ông trở thành anh hùng đối với hàng triệu người Ả-rập, đặc biệt là đối với người Palestine xem ông là “điềm báo trước” họ sẽ sớm giành lại quê hương mình.

Năm 1964 Nasser đã mời các nguyên thủ quốc gia Ả-rập tới Ai Cập để phê chuẩn quyết định thành lập PLO để “hợp thức hoá” ý đồ giải phóng toàn bộ Palestine khỏi nhà nước Israel. Nasser cung cấp cho PLO kinh phí, đào tạo và vũ khí và thành lập đài phát thanh “Tiếng nói Palestine” của tổ chức này. Ba năm sau, Nasser đưa Ai Cập vào tình thế chiến tranh, trục xuất lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc khỏi biên giới với Israel, đóng cửa eo biển Tiran đối với các tàu Israel và phong tỏa cảng Eilat của Israel.

“Người Do Thái đe dọa chiến tranh – ông biện minh trong một bài phát biểu vào ngày 22 Tháng Năm, 1967 – Chúng tôi trả lời họ, không sao cả, chúng tôi đã sẵn sàng”. Bốn ngày sau, Nasser cam kết, nếu Israel tấn công Ai Cập, “Trận chiến sẽ toàn diện và Israel sẽ bị tiêu diệt đúng như mục đích của chúng ta!”.

Nhưng, mười ngày sau, máy bay ném bom của Israel đã tiêu diệt lực lượng không quân Ai Cập sau vài giờ. Trong vòng sáu ngày, Israel đánh bại không chỉ quân đội Ai Cập mà còn cả quân đội Syria, Jordan và chiếm giữ những vùng lãnh thổ mới rộng lớn, gồm Dải Gaza (do Ai Cập chiếm đóng cho đến thời điểm đó), Bờ Tây, Đông Jerusalem, Cao nguyên Golan của Syria và Bán đảo Sinai của Ai Cập.

Thất bại nhục nhã đã tạo ra bước ngoặt lớn trong quan điểm của Nasser. Không lâu sau, Ai Cập thông qua Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó thừa nhận “chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị” của Israel cũng như “quyền được sống hòa bình trong các ranh giới an toàn và được công nhận, không bị đe dọa hoặc dùng vũ lực”.

Nghị quyết này cũng kêu gọi Israel rút “khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong cuộc xung đột gần đây” và tạo điều kiện “giải quyết công bằng vấn đề người tị nạn Palestine”, thiết lập cái gọi là công thức “đổi đất lấy hòa bình” (Israel sẽ trả lại vùng đất bị chiếm đóng năm 1967 để đổi lấy hòa bình với các quốc gia Ả-rập).

Kể từ đó, Nghị quyết 242 đã trở thành cơ sở của các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột bằng chính trị.

(Trái sang) Vua Hussein của Jordan, Thủ tướng Yitzhak Rabin của Israel, Tổng thống Bill Clinton, Chủ tịch PLO Yasser Arafat; Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong buổi lễ ký hòa ước Palestine-Israel năm 1993 (ảnh: Dirck Halstead/Getty Images)

Chỉ có “win-win” bằng thương lượng hòa bình

Việc PLO bác bỏ Nghị quyết 242 và không công nhận chủ quyền của Israel “dưới bất kỳ hình thức nào” đã dẫn đến sự rạn nứt giữa Nasser và người Palestine. Rạn nứt ngày càng tăng; và năm 1970, Nasser nhắc lại sự ủng hộ đối với giải pháp “hai nhà nước” và công khai tán thành đề xuất của Ngoại trưởng William P. Rogers thời Tổng thống Nixon để chấm dứt thù địch với Israel và nối lại đàm phán hòa bình trong tinh thần Nghị quyết 242.

“Chúng tôi đã tuyên bố trước toàn thế giới chúng tôi sẽ tìm kiếm hòa bình” – Nasser khẳng định vào ngày 24 Tháng Bảy 1970. Lần này, Nasser bị một số phe phái PLO tố cáo công khai và tổ chức các cuộc biểu tình hỗn loạn trên đường phố bên ngoài đại sứ quán Ai Cập ở Lebanon và Jordan, gọi Nasser là “kẻ phản bội” và “con cờ của chủ nghĩa đế quốc”.

Nasser giận dữ đóng cửa hai đài phát thanh PLO ở Cairo vì đã phát đi những lời chỉ trích gay gắt chính sách của ông đồng thời ngưng tài trợ và trang bị cho các chiến binh ở Gaza. Thế giới Ả-rập bị phân cực. Trong khi các quốc gia theo chủ trương “không nói chuyện phải quấy” gì với Israel như Iraq, Algeria ủng hộ quan điểm của Palestine thì những nước như Jordan, Lebanon, Sudan đứng về phía Nasser.

Nhìn lại những gì đang xảy ra hôm nay, liệu có thể hy vọng chứng kiến lần nữa sự thay đổi quan điểm từ cực đoan sang ôn hoà? Trong khi ngày xưa Nasser chuyển sang tán thành giải pháp hai nhà nước thì ngày nay nhiều nhóm ủng hộ Palestine và những người theo đường lối cứng rắn trong nội các Netanyahu lại bác bỏ, nêu lý do rằng công thức này không thể thực hiện được.

Chắc chắn có một số yếu tố làm méo mó bất kỳ sự so sánh nào giữa thời của Nasser và thời hiện đại.

Một là việc xây dựng hàng trăm khu định cư Israel với khoảng 700,000 cư dân ở Bờ Tây kể từ khi Israel bắt đầu chiếm đóng vào năm 1967 đã làm suy yếu tính khả thi của một nhà nước Palestine tách biệt.

Hai là hệ tư tưởng Hồi giáo không khoan nhượng của Hamas, khác rất xa với “chủ nghĩa xã hội Ả-rập” tự phong của Nasser (Nasser đã đàn áp mạnh mẽ Tổ chức Anh em Hồi giáo của Ai Cập mà Hamas là một nhánh ở Palestine).

Trong khi Nasser, Arafat, Sadat và Hussein đều linh hoạt về tư tưởng, thay đổi theo chiều gió và theo thời gian, thì khó có thể nói Hamas cũng sẽ giống như thế, đặc biệt là sau cuộc thảm sát 7 Tháng Mười. Tuy nhiên, Hamas – nếu sống sót sau cuộc tấn công tận diệt đang diễn ra của Israel – có thể cũng phải thay đổi. Điều “không thể tưởng tượng được” như nhiều người từng nghĩ về Nasser và Arafat vẫn có thể xảy ra.

Cuối cùng, nói như Rabin “người ta chỉ làm hòa với kẻ thù chứ không ai làm hoà với bạn bè”. Và trên hết, đó phải là trọng trách và các bên “có trách nhiệm và có liên quan” trong cuộc đối đầu dai dẳng Israel-Palestine phải cấp bách thực hiện, dù có hay không có Hamas.

Trong bài bình luận trên Wall Street Journal, tác giả Alex Rowell viết, nếu có thể rút ra một bài học với độ chính xác cao từ lịch sử thì đó là: Khi những tên khủng bố khát máu Hamas và những kẻ cực đoan tại Israel đều tiếp tục phá hoại mọi nỗ lực nghiêm túc hướng tới một giải pháp chính trị công bằng và bền vững cho cuộc xung đột hiện nay thì sẽ không bao giờ mang lại an ninh cho người Israel cũng như sự giải phóng cho người Palestine.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: