Hoàng đế Tập Cận Bình giá lâm!

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. (ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Việc ông Tập lãnh đạo Trung Quốc vô thời hạn sẽ phá vỡ truyền thống của Đảng Cộng sản và quay trở lại thời kỳ đế quốc Trung Hoa.

Trong hơn hai thiên niên kỷ, các hoàng đế của đế quốc Trung Hoa là tâm điểm của nhà nước và sự tôn kính của người dân, đồng thời là nhân vật chính trong hệ thống đối ngoại lấy Trung Quốc làm trung tâm. Khi đế chế Trung Quốc đang trỗi dậy trở lại, thì một vị hoàng đế mới cũng xuất hiện.

Người cai trị hiện tại của Trung Quốc, Tập Cận Bình, được nâng lên tầm vóc Hoàng đế tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 ở Bắc Kinh. Các cuộc họp chính trị này, được tổ chức năm năm một lần, để hoàn thiện đội hình lãnh đạo cấp cao của đảng, tiết lộ với quốc gia và thế giới về những người chiến thắng trong cuộc tranh giành sát ván ở hậu trường.

Một du khách đi ngang qua màn hình trưng bày những hình ảnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bảo tàng Đảng Cộng sản, vào ngày 13 Tháng Mười năm 2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Lần này, ông Tập, Tổng bí thư Đảng Cộng sản từ năm 2012 và là Chủ tịch nước từ năm 2013, được nhiều người cho là sẽ vượt ra khỏi tiền lệ hiện đại và cho phép ông có nhiệm kỳ thứ ba. Điều đó sẽ khiến Tập Cận Bình được nắm quyền cho đến năm 2027, nhưng rất có thể ông sẽ cầm quyền vô thời hạn.

Ông Tập xuất hiện trong đại hội với tư cách là nhân vật quyền lực lớn nhất trong nền chính trị Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, người trị vì gần như không bị thách thức từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, cho đến khi ông qua đời 27 năm sau đó. Tuy nhiên, sự kiện lần này giống như một lễ đăng quang hơn là một Đại hội Đảng.

Mặc dù không thể tránh khỏi sự so sánh giữa Tập và Mao, nhưng về nhiều mặt, lãnh đạo Trung Quốc giống như hoàng đế của một đế quốc hơn là một nhà cách mạng theo chủ nghĩa Mác. Mao muốn đảo ngược trật tự đã được thiết lập, cả trong và ngoài nước, và thúc đẩy những biến động chính trị và xã hội để đạt được mục tiêu của mình. Chương trình nghị sự của ông Tập gần với chương trình nghị sự của một đế quốc Trung Quốc. Ông có ý định khôi phục Trung Quốc với tư cách là cường quốc thống trị ở châu Á với cốt lõi của một hệ thống Trung tâm mới, về bản chất tương tự như vị trí mà quốc gia này đã từng nắm giữ trong khu vực dưới các triều đại phong kiến.

Di sản lịch sử lâu đời này có thể là một chỉ dẫn tốt để có thể hiểu được tham vọng chính sách đối ngoại của ông Tập. Trong nhiều thế kỷ, các triều đại Trung Quốc hình thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Đông Á. Ảnh hưởng của Trung Quốc mở rộng đến những quốc gia xa hơn thông qua thương mại. Ông Tập đang tìm cách xây dựng lại các mối quan hệ ảnh hưởng này, và ông đang sử dụng các công cụ của các hoàng đế để đạt được mục tiêu của mình. Ngay cả trong thời cổ đại, các hoàng đế Trung Quốc đã tuyên bố rằng quyền lực của họ bao trùm “toàn bộ hạ giới.” Sử dụng công nghệ của thế kỷ 21, ông Tập có cơ hội biến những lời hùng biện cổ xưa này trở thành hiện thực.

Cũng giống như các hoàng đế cổ xưa, ông Tập tin rằng nền văn minh cổ đại và những thành tựu hiện đại của Trung Quốc kết hợp với nhau để mang lại cho triều đại cộng sản đang nắm quyền hiện tại trở thành một cường quốc trên thế giới. Ông lập luận rằng “lịch sử 5000 năm huy hoàng của dân tộc Trung Quốc,” cùng với “kỳ tích” về sự phát triển nhanh chóng mà Đảng Cộng sản đạt được, “đã cho thế giới thấy một sự thật không thể chối cãi rằng chúng ta có đủ tư cách để trở thành một quốc gia lãnh đạo.”

Đế chế Trung Quốc phục sinh này đòi hỏi một chủ quyền mới. Trong hệ thống cung đình nhuốm màu Nho giáo cũ, hoàng đế đứng trên các vị vua và thủ lĩnh bình thường với tư cách là Thiên tử (con trời), người có quyền cai trị được Trời thừa nhận. Theo quan niệm lý tưởng, hoàng đế phải là người sáng suốt, công minh, có đức độ, đem lại sự hòa thuận, thịnh vượng cho quốc dân và thiên hạ.

Ngày nay, đội quân chép sử hiện đại của nhà nước Trung Quốc tô vẽ ông Tập như là một loại hoàng đế cai trị nhân từ kiểu đó. Họ trích lời ông nói rằng “tính mạng là điều tối quan trọng”. Ông Tập cũng được coi là một bậc “thánh hiền” nổi tiếng trong lịch sử, mang lại hòa bình cho thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, tuyên bố vào Tháng Tư rằng ông Tập, trong một sáng kiến ​​ngoại giao gần đây, đã đưa ra “câu trả lời cho các vấn đề của thời đại chúng ta”, đóng góp “sự minh triết của Trung Quốc cho những cố gắng của nhân loại”.

Chính sách đối ngoại của ông Tập trở nên giống chính sách của các hoàng đế hơn. Các triều đình Trung Quốc coi thế giới như một hệ thống phân cấp của các dân tộc, với Trung Quốc đứng đầu, với tư cách là một nền văn minh vĩ đại. Mối quan hệ giữa Thiên tử và các vị vua các nước khác không bao giờ có thể là bình đẳng: Các hoàng đế coi các quốc vương khác là các “chư hầu”, và các chư hầu này sẽ phải định kỳ triều cống để thừa nhận địa vị vượt trội của Trung Quốc. Bất kỳ quốc gia nào bất chấp những quy tắc nghi lễ này đều có thể bị cắt đứt giao thương và không còn được hưởng ân sủng hào phóng của hoàng gia.

Chính sách ngoại giao hiện đại của ông Tập đang thể hiện các khía cạnh của hệ thống này. Các quốc gia nào không tuân theo luật lệ như Bắc Kinh định nghĩa, sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế, không cho các doanh nghiệp của họ được tiếp cận thị trường Trung Quốc. Theo Atlantic, các nhà ngoại giao của Trung Quốc đã trình bày danh sách các yêu cầu với Hoa Kỳ và Úc, mong họ phục tùng mong muốn của Bắc Kinh thì mới có thể cải thiện quan hệ. Ông Tập đang cố gắng khẳng định các quy tắc và chuẩn mực ngoại giao của riêng mình để tái tạo trật tự toàn cầu và đặt Trung Quốc vào vị trí trung tâm.

Trong chính sách kinh tế cũng vậy, các chương trình của ông Tập lặp lại chương trình của các triều đại Trung Quốc thời cận đại. Các hoàng đế Trung Quốc rất vui khi xuất khẩu các sản phẩm cao cấp của Trung Quốc, những thứ xa xỉ như đồ sứ và trà, nhưng rất ít quan tâm đến việc nhập khẩu hàng hóa do nước ngoài sản xuất và thường yêu cầu nước ngoài trao ngoại tệ mạnh để đổi lấy.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ hai, từ trái) tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. (ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Những thay đổi chính trị sau việc đăng quang của ông Tập sẽ có ý nghĩa lâu dài đối với tương lai của Trung Quốc. Ông Tập là một hoàng đế không có người thừa kế. Như với bất kỳ chế độ quân chủ nào, điều này có thể gây ra hàng loạt âm mưu trong cung đình và sự bất mãn ngấm ngầm. Chính trị các nước cộng sản luôn thiếu minh bạch và đầy bạo lực.

Ông Tập có thể đang mở ra một kỷ nguyên thậm chí còn có nhiều tranh cãi và không chắc chắn hơn nữa, trong đó nhiều quan lại khác nhau sẽ tranh giành để trở thành người kế vị hợp pháp của hoàng đế. Việc hoạch định chính sách cũng trở nên khó đoán hơn, vì hoàng đế thời đại mới cũng như các hoàng đế ngày xưa, luôn khẳng định rằng mọi phát ngôn của Thiên tử đều có hiệu lực pháp luật. Điều này đã làm thay đổi định hướng của chính phủ Trung Quốc theo chiều hướng khiến ông Tập ít có khả năng hồi sinh thành công đế chế Trung Quốc mà ông mong muốn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: