Trung Quốc tập trận lớn gần Đài Loan, cả thế giới theo dõi

Trung Quốc đã điều động nhiều máy bay và bắn hỏa tiễn gần Đài Loan hôm thứ Năm 4 Tháng Tám 2022 trong cuộc tập trận lớn nhất ở vùng eo biển này
Một tuần trước khi Trung Quốc tập trận, Đài Loan cũng tổ chức cuộc tập trận Hàn Quang (Han Kuang) thường niên để sẵn sàng chống lại cuộc xâm lược có thể có của Trung Quốc. Ảnh xe tăng M60A3 của Đài Loan luyện tập. Ảnh Annabelle Chih/Getty Images)

Trung Quốc đã điều động nhiều máy bay và bắn hỏa tiễn gần Đài Loan hôm thứ Năm 4 Tháng Tám 2022 trong cuộc tập trận lớn nhất ở vùng eo biển này, một ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm đảo quốc để thể hiện tình đoàn kết.

Hãng tin Reuters cho biết quân đội Trung Quốc đã phóng nhiều hỏa tiễn thông thường vào vùng biển ngoài khơi Đài Loan như một phần của cuộc tập trận tại sáu khu vực đã xác định, và dự kiến ​​sẽ diễn ra cho đến trưa ngày Chủ Nhật 7 Tháng Tám. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết, quân đội nước này đã điều động hơn 100 máy bay, bao gồm cả máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, và hơn 10 tàu chiến.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: “Sự thông đồng và khiêu khích của Mỹ-Đài Loan sẽ chỉ đẩy Đài Loan tới vực thẳm thảm họa, mang lại thảm họa cho đồng bào Đài Loan”.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã điều phản lực cơ F-16 lên cảnh báo 22 máy bay chiến đấu Trung Quốc băng qua đường trung tuyến giữa eo biển Đài Loan vào vùng nhận dạng phòng không của đảo quốc và bắn pháo sáng để xua đuổi bốn máy bay không người lái bay phía trên khu vực đảo Kim Môn. Kim Môn (Kinmen) là một đảo nhỏ thuộc Đài Loan nhưng nằm cách bờ biển thành phố Hạ Môn (Xiamen) của tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc chỉ vài dặm.

Đài Loan cho biết hỏa tiễn Trung Quốc bắn đã bay cao vào bầu khí quyển và không tạo ra mối đe dọa nào cho Đài Loan, trấn an mối lo ngại của công chúng về việc liệu hỏa tiễn có bay qua đảo chính Đài Loan hay không.

Nhật Bản lên tiếng phản đối việc năm tên lửa Trung Quốc dường như đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.

Phản ứng với cuộc tập trận của Trung Quốc, Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) cho biết Đài Loan không kích động xung đột nhưng sẽ cương quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của mình. “Đài Loan sẽ không bao giờ bị đánh gục bởi thách thức. Chúng ta bình tĩnh và không nóng nảy, chúng ta có lý trí và không khiêu khích ai, nhưng chúng ta cũng sẽ kiên định và sẽ không lẩn tránh”, bà Thái nói trong một video ghi lại thông điệp gửi đến người dân Đài Loan.

Từ Washington, chính quyền Biden lên án hành động của Trung Quốc là “vô trách nhiệm” và cho biết họ nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục phản ứng trong những ngày tới. “Hành động khiêu khích của Bắc Kinh là sự leo thang đáng kể và là nỗ lực lâu dài của nước này nhằm thay đổi hiện trạng”, phát ngôn viên an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Kirby nói trong cuộc họp báo. Ông Kirby cho biết, để tránh căng thẳng leo thang hơn nữa, Mỹ đã hoãn cuộc thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III đã được lên kế hoạch từ lâu.

Đài Loan cho biết 11 hỏa tiễn đạn đạo Đông Phong (Dongfeng) của Trung Quốc đã bắn vào vùng biển gần Đài Loan – lần đầu tiên kể từ năm 1996. Đài Bắc nói các cuộc tập trận của Trung Quốc vi phạm các quy tắc của Liên Hiệp Quốc, xâm phạm không gian của nước này và đe dọa hàng không và hàng hải tự do trên eo biển Đài Loan. 

Đường trung tuyến giữa eo biển Đài Loan phân chia vùng biển của Đài Loan với Hoa Lục và vị trí các cuộc tập trận đang diễn ra của quân đội Trung Quốc.

Trước khi cuộc tập trận chính thức bắt đầu, các tàu hải quân và máy bay quân sự của Trung Quốc đã băng qua đường trung tuyến giữa eo biển Đài Loan vài lần vào thứ Năm, một nguồn tin Đài Loan nói với Reuters. Đến giữa trưa thứ Năm, tàu chiến của cả hai bên vẫn áp sát nhau khi Đài Loan điều động máy bay phản lực lên bảo vệ vùng trời và khởi động hệ thống tên lửa phòng không để theo dõi máy bay Trung Quốc băng qua đường trung tuyến. “Họ bay vào rồi bay ra, hết lần này đến lần khác. Họ tiếp tục quấy rối chúng tôi”, nguồn tin Đài Loan cho biết.

Ở Đài Loan, cuộc sống phần lớn diễn ra bình thường mặc dù nhiều người lo ngại Bắc Kinh có thể bắn tên lửa vào hòn đảo chính. Chen Ming-cheng, một nhà môi giới địa ốc 38 tuổi, cho biết: “Trung Quốc nói họ muốn thôn tính Đài Loan bằng vũ lực, họ đã thực sự nói điều đó từ khá lâu rồi. Theo hiểu biết của cá nhân tôi, họ đang cố gắng xoa dịu sự tức giận của công chúng, sự tức giận của chính người dân của họ, và chuyển nó sang người Đài Loan.” Những hành động đe dọa ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh dường như càng làm cho người Đài Loan thêm xa lánh Trung Quốc.

Đài Loan cho biết các trang web của bộ quốc phòng, bộ ngoại giao và văn phòng tổng thống đã bị tin tặc tấn công và cảnh báo sắp xảy ra “chiến tranh tâm lý”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) gọi chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ Viện Pelosi là hành động “điên khùng, vô trách nhiệm và hết sức phi lý”, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc tường thuật. Phát biểu tại một cuộc họp của các ngoại trưởng Đông Nam Á ở Cambodia, Vương nói Trung Quốc đã cố ngăn chặn khủng hoảng bằng các biện pháp ngoại giao nhưng sẽ không bao giờ để các lợi ích cốt lõi của mình bị tổn hại.

Người Đài Loan theo dõi sự kiện lịch sử về chuyến kinh lý được báo trước từ nhiều ngày của bà Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Tại Bắc Kinh, an ninh gần Đại sứ quán Hoa Kỳ được thắt chặt bất thường mặc dù không có dấu hiệu phản đối đáng kể. “Tôi nghĩ đây (chuyến thăm của Pelosi) là một điều tốt,” một người đàn ông họ Triệu (Zhao) nói. “Nó cho chúng tôi cơ hội bao vây Đài Loan, sau đó sử dụng cơ hội này để chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Tôi nghĩ chúng ta nên cảm ơn ‘đồng chí Pelosi’.”

Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh để phản đối và ngừng nhập khẩu một số nông sản từ Đài Loan.

Hoa Kỳ và các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm G7 đã cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng chuyến thăm của bà Pelosi như một cái cớ cho hành động quân sự chống lại Đài Loan. Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng bị luật pháp Hoa Kỳ ràng buộc phải cung cấp cho nước này các phương tiện để tự vệ. 

Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nói rằng chỉ có người dân trên đảo mới có quyền quyết định tương lai của họ.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đang theo dõi chặt chẽ và quan tâm đến các diễn biến, một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cho biết.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: