Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) ở Thổ Nhĩ Kỳ đang lo ngại việc Chính phủ nước này dường như đang bán đứng họ cho Trung Quốc để đổi lấy vaccine coronavirus – theo hãng tin AP ngày 5-2-2021…
Abdullah Metseydi, một người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ, chuẩn bị đi ngủ thì nghe tiếng động, rồi tiếng đập cửa ầm ầm. “Cảnh sát đây! Mở cửa ngay!”. Hơn 10 người ập vào, súng ống đầy đủ và mặc đồ lực lượng chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ hỏi Metseydi có tham gia vào bất kỳ phong trào nào chống lại Trung Quốc không. Họ đưa anh ta đến một trại tạm giam chờ trục xuất… Abdullah Metseydi không là trường hợp duy nhất. Giới lập pháp đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ đang cáo buộc Chính phủ Ankara bí mật “bán” người Duy Ngô Nhĩ cho Trung Quốc để đổi lấy vaccine coronavirus. Những tháng gần đây, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã đột kích, bắt và tống khoảng 50 người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm trục xuất.
Dù chưa có bằng chứng chắc chắn nào cho hồ nghi này nhưng các nhà lập pháp đối lập cũng như người Duy Ngô Nhĩ lo ngại rằng Bắc Kinh đang sử dụng vaccine làm đòn bẩy như một phần của hiệp ước dẫn độ. Hiệp ước được ký từ nhiều năm trước nhưng bất ngờ được Trung Quốc phê chuẩn vào tháng 12-2020 và Thổ có thể trình Quốc hội nước họ ngay trong tháng này.
Người Duy Ngô Nhĩ nói rằng dự luật, một khi trở thành luật, có thể mang đến cơn ác mộng: Bị trục xuất trở lại đất nước mà họ bỏ trốn. Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số phần lớn theo đạo Hồi đã bị tống vào các nhà tù và trại tạm giam ở Trung Quốc, trong chính sách trấn áp mà Trung Quốc gọi là “chống khủng bố”.
Melike, vợ của Metseydi, nói trong nước mắt: “Tôi rất sợ bị trục xuất. Tôi lo lắng cho sức khỏe tâm thần của chồng tôi”. Những nghi ngờ về một thỏa thuận bí mật giữa Ankara và Bắc Kinh bắt đầu râm ran khi lô vaccine đầu tiên của Trung Quốc được giữ lại trong nhiều tuần vào tháng 12. Các quan chức đổ lỗi cho vấn đề giấy phép.
Tuy nhiên, Yildirim Kaya, một nhà lập pháp từ đảng đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết Trung Quốc mới chỉ giao một phần ba trong 30 triệu liều mà họ hứa vào cuối tháng Giêng. Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu dựa vào vaccine Sinovac của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch. Covid-19 đã lây nhiễm cho khoảng 2,5 triệu người và giết chết hơn 26.000 người ở nước này.
“Sự chậm trễ như vậy là không bình thường. Chúng tôi đã trả tiền cho vaccine” – dân biểu Yildirim Kaya nói – “Có phải Trung Quốc đang tống tiền Thổ Nhĩ Kỳ?”. Kaya cho biết ông đã hỏi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về áp lực từ Trung Quốc nhưng chưa nhận được phản hồi. Cả chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đều nhấn mạnh rằng dự luật dẫn độ không nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ để trục xuất.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi những lo ngại như vậy là “bôi nhọ”, và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa vaccine và hiệp ước dẫn độ. Tháng 12-2020, Ngoại trưởng Thổ Mevlut Cavusoglu nói rằng việc trì hoãn vaccine không liên quan vấn đề Duy Ngô Nhĩ. “Chúng tôi không sử dụng người Duy Ngô Nhĩ cho các mục đích chính trị, chúng tôi bảo vệ nhân quyền của họ” – Cavusoglu nói. Những tuần gần đây, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Bắc Kinh đã ca ngợi vaccine Trung Quốc trong khi nói thêm rằng Ankara coi trọng “hợp tác tư pháp” với Trung Quốc.
Dù hiện rất ít người thực sự bị trục xuất nhưng loạt vụ bắt bớ gần đây đã khiến cộng đồng Duy Ngô Nhĩ (khoảng 50.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ) phải ớn lạnh. Những tuần gần đây, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Bắc Kinh đã ca ngợi vaccine Trung Quốc trong khi nói thêm rằng Ankara coi trọng “hợp tác tư pháp” với Trung Quốc. Trong quá khứ, một số ít người Duy Ngô Nhĩ đã đến Syria để huấn luyện với các tay súng phiến loạn.
Tuy nhiên, hầu hết người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ đều xa lánh chiến binh thánh chiến và cho rằng những người này đang làm tổn hại chính nghĩa của người Duy Ngô Nhĩ. Giới luật sư đại diện cho những người Duy Ngô Nhĩ bị giam nói rằng trong hầu hết trường hợp, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ không có bằng chứng về mối liên hệ của họ với khủng bố. Giáo sư luật Ilyas Dogan tin rằng đằng sau vụ này có động cơ chính trị. “Họ (chính quyền) không có bằng chứng cụ thể” – phát biểu của Dogan, người đại diện cho sáu người Duy Ngô Nhĩ hiện bị nhốt ở các trung tâm trục xuất, trong đó có Metseydi.
Do có mối quan hệ chung về văn hóa, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu là nơi trú ẩn an toàn của người Duy Ngô Nhĩ, có nguồn gốc từ Tân Cương xa xôi phía Tây Trung Quốc. Cách đây hơn 10 năm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan từng tố cáo việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là “tội ác diệt chủng”. Tất cả đã thay đổi sau một cuộc đảo chính vào năm 2016, dẫn đến cuộc thanh trừng hàng loạt và khiến ông Erdogan xa lánh phương Tây. Bắc Kinh nhảy vào lấp khoảng trống. Trung Quốc hiện đầu tư hàng tỷ USD vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ kinh tế và chính trị giữa Ankara và Bắc Kinh ngày càng mạnh. Một nhà xuất khẩu làm ăn ở Trung Quốc đã được bổ nhiệm làm đại sứ Thổ tại Bắc Kinh. Một nhà máy than trị giá 1,7 tỉ USD do Trung Quốc tài trợ đang mọc lên trên bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ. Phi trường Istanbul đạt chứng nhận “Sân bay thân thiện với người Trung Quốc” đầu tiên trên thế giới, nơi có những quầy làm thủ tục được dành riêng để đón hàng nghìn khách từ Thượng Hải và Bắc Kinh.
Phần mình, Tổng thống Erdogan luôn mồm ca ngợi Trung Quốc… Tất cả điều này diễn ra cùng thời điểm mà Trung Quốc bắt đầu yêu cầu dẫn độ thêm nhiều người Duy Ngô Nhĩ. Trong một yêu cầu dẫn độ năm 2016 bị rò rỉ lần đầu tiên được báo cáo bởi Axios và được Associated Press thu thập độc lập, giới chức Trung Quốc đã yêu cầu dẫn độ một người bán điện thoại di động, với cáo buộc ông quảng bá cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Abdurehim Parac, một nhà thơ Duy Ngô Nhĩ bị bắt hai lần vài năm qua, cho biết ông từng sống trong cảnh như địa ngục trong ba năm bị giam cầm ở Trung Quốc. Bây giờ ông bắt đầu mất ngủ vì lo sợ dự luật dẫn độ có thể được thông qua. “Cái chết đang chờ tôi ở Trung Quốc” – ông nói. Một làn sóng người Duy Ngô Nhĩ trốn chạy đến Đức, Hà Lan và các nước châu Âu khác thật ra đã hình thành vài năm gần đây…