Tổng thống Ukraine vận động hòa bình ở châu Âu

Đức Giáo hoàng Francis, nhà lãnh đạo tinh thần của hàng tỷ tín đồ Thiên Chúa Giáo thế giới, đã tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Vatican hôm 13 tháng Năm 2023 để bàn một giải pháp tái lập hòa bình cho cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine. Ảnh Vatican Media Vatican Pool/Getty Images

Chuẩn bị cho cuộc tổng phản công được chờ đợi từ lâu để đuổi quân Nga ra khỏi bờ cõi và tái lập hòa bình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Vatican hội đàm với Đức Giáo hoàng Francis, giành được cam kết ủng hộ của các nhà lãnh đạo Ý và sẽ lần đầu tiên thăm chính thức nước Đức. 

Tìm sự ủng hộ cho hòa bình ở Vatican

Ông Zelensky đã đến Vatican và có cuộc hội đàm riêng với Giáo hoàng Francis hôm thứ Bảy 13 tháng Năm 2023, tìm kiếm sự hỗ trợ cho kế hoạch hòa bình của Ukraine. Trước đây Giáo hoàng Francis đã nhiều lần đề nghị giúp chấm dứt cuộc chiến tranh toàn diện do Nga bắt đầu cách đây một năm.

Trong một dòng tweet sau buổi tiếp kiến kéo dài 40 phút, ông Zelensky bày tỏ lòng biết ơn Đức Giáo hoàng Francis vì “sự quan tâm của cá nhân ngài đối với thảm kịch của hàng triệu người Ukraine.” 

Ông cho biết ông đã nói chuyện với Giáo hoàng “về hàng chục ngàn trẻ em (Ucraina) bị trục xuất. Chúng ta phải cố gắng hết sức để đưa các cháu trở về nhà”. Tháng trước, thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã xin Giáo hoàng giúp đưa trẻ em Ukraine từ Nga trở về nước, nhưng tuyên bố của Vatican hôm nay không đề cập đến yêu cầu đó. Vatican chỉ cho biết Giáo hoàng và Tổng thống Ukraine đã bàn về “tình hình chính trị và nhân đạo của Ukraine gây ra bởi cuộc chiến đang diễn ra”.

Ông Zelensky nói rằng ông đã yêu cầu Giáo hoàng lên án “tội ác của Nga ở Ukraine” bởi vì “không thể có sự bình đẳng giữa nạn nhân và kẻ gây hấn”. “Tôi cũng đã nói về Công thức Hòa bình (Peace Formula) của chúng tôi như là giải pháp hiệu quả duy nhất để đạt được một nền hòa bình công bằng,” ông Zelensky nói. Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Ý, nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng Đức Giáo hoàng “biết lập trường của tôi. Chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine, đó là lý do tại sao kế hoạch mang lại hòa bình phải là kế hoạch của Ukraine”.

Đức Giáo hoàng Francis tiếp thân mật Tổng thống Ukraine Zelensky ở Vatican hôm 13/05/2023. Ảnh Vatican Media Vatican Pool/Getty Images

Công thức Hòa bình của ông Zelensky là một kế hoạch 10 điểm mà chắc chắn Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể chấp nhận. Kế hoạch yêu cầu thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố các tội ác chiến tranh của Nga. Nó cũng sẽ tạo ra một cấu trúc an ninh Châu Âu-Đại Tây Dương với các điều kiện bảo đảm an ninh cho Ukraine, khôi phục cơ sở hạ tầng điện năng bị hư hại của Ukraine và bảo đảm an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Zaporizhzhia. Điểm mấu chốt của kế hoạch là Nga phải rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Ukraine, kể cả bán đảo Crimea và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong phạm vi đường biên giới đã được quốc tế, kể cả Nga, công nhận năm 1991.

Hồi cuối tháng Tư, Đức Giáo hoàng Francis nói với báo chí rằng Vatican có tham gia vào một sứ mệnh hòa bình ở hậu trường nhưng không đưa ra chi tiết. Cả Nga và Ukraine đều không xác nhận một sáng kiến như vậy.

Giáo hoàng cũng nói ông muốn đến Kyiv, thủ đô Ukraine, nếu một chuyến thăm như vậy có thể được kết hợp với một chuyến thăm tới thủ đô Nga Moscow,  hy vọng một cuộc hành hương của giáo hoàng có thể thúc đẩy hòa bình.

Đã có nhiều lời đồn đoán về việc liệu Vatican có thể đóng một vai trò trung gian nào đó hay không. Nhưng trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ý hôm thứ Bảy 13 tháng Năm, ông Zelensky chỉ ra rằng không thể hòa giải chung chung. “Bạn không thể làm trung gian hòa giải với Putin,” ông nói.

Đẩy mạnh ngoại giao ở Châu Âu 

Trước đó trong ngày, ông Zelensky đã hội đàm với tổng thống và thủ tướng Ý. Các quan chức cao cấp nhất của Ý đã cam kết hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine không giới hạn cũng như ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu lâu dài của Ukraine là gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Sau cuộc hội đàm hơn một giờ, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói: “Thông điệp rất rõ ràng và đơn giản. Tương lai của Ukraine là tương lai của hòa bình và tự do. Và đó là tương lai của châu Âu, một tương lai của hòa bình và tự do, mà không có giải pháp khả thi nào khác.”

Tổng thống Ý Sergio Mattarella cũng nói với ông Zelensky: “Chúng tôi hoàn toàn ở bên cạnh bạn.” Ông Mattarella bảo đảm Ý sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về quân sự và tài chính, cũng như tái thiết và viện trợ nhân đạo.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Ý đã đóng góp khoảng 1 tỷ euro ($1.1 tỷ) viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine.

Nữ Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tiếp đón Tổng thống Ukraine Zelensky tại Roma hôm 13/05/2023 và cam kết hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine không giới hạn. Ảnh Simona Granati – Corbis/Corbis via Getty Images

Sau khi thăm Ý và Vatican, ông Zelensky được cho là sẽ tới thủ đô Berlin trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Đức kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Lịch trình chính xác không được công bố rộng rãi vì lo ngại về an ninh.

Thông tin về chuyến thăm Đức của ông Zelensky được đưa ra vào lúc Berlin cho biết họ đang cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá hơn 2.7 tỷ euro ($3 tỷ), bao gồm xe tăng, hệ thống phòng không và đạn dược. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, với gói vũ khí mới nhất Berlin muốn thể hiện “rằng Đức thực sự nghiêm túc trong việc hỗ trợ” Ukraine.

Các cuộc vận động ngoại giao của Tổng thống Zelensky diễn ra vào lúc Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow mà Vương quốc Anh viện trợ cho Ukraine trong tuần này đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp dân sự ở tỉnh Luhansk ở vùng viễn đông của Ukraine. Chính quyền Luhansk cho biết một cuộc tấn công tên lửa khác đã tấn công thủ phủ của tỉnh, làm bị thương một phụ nữ lớn tuổi.

Thứ Bảy 13 tháng Năm 2023 cũng là một ngày tổn thất nặng của quân Nga. Hai máy bay trực thăng Mi-8 và một máy bay ném bom Su-34 đã bị rơi ở vùng Bryansk của Nga giáp Ukraine, hãng thông tấn Tass của nhà nước Nga đưa tin. Nguyên nhân của các vụ tai nạn không được tiết lộ, nhưng ở Bryansk đang gia tăng mối lo ngại về các cuộc tấn công xuyên biên giới từ Ukraine.

Trong khi đó, một số đơn vị quân đội Ukraine tiếp tục chiếm được một số vùng gần thành phố Bakhmut, trong một trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất của cuộc chiến. “Các binh sĩ của chúng tôi đang tiến lên ở một số khu vực của mặt trận, và kẻ thù đang mất thiết bị và nhân lực”, ông Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine viết trên mạng Telegram.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: