Vụ binh sĩ Hoa Kỳ Travis T. King trốn sang Bắc Triều Tiên: Chuyện gì tiếp theo?

Bên trong Bàn Môn Điếm (Panmunjom) thuộc Khu vực An ninh chung (Joint Security Area-JSA), nằm trong Khu Phi Quân sự (DMZ) ngăn chia Nam-Bắc Triều Tiên (ảnh: Kim Jae-Hwan/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Người Mỹ chưa hết sốc về vụ một binh sĩ, Travis T. King, vượt biên bất hợp pháp vào Bắc Triều Tiên qua ngả Khu phi quân sự (DMZ). Động cơ chính xác của Travis T. King đến thời điểm này vẫn chưa được rõ, và giới chức Mỹ cho biết họ đang làm việc với Triều Tiên.

Bình Nhưỡng chưa đưa ra tuyên bố nào về vụ việc. Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Nếu thật sự đào tẩu, Travis T. King là quân nhân Mỹ đầu tiên hành động như vậy kể từ đầu thập niên 1980.

Travis T. King tẩu thoát như thế nào?

Có rất ít thông tin chi tiết về Travis T. King, kể cả thời điểm lần đầu tiên đương sự đến Hàn Quốc, nơi có 28,500 quân Mỹ đóng quân. Tháng Mười 2022, Travis T. King gặp rắc rối với pháp luật Hàn Quốc sau một cuộc ẩu đả với dân địa phương, khi anh ta làm hỏng một xe cảnh sát. Travis T. King, 23 tuổi, từng ngồi tù hai tháng ở Hàn Quốc vì tội hành hung, là một trinh sát kỵ binh của Sư đoàn Thiết giáp số 1.

Đương sự được trả tự do vào ngày 10 Tháng Bảy và chuẩn bị được đưa về Fort Bliss, Texas. Tuy nhiên, khi được hộ tống đến Phi trường quốc tế Incheon ở Seoul, thay vì lên máy bay, King lại trốn thoát, lẻn nhập vào một nhóm du khách tham quan Khu vực An ninh Chung nằm bên trong DMZ giữa hai miền Triều Tiên (thường được gọi là Bàn Môn Điếm).

Cho đến giờ chẳng ai có thể biết làm cách nào Travis T. King có thể rời khỏi được sân bay và dễ dàng lẻn nhập vào nhóm du khách. Theo lời kể nhân chứng trong các bản tin địa phương, khi đến DMZ, King bất ngờ phóng ào qua bên phía Bắc Triều Tiên. Một nhóm lính Hàn Quốc không vũ trang chạy theo tóm lại nhưng không kịp.

Nhân chứng Sarah Leslie, du khách đến từ New Zealand, thuật lại, lúc đó Travis T. King mặc quần jean và áo phông. Chuyến tham quan sắp kết thúc vào chiều Thứ Ba 18 Tháng Bảy và khi cả nhóm bước ra khỏi tòa nhà, chuẩn bị chụp ảnh thì Leslie thấy Travis T. King vụt chạy “rất nhanh”. “Ban đầu tôi nghĩ anh ấy đùa với bạn để được quay phim, như những màn nghịch dại trên TikTok mà chúng ta thường thấy, nhưng sau đó tôi nghe một người lính hét to, ‘Bắt lấy gã đó.’”

Tuy nhiên, tất cả xảy ra quá nhanh. Leslie cho biết, sau khi chạy khoảng 10 mét xuống một lối hẹp giữa các tòa nhà màu xanh, Travis T. King phóng qua biên giới và biến mất khỏi tầm mắt. Tất cả kết thúc trong vài giây. Leslie nói rằng cô không thấy bất kỳ người nào ở phía Triều Tiên. Trước đó, nhóm du khách được thông báo rằng đồn gác bên Triều Tiên có rất ít người kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Leslie kể tiếp, sau khi King bỏ chạy, những người lính dồn tất cả khách du lịch vào một tòa nhà và đưa họ đến một trung tâm để lấy lời khai…

Cột cờ khổng lồ bên phía Bắc Triều Tiên được nhìn thấy từ DMZ bên Hàn Quốc (ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)

Bàn Môn Điếm

Bàn Môn Điếm rộng 800 x 400 yard (731m x 365m) là địa điểm nằm bên trong khu DMZ rộng 2.5 dặm, phân chia hai miền Triều Tiên. DMZ được tạo ra như một vùng đệm và Bàn Môn Điếm là điểm liên lạc duy nhất của các bên tham chiến thời chiến tranh. Ban đầu, không có đường phân chia bên trong Bàn Môn Điếm và các quan chức cũng như binh lính hai bên có thể tự do di chuyển qua lại biên giới. Nhưng khi binh lính Triều Tiên sát hại hai lính Mỹ bằng rìu tại Bàn Môn Điếm vào năm 1976, một đường phân giới – một tấm bê tông mỏng – đã được dựng lên để ngăn cách hai bên. Và như phần còn lại của khu vực DMZ dài 155 dặm, Bàn Môn Điếm cũng trở thành biểu tượng của cuộc đối đầu dai dẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trước sự kiện Travis T. King bất ngờ lao qua biên giới Bắc Triều Tiên vào ngày 18 Tháng Bảy 2023, chưa từng có người Mỹ nào bị bắt khi thâm nhập biên giới Bắc Triều Tiên qua ngã Khu vực An ninh chung (Joint Security Area). Những năm sau chiến tranh, một số lính Mỹ trốn từ căn cứ của họ ở Hàn Quốc và băng qua DMZ vào Bắc Triều Tiên. Nhân vật nổi tiếng nhất là Charles Robert Jenkins, một trung sĩ quân đội Hoa Kỳ đào thoát sang Bắc Triều Tiên vào năm 1965 để tránh được đưa sang chiến trường Việt Nam. Mãi đến năm 2004 Jenkins mới được phép rời khỏi Bắc Triều Tiên. Jenkins qua đời tại Nhật năm 2017.

Bàn Môn Điếm (ảnh: Jeon Heon-Kyun – Pool/Getty Images)

Bắc Triều Tiên luôn là địa điểm nguy hiểm đối với du khách. Họ có thể bị bắt vì bất kỳ lý do gì. Năm 2013, Merrill Edward Newman, một người Mỹ về hưu, được trả tự do sau 42 ngày bị giam vì tội “có hành vi thù địch”. Otto Warmbier, một sinh viên Đại học Virginia, bị kết án 15 năm lao động khổ sai sau khi bị kết tội ăn cắp một tấm áp phích tuyên truyền trong một khách sạn ở Bình Nhưỡng. Năm 2017, Otto Warmbier được đưa về nhà trong tình trạng hôn mê sau 17 tháng bị giam cầm và chết ngay sau đó.

Một số nhà truyền giáo Cơ đốc cũng bị giam ở Bắc Triều Tiên. Robert Park, nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn ở Los Angeles, đã vào Bắc Triều Tiên từ ngả Trung Quốc vào dịp Giáng sinh 2009. Lúc đó, tay cầm cuốn Kinh thánh, Robert Park hét lên: “Chúa Giê-su yêu Bắc Triều Tiên”. Ông Park bị giữ 43 ngày trước khi được trả tự do và trục xuất về nước.

Cần nói thêm, để có thể tham quan Bàn Môn Điếm, cần có sự chấp thuận của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (United Nations Command) do Mỹ đứng đầu, cơ quan giám sát phần phía Nam của khu vực trong khi Quân đội Nhân dân Triều Tiên giám sát phía Bắc. Việc xét duyệt có thể mất nhiều ngày và du khách được yêu cầu cung cấp thông tin hộ chiếu. Từ Bàn Môn Điếm, du khách có thể ngắm cột cờ khổng lồ mà miền Bắc dựng lên trong cuộc chiến tuyên truyền với miền Nam, xem bên nào… giương cờ cao hơn.

Bàn Môn Điếm có ba kiến trúc xanh lam được xây để làm nơi họp giữa các phái viên. Khách du lịch được phép vào kiến trúc trung tâm, được gọi là T2, nơi họ có thể bước vào lãnh thổ Triều Tiên qua đường phân giới. Đây là nơi duy nhất trong DMZ mà khách du lịch có thể đặt chân hợp pháp vào đất Triều Tiên. Travis T. King đã lao qua phía Triều Tiên giữa những tòa nhà này.

Chuyện gì tiếp theo?

Số phận Travis T. King phụ thuộc phần lớn vào việc Bình Nhưỡng xem đương sự là một binh sĩ Mỹ đào tẩu hay một kẻ xâm phạm biên giới trái phép. Một người đào thoát khỏi “móng vuốt phương Tây” sẽ được phép sống ở miền Bắc nhưng người bị buộc tội nhập cảnh bất hợp pháp thường trở thành công cụ mặc cả cho những cuộc trao đổi chính trị.

Để có thể tham gia tour Bàn Môn Điếm, du khách phải đăng ký trước nhiều ngày và phải trình xuất nhiều loại giấy tờ (ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)

Vài năm qua, Triều Tiên đã không đáp lại những kêu gọi đối thoại từ Washington. Hoa Kỳ không có đại sứ quán ở Bình Nhưỡng và Washington phải dựa vào Đại sứ quán Thụy Điển để giúp bảo vệ lợi ích của những người Mỹ bị giam giữ ở đó, chẳng hạn trường hợp vào năm 2018 liên quan việc Bruce Byron Lowrance nhập cảnh trái phép vào đất nước này từ Trung Quốc. Lowrance bị giam một tháng trước khi được thả.

Trước đó, Tony Kim, một giáo sư người Mỹ gốc Hàn và Kim Hack Song, một cựu chính trị gia Hàn Quốc, người có quốc tịch Hoa Kỳ, đều bị giam vào năm 2017 và được thả hơn một năm sau. Họ được trả tự do cùng ngày với một người Mỹ khác là Kim Dong Chul, người bị giam giữ từ năm 2015. Cả ba đã được trả tự do trong chuyến công du Triều Tiên của Ngoại trưởng Mike Pompeo và trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un tại Singapore vào cuối năm đó.

Mẹ của Travis T. King, bà Claudine Gates, sống ở Racine, Wisconsin, nói với ABC News rằng bà bị sốc khi được thông báo con trai bà bỏ trốn sang Bắc Triều Tiên. “Tôi hoàn toàn không thể hiểu tại sao Travis làm như vậy,” bà Gates nói. Vài ngày trước, Travis T. King gọi cho bà, nói rằng cậu ta sẽ trở lại căn cứ của mình ở Fort Bliss.

Jacco Zwetsloot, người dẫn chương trình podcast North Korea News và là cựu nhân viên của một công ty du lịch, nói với BBC rằng “không thể nào có chuyện người này (Travis T. King) có thể trốn khỏi sân bay trong một ngày và lại có thể đăng ký đi tour Bàn Môn Điếm vào ngay hôm sau.” Jacco Zwetsloot cho biết tour Bàn Môn Điếm thường mất nhiều ngày để đăng ký và lên kế hoạch; và những người đi tour phải nộp hộ chiếu cũng như các giấy tờ khác cho chính quyền địa phương.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: