“Miếng bã kẹo cao su dính vào đế giày của Trung Quốc” – đó là những từ ngữ mà Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) do đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành, sử dụng để mô tả nước Úc vào năm ngoái. Lời mô tả đầy khinh miệt đó tiêu biểu cho sự coi thường mà các nhà ngoại giao và tuyên truyền viên của Trung Quốc thể hiện đối với các quốc gia, các chính phủ đang thách thức Bắc Kinh — như Úc.
Trung Quốc hiện là cường quốc của châu Á – hoặc Bắc Kinh tin như vậy – nhưng những người Úc khó chịu lại từ chối khấu đầu trước “thiên triều” mà cứ luôn miệng đòi điều tra về nhân quyền và nguồn gốc coronavirus. Bắc Kinh đã gây áp lực kinh tế để buộc Úc phải khuất phục. “Đôi khi bạn phải tìm một viên đá để chà nó đi,” Hồ viết về kẹo cao su và về nước Úc. Nhưng người Úc đã chứng tỏ họ không thể bị lay chuyển, và thay vào đó, họ đã làm cho kẻ hành hạ mình, vốn luôn bị ám ảnh về sĩ diện, đôi khi phải xấu hổ.
Tranh chấp đang diễn ra giữa Úc và Trung Quốc có vẻ như chỉ là một vấn đề song phương, họ đấu với nhau ở một góc xa xôi của hành tinh. Nhưng đó lại là chuyện quan trọng cho toàn thế giới.
Úc là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á, vì vậy các hành động của Trung Quốc đối với nước Úc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả chính sách và vị thế của Washington trong khu vực. Úc là đại diện cho nhiều quốc gia: một quốc gia cỡ trung mà mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh là hết sức quan trọng đối với tăng trưởng và việc làm, nhưng đồng thời các chính trị gia và công dân của Úc đang ngày càng lo ngại về các chiến thuật của Trung Quốc đàn áp trong nước và gây hấn ở nước ngoài.
Do đó, mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước tiết lộ nhiều điều về cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể và không thể sử dụng sức mạnh ngoại giao và kinh tế ngày càng tăng của họ, cũng như các lựa chọn, hậu quả và chi phí của các quốc gia đang tìm cách đứng lên chống lại Bắc Kinh, như nước Úc.
Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia, một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại, nói với tôi. “Úc thực sự là một con chim hoàng yến trong mỏ than. Bạn nên quan tâm đến những gì đang xảy ra ở đây, vì đó là bài học cho tất cả mọi người.”
Bài học quan trọng nhất cũng là bài học bất ngờ nhất. Trên lý thuyết, kết quả của cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Úc có vẻ như đã nhìn thấy trước. Trung Quốc, một cường quốc đang lên với 1,4 tỷ dân và nền kinh tế trị giá $14,7 nghìn tỷ, sẽ giẫm nát một quốc gia 26 triệu dân với quy mô nền kinh tế chưa bằng 1/10. Nhưng trong một thế giới được bao bọc bởi các chuỗi cung ứng phụ thuộc lẫn nhau và các mối liên hệ chính trị phức tạp, các quốc gia nhỏ hơn có thể thi triển một kho vũ khí đáng ngạc nhiên. Trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo vẫn được gắn kết với nhau – bởi những lợi ích chung, những mối quan hệ lâu đời, những tính toán chiến lược lạnh lùng và những lý tưởng sâu sắc – hiện chưa sẵn sàng sụp đổ trước sự xâm lược của chủ nghĩa độc tài Trung Quốc. Thay vào đó, câu chuyện Úc – Trung Quốc đưa ra một bước ngoặt hấp dẫn: một Trung Quốc rất muốn thay đổi thế giới nhưng thậm chí không thể thay đổi được một nước láng giềng kiêu hãnh.
“Trung Quốc không thể gây sự với Mỹ, nhưng có thể gây sự với các đồng minh của Mỹ. Nếu Trung Quốc có thể bẻ gãy nước Úc thì đó là một bước đi tới việc bẻ gãy sức mạnh của Hoa Kỳ ở châu Á và sự tín nhiệm của Hoa Kỳ trên toàn cầu.”
- Richard McGregor, Viện Lowy, Úc
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc “đang cố gắng dùng chúng tôi làm tấm gương [cho các nước khác],” ông Malcolm Turnbull, cựu thủ tướng Úc, nói với tôi. “Nó hoàn toàn phản tác dụng… Nó không tạo ra sự phục tùng hoặc nhiều thiện cảm hơn.” Hoàn toàn ngược lại, ông nói: “Nó đang xác nhận tất cả những lời chỉ trích mà mọi người đưa ra về Trung Quốc [là đúng].”
Điều đó sẽ nâng cao tinh thần ở Washington. Úc là một trụ cột quan trọng trong mạng lưới các liên minh nhằm duy trì sự thống trị của Mỹ ở châu Á và Thái Bình Dương. Mối quan hệ của Washington với Canberra đang càng trở nên quan trọng hơn. Úc và Mỹ là thành viên của “Bộ Tứ” (Quad), một nhóm lỏng lẻo cùng với Nhật Bản và Ấn Độ nhắm tìm cách kiềm chế Trung Quốc. Do đó, những gì xảy ra với Úc có hậu quả to lớn đối với sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Richard McGregor, cựu giám đốc văn phòng Bắc Kinh của báo Financial Times, hiện là thành viên cấp cao của Viện Lowy có trụ sở tại Sydney, nói với tôi: “Trung Quốc không thể gây sự với Mỹ, nhưng có thể gây sự với các đồng minh của Mỹ. Nếu Trung Quốc có thể bẻ gãy nước Úc thì đó là một bước đi tới việc bẻ gãy sức mạnh của Hoa Kỳ ở châu Á và sự tín nhiệm của Hoa Kỳ trên toàn cầu.”
Tầm quan trọng của Úc không phải không được chú ý ở Tòa Bạch Ốc. Các nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng Thống Joe Biden đã hết sức lớn tiếng và rõ ràng trong việc ủng hộ nước Úc. Hồi Tháng Ba, người đứng đầu chính sách châu Á của ông Biden, ông Kurt Campbell, cho biết chính quyền Hoa Kỳ đã nói với các nhà chức trách Trung Quốc rằng: “Mỹ không sẵn sàng cải thiện quan hệ song phương [với Trung Quốc] trong bối cảnh một đồng minh thân thiết và gần gũi đang phải chịu một hình thức cưỡng bức về kinh tế.” Ông nói thêm, Hoa Kỳ sẽ “không để Úc một mình trên sân đấu.”
Tranh chấp giữa Úc và Trung Quốc kéo dài đã nhiều năm. Giống như Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác, Úc chấp nhận kết giao với Trung Quốc và hai nền kinh tế trở nên gắn bó với nhau trong một mối quan hệ cộng sinh có lợi nhuận cao: kho tàng tài nguyên thiên nhiên của Úc là không thể thiếu cho guồng máy công nghiệp đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc. Hai quốc gia thậm chí đã ký kết một hiệp ước thương mại tự do năm 2015.
Tuy nhiên, chữ ký trên hiệp ước chưa ráo mực thì Canberra đã bắt đầu lo lắng về chính sách đối ngoại hiếu chiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Turnbull, người giữ cương vị thủ tướng Úc từ năm 2015 đến năm 2018, người đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phản ứng của Úc, đã viết trong cuốn sách “A Bigger Picture” của ông rằng Trung Quốc “trở nên quyết đoán hơn, tự tin hơn và chuẩn bị tốt hơn để không chỉ vươn ra thế giới… hoặc đòi hỏi được tôn trọng như một tác nhân quốc tế có trách nhiệm… mà để yêu cầu sự phục tùng.”
Úc đã chỉ trích công khai hơn các hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông – vùng biển thiết yếu với hoạt động hàng hải của Úc – nơi Bắc Kinh xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo để củng cố tuyên bố chủ quyền của họ trên gần như toàn bộ tuyến đường thủy. Ông Turnbull cũng lo lắng khi lượng tiền của Trung Quốc đổ vào nền chính trị Úc để làm thay đổi chính sách của chính phủ Úc theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Điều đó dẫn đến đạo luật mới được thiết kế để hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài. Sau đó, vào năm 2018, chính phủ của ông Turnbull đã cấm gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G của Úc, coi đó là một nguy cơ quá lớn đối với cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia. Mối quan hệ Úc-Trung Quốc thực sự rơi xuống vực vào Tháng Tư năm 2020, khi chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi quốc tế mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch coronavirus – một vấn đề nhức nhối ở Bắc Kinh, nơi một yêu cầu như vậy được coi là có động cơ chính trị nhằm bôi nhọ Trung Quốc.
Bắc Kinh lập tức tung đòn. (Lời bình luận về kẹo cao su của Hồ Tích Tiến dẫn ở đầu bài là một phần trong phản ứng giận dữ của Bắc Kinh). Để buộc Canberra phải lùi bước, chính phủ Trung Quốc đã trình diễn thứ đã trở thành vũ khí được lựa chọn của họ để chống lại các quốc gia ngoan cố: cưỡng bức kinh tế. Cùng với các biện pháp khác, chính quyền Trung Quốc đã đình chỉ giấy phép xuất khẩu của các nhà sản xuất thịt bò lớn của Úc; áp đặt thuế quan trừng phạt đối với lúa mạch và rượu vang; và chỉ thị một số nhà máy điện và nhà máy thép của Trung Quốc ngừng mua than của Úc. Ông Wilson của Trung tâm Perth USAsia, đưa ra số liệu cho thấy Úc đã mất $7,3 tỷ kim ngạch xuất cảng trong khoảng thời gian 12 tháng. Một số ngành công nghiệp đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng: Ngành công nghiệp tôm hùm đá (rock-lobster), hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào thực khách Trung Quốc, đã suy tàn sau khi Bắc Kinh cấm món ăn này một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, Canberra không lay chuyển. “Chúng ta chỉ cần giữ vững lập trường của mình. Nếu bạn nhượng bộ những kẻ bắt nạt, bạn sẽ chỉ được yêu cầu phải nhượng bộ nhiều hơn,” ông Turnbull nói với tôi. “Có rất nhiều điều để nói về sắc thái và cách ngoại giao nghệ thuật, nhưng bạn không thể thỏa hiệp các giá trị cốt lõi và lợi ích cốt lõi của mình”.
Ít nhất cho đến nay, người Úc đã không nhượng bộ. Bắc Kinh không thể gây ra đòn đủ đau đớn để buộc Canberra phải nhân nhượng. Ông Wilson lưu ý lượng hàng xuất cảng của Úc bị hy sinh chỉ chiếm 0,5% tổng sản lượng quốc gia của Úc – túi tiền có thay đổi nhưng không phải là một cuộc khủng hoảng. Một số ngành đã thích nghi bằng cách đa dạng hóa cơ sở khách hàng; than đá bị Trung Quốc cấm mua đã được chuyển đến người mua ở Ấn Độ. Và có những giới hạn mà Bắc Kinh khó có thể siết chặt: quặng sắt của Úc là huyết mạch của ngành xây dựng Trung Quốc và quặng lithium của Úc là nền tảng cho ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc.
“Chúng ta chỉ cần giữ vững lập trường của mình. Nếu bạn nhượng bộ những kẻ bắt nạt, bạn sẽ chỉ được yêu cầu phải nhượng bộ nhiều hơn,”
- Malcolm Turnbull, cựu Thủ Tướng Úc
Tuy nhiên, chiến dịch gây áp lực của Bắc Kinh đã thành công ở một khía cạnh quan trọng: nó làm cho người Úc thêm ác cảm với Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Viện Lowy, 63% số người Úc được hỏi nói rằng họ coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hơn là một đối tác kinh tế – tăng 22 điểm phần trăm trong một năm – trong khi chỉ 4% nói rằng chính phủ của họ có lỗi nhiều hơn Bắc Kinh trong sự đổ vỡ của mối quan hệ Úc-Trung Quốc.
Được sự ủng hộ như vậy của công chúng, các chính trị gia thường hay tranh cãi của Úc đã hình thành một lý tưởng chung liên quan đến Trung Quốc, sự đoàn kết của họ thậm chí còn được các chiến thuật cưỡng ép của Bắc Kinh củng cố, dù các nhà phê bình vẫn phê phán một số chi tiết cụ thể. Ông McGregor nhận xét: “Có lẽ trước đây đã có sự thống nhất tương đối của lưỡng đảng về việc xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc”. Bây giờ tình hình đã xoay chuyển, ông tiếp tục, “đó là một quan điểm lưỡng đảng theo hướng khác.”
Không điều nào trong số này thuyết phục được Bắc Kinh suy nghĩ lại chiến lược của mình. Từ quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, người Úc có quá nhiều điểm nhạy cảm. Cũng như người Úc nhìn thấy những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc là nguyên nhân đằng sau sự đổ vỡ trong quan hệ giữa hai nước, Bắc Kinh đổ lỗi cho Canberra. Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói vào cuối năm ngoái rằng “nguyên nhân sâu xa” của cuộc tranh chấp là “một loạt các hành động sai lầm” của chính quyền Úc. Ngay sau đó, đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra đã đưa cho báo chí địa phương danh sách 14 lời than phiền, trong đó có các hành động như ngăn chặn các khoản đầu tư của Trung Quốc một cách không công bằng và mở đầu một “cuộc thập tự chinh” chống lại các cuộc đàn áp của Bắc Kinh ở Hồng Kông và tỉnh Tân Cương. (Tương tự, nhưng chính thức hơn, một nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã đưa cho Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman hai danh sách các khiếu nại mà Washington phải khắc phục để cải thiện quan hệ trong các cuộc đàm phán tại thành phố cảng Thiên Tân vào đầu tuần này.)
Giải quyết bế tắc bằng cách nào là chuyện hoàn toàn không rõ ràng, vì hai bên tiếp tục đấu khẩu với nhau. Vào Tháng Tư, Ngoại trưởng Úc đã hủy bỏ hai thỏa thuận do chính quyền tiểu bang Victoria ký với Bắc Kinh tham gia dự án xây dựng cơ sở hạ tầng con cưng của ông Tập, Sáng kiến Vành đai và Con đường, và tuyên bố các thỏa thuận này “bất lợi cho quan hệ đối ngoại của chúng tôi”. Sau đó vào Tháng Năm, các quan chức Trung Quốc đã đình chỉ một cuộc đối thoại kinh tế song phương Úc-Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều rõ ràng hơn nhiều là những vụ bế tắc cho chúng ta biết về vị thế của Trung Quốc trên thế giới. Nỗ lực của Bắc Kinh sử dụng Úc để cảnh cáo các quốc gia khác về cái giá phải trả của việc tiếp nhận quyền lực của Trung Quốc, cuối cùng lại làm nổi bật sự yếu kém của Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn còn quá phụ thuộc vào thế giới bên ngoài để khai thác triệt để đòn bẩy thị trường của mình, và họ vẫn thiếu các công cụ để thể hiện sức mạnh ra ngoài biên giới theo cách mà Mỹ tận dụng ưu thế của đồng đô la để mở rộng phạm vi tiếp cận. Thay vì đe dọa khiến các chính phủ khác phải im lặng, chiến dịch không thành công chống lại nước Úc có thể khuyến khích các nước khác đứng lên đấu tranh với Trung Quốc về những vấn đề mà họ coi là tầm quan trọng cốt lõi.
Tuy nhiên, Úc có thể đối đầu với Bắc Kinh nhờ sự thống nhất về chính trị của họ. Đó là một điểm mấu chốt rút ra từ câu chuyện của Úc. Các chuyên gia chính sách đã tốn rất nhiều giấy mực về vai trò quan trọng của các liên minh giữa các quốc gia trong cuộc cạnh tranh sắp tới với Trung Quốc. Nhưng những mối liên kết quốc tế đó có thể sẽ không đứng vững nếu không có các liên minh tương ứng giữa các đảng phái chính trị quốc gia và các lợi ích trong các nền dân chủ đồng minh. Chúng ta có thể thấy sự đồng thuận như vậy đang hình thành ở Hoa Kỳ, một quốc gia khác, nơi mà quan điểm cứng rắn với Trung Quốc đang được hỗ trợ chính trị rộng rãi.
Đồng thời, cuộc ẩu đả của Trung Quốc với Úc có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho các mối quan hệ kinh tế của nước này với các nước khác. Nhiều nhà hoạch định chính sách đã lo ngại sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia của họ. Trường hợp của Úc có thể làm dấy lên những lo ngại đó và như ông Wilson suy đoán, dẫn đến “việc đánh giá lại các rủi ro chính trị trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc”. Tình hình nước Úc “sẽ là một câu chuyện về cách thức mà các chính phủ và doanh nghiệp trên khắp thế giới phải đánh giá lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc như thế nào”.
Tuy nhiên, một thông điệp thậm chí còn đen tối hơn đã xuất hiện từ trường hợp của Úc: Trung Quốc có thể không thay đổi được Úc, nhưng Úc cũng không thay đổi được Trung Quốc. Điều này đặt ra viễn cảnh đáng sợ về một trật tự thế giới mới được đánh dấu bằng những cuộc xung đột gần như liên tục — nếu không phải là quân sự, thì ít nhất là kinh tế, ngoại giao và ý thức hệ. Đó là, trừ khi cả hai bên có thể tìm ra một cách khác.
“Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục hành xử tồi tệ,” Geoff Raby, đại sứ Úc tại Bắc Kinh từ năm 2007 đến năm 2011, nói với tôi. “Trung Quốc sẽ không thay đổi, và chúng ta phải tìm cách sống với một Trung Quốc không giống chúng ta nhưng to lớn, hùng mạnh và xấu xí”.
(theo The Atlantic)
(*) Michael Schuman là tác giả sách “Superpower Interrupted: The Chinese History of the World” và sách “The Miracle: The Epic Story of Asian’s Quest for Wealth”
Đọc thêm: