Vị thế kinh tế của Hong Kong bị đe dọa

Hong Kong từ lâu là trung tâm tài chánh và thương mãi quốc tế. Ảnh Gary Tamin/ FreeImages

HIẾU CHÂN

Ý định của Trung Quốc siết chặt quyền kiểm soát Hong Kong bằng một đạo luật an ninh quốc gia cho phép Bắc Kinh trực tiếp ra tay trấn áp những cuộc biểu tình dân chủ của người Hong Kong đã bắt đầu gây hoảng sợ trong giới đầu tư và kinh doanh, đe dọa vị thế trung tâm tài chính châu Á của vùng lãnh thổ này.

Bài liên quan: TQ ra luật an ninh, Hong Kong lại xuống đường, Mỹ đòi cấm vận

Trong phiên giao dịch cuối tuần, thứ Sáu 22-05, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong giảm 5,6% sau khi đã giảm 3,2% trong phiên giao dịch trước đó 21-05 – mức giảm mạnh nhất trong năm năm qua – do nhà đầu tư lo ngại dòng tiền và thương giới sẽ rời bỏ trung tâm tài chính quan trọng nhất Á châu này do biện pháp siết chặt của Bắc Kinh và đòn trả đũa của Hoa Kỳ.

Từ hôm qua thứ Năm, chính phủ Trung Quốc đã thông tin cho biết, Bắc Kinh có kế hoạch “qua mặt” chính quyền đặc khu để ban hành một đạo luật an ninh Hong Kong, có thể được thông qua ngay tại kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra và sử dụng đạo luật đó để trấn áp phong trào đấu tranh dân chủ của người dân Hong Kong, xói mòn các quyền tự do dân chủ mà người dân lãnh thổ này đang được hưởng.

Hơn hai chục năm qua, dù là một phần lãnh thổ của Trung Quốc sau khi được người Anh trao trả năm 1997, Hong Kong vẫn có một chế độ tự trị rộng rãi trong khuôn khổ mô hình “một quốc gia, hai hệ thống”. Nhờ hệ thống tư pháp độc lập và chuyên nghiệp, các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội được bảo đảm, thủ tục kinh doanh thông thoáng, ít rào cản về tài chánh và thương mãi, Hong Kong vẫn được giới doanh thương quốc tế lựa chọn để đặt cơ sở làm ăn. So với Đài Loan và Singapore – những trung tâm tài chính khác ở Á châu – Hong Kong lại có lợi thế giáp ranh với Trung Quốc, là điểm kết nối thị trường rộng lớn của Hoa Lục với thị trường toàn cầu, Hong Kong trở thành đại bản doanh khu vực cho cả các tập đoàn đa quốc gia và các công ty lớn của Trung Quốc. Với doanh nghiệp Trung Quốc, Hong Kong là đầu mối cung cấp tiền vốn, công nghệ và cả nhân sự quản trị, là nơi đầu tiên họ cần khai phá để lấy kinh nghiệm bước ra thị trường toàn cầu.

Vị thế quốc tế của Hong Kong bắt đầu lung lay từ mùa hè năm ngoái, khi những cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền diễn ra thường xuyên, xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát làm cho các khu thương mại và tài chánh của Hong Kong không ít lần bị chìm trong khói lựu đạn cay và hành vi bạo lực. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp quốc tế vẫn chọn tiếp tục ở lại Hong Kong và thị trường chứng khoán Hong Kong năm ngoái có một năm khởi sắc, dẫn đầu thế giới về hoạt động IPO (phát hành cổ phần ra công chúng lần đầu) vượt qua cả London và New York.

Nhưng bây giờ, quyết tâm của Trung Quốc can thiệp vào nội tình Hong Kong làm cho mọi người lo sợ đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tước bỏ quy chế tự trị và quyền tự do của vùng lãnh thổ này.

Giới doanh thương đang phải đối mặt với tình trạng mơ hồ, thế nào là an ninh quốc gia, có ảnh hưởng gì tới hoạt động kinh doanh? Các ngân hàng, quỹ đầu tư có phạm luật không khi cung cấp cho khách hàng những bản báo cáo kinh tế có những dữ liệu về các công ty quốc doanh của Trung Quốc? Những hành vi được coi là bình thường hiện nay có bị xem là tội phạm theo luật mới hay không? Có bị xét xử ở những tòa án bí mật và mù mờ ở Trung Quốc lục địa hay không?

Theo bà Tara Joseph, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hong Kong, tất cả những câu hỏi này đặt nhà đầu tư kinh doanh ở Hong Kong vào những rủi ro mới.

*

Thách thức của Hong Kong còn đến từ đòn trả đũa của Hoa Kỳ với Bắc Kinh. Từ năm ngoái, lãnh thổ này đã rơi vào tầm đạn của cả Bắc Kinh lẫn Washington, nhất là sau khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, gắn tình trạng dân chủ nhân quyền của lãnh thổ này với những chính sách ưu đãi về kinh tế, thương mại của Mỹ. Khi thương chiến Mỹ-Trung nổ ra, hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ bị áp thuế cao tới 25% trong khi hàng hóa Hong Kong vẫn được miễn thuế và nhiều ưu đãi khác.

Trong báo cáo mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sắp phải trình lên tổng thống và quốc hội theo yêu cầu của Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, nếu Hoa Kỳ nhận định tự do và dân chủ của Hong Kong bị xâm hại trầm trọng vì sự can thiệp của Trung Quốc thì Tổng thống Mỹ có thể cắt giảm hoặc bãi bỏ hoàn toàn quy chế thương mại ưu đãi dành cho Hong Kong theo đạo luật Chính sách Hong Kong năm 1992.

Khi đó hàng chục tỷ Mỹ kim hàng hóa giao thương giữa Hong Kong và Hoa Kỳ sẽ bị đánh thuế nặng, người Hong Kong – kể cả doanh giới – sẽ khó khăn khi xin visa nhập cảnh Hoa Kỳ; và hơn thế nữa, Hong Kong sẽ khó mà mua được những công nghệ mới mà Washington cho là nhạy cảm. [Chính phủ Trung Quốc mở nhiều công ty bình phong ở Hong Kong chỉ để mua những công nghệ, thiết bị mà Trung Quốc bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận].

Hoa Kỳ hiện có khoảng 1.300 công ty đặt cơ sở tại Hong Kong; và khi cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng nóng lên, phần lớn các công ty này sẽ ra đi để tránh tên bay đạn lạc. Nếu Hoa Kỳ bãi bỏ chính sách ưu đãi cho Hong Kong và các công ty Mỹ rút đi, điều đó sẽ có tác động rất xấu tới lòng tin của doanh nghiệp các nước khác.

Khi có tin Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia Hong Kong, xâm phạm quy chế tự trị của vùng lãnh thổ này, phản ứng của chính giới Mỹ là thất vọng và giận dữ, thể hiện ở thái độ của Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Thượng viện Mỹ đang xem xét một dự luật cấm vận các quan chức và tổ chức Trung Quốc tham gia và thực thi đạo luật này. Chắc chắn Trung Quốc cũng sẽ có biện pháp trả đũa.

Tất cả những đòn phép “miếng bấc ném đi hòn chì ném lại” giữa Mỹ và Trung Quốc đều tác động xấu tới việc làm ăn ở Hong Kong và đều ảnh hưởng tới quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. “Một kẽ nứt chính trị có thể tạo ra cơn lũ rút vốn khỏi Hong Kong,” William Kaye, nhà đầu tư lâu năm tại Trung Quốc, người sáng lập công ty đầu tư Pacific Group, than thở.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: