Ukraine có nguy cơ bị chia đôi như Nam Bắc Triều Tiên

Người dân thủ đô Kyiv dùng bao cát che chắn tượng đài Nữ hoàng Olga, các Thánh tông đồ Andrew, Cyril và Methodius ở trung tâm thủ đô để bảo vệ các di sản văn hóa trước các vụ tấn công dữ dội của quân Nga. Ảnh Maxym Marusenko/NurPhoto via Getty Images

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm Chủ Nhật 27 Tháng Ba lên tiếng cáo buộc phương Tây hèn nhát trong khi một quan chức hàng đầu khác nói rằng Nga đang cố gắng chia đôi đất nước Ukraine, giống như Nam Hàn và Bắc Hàn.

Tổng thống Zelenskiy khẩn khoản cầu xin phương Tây viện trợ chiến đấu cơ và xe tăng để duy trì lực lượng phòng thủ vào lúc Ukraine tiếp tục chiến đấu chống quân xâm lược Nga. Lên tiếng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong một bài phát biểu gây tranh cãi ở Ba Lan rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể tiếp tục nắm quyền, ông Zelenskyy đả kích phương Tây “đá qua đá lại chuyện ai sẽ làm và làm thế nào để giao cho Ukraine chiến đấu cơ” và các vũ khí khác trong khi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga đang giết chết thường dân Ukraine.

“Ukraine không thể bắn hạ hỏa tiễn Nga bằng súng máy. Thành phố cảng Mariupol đang bị vây khốn và đang chết. Không thể giải phóng Mariupol nếu không có đủ xe tăng, vũ khí hạng nặng và máy bay,” ông Zelenskiy nói. “Giá mà những người đã suy nghĩ suốt 31 ngày qua về cách bàn giao hàng chục phi cơ phản lực và xe tăng có 1% can đảm của họ,” ông Zelenskiy nói thêm, ám chỉ các nhà lãnh đạo các quốc gia NATO mà ông cho là hèn nhát.

Hôm 8 Tháng Ba, chính phủ Ba Lan có kế hoạch giao cho Ukraine, thông qua căn cứ quân sự Ramstein của Mỹ tại Đức, vài chục chiến đấu cơ Mig-29 mà nước này đang sở hữu với điều kiện Hoa Kỳ trực tiếp giao số phi cơ này cho Ukraine và sau đó bù lại cho Ba Lan những loại chiến đấu cơ tân tiến hơn như F-16; nhưng Washington từ chối đề nghị này với lý do Hoa Kỳ và NATO không muốn có hành động leo thang căng thẳng và lâm vào một cuộc chiến tranh trực tiếp với Nga.

***

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã bị chặn đứng ở nhiều khu vực. Mục tiêu của Putin là nhanh chóng bao vây thủ đô Kyiv và buộc nước này đầu hàng đã bị không thể thực hiện được trước sự kháng cự kiên quyết của người dân Ukraine được hỗ trợ vũ khí từ Mỹ và các đồng minh phương Tây khác.

Theo tin của  hãng AP, hiện tại, Nga cho biết trọng tâm chính của họ là giành quyền kiểm soát khu vực Donbass ở phía Đông Ukraine giáp biên giới Nga, một bước lùi rõ ràng so với các mục tiêu trước đó, nhưng lại là mục tiêu làm dấy lên lo ngại về một Ukraine bị chia rẽ. Vùng Donbass, với hai tỉnh Donetsk và Luhansk, là nơi diễn ra cuộc nội chiến giữa lực lượng chính phủ Ukraine và phiến quân ly khai được Nga hậu thuẫn từ năm 2014 đến nay; quân ly khai hiện kiểm soát được một số khu vực ở Donbass và phối hợp cùng quân đội Nga trong cuộc xâm lược. Một quan chức quân sự cấp cao của Nga hôm Thứ Sáu cho biết quân đội Nga hiện được chuyển hướng sang phía Đông từ các khu vực khác của Ukraine. 

Thông tin của tình báo quân sự Anh cho biết quân đội Nga đang cố gắng bao vây các lực lượng Ukraine tại hai khu vực do phe ly khai nắm giữ ở Donbass. Điều đó sẽ buộc quân kháng chiến Ukraine chuyển một phần lớn lực lượng về hướng này hoặc bị cô lập khỏi phần còn lại của đất nước. Trong tình hình đó, Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine, cáo buộc Nga đang tìm cách chia Ukraine làm hai nước, Đông và Tây Ukraine, giống như Triều Tiên bị chia thành Bắc Hàn và Nam Hàn. Trước khi bắt đầu chiến tranh xâm lược Ukraine, ông Putin đã ký sắc lệnh công nhận “độc lập” của hai “nước cộng hòa” tự xưng Donetsk và Lugansk và một trong những yêu sách của Nga trong các cuộc đàm phán ngừng chiến là Ukraine phải công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ này.

Nguy cơ Ukraine bị chia đôi là có thật nếu để ý trong các cuộc biến động chính trị những năm 2013-2014, Ukraine đã bị chia rẽ về tư tưởng: một số địa phương phía Đông giáp với Nga và có nhiều người Nga sinh sống muốn Ukraine quan hệ mật thiết với Moscow trong khi phần lớn đất nước, nhất là các tỉnh phía Tây muốn Ukraine gia nhập không gian kinh tế và an ninh của châu Âu, cụ thể là trở thành thành viên Liên Minh Châu Âu EU và khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Việc ông Viktor Yanukovich, tổng thống thân Nga của Ukraine khi ấy, trì hoãn hồ sơ gia nhập EU đã làm dấy lên những cuộc biểu tình rộng lớn, lật đổ chính quyền của Yanukovich, buộc ông này phải lưu vong sang Nga và một chính phủ Ukraine mới, thân Phương Tây, được bầu lên, là chính phủ của ông Volodymyr Zelenskiy hiện nay.  

Sự thay đổi xu hướng quyền lực của Ukraine năm 2014 đi vào lịch sử như là sự kiện Euromaidan 2014, Cách mạng Màu Cam Ukraine. Với phương Tây, Euromaidan là cuộc cách mạng của người dân Ukraine giành lại quyền dân tộc tự quyết chống độc tài, trong khi Nga coi đó là một cuộc đảo chính do Hoa Kỳ và Phương Tây kích động và hậu thuẫn. Moscow đã nhanh chóng lợi dụng tình hình rối ren chính trị của Ukraine để ra tay chiếm đóng và sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga, bất chấp hiệp ước Budapest 1994 mà Nga là một bên ký tên cam kết tôn trọng an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đổi lấy việc Kyiv bàn giao cho Nga kho vũ khí hạt nhân của nước này.

“Những kẻ xâm lược sẽ cố gắng tập hợp các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng thành một cấu trúc quốc gia giả tạo và sử dụng chúng để chống lại Ukraine độc ​​lập”, ông Budanov cho biết trong một tuyên bố của Bộ Quốc phòng. Ông dự đoán rằng chiến tranh du kích của người Ukraine sẽ làm phá sản kế hoạch chia đôi đất nước như vậy.

***

Tiếp tục chiến thuật sử dụng máy bay và hỏa tiễn tầm xa để tấn công các mục tiêu ở Ukraine sau khi bộ binh, xe tăng và trọng pháo bị sa lầy những ngày gần đây, quân Nga đã cấp tập dội hỏa tiễn vào khu vực thủ đô Kyiv, và thành phố Lviv gần biên giới Ba Lan ở phía Tây Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, xác nhận Nga đã sử dụng hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không để phá một kho nhiên liệu và một nhà máy quốc phòng ở Lyiv, cách biên giới Ba Lan khoảng 45 dặm (75 km). Ông cho biết một cuộc tấn công khác với hỏa tiễn hành trình phóng từ biển đã phá hủy một kho hàng gần thủ đô Kyiv, nơi quân đội Ukraine cất giữ các hệ thống phòng không.

Vào đêm Chủ Nhật 27 Tháng Ba, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã phá hủy một kho dầu ở vùng xa xôi của Volyn, cách Lviv khoảng 120 km (75 dặm) về phía Bắc.

Các cuộc không kích của Nga đã làm rung chuyển Lviv – thành phố gần Ba Lan, nơi đã trở thành chỗ trú ẩn của khoảng 200,000 người chạy trốn khỏi vùng chiến sự. Lviv, phần lớn không bị bắn phá, cũng là nơi trú ẩn cho phần lớn trong số 3.8 triệu người tị nạn đã rời Ukraine kể từ khi Nga xâm lược vào ngày 24 Tháng Hai.

Tại Kyiv, bước tiến của quân đội Nga đã bị chặn lại nhưng giao tranh bùng phát ở các vùng ngoại ô và hỏa tiễn bắn vào thành phố đã làm rung chuyển Nhà thờ Thánh Sophia, một nhà thờ 1,000 năm tuổi nổi tiếng với những mái vòm bằng vàng, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và là trái tim của tinh thần Ukraine. 

Vadim Kyrylenko, một kỹ sư và nhà bảo quản, người quản lý cấp cao nhất còn lại tại nhà thờ, cho biết một cuộc tấn công gần đó “sẽ gây ra một sự thiệt hai không thể cứu vãn đối với tài sản tinh thần quý giá nhất của quốc gia vì nó rất mong manh và dễ bị tổn thương.” 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: