Ukraine: Tập Cận Bình chơi trò “đặt gạch hai cửa”

Câu chuyện thứ Năm
Bộ trưởng ngoại giao TQ Tần Cương (trái) bị nữ Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock “lên lớp” về Ukraine trong cuộc họp báo chung ở Berlin hôm 9 tháng Năm 2023. Ảnh Michele Tantussi/Getty Images

Đầu tuần này, Trung Quốc đã cử một đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình sang châu Âu để tìm “một sự dàn xếp chính trị” cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Lý Huy (Li Hui) sẽ đến Nga, Ukraine trước, rồi sau đó đến Ba Lan, Đức và Pháp với nhiệm vụ quảng bá cho vai trò trung gian hòa giải cuả Trung Quốc và vận động cho kế hoạch hòa bình 12 điểm mà Bắc Kinh đưa ra vào cuối tháng Hai 2023. Phải chăng Trung Quốc đã “quay xe”, đi về hướng chính nghĩa  hay đây chỉ là trò “đặt gạch cả hai cửa” khi thấy gió sắp đổi chiều?

Lật lại vài sự kiện cũ để phân tích hành động mới của họ Tập. Chỉ hai tuần trước khi xua quân tràn qua biên giới Ukraine cuối tháng Hai 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Bắc Kinh hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai bên tuyên bố một sự hợp tác “không giới hạn”. Nếu có một chính trị gia nước ngoài nào biết trước thời điểm nổ ra cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine thì đó chính là  Tập. 

Từ khi súng nổ đến nay đã 15 tháng, cho dù lúc nào Trung Quốc cũng cao giọng tuyên bố “trung lập” nhưng ai cũng thấy Tập luôn đứng cùng phe với Putin, hỗ trợ Nga về ngoại giao, kinh tế và tuyên truyền. Thay vì lên án Nga gây ra chiến tranh xâm lược, Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ và Liên minh NATO chèn ép Nga đến nỗi Putin phải phản ứng bằng vũ lực. Trong năm chiến tranh đầu tiên, Tập đã bốn lần trực tiếp gặp gỡ và đàm luận với Putin nhưng từ chối điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dù trước chiến tranh quan hệ giữa Trung Quốc và Ukraine khá mật thiết. Trên diễn đàn Liên hiệp quốc, mỗi khi các nước ra nghị quyết lên án hành vi xâm lược của Putin thì Trung Quốc lại đứng ra che chắn cho đồng bọn bằng những lá phiếu trắng.

Hôm 21 tháng Tư vừa qua, châu Âu sững sờ khi đại sứ Trung Quốc tại Pháp, ông Lư Sa Dã (Lu Shaye) lên truyền hình nói rằng các nước thành viên Liên Xô cũ, như Ukraine, không có tư cách quốc gia độc lập theo luật quốc tế; và “bán đảo Crimea có là một phần của Ukraine hay không còn tùy vào cách xem xét vấn đề”. Bình luận xấc xược của Lư đã gây phẫn nộ khắp châu Âu, 80 nghị sĩ của Nghị viện châu Âu yêu cầu chính phủ Pháp trục xuất họ Lư. 

Bắc Kinh lập tức xoa dịu, nói rằng Lư chỉ phát biểu ý kiến cá nhân của ông ta. Năm ngày sau đó, ông Tập gọi điện cho ông Zelensky, đồng thời cử bộ trưởng ngoại giao Tần Cương (Qin Gang) đi một vòng châu Âu vào đầu tháng Năm để giải độc. Nhưng ở trong nước Trung Quốc, đại sứ Lư chẳng những không bị khiển trách mà còn được tôn sùng như một “chiến binh sói” quả cảm. 

Chuyên gia Bonny Lin của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định trên Foreign Affairs rằng vụ phát ngôn gây sốc của Lư có thể là một phép thử mà Bắc Kinh sử dụng để thăm dò xem châu Âu sẽ phản ứng như thế nào với một lập trường như thế của Trung Quốc. Xét kỹ, quan điểm căn bản của ngoại giao Trung Quốc từ trước đến nay là không bao giờ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác và sẵn sàng đe dọa những ai thách thức lợi ích của họ. Cùng với Nga, Trung Quốc đang nuôi tham vọng thay đổi trật tự thế giới hiện hành.

Phản ứng mạnh mẽ của châu Âu đã khiến Trung Quốc phải tính lại thế cờ. Quan hệ “không giới hạn” với Vladimir Putin hóa ra đã trở thành một thứ gánh nặng chính trị mà trong thâm tâm Tập Cận Bình đang cố trút bỏ.

Trên chiến trường Ukraine, trong gần 15 tháng, quân Nga bị tổn thất nặng nề mà vẫn không tiến được, nội bộ các cấp chỉ huy chia rẽ trầm trọng. Trong khi đó Ukraine liên tục được các đồng minh phương Tây tiếp viện những loại vũ khí càng ngày càng tân tiến và đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc tổng phản công quét sạch quân Nga ra khỏi bờ cõi. Chuyến công du Tây Âu thành công ngoài mong đợi của tổng thống Zelensky càng làm cho triển vọng Ukraine đánh bại quân Nga trên chiến trường và giành lợi thế trên bàn đàm phán càng khả thi hơn bao giờ.

Đức Giáo hoàng Francis tiếp thân mật Tổng thống Ukraine Zelensky ở Vatican hôm 13/05/2023. Ông Zelensky vừa có chuyến đi rất thành công ở các nước Anh, Pháp, Ý, Đức vận động hỗ trợ cho Ukraine. Ảnh Vatican Media Vatican Pool/Getty Images

Với thủ đoạn thâm sâu của hậu duệ những mưu sĩ lừng danh như Tôn Vũ, Ngô Khởi, Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Trương Lương, Trần Bình… Tập Cận Bình lập tức xoay sang làm hòa với Ukraine và các đồng minh của Kyiv. Ông ta cam kết với ông Zelensky rằng Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí đạn dược cho Nga, sẽ ngăn cản Putin sử dụng vũ khí nguyên tử. Ông ta cử Tần Cương đi Đức, Pháp và Ba Lan, sai Vương Nghị – nay là ủy viên bộ chính trị, chủ nhiệm văn phòng đối ngoại trung ương đảng CSTQ, cấp trên của Tần – đi gặp cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan ở Vienna để nối lại liên lạc cấp cao giữa hai bên mà Bắc Kinh đã đơn phương cắt đứt sau vụ chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi thăm Đài Loan tháng Tám năm ngoái.

Và mới nhất là Tập cử Lý Huy – từng có 10 năm làm đại sứ Trung Quốc ở Nga – làm thuyết khách,“tìm sự dàn xếp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”, tức là vận động cho kế hoạch 12 điểm mà Tập đưa ra rồi cuối tháng Hai 2023, qua đó đề cao vai trò của Trung Quốc như một cường quốc có trách nhiệm.

Thật ra Trung Quốc sợ cái kết cục bi đát là Nga thảm bại, Putin phải ra trước tòa án quốc tế như một tội phạm chiến tranh; khi ấy Trung Quốc có thể bị coi là “đồng lõa” bị cả thế giới xa lánh. Tệ hơn nữa, Trung Quốc có thể bị gạt ra bên lề, không được can dự vào công cuộc tái thiết Ukraine được các công ty cho là béo bở. Tam thập lục kế, cách tốt nhất của Tập bây giờ là đặt gạch ở cả hai cửa, theo triết lý con mèo của Đặng Tiểu Bình: Vẫn duy trì tình hữu nghị với Nga và cùng Nga chống Mỹ đến cùng, nhưng vẫn phải nối lại quan hệ với Ukraine và xoa dịu cơn phẫn nộ của các đồng minh của Kyiv ở châu Âu. Nga và Ukraine ai thắng cũng không sao, miễn là Trung Quốc luôn được lợi. 

Cái khó của Lý là không ai tin Trung Quốc “trung lập” trong cuộc xung đột Nga-Ukraine như Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố. Và do đó không ai tin cái kế hoạch 12 điểm của Tập, mà điểm quan trọng nhất là “đóng băng” cuộc chiến: quân đội Nga và Ukraine ngừng bắn, ai ở đâu thì ở yên đấy trong lúc các nhà ngoại giao tìm một giải pháp chính trị! 

Kế hoạch của Tập ngay từ đầu đã bị các chính trị gia phương Tây coi là một thứ bẫy ngôn từ, là “sói mặc áo cừu” không bịp được ai; ngay cả Moscow cũng vứt nó vào sọt rác. Nhưng bây giờ, để đặt gạch với Ukraine, Tập không còn thứ gì khác để mời chào.

Món hàng của Tập xem chừng bị ế. Tại cuộc hội đàm với phái đoàn của Lý Huy ở Kyiv hôm thứ Tư 17 tháng Năm, bộ trưởng ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói rõ “các nguyên tắc khôi phục nền hòa bình bền vững và công bằng là phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Ông Kuleba nhắc lại lập trường kiên định của chính phủ ông là Ukraine không bao giờ chấp nhận mọi đề nghị “đóng băng” cuộc chiến dẫn tới việc Ukraine mất lãnh thổ vào tay quân xâm lược. Nói cách khác, Ukraine không chấp nhận “đổi đất lấy hòa bình” – mà đó lại là cốt lõi trong kế hoạch của Tập.

Tổng thống Zelensky thì quyết liệt hơn:“[Hòa bình ở Ukraine] không phải là vấn đề của Vatican, của Mỹ, của Trung Quốc hoặc của bất kỳ nước nào trên thế giới. Bởi vì Putin giết người, chúng tôi không thể đàm phán với ông ta”, ông Zelensky khẳng định tại Rome vào cuối tuần trước khi đề cập tới các nước muốn làm trung gian đàm phán.

Cho đến nay, Ukraine vẫn kiên trì kế hoạch 10 điểm mà ông Zelensky gọi là Công thức Hòa bình (Peace Formula), điểm quan trọng nhất là Nga phải rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Ukraine, kể cả bán đảo Crimea và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong phạm vi đường biên giới đã được quốc tế, kể cả Nga, công nhận năm 1991. Kế hoạch đó không tương thích với quan điểm “đóng băng” của Trung Quốc nên mưu đồ đặt gạch cả hai cửa của Tập xem ra khó có kết quả.

Hãy chờ xem hoàng đế Trung Hoa sẽ còn giở trò gì.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: