Trung Quốc: Xử tử tội nhân bằng mổ lấy nội tạng

Một công trình nghiên cứu y khoa của các nhà khoa học Israel và Úc xác nhận nhiều tử tù Trung Quốc đã bị mổ lấy tim ngay khi họ còn sống như một biện pháp hành quyết.
Một ca mổ lấy gan từ người cha để ghép cho con ở bệnh viện Hữu Nghị Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh minh họa Giulia Marchi for The Washington Post via Getty Images

Đã có nhiều thông tin tố cáo nhà cầm quyền Trung Quốc giết người để lấy nội tạng – nhất là những người theo môn Pháp Luân Công – nhưng lần đầu tiên một công trình nghiên cứu y khoa của các nhà khoa học Israel và Úc xác nhận nhiều tử tù đã bị mổ lấy tim ngay khi họ còn sống như một biện pháp hành quyết.

Một nghiên cứu được công bố trên một tạp chí y khoa của Mỹ nói rằng nhiều thập niên qua các bác sĩ phẫu thuật làm việc tại các bệnh viện quân sự và dân sự do nhà nước quản lý ở Trung Quốc đã hành quyết nhiều tù nhân bằng cách cắt lấy trái tim của họ cho mục đích ghép tạng. Tác giả của nghiên cứu là bác sĩ Matthew Robertson từ Đại học Quốc gia Úc và Tiến sĩ Jacob Lavee, một bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tim tại Trung tâm Y tế Sheba ở Israel.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ghép Tạng của Mỹ đã xác định 71 ấn phẩm tạp chí y khoa Trung Quốc từ năm 1980 đến 2015 mô tả các trường hợp mà việc cắt bỏ tim dường như là nguyên nhân dẫn đến cái chết của tù nhân. 

Trong những trường hợp này, tù nhân được cho là đã “chết não” (braindead) trước khi bác sĩ phẫu thuật mổ lấy trái tim của họ. “Braindead” là một thuật ngữ y khoa đề cập đến tình trạng một người sẽ không bao giờ tỉnh lại hoặc bắt đầu tự thở trở lại mà không cần máy thở.

Nhưng các tác giả của nghiên cứu mới nhất cho biết bằng chứng mà họ phát hiện được cho thấy không phải như vậy; các tội nhân đã bị mổ lấy tim trước khi não của họ ngừng hoạt động, tức là khi họ vẫn đang còn sống. Nghiên cứu cho rằng các hoạt động này là phi đạo đức vì chúng vi phạm “quy tắc người hiến tặng đã chết”.

“Quy tắc người hiến tặng đã chết” là nền tảng đạo đức của công việc ghép nội tạng. “Quy tắc quy định rằng việc mổ lấy nội tạng không được bắt đầu cho đến khi người hiến tặng đã chết và được tuyên bố chính thức là đã chết, và đồng thời việc mổ lấy nội tạng không được gây ra cái chết cho người hiến tặng.”

Để thực hiện nghiên cứu, các tác giả Robertson và Lavee đã phân tích hơn 120,000 ấn phẩm y tế từ các cơ sở dữ liệu chính thức của Trung Quốc. Sau đó, họ sử dụng một thuật toán tùy chỉnh để quét (scan) các báo cáo, cho thấy “dấu hiệu rõ ràng” của hành vi phi đạo đức.

Ở 71 trong số các báo cáo – liên quan đến 56 bệnh viện và hơn 300 nhân viên y tế trên khắp Trung Quốc – các tác giả cho rằng những “người hiến tặng” là tù nhân đã không được tuyên bố là đã chết trước khi tim của họ bị lấy đi. 

Từ góc độ chuyên môn y khoa, các tác giả nhận thấy trong nhiều trường hợp, việc tuyên bố bệnh nhân đã chết não diễn ra trước khi đánh giá xem bệnh nhân có thể thở mà không cần máy thở hay không – một yếu tố quan trọng trong việc phân loại một người là chết não. Trong các trường hợp khác, khi người hiến tặng được thở máy, nhân viên y tế sử dụng khẩu trang chụp lên mũi thay vì đưa ống thở vào khí quản của bệnh nhân — một thủ thuật được gọi là đặt nội khí quản – và đây là bằng chứng cho thấy sự vi phạm rõ ràng quy định về người hiến tặng đã chết.

“Đây là một trong những bằng chứng mạnh mẽ nhất về việc không tuân thủ quy tắc người hiến tặng đã chết vì thông khí qua đặt nội khí quản là bước quan trọng để có thể chẩn đoán chết não. Có một số đặc điểm khác cho thấy nội tạng của những người hiến tặng đã được đặt mua trước khi họ được chẩn đoán chính xác là đã chết não”, tiến sĩ Lavee nói. 

Các tác giả nghiên cứu nói rằng trong những trường hợp này, việc cắt lấy tim của bệnh nhân trong quá trình mua bán nội tạng chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của họ.

Tác giả Robertson từ Đại học Quốc gia Úc cho biết trong tuyên bố: “Mặc dù chúng tôi không biết chính xác các tù nhân này kết thúc cuộc đời trên bàn mổ như thế nào, nhưng chúng tôi có thể suy đoán có nhiều kịch bản rắc rối để làm chuyện này. Có thể tù nhân bị bắn một phát đạn vào đầu trước khi được đưa ngay đến bệnh viện, hoặc bị tiêm thuốc khiến tù nhân bị tê liệt. Chúng tôi nhận thấy các thầy thuốc đã trở thành những kẻ hành quyết nhân danh nhà nước và phương pháp hành quyết là mổ lấy trái tim.”

Các tác giả cho biết các bệnh viện quyết định hành quyết tù nhân theo cách này vì nó mang lại lợi nhuận cao cho các bác sĩ và cơ sở liên quan. Các nhà nghiên cứu nhân quyền trước đây cũng đã đưa ra những tuyên bố tương tự.

Không biết có bao nhiêu người bị giết theo cách này, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng những “người hiến tạng” gần như chắc chắn là tù nhân, điều này cho thấy các bác sĩ Trung Quốc đã thực hiện rất hiệu quả các vụ hành quyết bằng cách mổ lấy nội tạng.

Sau khi xem xét nghiên cứu, giáo sư Arthur Caplan, người đứng đầu Bộ môn Đạo đức Y tế tại Trường Y Grossman của Đại học New York (NYU), nhận xét: “Hành vi ghê tởm này là một sự vi phạm nghiêm trọng y đức, nhân quyền và phẩm giá cơ bản của con người. Việc giết người để lấy các bộ phận nội tạng không thể được các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tạp chí khoa học hoặc công chúng chấp nhận. Bằng chứng rất rõ ràng và tôi hy vọng sẽ có hành động cần thiết.”

***

Từ những năm 1980, Trung Quốc đã phát triển một trong những hệ thống ghép tạng lớn nhất trên thế giới, chủ yếu dựa trên nội tạng của các tù nhân do hệ thống an ninh và tư pháp nhà nước cung cấp. Cách làm này đã bị các tổ chức y tế quốc tế lên án, mặc dù Trung Quốc coi số vụ hành quyết tư pháp và số ca cấy ghép thực sự là bí mật quốc gia.

Các nhà nghiên cứu nhân quyền cho rằng Trung Quốc thực hiện nhiều ca ghép nội tạng hơn cả Hoa Kỳ, mặc dù theo tài liệu chính thức, Trung Quốc chỉ đứng ở vị trí thứ hai.

Nếu như ở Hoa Kỳ, người cần ghép tạng phải chờ đợi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, thì ở Trung Quốc, nhiều bệnh viện quảng cáo thời gian chờ đợi ghép tạng chỉ là một vài tuần. Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết họ sẽ thực hiện 50,000 ca cấy ghép mỗi ngày vào năm 2023 – được cho là lấy từ những người tình nguyện hiến tạng. “Nếu như vậy, Trung Quốc sẽ có chương trình ghép tạng tự nguyện phát triển nhanh chóng nhất trên thế giới. Nhưng các tài liệu của chính phủ Trung Quốc về lĩnh vực cấy ghép nội tạng của họ thường mâu thuẫn và nhà nước đã công bố các bộ dữ liệu gây nhầm lẫn cho cộng đồng quốc tế.”

Dữ liệu mà các tác giả dựa vào để nghiên cứu liên quan đến các ca phẫu thuật cấy ghép tạng diễn ra từ năm 1980 đến năm 2015 – giai đoạn mà Trung Quốc hầu như không có hệ thống hiến tạng tự nguyện và rất ít người hiến tặng tình nguyện. Các tác giả đã trích dẫn tuyên bố từ ba nguồn chính thức của Trung Quốc, bao gồm cả lãnh đạo hiện tại của lĩnh vực cấy ghép tạng, cung cấp bằng chứng cho thấy số lượng người hiến tạng tự nguyện (tức là không phải tù nhân) trong thời kỳ này là rất nhỏ. Ví dụ, quan chức này đã viết vào năm 2007 rằng 95% các ca cấy ghép nội tạng là từ nội tạng của các tù nhân.

Các nhà nghiên cứu cho biết cũng không rõ liệu các vi phạm về vai trò của người hiến tặng đã chết có tiếp tục cho đến ngày nay hay không.

(theo Newsweek)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: