Trung Quốc muốn triệt hạ hệ thống vệ tinh Starlink

Hỏa tiễn Falcon 9 của SpaceX phóng lên từ căn cứ Canaveral ở Florida trong một chuyến đưa 60 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo tầm thấp của trái đất, thiết lập hệ thống truyền dẫn Internet tốc độ cao phủ khắp địa cầu. Hiện Starlink đã có 2,300 vệ tinh như vậy và làm cho các chế độ độc tài Nga và Trung Quốc rất e ngại. Ảnh Paul Hennessy/SOPA Images/LightRocket via Getty Images

Trung Quốc cho rằng hệ thống vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk là một mối đe dọa và muốn tiêu diệt nó, trang Infographics cho biết.

Starlink là hệ thống hàng chục ngàn vệ tinh viễn thông bay ở quỹ đạo tầm thấp do công ty hàng không vũ trụ SpaceX vận hành nhằm cung cấp kết nối Internet băng thông rộng và tốc độ cao đến mọi khu vực trên trái đất, đặc biệt là những nơi mạng cáp quang không thể vươn tới được. SpaceX bắt đầu phóng những vệ tinh đầu tiên từ năm 2019 và hiện có 2,300 vệ tinh trên quỹ đạo, cho phép truy cập Internet qua vệ tinh ở 32 quốc gia mà Starlink được cấp phép hoạt động.

Từ Ukraine, Trung Quốc lo sợ Starlink

Trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra, chính phủ Ukraine đã đề nghị ông Elon Musk, chủ công ty SpaceX [và hãng xe điện Tesla] giúp đỡ sau khi bị quân Nga phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu, kể cả các trạm thu phát sóng viễn thông và internet của Ukraine. Đáp lại đề nghị đó, SpaceX đã cung cấp cho Ukraine những thiết bị cần thiết để kết nối mạng vệ tinh Starlink, từ đó quân đội Ukraine duy trì được hệ thống thông tin liên lạc không bị gián đoạn; kể cả các đơn vị phòng thủ thành phố Mariupol tuy phải ẩn nấp dưới hầm ngầm của nhà máy thép Azovstal nhưng vẫn liên lạc được với thế giới bên ngoài.  

Bất kỳ ai theo dõi tình hình chiến sự Ukraine đều biết việc kết nối thông tin liên lạc của Starlink ở Ukraine đã góp phần hạn chế bước tiến của Nga trên chiến trường. 

Starlink đang được quân đội Ukraine sử dụng và điều đó khiến Trung Quốc lo ngại. Ngoài ra, Trung Quốc coi Starlink là một mối đe dọa an ninh quốc gia của họ khi các siêu cường bắt đầu cạnh tranh để giành vị trí thống trị trong không gian, theo tường thuật gần đây của báo South China Morning Post.

Hệ thống vệ tinh Starlink của SpaceX từng bị báo chí Trung Quốc công khai ra đòn đánh hội đồng vào cuối năm ngoái khi Bắc Kinh phàn nàn hai vệ tinh Starlink đang gây nguy hiểm cho các phi hành gia Trung Quốc và buộc trạm vũ trụ của nước này phải chuyển hướng để tránh va chạm. 

Triệt hạ hệ thống internet vệ tinh Starlink?

Một người dân ở Thượng Hải, TQ dùng điện thoại di động để tìm kiếm vị trí các vệ tinh Starlink trên bầu trời Trung Quốc hồi tháng Ba 2021. Ảnh Costfoto/Future Publishing via Getty Images.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Modern Defense Technology, tác giả Nhậm Nguyên Trân (Ren Yuanzhen), một nhà nghiên cứu của Học viện Theo dõi và Viễn thông của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cảnh báo rằng vệ tinh Starlink có thể cung cấp cho các chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ và máy bay không người lái quân sự tốc độ truyền dữ liệu gấp 100 lần tốc độ hiện tại của chúng. Trung Quốc càng lo ngại sau khi công ty SpaceX ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để phát triển công cụ có khả năng theo dõi các hỏa tiễn siêu vượt âm (hypersonic weapon) trong thời gian thực và các công nghệ mới khác.

Bài báo của Nhậm lập luận rằng Trung Quốc nên phát triển các khả năng chống vệ tinh; bước đầu là xây dựng một hệ thống giám sát lớn có thể theo dõi và giám sát tất cả các vệ tinh của SpaceX; sau đó phát triển khả năng bắn hạ tất cả các vệ tinh đó. Nhậm khuyên Trung Quốc nên kết hợp các phương pháp tiêu diệt mềm và cứng để vô hiệu hóa một số vệ tinh Starlink và phá hủy hệ điều hành của hệ thống. Nếu việc này được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên một chính phủ theo dõi một hệ thống vệ tinh lớn như vậy và có khả năng phá hủy nó.

Cho đến nay, giới khoa học và quân sự đồng ý với nhau rằng hệ thống vệ tinh Starlink hiện không thể bị triệt hạ, vì cho dù có nhiều vệ tinh bị mất thì toàn hệ thống vẫn có thể tiếp tục hoạt động. Để phá hủy một hệ thống vệ tinh như Starlink, kẻ tấn công sẽ cần vũ khí chống vệ tinh phi quy ước, chẳng hạn như vũ khí sử dụng sóng vi ba có khả năng phá hủy thông tin liên lạc và các thiết bị điện tử hoặc gây nhiễu. 

Ông Nhậm của Trung Quốc cũng lưu ý các vệ tinh của Starlink được trang bị bộ đẩy ion, cho phép chúng nhanh chóng thay đổi vị trí trên quỹ đạo nếu chúng bị nhắm mục tiêu. Ông Elon Musk thì chế nhạo ý tưởng bắn hạ các vệ tinh Starlink và nói rằng, SpaceX có khả năng phóng vệ tinh còn nhanh hơn các đối thủ phóng hỏa tiễn.

Nguy cơ rác vũ trụ

Một vấn đề khác là bất cứ hệ thống vệ tinh nào bị phá vỡ sẽ sinh ra vô số những mảnh vỡ không gian khổng lồ, một mối nguy “rác vũ trụ” mà Cơ quan Hàng không Không gian Hoa Kỳ (NASA) đang đau đầu tìm cách đối phó. Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp hàng nghìn vệ tinh bị bắn phá? Trong quá khứ, khi vệ tinh Kosmos 954 của Liên Xô bị vỡ trong bầu khí quyển ở phía bắc Canada, nó đã phát tán các mảnh vỡ phóng xạ, dẫn đến một vụ kiện phải bồi thường ba triệu đô la Canada.

Trong quá khứ, Nga và Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện các cuộc thử nghiệm quân sự chống vệ tinh (ASAT) bằng cách làm nổ các vệ tinh “mục tiêu” trên quỹ đạo, tạo ra những chùm mảnh vỡ lớn trong không gian. Các mảnh vỡ bay không kiểm soát đang đe dọa tàu vũ trụ, trạm không gian hoặc vệ tinh đi ngang qua lộ trình của chúng.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: