Châu Phi phản đối kỳ thị chủng tộc ở Trung Quốc

Người Phi châu sinh sống và làm ăn rất đông ở Quảng Châu. AFP

H.C.

Quan chức các nước châu Phi đồng loạt phản đối công khai cách Trung Quốc đối xử kỳ thị chủng tộc với người châu Phi sinh sống ở Quảng Châu trong khi Tổng lãnh sự quán Mỹ cho biết người Mỹ gốc Phi châu cũng bị kỳ thị như vậy.

Quảng Châu (Guangzhou) là thành phố thủ phủ tỉnh Quảng Đông (Guangdong), trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Nơi đây thường xuyên có hàng trăm ngàn người Phi châu cư trú, mua hàng hóa địa phương rồi đưa về bán ở các nước Phi châu, chủ yếu là hàng điện tử, hàng gia dụng, quần áo và giày dép; họ hình thành nên một khu “Tiểu Phi châu” (Little Africa) tại quận Việt Tú (Yuexiu) của thành phố.

Nhiều người Phi châu ở Quảng Châu báo cáo với đại sứ quán và lãnh sự quán của họ rằng họ bị xua đuổi, bị kỳ thị vì cho rằng họ mang mầm bệnh coronavirus. Sáng nay thứ Bảy 11-04, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Trung Quốc đưa ra cảnh báo an ninh, nói rằng “cảnh sát Trung Quốc lệnh cho các quán bar, nhà hàng không được phục vụ cho những người có gốc gác châu Phi”, trong khi quan chức địa phương ra lệnh kiểm tra bắt buộc và tự cách ly với “bất kỳ ai có liên hệ với châu Phi.”

Thông báo của Tổng lãnh sự quán Mỹ, có nhan đề “Phân biệt đối xử chống người Mỹ gốc Phi ở Quảng Châu” nói rằng, “người Mỹ gốc Phi đã báo cáo một số doanh nghiệp và khách sạn từ chối làm ăn với họ, thậm chí bị đuổi khỏi nơi đang cư trú” và yêu cầu công dân Mỹ gốc Phi nên tránh tới Quảng Châu cho đến khi có thông báo mới.

Trung Quốc nói, sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus ở nước này gần đây là do từ nước ngoài mang vào.

Ngoài ra, cảnh sát và cơ quan y tế thành phố Quảng Châu hôm thứ Ba nói với báo chí rằng, họ có tin nói “khoảng 300.000 người da đen ở Quảng Châu dự tính kích hoạt một làn sóng dịch bệnh thứ hai”, tin này làm người dân hoảng sợ nhưng sau đó chính quyền nói đó là tin vịt.

*

Trước hiện tượng kỳ thị với công dân của mình, hầu hết các cơ quan ngoại giao châu Phi đều lên tiếng phản đối.

Đại sứ quán Sierra Leone tại Bắc Kinh hôm qua phát thông báo cho biết có 14 công dân nước này bị bắt buộc cách ly 14 ngày, và đại sứ quán đã “thông báo cho phía Trung Quốc bằng lời lẽ hết sức mạnh mẽ mối quan tâm của họ và kịch liệt tố cáo tình trạng quấy rối và lăng nhục mà các công dân Sierra Leone phải chịu”.

Trong một động thái phê phán Bắc Kinh mạnh mẽ khác thường, Chủ tich Quốc hội Nigeria – quốc gia đông dân nhất châu Phi – đưa lên mạng một video trong đó ông thúc ép Đại sứ Trung Quốc phải giải quyết vấn đề. “Cách nói của tôi không được ngoại giao lắm, nhưng vì tôi quá giận với những chuyện đang xảy ra cho đồng bào tôi”, chủ tịch Femi Gbajabiamila nói. Bộ trưởng ngoại giao Nigeria Geoffrey Onyeama cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Chu Bình Kiện (Zhou Pingjian) tới để bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” và yêu cầu Bắc Kinh phải có giải pháp ngay lập tức.

Bộ trưởng Ngoại giao Ghana triệu tập đại sứ Trung Quốc đến và lên án cách đối xử “vô nhân đạo”, thông báo của Bộ trưởng Shirley Ayorkor Botchwey cho biết.

Bộ Ngoại giao Kenya ra thông báo lưu ý “phản ứng bất công chống lại người ngoại quốc, đặc biệt là người gốc Phi châu” tại một số địa phương ở Quảng Châu. Thông báo nói Đại sứ quán Trung Quốc tại Nairobi, Kenya, đã cam kết với chính phủ Kenya rằng chính quyền Quảng Châu “đã được lệnh có hành động ngay lập tức để bảo đảm quyền lợi chính đáng của những người châu Phi liên quan”.

Chủ tịch Liên minh Phi châu (African Union, AU) Moussa Faki Mahamat nói ông đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại AU Lưu Ngọc Tỷ (Liu Yuxi) tới để bày tỏ sự phản đối.

*

Bất hòa giữa Trung Quốc và các nước Phi châu là chuyện khá bất ngờ vì từ khi dịch Vũ Hán bùng phát tới nay, châu Phi luôn ủng hộ Trung Quốc, nhất là trong thời kỳ đầu. Nhiều nước châu Phi có hàng trăm sinh viên học tập ở Trung Quốc bị rơi vào tình cảnh khốn khó khi nước này phong tỏa các thành phố đã nghe theo Bắc Kinh, không di tản sinh viên của mình mà yêu cầu họ ở lại chung tay chống dịch với người dân Trung Quốc. Lãnh đạo các nước châu Phi cũng nhiều lần công khai ca ngợi Bắc Kinh chống dịch thành công.

Thậm chí nhiều lãnh đạo châu Phi công khai ca tụng mô hình phát triển của Trung Quốc, ca tụng đầu tư của Trung Quốc vào châu lục này trong mấy năm gần đây, nhưng cũng nói rõ rằng cách đối xử kỳ thị chủng tộc với công dân của họ là không thể dung thứ.

Trước phản ứng giận dữ của các nước châu Phi, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) lên tiếng trấn an; nói nhiệm vụ cấp bách nhất của Trung Quốc là ngăn ngừa việc du nhập virus từ nước ngoài, nhưng thừa nhận đã có hiểu lầm khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

(AP)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Điểm tín dụng
Việc quản lý tiền phụ thuộc vào các con số và một vài con số 0 cũng quan trọng đối với tài chính cá nhân của bạn, như điểm tín…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: