Chùa Nam Sơn tại đảo Hải Nam, Trung Quốc, với tượng Phật Bà Quan Âm khổng lồ (108m, cao nhất thế giới, được dựng với chi phí US$12.2 triệu) là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc mà còn với khu vực.
Khác với hình ảnh từ bi bác ái của Phật Bà Quan Âm, tượng Quan Âm ở chùa Nam Sơn ẩn chứa nhiều bí mật. Bức tượng và ngôi chùa trong thực tế chẳng liên quan gì đến Phật giáo. Nó là một “cơ sở” của tình báo Trung Quốc.
Đằng sau bức tượng Phật Bà
Khi bức tượng Phật Bà Quan Âm tại Hải Nam được khánh thành năm 2005 sau sáu năm xây dựng, hơn một trăm nhà sư từ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Macau đã kéo về. Một thông điệp chính trị được đưa ra ngay từ phần mở đầu: Các nhà sư tập hợp ngày hôm đó đã cầu nguyện “cho hòa bình thế giới và sự thống nhất trong hòa bình của Trung Quốc” (hàm ý ám chỉ Trung Quốc có thể lấy được Đài Loan trong “hòa bình”). Trong số khách mời dự lễ khánh thành Nam Sơn Tự cùng với bức tượng Phật Bà, người ta thấy có cả vua Nepal. Ông mang theo tượng Phật Thích Ca Mâu Ni mạ vàng (cao khoảng 1/70 tượng Phật Quan Âm-Nam Sơn) để kỷ niệm 50 năm quan hệ Nepal-Trung Quốc.
Không ai khác ngoài lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản phụ trách công tác mặt trận thống nhất đã được cử từ Bắc Kinh xuống để huấn thị trong lễ khánh thành, nhắc nhở những người có mặt về vai trò mà Đảng nắm giữ trong mọi vấn đề liên quan Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung. Đằng sau hình ảnh đậm nét tôn giáo của chùa Nam Sơn là một mạng lưới tình báo bí mật. Và sau lưng tượng Phật Bà là một người cực kỳ đáng ngờ có tên Ji Sufu. Nhân vật này chính là kẻ thai nghén dự án chùa Nam Sơn và tượng Phật Bà, dùng tôn giáo như một bình phong cho các hoạt động gián điệp lẫn tuyên truyền.
Như được thuật trong quyển “Spies and Lies” của tác giả Alex Joske (nhà xuất bản Hardie Grant Books, 2022), Ji Sufu là viên chức của Cục An ninh Nhà nước Thượng Hải (上海市国家安全局 – Thượng Hải thị quốc gia an toàn cục, SSSB), một trong những đơn vị hoạt động quốc tế mạnh và đắc lực nhất của Bộ Công An Trung Quốc. Từ lâu, SSSB nổi tiếng với những hoạt động dài hạn xâm nhập vào các chính phủ nước ngoài.
Năm 2004, chính SSSB chứ không ai khác đã đẩy một nhà ngoại giao Nhật Bản đến chỗ tự tử sau khi dọa phanh phui mối quan hệ tình cảm của ông với một nữ tiếp viên karaoke. Không lâu sau, cũng chính SSSB đã trả tiền cho một sinh viên đại học Mỹ ở Thượng Hải để nộp đơn xin việc vào CIA và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Những năm gần đây, SSSB tiếp cận nhiều quan chức chính phủ Mỹ, đương chức lẫn nghỉ hưu, cũng như giới học giả và nhà báo, tuyển mộ thành công một số người và trả tiền cho họ để được chuyển giao những thông tin nhạy cảm.
Có nền tảng và kiến thức kỹ thuật, Ji Sufu bắt đầu sự nghiệp tại một phòng thí nghiệm quân sự tối mật chuyên phát triển các hệ thống dẫn đường tên lửa hồng ngoại. Đột ngột, Ji Sufu trở thành quản lý của loạt công ty thương mại ở Thượng Hải. Thật ra, đó là những công ty thuộc sở hữu của Ủy ban Ngoại thương Thượng Hải, nơi che giấu đế chế kinh doanh khổng lồ của SSSB. Các “giám đốc điều hành doanh nghiệp” đều là sĩ quan tình báo.
“Ấn Thuận thiền sư”
Các doanh nghiệp bình phong nằm dưới sự điều hành của SSSB có chức năng quản lý các cơ sở tình báo, cung cấp thiết bị giám sát cho các quan chức và cung cấp chỗ ở khi các quan chức cần công du nước ngoài hoặc tuyển mộ điệp viên. Một trong những công ty như vậy là Sanya Nanshan Gongde và chủ tịch của nó không phải là một sĩ quan tình báo mà là một người “thánh thiện” tên là Thích Ấn Thuận (释印顺, Shi Yin Shun – sinh năm 1974), một “thiền sư”, phó Chủ tịch Hội Phật giáo Trung Quốc, diễn giả thường xuyên tại diễn đàn quốc tế Bác Ngao, và là trụ trì chùa Nam Sơn, nơi có bức tượng Quan Âm khổng lồ.
Tổ chức “Phật giáo” của sư thầy Ấn Thuận là nơi thực hiện các dự án gây ảnh hưởng của SSSB. Theo các tài liệu chính thức, tay bí thư tỉnh ủy Hải Nam là người đầu tiên có sáng kiến dựng một ngôi chùa lớn trên đảo Hải Nam vào đầu những năm 1990 và dùng nó làm bình phong cho các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tay bí thư Hải Nam cũng là người nghĩ ra cái tên “Nam Sơn Tự”, lấy cảm hứng từ câu chuyện một nhà sư Trung Quốc thời Trung cổ thuộc giáo phái Nam Sơn. Trên đường đến Nhật Bản, con tàu của nhà sư bị chệch hướng và dừng lại ở Hải Nam. Sau đó ông tiếp tục lên đường và đến lần thứ sáu thì mới đến được đích, trở thành nhà thuyết giáo và truyền bá văn hóa Phật giáo Trung Quốc với những ảnh hưởng khắp Nhật Bản.
Khi trình bày ý tưởng Nam Sơn Tự và tượng Phật Bà Quan Âm khổng lồ, tay bí thư Hải Nam lập tức được chính quyền trung ương ủng hộ. Một kế hoạch gây quỹ được tổ chức sau đó. Nhà sư nổi tiếng Đài Loan, Nam Phó Cấn (南怀瑾, Nam Huai-Chin, 1918-2012), đóng góp US$1 triệu. Sau nhiều năm bàn tới bàn lui và thực hiện công trình với thời gian dài hơn dự kiến do tham nhũng, dự án cuối cùng hoàn thành vào năm 2003 mà trong quá trình thực hiện, nhiều nhân vật của SSSB đã tham gia từ những ngày đầu.
Hồ sơ kinh doanh của công ty Quan Âm Nam Sơn cho thấy phần lớn nguồn vốn của nó thuộc sở hữu của hai công ty đầu tư đến từ Thượng Hải và Hong Kong. Cả hai đều có liên quan Wu Feifei, giám đốc điều hành một trong những công ty bình phong chính của Bộ Công an Trung Quốc: Tập đoàn Xuất nhập khẩu Thông tin Khoa học Công nghệ Quốc gia Trung Quốc. Wu quản lý chi nhánh Thượng Hải của tập đoàn và kiểm soát hơn hai chục công ty con chuyên phát triển bất động sản, đầu tư và khai thác du lịch Phật giáo.
Từ ngày nằm dưới sự trụ trì của thầy Thích Ấn Thuận, Nam Sơn Tự chẳng khác gì một cơ sở tuyên truyền của Đảng Cộng sản. Thầy Ấn Thuận “giảng” lời dạy của Tập Cận Bình nhiều hơn lời dạy Đức Phật. Sau Đại hội Đảng lần thứ 19 năm 2017, “Ấn Thuận thiền sư” khoe rằng ông đã chép tay bài phát biểu của Tập Cận Bình ba lần. “Tôi tính viết thêm mười lần nữa,” ông nói trong bài phát biểu trước Hội Phật giáo Hải Nam mà ông làm chủ tịch. “Ấn Thuận thiền sư” cũng nói “báo cáo Đại hội Đảng lần thứ 19 là một kinh điển Phật giáo đương đại”.
Và Ấn Thuận kết luận, sau khi “thiền định” về Tư tưởng Tập Cận Bình, ông nhận ra rằng: “Các nhóm Phật giáo phải có ý thức bảo vệ địa vị cốt lõi của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, thực hành các nguyên tắc biết Đảng và yêu Đảng, có cùng tâm hồn và đạo đức với Đảng, và lắng nghe lời nói của Đảng và bước đi cùng Đảng.”
Không chỉ là phó chủ tịch Hội Phật giáo Trung Quốc, Ấn Thuận là thành viên cấp cao của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Đương sự cũng là chủ tịch các hội Phật giáo chính thức của Thâm Quyến và Hải Nam. Quan trọng nhất, ông là đại biểu Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Nói cách khác, sư đảng viên Ấn Thuận là một bánh răng trong bộ máy của Đảng cộng sản Trung Quốc.
“Phật giáo Biển Đông”: Chính sách bành trướng bằng lá bài tôn giáo
Cùng Bộ Công an, những người như Ấn Thuận đã “sản xuất” những mô hình Phật giáo để phục vụ công tác tuyên truyền, chẳng hạn Học viện Phật giáo Nam Hải. Năm 2017, các nhà lãnh đạo Phật giáo từ khắp châu Á đã đến Hải Nam để dự ngày khai trương học viện, nằm trong cùng khu phức hợp với tượng Quan Âm. Hơn 200 nhà sư đã đăng ký tham gia chương trình cấp bằng của học viện. Giống như chùa Nam Sơn, học viện hiện đại này tồn tại được là nhờ SSSB. Từ năm 2019 đến năm 2020, ít nhất 66 triệu nhân dân tệ tài trợ của học viện đã đến từ các “tổ chức từ thiện” do SSSB kiểm soát.
Thông qua trao đổi quốc tế, Học viện Phật giáo Nam Hải hoạt động như một cơ sở nhằm lôi kéo các nhà lãnh đạo Phật giáo tuân theo tầm nhìn chiến lược của Đảng cộng sản Trung Quốc, hoạt động tuân thủ mọi chỉ thị của trung ương – cụ thể là từ Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (中国共产党中央委员会统一战线工作部, Trung Cộng Trung Hòa Nhất Chiến Tuyến Công Tác Bộ), cơ quan phụ trách tôn giáo lớn nhất Trung Quốc. Dưới thời Tập, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đã sáp nhập tất cả cơ quan phụ trách tôn giáo, giám sát từ Phật giáo, Cơ đốc giáo đến Hồi giáo. Ban này cũng điều hành các mạng lưới cung cấp thông tin trong các đền chùa, đền Hồi giáo và nhà thờ Thiên chúa giáo, hợp tác với các cơ quan an ninh để ngăn chặn ảnh hưởng nước ngoài.
Bằng cách đào tạo thế hệ “tu sĩ đỏ”, xây dựng mối quan hệ cá nhân với các trụ trì và chùa chiền có ảnh hưởng trong khu vực, sư thầy Ấn Thuận nhấn mạnh rằng Học viện Nam Hải sẽ “tạo ra một hệ thống Phật giáo được Hán hóa”, tái dựng Trung Quốc Cộng sản thành trục toàn cầu duy nhất của Phật giáo thế giới. Tương tự Trung Quốc tìm cách thống trị Biển Đông, Ấn Thuận giải thích rằng khái niệm “Phật giáo Biển Đông” của ông là một khái niệm trong đó “Phật giáo Trung Quốc là cốt lõi, lan tỏa rộng rãi” khắp khu vực và có khả năng xuất khẩu các trường phái “Phật giáo theo mô hình Trung Quốc” (Buddhism made in China).
Ấn Thuận nói, lịch sử Phật giáo của Trung Quốc, được chia sẻ với phần lớn khu vực, đã giúp Trung Quốc khẳng định những giá trị chung, hoặc thậm chí một tương lai chung, với các quốc gia châu Á, rằng “Phật giáo Biển Đông thiết lập nền tảng văn hóa cho cộng đồng có chung vận mệnh của khu vực Biển Đông”.
Để đạt được mục đích này, Ấn Thuận triệu tập họp mặt thường niên với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới, trong đó có những người đến từ Đài Loan, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Canada, được gọi là Hội nghị Bàn tròn Phật giáo Biển Đông (South China Sea Buddhism Roundtable). Được thiết kế để thúc đẩy tầm nhìn chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện này dĩ nhiên chẳng đề cập gì nhiều đến Phật giáo. Năm 2019, cựu Thủ tướng Nhật Hatoyama Yukio, người được các cơ quan ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ca ngợi, đã đưa ra bài phát biểu khai mạc hội nghị, bày tỏ ủng hộ hoàn toàn đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Các bài phát biểu của Ấn Thuận tại sự kiện Bàn tròn thường xoay quanh chính sách đối ngoại đặc trưng của Tập Cận Bình: Xây dựng một “cộng đồng cùng chung vận mệnh cho nhân loại” với Trung Quốc là trung tâm. Ấn Thuận tìm cách thực hiện tinh thần của hệ tư tưởng Tập Cận Bình bằng cách “nâng cao quyền tranh luận trong lĩnh vực tôn giáo của Trung Quốc trên trường quốc tế”. Đương sự tuyên bố rằng những người tham dự hội nghị bàn tròn đã “khẳng định rằng Biển Đông là thuộc Trung Quốc và Trung Quốc đã trở thành cốt lõi của Phật giáo thế giới”.
Điều đáng nói ở đây là Ấn Thuận vẫn có thể chinh phục được nhiều chính khách phương Tây. Một số nước xem nhân vật này như một thiền sư vĩ đại của nhân loại đương đại. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng gửi một thông điệp video tới Hội nghị bàn tròn về Biển Đông năm 2020. Ấn Thuận cũng đến Anh vào năm 2015, phát biểu tại Hạ viện và tham quan Đại học Cambridge. Học viện Nam Hải kể từ đó đã ký kết hợp tác với Cambridge để thành lập một bảo tàng kỹ thuật số về Phật giáo. Ấn Thuận cũng đến Úc vài lần. Trong một chuyến đi Úc, ông gặp tỷ phú-trùm bất động sản Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), nhà tài trợ hào phóng cho các đảng chính trị Úc và là người đứng đầu một tổ chức ủng hộ Trung Quốc sáp nhập Đài Loan.
Trên thực tế, Bộ Công an Trung Quốc không phải là cơ quan duy nhất làm việc với Ấn Thuận, cũng không phải là nơi duy nhất nuôi các nhóm tôn giáo trá hình hoạt động ở nước ngoài. Một nhóm bình phong do tình báo quân sự Trung Quốc điều hành, có tên “Hiệp hội Liên lạc Thân thiện Quốc tế Trung Quốc”, từng là nơi tổ chức “các cuộc trao đổi quốc tế” với Ấn Thuận là diễn giả. Dĩ nhiên Trung Quốc không chỉ có một Ấn Thuận. Phật giáo Trung Quốc từ lâu đã là một cánh tay của Đảng với nhung nhúc phiên bản Ấn Thuận bên trong.