Nga yêu cầu các lực lượng Ukraine cố thủ trong một nhà máy hóa chất ở thành phố Sievierodonetsk phải hạ vũ khí vào sáng Thứ Tư 15 Tháng Sáu 2022, trong lúc Ukraine kêu gọi phương Tây gia tăng viện trợ vũ khí hạng nặng nhằm đối phó việc Nga dồn phần lớn hỏa lực vào khu vực Donbas ở phía Đông – một chủ đề sẽ được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO vào Thứ Tư tại Brussels.
Chính phủ Ukraine cho biết hơn 500 dân thường bị mắc kẹt cùng với binh lính bên trong nhà máy hóa chất Azot, nơi các lực lượng của họ đã chống lại các cuộc bắn phá và tấn công trong nhiều tuần qua của Nga khiến phần lớn Sievierodonetsk trở thành đống đổ nát.
Các chiến binh nên “ngừng kháng cự một cách vô nghĩa và hạ vũ khí” từ 8 giờ sáng mai theo giờ Moscow (05:00 GMT)”, Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga nói với hãng thông tấn Interfax, được Reuters dẫn lại. Mizintsev cho biết thường dân sẽ được đưa ra ngoài thông qua một hành lang nhân đạo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách buộc chính phủ Ukraine phải từ bỏ quyền kiểm soát hai tỉnh Luhansk và Donetsk, được gọi chung là Donbas. Chiến thuật của Nga là tập trung hỏa lực pháo binh áp đảo vào các quận nội thành để tiêu diệt các ổ đề kháng, sau đó gửi bộ binh vào chiếm đóng.
Chiến thuật chiến tranh phá hoại của Nga tại vùng Donbas khiến cho các cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm nhà cửa, trường học, bệnh viện và chợ đã bị tàn phá, người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric nói với các phóng viên ở New York. “Chiến tranh đã khiến cuộc sống của những người đang đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng gần như không thể chịu đựng nổi, và đôi khi không thể rời khỏi nhà của họ trong nhiều ngày liên tục do giao tranh”, Dujarric cho biết.
Cuộc bao vây và tàn phá nhà máy hóa chất Azot ở Sievierodonetsk đang lặp lại cuộc bao vây trước đó nhà máy thép Azovstal ở phía Nam cảng Mariupol, nơi hàng trăm chiến binh Ukraine và dân thường trú ẩn trước các cuộc pháo kích của Nga. Những người bên trong nhà máy Azovstal đã đầu hàng vào giữa Tháng Năm và bị Nga giam giữ.
Cuộc tấn công của Nga vào thành phố Sievierodonetsk của tỉnh Luhansk – một đô thị trước chiến tranh có hơn 100,000 dân – hiện đang là tâm điểm của mặt trận Donbas. Kyiv cho biết khoảng 100 – 200 binh sĩ của họ thiệt mạng mỗi ngày, hàng trăm người khác bị thương.
Ukraine vẫn đang cố gắng di tản dân thường khỏi Sievierodonetsk sau khi lực lượng Nga phá hủy cây cầu cuối cùng bắc qua sông tới “thành phố sinh đôi” Lysychansk do Ukraine nắm giữ. Các lực lượng Nga cũng đang pháo kích vào Lysychansk, nằm trên vùng đất cao hơn trên bờ phía Tây của sông Siverskyi Donets.
Tuy tình hình rất nguy ngập song các quan chức Ukraine tỏ rất ít dấu hiệu rằng họ sẽ đầu hàng. Nhưng khi tất cả các cây cầu dẫn tới Sievierodonetsk đều đã bị phá hủy, các lực lượng Ukraine có nguy cơ bị bao vây.
“Chúng ta phải giữ vững … Quân thù càng bị tổn thất, chúng càng ít có sức mạnh theo đuổi cuộc xâm lược,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói trong thông điệp video tối Thứ Ba.
Ông Zelenskiy đã liên tục cầu xin Hoa Kỳ và các đồng minh gửi ngày càng nhiều trọng pháo tốt hơn cũng như xe tăng, máy bay không người lái và các loại vũ khí hạng nặng khác. Các nước phương Tây đã hứa sẽ cung cấp vũ khí theo tiêu chuẩn NATO – bao gồm cả tên lửa tân tiến của Mỹ. Nhưng việc triển khai chúng mất nhiều thời gian và Ukraine cần được huấn luyện để chuyển sang sử dụng hệ thống vũ khí mới khi kho vũ khí và đạn dược của họ từ thời Liên Xô đang ngày càng cạn kiệt.
Cuộc họp bộ trưởng quốc phòng NATO do Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin dẫn đầu sẽ diễn ra vào Thứ Tư 15 Tháng Sáu. Đây là lần thứ ba nhóm gần 50 quốc gia nhóm họp để thảo luận và phối hợp hỗ trợ Ukraine.
Kể từ khi chiến tranh nổ ra ngày 24 Tháng Hai, Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ Ukraine khoảng $4.6 tỷ vũ khí các loại, bao gồm các hệ thống tên lửa tầm xa, máy bay không người lái và trọng pháo tân tiến. Tuy nhiên, ông Zelenskiy cho biết Ukraine không có đủ hệ thống chống hỏa tiễn để bảo vệ các thành phố của mình, đồng thời nói thêm rằng “không có lời nào biện minh cho việc chậm trễ cung cấp vũ khí”.
Đọc thêm: