“Xác chết biết đi” Yahya Sinwar

Yahya Sinwar (giữa) – ảnh: Yousef Masoud/SOPA Images/LightRocket via Getty Images

Cùng với chiến lược gia quân sự Mohammed Deif, nhà lãnh đạo chính trị Yahya Sinwar của Hamas đang là mục tiêu lớn nhất của Israel. Với cáo buộc là đầu não của kế hoạch tấn công Israel ngày 7 Tháng Mười, Yahya Sinwar 61 tuổi đang bị truy lùng gay gắt. Đương sự được bầu làm lãnh đạo Hamas ở Gaza vào năm 2017 sau khi Ismail Haniyeh trở thành thủ lĩnh tối cao của tổ chức khủng bố này.

Người phát ngôn quân đội Israel, Trung tá Richard Hecht, gọi Yahya Sinwar là “bộ mặt của cái ác” và tuyên bố “tử hình” Yahya Sinwar khi gọi đương sự là “xác chết biết đi”. Sinwar là thành viên sáng lập Hamas vào năm 1987 trong cuộc nổi dậy (intifada) đầu tiên của người Palestine. Tốt nghiệp Đại học Hồi giáo ở Gaza, Yahya Sinwar học tiếng Do Thái trong suốt 23 năm ở nhà tù Israel. Khi đang thụ bốn án chung thân vì giết hai binh sĩ Israel, năm 2011, Yahya Sinwar trở thành nhân vật cấp cao nhất trong số hơn 1,100 người Palestine được thả để đổi lấy binh sĩ Israel Gilad Shalit.

Israel cáo buộc Sinwar, cùng với chỉ huy cánh quân sự của Hamas, Mohammed Deif, đã điều phối các cuộc tấn công tàn bạo vào ngày 7 Tháng Mười 2023 khiến 1,400 người Israel, trong đó có 1,000 dân thường, thiệt mạng. Israel tin rằng Yahya Sinwar có thể đang ẩn náu trong mê cung trong lòng đất Gaza. Michael Milshtein, cựu sĩ quan tình báo phụ trách các vấn đề Palestine trong quân đội Israel, nói: “Tôi tin rằng Mohammed Deif đã thực hiện kế hoạch tấn công Israel nhưng bộ óc thực sự, bộ não của cuộc tấn công chủ yếu là Yahya Sinwar. Hắn thực sự hiểu cách người Israel hành xử, cách họ suy nghĩ cũng như cách họ phản ứng.”

Với tư cách là lãnh đạo Hamas ở Gaza, Sinwar là một phần của cơ cấu lãnh đạo phức tạp và bí mật của Hamas bao gồm cánh quân sự và cánh chính trị. Chiến dịch quân sự tấn công Israel ngày 7 Tháng Mười cho thấy cánh quân sự đang lấn lướt cánh chính trị trong bộ máy lãnh đạo Hamas.

Ismail Haniyeh, người lãnh đạo Hamas thành công trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2006, đứng đầu hội đồng lãnh đạo của Hamas từ Doha và giúp giám sát mối bang giao của Hamas với Qatar. Một tay chóp bu khác, Saleh al-Arouri, là phó Giám đốc chính trị có trụ sở tại Beirut, nơi đương sự chịu trách nhiệm duy trì mối quan hệ của Hamas với Hezbollah và Iran cũng như các hoạt động của Hamas ở Bờ Tây.

Yahya Sinwar (giữa) cùng đứa con của một tay súng Hamas trong buổi lễ tưởng niệm những tay súng Hamas bị Israel không kích chết tổ chức tại sân vận động Yarmouk ở Thành phố Gaza ngày 24 Tháng Năm 2021 (ảnh: Laurent Van der Stockt/Getty Images)

Riêng tại Gaza, Sinwar được bầu làm lãnh đạo khu vực này vào năm 2017. Akram Attallah, một nhà báo người Palestine từ Gaza, từng gặp Sinwar nhiều lần, cho biết cuộc tấn công Israel cho thấy Hamas đang sử dụng giải pháp bạo lực để tạo đòn bẩy cho bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.

Sinh vào đầu những năm 1960 trong một trại tị nạn ở Dải Gaza, Yahya Sinwar tham gia hoạt động sinh viên và thân thiết với người sáng lập Hamas, giáo sĩ Ahmed Yassin. Theo giới chức Israel, khi Hamas chuyển từ một phong trào Hồi giáo sang một nhóm vũ trang trong cuộc nổi dậy (intifada) của người Palestine cuối những năm 1980, Sinwar đã giúp hình thành tiền thân cho cánh quân sự của tổ chức khủng bố khét tiếng này. Yahya Sinwar cũng thành lập một đơn vị an ninh nội bộ chuyên săn lùng những kẻ “nằm vùng” cung cấp thông tin cho Israel.

Năm 1988, Yahya Sinwar bị bắt với tội sát hại binh lính Israel và bị xử bốn án chung thân. Sinwar trở thành một trong những quan chức cấp cao nhất của Hamas bị giam trong nhà tù Israel. Một cựu quan chức quản lý nhà tù của Israel cho biết Yahya Sinwar dành hàng giờ mỗi ngày để nói chuyện với người Israel, tìm hiểu văn hóa và “nghiện các kênh của Israel”. Khi Gilad Shalit, một binh sĩ Israel, bị Hamas bắt cóc năm 2006, Yahya Sinwar là cái tên được xem xét đầu tiên trong các cuộc đàm phán trao đổi tù binh giữa Israel và Hamas. Kết quả, hơn 1,000 tù nhân Palestine được thả để đổi lấy một tù nhân Israel (Gilad Shalit). Yahya Sinwar có mặt trong những người này.

Sau khi được thả, Sinwar nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ Hamas; cuối cùng được chọn là người lãnh đạo Gaza năm 2017. Yahya Sinwar nổi tiếng vừa cứng rắn vừa thực dụng, triển khai chiến lược kép trong cách đối phó với Israel – một mặt hợp tác với Israel, một mặt xây dựng lực lượng quân sự nhằm răn đe Israel, sẵn sàng dùng nắm đấm bạo lực để đạt được đòn bẩy chính trị. Các con của Yahya Sinwar, sinh ra sau khi đương sự ra tù, thường được phép dự các cuộc họp cấp cao cùng cha.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi năm 2018 được đăng trên truyền thông Israel, Sinwar nói với một nhà báo Ý rằng chiến tranh không có lợi cho Hamas hay Israel. “Chắc chắn, nó không thuộc về chúng tôi: Ai lại muốn đối mặt với một cường quốc hạt nhân bằng súng cao su?” Giới chức Ai Cập từng làm việc với Sinwar cho biết đương sự đã đứng ra điều hành một chiến dịch cải thiện mối quan hệ với Ai Cập, vốn trở nên căng thẳng khi Tổ chức Anh em Hồi giáo, trong đó Hamas là một nhánh, dính dáng cuộc đảo chính ở Cairo năm 2013. Một quan chức Ai Cập nói về Sinwar: “Ông ấy là một chính khách thực thụ nhưng cũng là một chiến binh”.

Năm 2021, Sinwar tỏ ra là tay lãnh đạo cứng rắn khi bật đèn xanh cho Hamas phóng tên lửa vào các thành phố Israel nhằm đáp trả căng thẳng giữa người Palestine và người Do Thái ở Jerusalem, gây ra cuộc xung đột kéo dài 11 ngày. Một quan chức Hamas cho biết Sinwar không chỉ coi mình là nhà lãnh đạo bên trong Hamas mà còn là người có sứ mệnh bảo vệ Jerusalem và nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, một trong những ngôi đền linh thiêng nhất của đạo Hồi. Sau lệnh ngừng bắn vào thời điểm đó, Yahya Sinwar đã công khai đi quanh Gaza với vẻ tự đắc mà người Palestine coi là hành động chế nhạo Israel. Tại một cuộc mít tinh, Yahya Sinwar ôm đứa con của một thành viên Hamas (đã chết), cùng khẩu AK-47.

Sinwar ủng hộ một mặt trận rộng hơn để đối phó với Israel. Trong một bài phát biểu vào Tháng Tư, Yahya Sinwar đề cập đến cái mà ông gọi là “Trục Al Quds” – gồm Hezbollah, Iran và người Palestine ở Gaza và Bờ Tây – và trục này luôn sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt Israel. Yahya Sinwar nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện việc bảo vệ Jerusalem, Đền thiêng Aqsa, Bờ Tây, người dân và phụ nữ của chúng tôi”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: