Đằng sau vụ thanh trừng chấn động Trung Quốc

Hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình trong viện bảo tàng mới xây để kỷ niệm 100 năm đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh Kevin Frayer/Getty Images

Những kẻ đem thân khuyển mã cúc cung phục vụ cho các nhà độc tài trong cuộc tranh giành quyền lực sớm muộn cũng sẽ bị triệt tiêu vì lẽ thường tình qua cầu rút ván, hết mồi săn thì giết chó. Một ứng viên nặng ký, có hiểu biết trực tiếp về cuộc đấu tranh quyền lực lâu dài của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đột ngột bị thanh trừng và bị bắt giam, là một phần sự thực như vậy.

Hồi đầu Tháng Mười, Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), Bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền Bắc Kinh bất ngờ bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc điều tra vì tình nghi “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” – bước đầu tiên dẫn tới hàng loạt biện pháp kỷ luật, cách chức và tống vào tù. Vụ thanh trừng Phó Chính Hoa làm chấn động tầng lớp quan chức cao cấp của nước này vì Phó là cánh tay rất đắc lực của Tập trong công cuộc đàn áp những thế lực đối lập, vun đắp và củng cố địa vị tối cao của ông ta.

Lừa thầy phản bạn để thăng quan tiến chức

Phó Chính Hoa, 66 tuổi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, là một quan chức tiến nhanh trên con đường quan lộ. Trước khi đảm nhiệm chức bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông ta đã có nhiều năm lãnh đạo bộ Công An nước này. Và khi còn ở ngành công an lẫn sau này ở ngành tư pháp, ông ta là kẻ đứng sau các cuộc điều tra ở cấp cao, đẩy vô số quan chức và nhà đấu tranh vào ngục tối. Bây giờ bản thân ông ta bị thanh trừng khiến người ta nghi ngờ tính hợp pháp của các cuộc điều tra của ông ta trong quá khứ.

Phó Chính Hoa, Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc (phải), ký thỏa thuận với Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul tại Bắc Kinh tháng 11-2018. Đầu tháng này, Phó đã bị bắt giam để điều tra. Ảnh Fuat Kabakci/Anadolu Agency/Getty Images

Thành tích vang dội nhất của Phó có lẽ là vụ đẩy sếp cũ của ông ta là ông Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) vào tù năm 2013, giúp ông Tập loại bỏ đối thủ nặng ký nhất để củng cố quyền cai trị ngay sau khi ông Tập ngồi vào ghế Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc.

Trước lúc bị bắt, Chu Vĩnh Khang là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan đầu não của đảng Cộng sản và chế độ Bắc Kinh. Trong nhóm lãnh đạo chóp bu, Chu phụ trách mảng “nội chính”, chịu trách nhiệm giám sát và điều hành guồng máy các tổ chức công an, kiểm sát và tòa án của chế độ. Những ai am tường cơ cấu tổ chức của các đảng Cộng sản đều biết, người phụ trách nội chính bề ngoài chỉ giữ vị trí thứ năm thứ sáu trong nhóm chóp bu, nhưng quyền lực thì vô cùng lớn, có thể khống chế cả tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng vì lẽ bộ phận nội chính thường nắm trong tay hồ sơ bí mật về các quan chức cao cấp nhất, cả thân nhân gia đình và vây cánh của họ. Chu Vĩnh Khang cũng vậy, ông ta đã xây dựng một mạng lưới thông tin rộng lớn, cài cắm người thân tín vào các cơ quan an ninh, cảnh sát và có nhiều kênh khác nhau cung cấp cho ông ta những thông tin tình báo nhạy bén. 

Nhưng đối với vị trí lãnh đạo cao nhất, Chu không ủng hộ Tập Cận Bình mà bảo trợ cho đối thủ của Tập, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai (Bo Xilai). Và đó là điều Tập không chấp nhận được.

Sau khi Tập lên nắm quyền, Phó Chính Hoa, một điều tra viên đặc biệt nhạy bén lúc đó là Cục trưởng Cục An ninh công cộng, tức là Giám đốc sở Công an Bắc Kinh kiêm Thứ trưởng bộ Công an, được bố trí vào ban chỉ huy một đội điều tra bí mật được thành lập vào mùa Hè năm 2013 để thanh trừng Chu Vĩnh Khang. Ở cương vị đó, Phó phục vụ cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương – cơ quan điều hành chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do Tập phát động – do Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), một đồng minh lâu năm của ông Tập, hiện giữ chức Phó Chủ tịch Trung Quốc, đứng đầu.

Tháng Mười năm 2013, một năm sau khi Tập Cận Bình lên làm Tổng Bí thư và Bạc Hy Lai đã vào tù đếm kiến, Chu biết chiếc thòng lọng đã tròng vào cổ mình. Tháng Mười Hai 2013, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị nhận được báo cáo về vi phạm kỷ luật của Chu và quyết định đưa ông ta vào diện điều tra đầy đủ như một phần trong chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập chỉ huy. Chu Vĩnh Khang hiện giờ đang phải thụ án tù chung thân sau khi bị kết tội tham nhũng.

Vụ bắt giam Chu Vĩnh Khang, một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đã phá vỡ nguyên tắc bất thành văn của đảng Cộng sản Trung Quốc là không đụng tới các lãnh đạo trong Bộ Chính trị, dù đương nhiệm hay đã nghỉ hưu.

Vụ án xe Ferrari và đại hội đảng

Chống tham nhũng – thực chất là tiêu diệt các cá nhân và phe cánh đối lập – là trận đánh lớn đầu tiên và kéo dài của ông Tập và những người như Phó Chính Hoa đã góp công rất lớn vào đó. Nhưng trước khi tham gia điều tra và tống giam Chu Vĩnh Khang, Phó Chính Hoa đã có một quá trình “lập công dâng đảng” rất ấn tượng.

Phó đã ra một đòn quyết định giúp ông Tập Cận Bình nổi lên trong cuộc sắp xếp nhân sự lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc tại đại hội toàn quốc của đảng năm 2012. 

Vào rạng sáng ngày 18 Tháng Ba năm 2012, con trai 23 tuổi của Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua) đã chết tại chỗ khi chiếc Ferrari mà anh ta lái với tốc độ cao gây tai nạn ở Bắc Kinh. Hai người phụ nữ ngồi trên chiếc Ferrari được biết là hoàn toàn khỏa thân hoặc bán khỏa thân. Lúc ấy Lệnh Kế Hoạch là Chánh Văn phòng Trung ương đảng, cánh tay thân cận nhất của Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào. Bản thân Lệnh cũng háo hức tham gia Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tại đại hội toàn quốc của đảng vào cuối năm đó. Vì thế, Lệnh ra sức sử dụng quyền lực và các quan hệ với giới chức chóp bu để làm sai lệch hồ sơ, che giấu hành vi phạm tội của con trai.

Với cương vị Cục trưởng Cục An ninh công cộng Bắc Kinh kiêm Thứ trưởng Bộ Công An, Phó Chính Hoa có đầy đủ thông tin điều tra về vụ tai nạn; và thay vì chỉ công bố thông tin về tai nạn giao thông, Phó đã kết nối nó với quá trình “chạy án” của Lệnh Kế Hoạch và thủ đoạn đó đã ảnh hưởng đến tình hình chính trị trong thời gian chuẩn bị đại hội toàn quốc, nơi ông Tập được đưa lên còn Lệnh Kế Hoạch bị thanh trừng, phải vào nhà đá với bản án tù chung thân.

Vụ án Lệnh Kế Hoạch được biết đã làm cho Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), khi ấy là một “thái thượng hoàng” trong giới chính trị Trung Quốc, bất mãn với băng đảng của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo và kết quả là trong đội ngũ quan chức hàng đầu của đảng sau đại hội năm 2012, tay chân của Hồ và Ôn đã bị loại hết, thay bằng tay chân của Tập Cận Bình.

Phó cũng là người tổ chức và điều khiển vụ đàn áp lớn, chống lại hàng trăm luật sư, nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc vào Tháng Bảy năm 2015, được gọi là chiến dịch “709” – được đặt tên cho ngày 9 Tháng Bảy mà nó bắt đầu. Trong mắt những người bị bắt, Phó là một quan chức tàn nhẫn, không có tính người. Ở đâu có người bất mãn hay chống đối Tập Cận Bình, ở đó có bàn tay đàn áp của Phó Chính Hoa.

Vẫn không tránh được kiếp… “xuống chó”

Bất chấp thành tích đã được chứng minh là một quan chức cảnh sát ưu tú và cam kết trung thành với Tập, tại sao Phó không được ân sủng mà vẫn bị thanh trừng?

Tội lỗi cụ thể của Phó có thể sẽ được công bố rõ ràng sau này khi cuộc điều tra đã kết thúc; nhưng theo báo Nikkei Asia, Phó bị thanh trừng một phần do ông ta biết quá nhiều về những thủ đoạn của Tập Cận Bình trong khi ông ta chỉ là “người ngoài cuộc” chứ không phải là thành viên trong nhóm cận thần tin cậy của Tập. Dưới mắt Tập, Phó là một cán bộ có năng lực và mẫn cán  nhưng lại là một người không thể tin cậy hoàn toàn. “Không ai biết nhiều bí mật đằng sau những vụ việc lớn làm rung chuyển chính trường Trung Quốc trong những năm gần đây hơn Phó. Và điều này khiến ông ta trở nên nguy hiểm đối với ông Tập”, báo Nikkei viết.

Cũng theo báo này, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nuôi dưỡng một sự ngờ vực sâu sắc và lâu dài đối với các tổ chức cảnh sát Trung Quốc. Có ba thứ trưởng bộ Công an, kể cả Phó, hiện đã bị giam giữ kể từ nhiệm kỳ chủ tịch thứ hai của ông Tập, bắt đầu vào năm 2018. Hai người kia là Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) bị bắt giam để điều tra vào năm 2018 và Tôn Lập Quân (Sun Lijun), người bị thanh trừng vào năm 2020. 

Đáng chú ý, Mạnh Hoành Vĩ là quan chức Trung Quốc đầu tiên đảm nhiệm chức Chủ tịch của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế, thường gọi là Interpol. Mạnh bị bắt trong một lần từ trụ sở Interpol ở châu Âu trở về Trung Quốc thăm gia đình và suốt một thời gian dài Interpol không hề được thông báo, cũng không biết tung tích của Mạnh cho đến khi ông ta xuất hiện “thú tội” trên truyền hình Trung Quốc.

Mạnh Hoành Vĩ mang cà vạt đỏ, đứng bên tay phải Tập Cận Bình, khi chụp ảnh kỷ niệm hội nghị Đại hội đồng Interpol lần thứ 86 tại Bắc Kinh tháng 9 2017 trong lúc Ngoại trưởng Vương Nghị phải đứng ngoài rìa bên phải, khi ấy Mạnh là chủ tịch Interpol, còn nay ông ta đã ngồi tù. Ảnh Lintao Zhang – Pool/Getty Images

Ở cấp thấp hơn, các cục trưởng cục an ninh công cộng của Trùng Khánh và Thượng Hải cũng đã bị thanh trừng, gây chấn động mạnh trong hàng ngũ cao cấp của công an Trung Quốc. 

“Băng Chiết Giang” độc chiếm giang hồ

Những người sống sót là bạn bè và người quen mà ông Tập đã kết giao trong nhiều thập niên và có thể tin tưởng. Đó cũng là những người đã trở thành vây cánh của ông Tập trong cái gọi là “băng Chiết Giang”, đối nghịch với “băng Thượng Hải” của Giang Trạch Dân hoặc “băng Đoàn Thanh niên” của Hồ Cẩm Đào.

Đầu tiên và quan trọng nhất trong số những nhân vật này là Vương Hiểu Hồng (Wang Xiaohong), hiện là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công an. Khi còn trẻ, ông Tập đã sống nhiều năm ở tỉnh Phúc Kiến và chiêu mộ Vương ở đó. Khi Tập sang trị nhậm ở tỉnh Chiết Giang, Tập đã dẫn Vương theo rồi tiếp tục giao cho Vương các chức vụ chủ chốt ở Bắc Kinh. Sự thân quen của hai người này đã kéo dài hơn 30 năm.

Một nguồn tin ở Phúc Kiến mô tả Vương là “một trong số ít những người bạn cũ mà Chủ tịch Tập có thể thực sự tin tưởng.” Vương được cho là ứng cử viên nặng ký để trở thành bộ trưởng công an tiếp theo. 

Hồi cuối Tháng Tám 2020, Vương đăng một bài trên tạp chí của ngành cảnh sát, lên án những cán bộ mà ông ta gọi là “lưỡng diện nhân” (người hai mặt), cảnh cáo “sẽ loại bỏ triệt để” những người “bề ngoài giả vờ đi theo nhưng bí mật chống lại” và “những người khoanh tay đứng ngoài mà không tỏ rõ lập trường”. Cụm từ “lưỡng diện nhân” cũng thường xuyên được ông Tập sử dụng trong chiến dịch chống tham nhũng của mình. Phó Chính Hoa có thể là một trong những kẻ mà Vương Hiểu Hồng cho là lưỡng diện nhân, do đó phải bị thanh trừng.

Ngoài Vương, ông Tập còn hai người thân tín trong lĩnh vực nội chính. Trần Dĩ Tân (Chen Yixin), một phụ tá thân cận của ông Tập, hiện đang giữ chức Tổng thư ký Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp lý Trung ương, cơ quan giám sát các bộ phận tư pháp và cảnh sát, bao gồm cả tòa án và công tố. Và Đường Nghĩa Quân (Tang Yijun), người được chuẩn bị để kế nhiệm Phó làm bộ trưởng tư pháp. Cả Trần và Đường thuộc “băng Chiết Giang”, gồm những người từng là cấp dưới của ông Tập ở tỉnh Chiết Giang trong những năm 2000; họ cũng tạo thành cốt lõi của phe Tập. Không giống như Phó, Trần và Đường là hai thành viên thuần túy của phe Tập.

Ông Tập Cận Bình đã dành chín năm để kiểm soát hoàn toàn các tổ chức cảnh sát. Câu hỏi bây giờ là liệu cuộc đàn áp Phó Chính Hoa có đánh dấu sự kết thúc của những nỗ lực này hay không. Nhiều người trong đảng tin rằng bức màn vẫn chưa hạ xuống. “Nếu ông Tập muốn có sự an toàn chính trị hoàn hảo thì các cuộc đàn áp sẽ diễn ra mãi mãi. Không có hồi kết,” một nguồn tin Trung Quốc nói.

Đọc thêm: 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: