1.4 tỷ dân Trung Quốc bị nhốt trong chiếc lồng vô hình

Hệ thống camera dày đặc tại thành phố Bắc Kinh cũng như tất cả nơi khác ở khắp Trung Quốc (ảnh: Feng Li/Getty Images)
Share:

Hoạt động hàng ngày của hơn 1.4 tỷ người sống ở Trung Quốc đang bị theo dõi liên tục bởi hệ thống camera giám sát đặt ở khắp mọi nơi; tại các góc phố, trên trần tàu điện ngầm, trong hành lang khách sạn và trong các tòa nhà chung cư. Điện thoại của họ bị theo dõi, mua sắm bị theo dõi và các cuộc trò chuyện trực tuyến bị kiểm duyệt. Cảnh sát có quyền truy cập tất cả dữ liệu thu thập được mà không cần lệnh toà án. Không chỉ hiện tại mà các công dân còn chịu trách nhiệm về các hành vi tương lai của họ! Vấn đề này thật ra không mới nhưng có nhiều chi tiết mới khiến phần còn lại của thế giới sẽ bị sốc khi nghe!

Nhất cử nhất động của người dân đều được theo dõi và tập hợp thành bộ hồ sơ dữ liệu cá nhân khổng lồ (ảnh: Wang Gang/Costfoto/Future Publishing via Getty Images)

Đứng đầu thế giới về giám sát công dân

Thế hệ công nghệ mới nhất khai thác lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập về các hoạt động hàng ngày của người dân để tìm ra các “mẫu” với mục đích “dự đoán tội phạm” hoặc các cuộc biểu tình khiếu kiện trước khi chúng xảy ra. Những người bị xem là “có khả năng gây rối” trong mắt chính phủ, không chỉ là những người có quá khứ phạm tội mà còn các nhóm yếu thế khác, gồm dân tộc thiểu số, lao động nhập cư hoặc có tiền sử bệnh tâm thần.

Hệ thống sẽ cảnh báo cho cảnh sát nếu nạn nhân của một vụ tranh chấp đất đai hay án oan cố gắng đến Bắc Kinh để yêu cầu chính phủ giúp giải oan và bồi thường; nếu một người sử dụng ma túy thực hiện quá nhiều cuộc gọi đến cùng một số hoặc một người có tiền sử bệnh tâm thần đến gần trường học… Chỉ những chuyên viên công nghệ lão luyện mới đủ khả năng né tránh hoạt động giám sát kỹ thuật số phủ trùm này. Đây là một câu chuyện của một nhân vật cụ thể được thuật lại từ The New York Times

Hệ thống camera được lắp đặt ngay cả bên trong nhiều tòa nhà (ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Trong quá khứ, ông Zhang Yuqiao, 74 tuổi, đã dành gần hết phần đời cho việc lấy lại danh dự gia đình. Từ khi có hệ thống giám sát chằng chịt, ông phải tránh xa các con đường cao tốc chính và tìm đường khác đến Bắc Kinh để đấu tranh đòi bồi thường cho cha mẹ bị tra tấn đến chết trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Ông tắt điện thoại, thanh toán bằng tiền mặt và đánh lạc hướng bằng cách mua nhiều vé tàu đến các điểm… không đến!

Dù qui mô giám sát người dân vốn đã kinh khủng, nhưng các công ty công nghệ mới của Trung Quốc mà tờ The New York Times (NYT) có hồ sơ trong tay, vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng ranh giới của các biện pháp kiểm soát xã hội và chính trị, đồng thời tích hợp chúng sâu hơn vào cuộc sống của người dân; nhân danh “bảo vệ công chúng và an ninh quốc gia”. Nhưng nhìn dưới góc độ khác, hệ thống giám sát đang tự động hóa sự phân biệt đối xử một cách có hệ thống và đàn áp chính trị những sắc tộc và cộng đồng thiểu số bị nghi kỵ.

Mọi thứ đều được soi

Các thuật toán tự động sàng lọc thường gây tranh cãi tại các quốc gia khác, nhưng rất thành công ở Trung Quốc và đạt được những chiến thắng lớn trong việc kiểm soát người dân. Năm 2020, cảnh sát địa phương đưa tin nhà chức trách ở miền Nam Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của một phụ nữ xin dọn đến Hong Kong để ở cùng chồng. Lý do, phần mềm giám sát cảnh báo rằng cuộc hôn nhân của họ là đáng ngờ! Cuộc điều tra sau đó cho thấy cả hai không thường xuyên sống chung và cũng không cùng nhau đi nghỉ mùa Xuân. Kết luận của cảnh sát: “Cuộc hôn nhân là giả, với mục đích được định cư hợp pháp tại Hong Kong”.

Chi tiết về kỹ thuật công nghệ bảo mật mới này được mô tả trong các tài liệu nghiên cứu của cảnh sát, bằng sáng chế và trang quảng cáo của các nhà cung cấp thiết bị giám sát, cũng như hàng trăm tài liệu mua sắm thiết bị mà NYT đã xem qua. Nhiều tài liệu được chia sẻ bởi ChinaFile, một tạp chí trực tuyến do Hiệp hội Châu Á (Asia Society) xuất bản, nơi nhiều năm qua đã thu thập có hệ thống các hồ sơ liên quan từ các trang web của chính phủ Trung Quốc.

Giám sát và ngăn chặn cả hành vi trong… tương lai

Trung Quốc gần như đã đẩy đến cực điểm hoạt động giám sát, khai thác tận lực các kho dữ liệu trên toàn quốc và cho phép cảnh sát hoạt động thoải mái mà không sợ bị trừng phạt, miễn là đạt được mục tiêu, bất chấp oan sai. Một phân tích của NYT trên hơn 100,000 tài liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy tham vọng thu thập dữ liệu kỹ thuật số và dữ liệu sinh học từ người dân đang được mở rộng và xâm phạm thô bạo đời tư người dân hơn những gì đã biết trước đây.

Thường thì người dân không biết mình đang bị theo dõi. Cảnh sát hầu như không chịu sự giám sát độc lập về tính hiệu quả của công nghệ giám sát và các hành động họ làm. Chính quyền Trung Quốc không buộc cảnh sát phải có lệnh toà mới được truy cập hay thu thập thông tin cá nhân. Ở mức nguy hiểm nhất, các hệ thống giám sát đặt ra câu hỏi chỉ có trong khoa học viễn tưởng: Làm sao có thể biết tương lai được dự đoán là chính xác để cảnh sát có thể can thiệp trước khi nó xảy ra? Tại Trung Quốc, câu trả lời là… có!

Cho dù che dù hay đeo khẩu trang, không bất cứ người nào ở Trung Quốc có thể trốn được khỏi sự theo dõi 24/24 của hệ thống theo dõi nguy hiểm hơn cả phát xít (ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Các chuyên gia Trung Quốc lập luận: “Ngay cả khi phần mềm không suy luận đúng hành vi của ai đó là tiềm ẩn nguy hiểm hay vi phạm pháp luật, hệ thống vẫn được xem là thành công vì đã giúp ngăn chặn tình trạng bất ổn và tội phạm”. Giống như “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”! Maya Wang, một nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc của Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) nhận định: “Đây là một cái lồng vô hình mà công nghệ số áp đặt lên xã hội. Những nhóm người vốn đã bị phân biệt đối xử thô bạo trong xã hội Trung Quốc đang chịu sự ngột ngạt không cân xứng bên trong cái lồng vô hình so với các nhóm khác”.

Công an trị với trợ giúp của công nghệ AI

Năm 2017, doanh nhân Yin Qi, người sáng lập Megvii (Khoáng Thị), một công ty khởi nghiệp chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI), tuyên bố với truyền thông nhà nước: “Hệ thống giám sát có thể cung cấp cho cảnh sát một công cụ tìm kiếm tội phạm, phân tích một lượng lớn cảnh quay video cho các mô hình xâm nhập và cảnh báo chính quyền về những hành vi đáng ngờ. Nếu camera phát hiện một người dành quá nhiều thời gian ở ga tàu, hệ thống có thể “dán nhãn” y nghi ngờ là kẻ móc túi”.

Năm năm sau, những gì Yin Qi nói đang trở thành hiện thực. Các bài thuyết trình nội bộ tại Megvii được NYT đánh giá cho thấy cách các sản phẩm của công ty thu thập hồ sơ kỹ thuật số cho cảnh sát. “Xây dựng cơ sở dữ liệu đa chiều gồm lưu trữ khuôn mặt, ảnh, xe hơi và nhiều nữa” là cách công ty quảng cáo cho sản phẩm của mình với tên gọi chung là “tìm kiếm thông minh với phần mềm phân tích dữ liệu để phát hiện những người ‘có vẻ vô tội nhưng tiềm năng là tội phạm’ để ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp của họ ngay từ lúc chưa manh nha!”.

Hikvision – một trong những công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc về giám sát công dân (ảnh: Ma Jian/VCG via Getty Images)

Năm 2022, cảnh sát Thiên Tân đã mua phần mềm do Hikvision, đối thủ cạnh tranh của Megvii, với kỹ thuật giúp dự đoán xảy ra các cuộc biểu tình. Hệ thống sẽ thu thập dữ liệu những người khiếu kiện gửi đơn tố cáo quan chức địa phương với chính quyền cấp cao hơn và “cho điểm” những người khởi kiện về khả năng họ sẽ đến Bắc Kinh. Bọn giới chức địa phương luôn muốn ngăn chặn những chuyến đi như vậy để tránh rắc rối về chính trị hoặc phơi bày những hành vi sai trái của chúng lên trung ương, trong khi chính quyền trung ương không muốn các nhóm công dân bất mãn tụ tập ở thủ đô.

Một đất nước phát xít!

Dưới thời Tập Cận Bình, các nỗ lực nhằm kiểm soát người khiếu kiện ngày càng thô bạo. Zekun Wang, thành viên 32 tuổi của một nhóm nhiều năm khiếu kiện lừa đảo bất động sản, cho biết: “Năm 2017 chính quyền đã chặn một nhóm khiếu kiện ở Thượng Hải ngay trước khi họ mua vé đến Bắc Kinh. Có lẽ họ đã theo dõi thông tin liên lạc của nhóm trên ứng dụng truyền thông xã hội WeChat”.

Cảnh sát Trung Quốc luôn trong tình trạng sẵn sàng đối phó với những “tiềm ẩn đe dọa” từ người dân (ảnh: Sheldon Cooper/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Hệ thống Hikvision ở Thiên Tân, được điều hành với sự hợp tác của cảnh sát tỉnh Hà Bắc và Bắc Kinh, còn tinh vi hơn khi phân tích các cá nhân khiếu kiện dựa trên những mối quan hệ xã hội và gia đình, các chuyến đi trong quá khứ và những tình huống khác, để giúp cảnh sát tạo hồ sơ từng người, trong đó liệt kê cả tính khí như “hoang tưởng”, “tỉ mỉ”, “nóng nảy”.

Suzanne E. Scoggins, giáo sư tại Đại học Clark, người nghiên cứu về chính sách Trung Quốc, cho biết cảnh sát thường ưu tiên cảnh báo những gì liên quan đến chính trị, như biểu tình và các mối đe dọa đối với sự ổn định xã hội. Li Wei, nhà nghiên cứu tại trường đại học cảnh sát quốc gia Trung Quốc, nhận định trong một bài viết năm 2016: “Thông qua việc áp dụng dữ liệu lớn, chúng ta đã vẽ một bức tranh về mọi người và dán nhãn cho họ với các thuộc tính khác nhau. Đối với những người nhận được một hoặc nhiều loại nhãn, chúng ta suy ra danh tính và hành vi của họ, sau đó sẽ có biện pháp ngăn chặn tương xứng”.

________

ĐỌC LẠI:

-Tiết lộ kinh hoàng về Tân Cương, tội ác diệt chủng man rợ của Trung Quốc

-Trung Quốc: Rủ nhau ra đi khi còn có thể

-Trung Quốc: Xử tử tội nhân bằng mổ lấy nội tạng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: