Báo cáo dầy cộm 69 trang của tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders vừa tung ra cho biết, từ năm 2014, Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch mang mật danh Thiên Võng (Lưới Trời) để bắt và ép gần 10,000 người đào tẩu ra nước ngoài vì lý do chính trị phải trở về nước – bằng mọi giá. Chỉ riêng năm 2020, 1,421 người đào tẩu đã được “dẫn độ” về Trung Quốc.
Trong báo cáo công bố ngày 18 Tháng Một 2022, Safeguard Defenders cho biết, có ba chiến thuật được Trung Quốc áp dụng để bắt người đào tẩu trốn ra nước ngoài không còn chọn lựa nào khác là phải trở về.
Thứ nhất, giam giữ người thân của họ; thứ hai, cử an ninh mật ra nước ngoài trực tiếp đe dọa hoặc thuyết phục; và thứ ba, bắt cóc. Safeguard Defenders đã tổng hợp thông tin liên quan 62 trường hợp tại các nước Mỹ, Canada, Úc, Việt Nam, Thái Lan và Tiểu vương quốc các nước Arab Thống nhất. Theo Safeguard Defenders, trong một số vụ, mật vụ Trung Quốc đã thuê thám tử tư Mỹ để truy lùng tông tích người đào tẩu, chẳng hạn một vụ được miêu tả chi tiết ngay trong một thông cáo báo chí đăng trên website Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (hiện vẫn còn), trong đó cho thấy một cựu cảnh sát New York đã được thuê để dò tìm và hỗ trợ chiến dịch dẫn độ người đào tẩu trở về Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2019.
Trong nhiều trường hợp, công an Trung Quốc gây áp lực và hù dọa thân nhân người đào tẩu. Cụ thể, một thường trú nhân người Mỹ gốc Hoa cho biết, cha mẹ mình thường xuyên bị công an địa phương đến quấy nhiễu và thậm chí bị giam nhiều lần. Khi còn trong nước, nhân vật này trở thành cái gai của công an khi nhiều lần lên mạng đặt nghi vấn về con số thực sự những người Trung Quốc bị chết sau một cuộc đụng độ biên giới với Ấn Độ. Cảm thấy tính mạng bị đe dọa, cuối cùng đương sự trốn khỏi đất nước. Safeguard Defenders cho biết thêm, nhóm đối tượng bị “Lưới Trời” vây bắt nhiều nhất là người Duy Ngô Nhĩ. Gần như tất cả đều bị bắt cóc ở địa điểm công cộng, khách sạn hoặc thậm chí nhà riêng – tại các nước Myanmar, Việt Nam, Thái Lan và Tiểu vương quốc các nước Arab thống nhất. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc mua chuộc được cảnh sát địa phương để trợ giúp, chẳng hạn những vụ cảnh sát Ai Cập phối hợp vây bắt người Duy Ngô Nhĩ.
Những thủ tục pháp lý chính thức của tiến trình dẫn độ theo luật quốc tế chẳng hề tồn tại. An ninh Trung Quốc cứ thế vây thộp đối tượng trong danh sách mục tiêu rồi đưa “về nhà”… Sau khi trốn đến Canada, Xie Weidong, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Trung Quốc, liên tục công khai chỉ trích hệ thống tư pháp hình sự Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc viết rằng đương sự mắc tội rất nặng với nhân dân: Tham nhũng. Tuy nhiên, tội lớn nhất của Xie Weidong là vạch trần sự thối nát tham nhũng trong bộ máy tư pháp Trung Quốc. Sau nhiều lần tiếp cận thuyết phục ông này “tự nguyện” về nước nhưng luôn bị từ chối, an ninh Trung Quốc bắt ép chị/em gái rồi con trai của ông ta về Trung Quốc. Người vợ cũ cũng được an ninh mò đến để giúp “cảm hóa” đương sự…
Tương tự, cuối năm 2014, mật vụ Trung Quốc cũng tiếp cận và ép buộc Dong Feng trở về nước. Là tín đồ giáo phái Pháp Luân Công, Dong trốn đến Úc tỵ nạn chính trị. Ngày nọ, tại Melbourne, Dong được an ninh Trung Quốc mò đến, đặt điều kiện trở về quê hương. Tuy nhiên, Dong nhất quyết từ chối… Dong Feng và Xie Weidong nói ở trên là những trường hợp may mắn. Nhiều người đào tẩu khác đã bị bắt cóc.
Nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc Dong Guangping từng ngồi tù ba năm ở Trung Quốc với tội danh “kích động lật đổ nhà nước” vào đầu những năm 2000 và sau đó bị giam thêm tám tháng vào năm 2014. Năm sau, 2015, Dong Guangping trốn sang Thái Lan, nơi ông được UNHCR cấp quy chế tị nạn chính thức. Khi đang sống tạm trong một trại nhập cư ở Thái Lan chờ ngày được đưa đi định cư chính thức ở Canada, Dong Guangping bị bắt “nóng”: Công an Trung Quốc xông thẳng vào trại, còng nạn nhân trước mặt nhà chức trách Thái rồi đưa đương sự đi. “Về nhà”, Dong bị nhốt ba năm và chỉ được thả vào năm 2019.
Về mặt công luận, Trung Quốc thật ra không giấu giếm về cái gọi là “chương trình Lưới Trời”, được báo chí nước này miêu tả là chương trình an ninh quốc gia nhắm vào tội phạm kinh tế hoặc bọn tham quan ô lại “hủ hóa biến chất”. Tuy nhiên, như điều tra của Safeguard Defenders, đối tượng “Lưới Trời” còn là những người bất đồng chính kiến và giới hoạt động nhân quyền: Chẳng hạn nhà báo Li Xin bị bắt cóc ở Thái Lan, nhà hoạt động Tang Zhishun bị bắt cóc ở Miến Điện…
Bất luận thế nào, có thể thấy một điều rằng gián điệp và mật vụ Trung Quốc đang được tung ra nhan nhản thế giới. Như thuật ở trên, trong nhiều trường hợp, chúng được phối hợp chặt chẽ với an ninh sở tại. Trong báo cáo Safeguard Defenders, có nhắc đến Việt Nam. Dù báo cáo không nói rõ trường hợp cụ thể nào và đối tượng nào bị bắt ở Việt Nam nhưng chắc chắn một điều rằng công an Việt Nam là công cụ đắc lực và nhiệt tình nhất trong việc hỗ trợ Trung Quốc. Bản thân mật vụ và công an Việt Nam cũng chẳng lạ gì nghề bắt cóc. Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ.