Nói “Putin không thể tiếp tục nắm quyền”, ông Biden ngụ ý gì?

Nhìn lại chuyến công du tới vùng chiến sự châu Âu của Tổng thống Joe Biden
Người dân vẫy cờ Hoa Kỳ và Ukraine khi Tổng thống Joe Biden đọc diễn văn trước Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Warsaw Ba Lan tối 26 Tháng Ba 2022. Ở đó ông Biden nói Tổng thống Nga Putin không nên tiếp tục nắm quyền. Ảnh Omar Marques/Getty Images

“Vì Chúa, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền,” Tổng thống Joe Biden nói hôm Thứ Bảy để kết thúc bài diễn văn trước Cung điện Hoàng gia Warsaw ở Ba Lan, về nhà lãnh đạo Liên bang Nga, ông Vladimir Putin – người đã từng bị ông gọi là “kẻ giết người”, là “tên đồ tể”. Khi phát biểu câu này, ông Biden nói chậm lại để nhấn mạnh.

Đây cũng là những từ cuối cùng của một bài diễn văn được soạn thảo cẩn thận. Nhưng nó đã đi xa khỏi sự cân bằng mong manh mà Tổng thống Biden cố gắng đạt được trong ba ngày ngoại giao ở châu Âu.

Hiểu theo nghĩa bề ngoài, ông Biden dường như kêu gọi lật đổ Tổng thống Nga Putin vì cuộc xâm lược tàn bạo của ông ta vào Ukraine. Nhưng các trợ lý của ông Biden nhanh chóng “nói lại cho rõ” rằng nhận xét đó không nhằm kêu gọi thay đổi chế độ hiện hành ở Nga.

Dù ý định của ông là gì, không thể phủ nhận rằng ông Biden đang đối mặt với một nhiệm vụ phức tạp trong chuyến công du bất thường tới châu Âu: Củng cố khối đồng minh của Mỹ đoàn kết chống lại ông Putin, đồng thời tránh leo thang chiến tranh với Nga, mà ông nói có thể dẫn đến Thế chiến Thứ Ba.

Với mục tiêu đầu tiên, ông Biden đã dành phần lớn thời gian của chuyến đi để thu hút sự chú ý của thế giới về hành động tàn bạo của ông Putin kể từ khi ông ta bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24 Tháng Hai. Ông kêu gọi tiếp tục hành động để làm tê liệt nền kinh tế Nga. Ông tái khẳng định lời hứa của Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh NATO trước bất kỳ mối đe dọa nào. Và ông gọi ông Putin là “một tên đồ tể”, người chịu trách nhiệm về việc tàn phá các thành phố và người dân Ukraine.

Với mục tiêu thứ hai, ông đã không đáp ứng yêu cầu thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine, không cung cấp chiến đấu cơ cho không quân Ukraine mặc cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ra thất vọng và giận dữ với cái mà ông gọi là thái độ thiếu can đảm của Hoa Kỳ và NATO. Trong các cuộc thảo luận kín tại NATO và với các nhà lãnh đạo của hơn 30 quốc gia, ông Biden nhiều lần tuyên bố sẽ không gửi quân đội Mỹ tham chiến chống lại Nga, phản đối việc sử dụng máy bay chiến đấu của NATO hoặc Mỹ để bảo đảm không phận của đất nước khỏi các cuộc tấn công của Nga. Dù Hoa Kỳ là nước viện trợ lớn nhất cho Ukraine, cả về vũ khí phòng thủ, thông tin tình báo lẫn viện trợ nhân đạo, ông Biden vẫn quyết tránh thực hiện các hành động mà ông Putin có thể dùng làm cái cớ để bắt đầu một cuộc xung đột rộng lớn hơn, thậm chí nguy hiểm hơn.

Đáp lại nhận xét thẳng thừng của ông Biden, Dmitri S. Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, nói số phận của ông Putin không nằm trong tay tổng thống Mỹ. “Không phải để Biden quyết định. Tổng thống của nước Nga là do người dân Nga bầu lên,” ông Peskov nói với các phóng viên sau khi ông Biden phát biểu xong. 

***

Chuyến đi của ông Biden, bắt đầu vào Thứ Tư vừa qua, diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông và thế giới: Đã xảy ra cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945 và một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn. Hai sự kiện này đang thử thách quyết tâm và sự hợp tác trong liên minh NATO sau bốn năm mà cựu Tổng thống Donald J. Trump đặt nghi vấn về vai trò của NATO và thúc đẩy chủ nghĩa biệt lập “Nước Mỹ trước hết”. Theo các nhà theo dõi chính sách đối ngoại kỳ cựu, ông Biden đã thành công trong việc giữ vững thông điệp về sự đoàn kết chặt chẽ của NATO.

Charles Kupchan, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận xét: “Thông điệp đoàn kết [của NATO] chính là điều mà Putin cần nghe để thuyết phục ông ấy thu hẹp quy mô mục tiêu chiến tranh và chấm dứt sự tàn bạo. Đó là những gì người Ukraine cần nghe để khuyến khích họ tiếp tục chiến đấu. Và đó cũng là những gì người châu Âu cần nghe để ổn định thần kinh và trấn an họ rằng Hoa Kỳ hoàn toàn cam kết bảo vệ họ”.

Trong thực tế, một chỉ huy hàng đầu của Nga – Đại tướng Sergei Rudskoi, phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga – hôm Thứ Sáu đã thông báo công khai rằng Moscow đang thu hẹp mục tiêu chiến tranh, không ưu tiên cho việc đánh chiếm thủ đô Kyiv và các thành phố lớn khác của Ukraine; thay vào đó quân đội Nga sẽ tập trung “vào nhiệm vụ chính: giải phóng hoàn toàn Donbass,” khu vực Đông Nam Ukraine là nơi có lực lượng nổi dậy ly khai do Điện Kremlin hậu thuẫn.

Các quan chức chính quyền Hoa Kỳ cho rằng việc Nga rút quân tới Donbass sẽ là một thất bại đáng kể của ông Putin, người đã bị thế giới khinh bỉ vì cuộc xâm lược Ukraine và khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn do các lệnh trừng phạt toàn cầu. 

Nếu ông Putin quyết định giới hạn phạm vi cuộc chiến, điều đó sẽ đặt ra những thách thức ngoại giao mới cho ông Biden, người đã sử dụng nỗi kinh hoàng của cuộc chiến toàn diện để tập hợp thế giới chống lại cuộc xâm lược của Nga. Việc tập hợp đồng minh sẽ khó khăn hơn nếu ông Putin quyết định triệt thoái một bộ phận quân Nga – cho dù rút quân thật sự hay chỉ là một đòn nghi binh chiến lược.

***

Khi ông Biden lên chiếc Không lực Một vào đêm Thứ Bảy để bay trở lại Washington, suy nghĩ của ông Putin vẫn còn mờ mịt và chưa ai biết chắc ông ta đang suy tính chuyện gì. Điều đó làm phức tạp hóa nhiệm vụ của chính quyền Hoa Kỳ khi ông Biden tìm cách duy trì áp lực lên Nga mà không đi quá xa. Điều an ủi của Biden là cho đến nay, ông nhận được sự ủng hộ khá mạnh của dân chúng và giới chính trị Mỹ, kể cả từ đảng Cộng Hòa, về sự ứng phó của Hoa Kỳ với cuộc chiến tranh ở Ukraine. Hoa Kỳ đã gửi hơn $2 tỷ viện trợ quân sự và an ninh cho Ukraine, giúp nước này củng cố khả năng chống lại quân đội Nga. Và ông đã cùng các nhà lãnh đạo châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế Nga, gây áp lực to lớn lên những người ủng hộ nhà lãnh đạo Nga.

Trong chuyến thăm của ông Biden tới Brussels, NATO đã thông báo triển khai các lực lượng bổ sung cho các nước thành viên có chung biên giới với Nga, một nỗ lực mà ông Biden cho rằng sẽ đưa ra một thông điệp về quyết tâm tới ông Putin.

Tổng thống Biden cũng thông báo viện trợ nhân đạo $1 tỷ cho Ba Lan và các quốc gia khác, những nước đã đón tiếp 3.5 triệu người chạy khỏi các cuộc giao tranh ở Ukraine. Ông Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ mở cửa biên giới cho 100,000 người Ukraine tị nạn.

Ian Lesser, Giám đốc điều hành Quỹ Marshall của Đức tại Brussels, cho biết, chuyến đi của tổng thống đã tạo ra một ấn tượng đáng kể.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng bị ông Zelensky chỉ trích vì từ chối thực thi vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. “Lợi thế của Nga trên bầu trời giống như việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Và bạn thấy hậu quả ngày hôm nay. Bao nhiêu người thiệt mạng, bao nhiêu thành phố yên bình bị tàn phá”, Tổng thống Zelensky nói với ông Biden và các nhà lãnh đạo các nước NATO trong cuộc họp kín của họ hôm Thứ Năm. 

Với các đồng minh châu Âu, ông Biden đối mặt với một khó khăn khác: Làm sao thuyết phục họ chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn dầu và khí đốt của Nga, gián tiếp đóng góp tài chánh cho cỗ máy chiến tranh của Putin. Châu Âu mua phần lớn năng lượng từ Nga, và ông Biden một lần nữa nhận thấy sự lưỡng lự sâu sắc của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc đưa ra quyết định cắt đứt huyết mạch đó.

Jeremy Bash, người từng là cố vấn hàng đầu tại Lầu Năm Góc và C.I.A. dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, gọi cuộc chiến của ông Putin là “một trận động đất địa chính trị” “một cuộc tranh tài mỗi thế hệ chỉ có một lần” buộc ông Biden phải nhanh chóng thích nghi với một thế giới ngoại giao và an ninh đang thay đổi nhanh chóng. “Tổng thống Biden hiện là tổng tư lệnh thời chiến, chỉ huy cùng lúc bốn cuộc chiến tranh: Một cuộc chiến tranh kinh tế, một cuộc chiến tranh thông tin, có thể là một cuộc chiến tranh mạng, và một cuộc chiến quân sự gián tiếp chưa từng có chống lại Putin. Và đến nay, Putin đã không thể đạt được một mục tiêu nào”, ông Bash nói.

***

Trở lại với nhận định gay gắt của ông Biden về tổng thống Nga, một số chuyên gia trong giới chính sách đối ngoại ủng hộ nhiệt thành chính sách của chính quyền đã nhanh chóng phản bác tổng thống. Họ cho rằng, ý định tìm cách loại bỏ ông Putin được ông Biden phát biểu công khai sẽ mang lại hậu quả xấu. Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng phát biểu của ông Biden có nguy cơ kéo dài phạm vi và thời gian của chiến tranh.

Các quan chức chính phủ Mỹ thì khẳng định mục tiêu của Washington không phải là thay đổi chế độ ở Moscow mà chỉ muốn ông Putin bị suy yếu về mặt chiến lược. Trên chiếc Không lực Một trở về Washington, ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, nói với báo chí: “Cuối cùng, người dân Nga sẽ đặt hỏi câu hỏi căn bản hơn là tại sao điều này [cuộc xâm lược Ukraine] lại xảy ra và xảy ra như thế nào… Tổng thống Putin phải trả giá từ bản thân và đất nước cũng như nền kinh tế và cơ sở công nghiệp quốc phòng của ông ấy vì quyết định tham chiến ở Ukraine hoàn toàn vô cớ và không thể biện minh được của ông ta”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: