Amazon bán sách tuyên truyền cho Trung Cộng

Jeff Bezos, người sáng lập kiêm CEO Amazon. (Hình: Zhang Yong/Visual China Group/Getty Images)

Việc một số đại công ty Mỹ khoanh tay nghe theo chỉ thị Trung Quốc không còn là chuyện lạ. Thái độ xu nịnh Tập Cận Bình một cách trơ trẽn của Mark Zuckerberg để bằng mọi giá Facebook có thể thâm nhập thị trường Trung Quốc là một ví dụ. Trong hồ sơ vừa công bố, Reuters đã phanh phui việc Amazon bí mật răm rắp tuân theo “ý chỉ” của Trung Quốc…

Năm 2019, khi bắt đầu bán tập sách tổng hợp các bài diễn văn của Tập Cận Bình, trong đó có quyển “Xi Jinping: The Governance of China” (Tập Cận Bình: Đàm trị quốc lý chánh), Amazon đã được Bắc Kinh yêu cầu khóa việc chấm điểm xếp hạng cũng như chặn ý kiến bình luận bất cứ khi nào xuất hiện bình luận tiêu cực. Hiện thời, trên trang Amazon.cn (Amazon hoạt động tại Trung Quốc), sách của nhà nước Trung Quốc đều không có phần nhận xét khách hàng và chẳng ai có thể đăng lên ý kiến của mình. Không chỉ vậy, với dự án “Sách Trung Quốc” (China Books) ký với Bắc Kinh, Amazon trở thành kênh bán sách tuyên truyền cho cộng sản Trung Quốc, với kho sách lên đến hơn 90,000 ấn phẩm!

Một số đầu sách là địa lý và nấu ăn nhưng sách chính trị thì luôn tuân thủ việc chứa nội dung ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có một quyển tô vẽ về di sản văn hóa Tân Cương, tuyệt nhiên không đề cập việc hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị tống vào các trại cải tạo kinh hoàng. Một số quyển khác miêu tả sự thành công Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19, chẳng hạn quyển “Những câu chuyện về lòng quả cảm và sự quyết tâm: Vũ Hán trong giai đoạn đóng cửa vì coronavirus”. Một quyển khác thì bắt đầu bằng câu của Tập Cận Bình: “Thành công của chúng ta cho đến thời điểm này đã một lần nữa minh chứng cho sức mạnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự ưu việt của đặc tính xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc”…

Quầy giới thiệu dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services tại một hội chợ quốc tế ở Bắc Kinh, Tháng Chín 2021 (ảnh: VCG/Getty Images)

Nơi hợp tác với Amazon là công ty nhà nước China International Book Trading Corp (CIBTC – Trung Quốc quốc tế đồ thư mậu dịch tập đoàn hữu hạn công ty), phối hợp với National Press and Publication Administration (NPPA – Quốc gia tân văn xuất bản thự). Amazon nói rằng họ chỉ là “một thằng bán sách” (“as a book seller”) nên họ phải “tuân thủ tất cả luật định hiện hành, dù chúng tôi hoạt động ở đâu; và Trung Quốc không là ngoại lệ”, và rằng CIBTC “chỉ là một trong hàng triệu đối tác mua bán khắp thế giới cung cấp sản phẩm trên các cửa hàng của chúng tôi”.

Theo tài liệu nội bộ mà Reuters tiếp cận được, năm 2018, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC – Quốc gia hỗ liên võng tin tức biện công thất) đã yêu cầu Amazon gỡ một đường dẫn liên quan bộ phim Amazing China vì có quá nhiều bình luận tiêu cực. Amazing China là phim tuyên truyền, ca ngợi “công đức” Tập Cận Bình với những gì “ngài” làm cho đất nước kể từ khi trở thành chủ tịch năm 2013. CAC muốn đường dẫn (link) phải được gỡ khỏi IMDb – một website phim ảnh thuộc sở hữu Amazon. Amazing China (“厉害了, 我的国” – Lệ hại liễu, ngã đích quốc) hiện vẫn còn trên IMDb nhưng những bình luận xấu thì đã biến mất. Được chấm điểm chỉ 2.3 trên thang điểm 10, Amazing China từng có những nhận xét rất “dễ quê”, chẳng hạn “đây là một phim bệnh hoạn”, “rác rưởi”, “tuyên truyền rẻ tiền”…

Hoặc nghe theo lời ta, hoặc biến đi chỗ khác – Bắc Kinh đã công khai thể hiện thái độ như vậy; và ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia cắm đầu nghe theo vì lợi nhuận. Yahoo gần đây đã rút khỏi Trung Quốc và LinkedIn của Microsoft Corp cũng tuyên bố rút một số dịch vụ khỏi nước này. Trong khi đó, Amazon ngày càng phát triển mạnh, mang lại cơ hội xuất khẩu sinh lợi cho hàng nghìn doanh nghiệp Trung Quốc; trong khi cá nhân Amazon thì kiếm sống khỏe với dịch vụ điện toán đám mây. Amazon Web Services (AWS) hiện là một trong những nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất cho các công ty Trung Quốc.

‘Tập Cận Bình: Đàm trị quốc lý chánh’ trên Amazon.com

Amazon vào Trung Quốc từ năm 2004, thông qua một thương vụ $75 triệu khi mua lại Joyo.com, nhà bán sách và phương tiện truyền thông trực tuyến của Trung Quốc. Sau đó, Amazon bắt đầu nghĩ đến việc bán sách điện tử và thiết bị đọc sách Kindle vào thị trường nước này. Để đạt điều đó, Amazon làm việc với Tổng cục Báo chí và Xuất bản (GAPP, Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa quốc Tân văn xuất bản tổng thự).

Theo một Cựu giám đốc điều hành Amazon từng tham gia đàm phán, Amazon phải tương nhượng một số yêu cầu. Và để làm thỏa mãn Bắc Kinh, nhóm chính sách công (public-policy) của Amazon đưa ra sáng kiến dự án “Sách Trung Quốc”. Dĩ nhiên Trung Quốc hồ hởi đón nhận. Tháng Mười 2012, “Sách Trung Quốc” (China Books) được giới xuất bản Trung Quốc xem là “dự án xuất khẩu văn hóa chủ lực của quốc gia”. Hai tháng sau, Amazon bắt đầu bán sách điện tử và không lâu sau nữa thì bán thiết bị Kindle cho thị trường Trung Quốc.

Cuối năm 2017, Trung Quốc đã trở thành thị trường toàn cầu lớn nhất tiêu thụ thiết bị Kindle của Amazon, chiếm “40%+” trong “tổng doanh số thế giới của chúng ta” – theo tài liệu nội bộ Amazon. Cũng trong thời gian đó, Amazon đưa sách điện tử Trung Quốc lên website Amazon ở Mỹ với 19 ấn bản dịch. Tháng Tư 2018, Jay Carney, viên chức điều hành chính sách công của Amazon, thân chinh đến Trung Quốc. Tại đó, Jay Carney được một viên chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc khen ngợi về “mọi nỗ lực” trong việc thúc đẩy dự án “Sách Trung Quốc”, và làm cho nó “lớn mạnh hơn”.

Tuy nhiên, “Sách Trung Quốc” không chỉ không “lớn mạnh hơn” mà còn xẹp lép. Dự án bán “sách Tàu” tuyên truyền cho Trung Cộng thất bại về mặt tài chính. Amazon phải chở sách ngược trả lại cho “cố quốc”. Tuy nhiên, hiện nay, “Sách Trung Quốc” vẫn hoạt động. Tập ba quyển Tập Cận Bình: Đàm trị quốc lý chánh bản tiếng Hoa hiện được xếp hạng nhất danh sách best seller của tủ sách “China Books” trên Amazon. Một “best seller” nữa là quyển về COVID-19. Dĩ nhiên người ta có thể hiểu ai mua và ai đứng sau chiến dịch biến những quyển tuyên truyền bằng tiếng Hoa này thành “best seller”.

Càng thâm nhập sâu, Amazon càng ngoan ngoãn hơn trước yêu cầu Bắc Kinh. Tháng Hai 2018, Bộ Công an Trung Quốc trừng mắt ra lệnh: Amazon phải xóa nội dung và chặn website liên quan nhà bất đồng chính kiến Quách Văn Quý (Guo Wengui) mà trang chủ của nó đặt trên dịch vụ đám mây của Amazon. Amazon từ chối. Tuy nhiên, họ thực hiện một hành động thậm chí còn tệ hơn ngoan ngoãn nghe lời: Cung cấp địa chỉ IP của Quách cho công an Trung Quốc!

Việc Amazon đi đêm với Trung Quốc trong thực tế chỉ là một trong vô số câu chuyện cho thấy giới đại tư bản Mỹ ngày nay đã bất chấp đạo đức kinh doanh như thế nào, miễn sao họ có thể kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Những ông trùm công nghiệp điện ảnh Hollywood từ lâu chọn cách này là một trường hợp minh chứng rõ ràng. Họ, nói chung, từ lâu, đã chọn lợi nhuận hơn là những giá trị từng làm nên phẩm giá của văn hóa phương Tây.

ĐỌC THÊM:

Sau “bài học” Mulan, Hollywood sẽ giảm “cúi đầu” trước Trung Quốc?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: