Trung Quốc thử hỏa tiễn từ quỹ đạo, tướng Mỹ lo lắng

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nói rằng vụ thử vũ khí siêu thanh từ quỹ đạo của Trung Quốc là rất đáng lo ngại. Ảnh Tướng Milley điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 28 tháng Chín 2021. Ảnh Sha Hanting/China News Service via Getty Images

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đã đưa ra xác nhận chính thức đầu tiên của Mỹ về vụ thử vũ khí siêu thanh của Trung Quốc mà các chuyên gia quân sự cho rằng được Bắc Kinh thiết kế để né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Tờ The Financial Times của Anh đã đưa tin lần đầu tiên về vụ Trung Quốc thử đưa một hỏa tiễn lên quỹ đạo thấp của Trái đất, bay một phần quỹ đạo rồi từ đó phóng ra một hỏa tiễn siêu thanh nhắm tới một mục tiêu trên bề mặt Trái đất. Vụ thử được biết đã xảy ra trong mùa hè này.

Hệ thống vệ tinh quân sự Mỹ có thể đã phát hiện ra vụ thử từ khi nó chuẩn bị xảy ra nhưng các quan chức quân đội đã không tiết lộ ý kiến của họ. Mãi hôm nay thứ Tư ngày 27 tháng Mười, trả lời phỏng vấn của truyền hình Bloomberg, tướng Milley – quan chức cao cấp nhất của quân đội Mỹ – mới chính thức xác nhận một cách rõ ràng về một cuộc thử nghiệm và nói rằng nó “rất gần” với “thời điểm Sputnik”. “Thời điểm Sputnik” là cụm từ chỉ việc Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người, mang tên Sputnik, lên quỹ đạo trái đất năm 1957, đưa Moscow vượt lên dẫn đầu trong cuộc chạy đua không gian thời Chiến tranh Lạnh và kích hoạt một nỗ lực to lớn của Mỹ để đuổi kịp và vượt qua Liên Xô trong công cuộc thám hiểm không gian.

“Những gì chúng tôi thấy là một sự kiện rất quan trọng về cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí siêu thanh, và nó rất đáng lo ngại. Tôi không biết liệu đó có phải là một khoảnh khắc Sputnik hay không, nhưng tôi nghĩ nó đã rất gần với thời điểm đó. Nó thu hút tất cả sự chú ý của chúng tôi”, tướng Milley nói.

Theo báo The Wall Street Journal, tướng Milley không cung cấp chi tiết mới về vụ thử của Trung Quốc trong tháng Tám [Ngũ Giác Đài cho biết Trung Quốc thực hiện hai vụ thử vào tháng Bảy và tháng Tám trong khi báo Financial Times chỉ đưa tin một vụ], trong đó một tên lửa siêu thanh của Trung Quốc bay quanh Trái đất trước khi hướng tới mục tiêu. Nhưng bình luận của ông là một trường hợp hiếm hoi trong đó một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ công khai nói về một vụ thử nghiệm vũ khí. 

Các chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho rằng vụ thử vũ khí của Trung Quốc dường như được thiết kế để né tránh sự phòng thủ của Hoa Kỳ theo hai cách: Đầu tiên, là thử một hỏa tiễn siêu thanh (di chuyển với tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh, tức khoảng 6,200 km hoặc 3,853 dặm/giờ), khiến nó khó bị phát hiện và ngăn chặn; và hai là thử một loại vũ khí lần đầu tiên bay quanh Trái đất trước khi được nhắm tới một mục tiêu cụ thể. 

Đây là cách tấn công bằng hỏa tiễn hoàn toàn khác với việc sử dụng hỏa tiễn liên lục địa (Intercontinental Ballistic Missiles – ICBM) thông thường; vốn được phóng lên từ một địa điểm xác định, có thể từ tàu ngầm, bay vào quỹ đạo, đến gần mục tiêu thì đâm xuống. Tuy bay trên quỹ đạo Trái đất nhưng ICBM không được coi là vũ khí không gian vì được phóng đi từ trên mặt đất; bay theo một đường parabol có thể xác định và đoán trước được.

Tháng trước, Bộ trưởng Không quân Frank Kendall đã nói bóng gió với các nhà báo mối quan tâm của ông về một hệ thống vũ khí “tấn công toàn cầu từ không gian” như vậy, về một loại vũ khí bay trên quỹ đạo và sau đó lao xuống mục tiêu. “Nếu bạn sử dụng kiểu tiếp cận đó, bạn không cần phải sử dụng quỹ đạo ICBM truyền thống tức là quỹ đạo trực tiếp từ điểm phóng đến điểm tác động.”

Việc nghiên cứu hỏa tiễn không gian bắn xuống từ quỹ đạo Trái đất đã bắt đầu từ những năm 1960, gọi là Fractional Orbital Bombardment System (FOBS); cả Nga và Hoa Kỳ đều có những thành tựu trong việc nghiên cứu này. Nhưng các dự án liên quan tới FOBS của Hoa Kỳ đều bị hủy bỏ, một phần vì Mỹ không muốn tạo ra tiền lệ cho việc “vũ khí hóa” không gian bao quanh Trái đất, phần vì tránh khởi đầu một cuộc chạy đua vũ khí không gian tốn kém và nguy hiểm.

Công nghệ hỏa tiễn siêu thanh cũng không phải là mới mẻ. Cả Mỹ, Nga, Trung Quốc và một số nước khác như Bắc Triều Tiên cũng sở đắc công nghệ này ở những trình độ tân tiến khác nhau. 

Vì thế khi phát hiện Trung Quốc thử nghiệm phóng hỏa tiễn siêu thanh từ một hỏa tiễn bay trên quỹ đạo Trái đất, giới chuyên gia quân sự và khoa học vũ khí của Mỹ hết sức ngạc nhiên và lo lắng. Một số quan chức Hoa Kỳ nói rằng hỏa tiễn mới có thể nhằm thực hiện các cuộc tấn công phi hạt nhân vào các hải cảng hoặc cơ sở của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.

Để bảo vệ nước Mỹ và đồng minh thân cận như Canada, Hoa Kỳ đã đầu tư hơn $400 tỷ thiết lập các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn có thể ngăn chặn khá hiệu quả các hỏa tiễn ICBM bay tới nước Mỹ từ các đối thủ ở châu Á như Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, hệ thống này không đủ khả năng chống lại một cuộc tấn công quy mô lớn từ Trung Quốc hoặc Nga, và đang được mổ rộng, nâng cấp liên tục. Có chuyên gia cho rằng, các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Mỹ ngày càng tân tiến hơn đã khiến Moscow và Bắc Kinh phải xem xét các cách để đánh bại chúng, hoặc né tránh chúng bằng các hỏa tiễn siêu thanh bắn xuống từ các thiết bị bay trên quỹ đạo Trái đất.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ thông tin về một vụ thử vũ khí; họ xác nhận họ có thực hiện một cuộc thử nghiệm định kỳ vào tháng Bảy, nhưng cho rằng “Đó không phải là một tên lửa mà chỉ là một phương tiện không gian,” hãng Reuters đưa tin.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: